Thương cháu ngoại nên "quên" ... cháu nội

Chia sẻ

Mang tâm lý thương con khó hơn con có, một số mẹ chồng vô tình khiến con dâu, cháu nội bị tổn thương khi thiên vị, ứng xử thiếu công bằng so với con gái và cháu ngoại, chỉ vì họ khó khăn hơn.

Cô con dâu mang tâm sự thổ lộ với người ngoài rằng mẹ chồng sống luôn thiên vị cháu ngoại hơn cháu nội. Từ lúc nào, bà luôn có suy nghĩ tìm cách đền bù cho cháu ngoại cả về tinh thần lẫn vật chất và “bỏ quên” đứa cháu nội đang sống bên cạnh.

So về tuổi tác, cô và em chồng cùng trang lứa, nhưng mỗi người làm dâu trong hoàn cảnh khác nhau. Sinh ra trong gia đình khá giả, khi lấy chồng, cô vẫn được bố mẹ chu cấp thêm vật chất để cuộc sống thoải mái hơn. Vì vậy, mẹ chồng cô luôn nhìn thấy sự sung sướng của con dâu trong cuộc sống hàng ngày.

Ngược lại, cô em chồng làm dâu trong gia đình kinh tế eo hẹp, cuộc sống lúc nào cũng phải chắt bóp, tùng tiệm. Mẹ chồng thương con gái, lúc nào cũng chỉ nhìn thấy sự khó khăn và cố gắng bù đắp. Là chị dâu, cô thông cảm với em chồng, chẳng nỡ so bì tính toán mỗi khi mẹ chồng bảo anh chị phải hỗ trợ, giúp đỡ em. Thế nhưng khi những đứa cháu ra đời, sự phân biệt đối xử của bà giữa cháu nội và cháu ngoại khiến cô bất bình.

Thương cháu ngoại nên (Ảnh: Minh họa)

Ngày cô sinh con, mẹ chồng phó mặc cho nhà ngoại, vì cho rằng họ có điều kiện kinh tế hơn nên "có trách nhiệm" chăm con, nuôi cháu khi ở cữ. Vì vậy, bà nội lên đón cháu từ phòng sinh ra rồi “khoán trắng” luôn cho bà ngoại. Lúc ấy, tâm lý cô cũng muốn mẹ đẻ phục vụ nên chẳng để ý tới sự “khoán trắng” của mẹ chồng. Sau ba tháng ở cữ nhà ngoại, hai mẹ con trở về nhà nội mới cảm nhận rõ sự thương “con khó” thờ ơ với “con có” của mẹ chồng. Thấy cháu nội sinh ra đầy đủ, sung sướng, mẹ chồng cô càng muốn bù đắp cho cháu ngoại nhiều hơn.

Mỗi lần cô sắm sửa đồ dùng cho con, mẹ chồng đề nghị cô mua thêm cho cháu ngoại. Ban đầu, thương cháu, cô vô tư mua tặng. Nhưng dần dần, mẹ chồng lại xem việc đó là trách nhiệm của con dâu. Cô mua đồ mới cho con mà không mua thêm cho cháu là bà lại tỏ ý không vui, gán “tội” cho con dâu keo kiệt với cả đứa trẻ con. Nhiều lần, cô phát hiện mẹ chồng tự ý lấy của cháu nội mang cho cháu ngoại. Nếu cô hỏi, bà thản nhiên bảo cháu nội dùng không hết thì san sẻ cho cháu ngoại.

Những đứa trẻ lớn dần lên, khi cháu nội có ý thức giữ đồ của mình còn cháu ngoại so bì đòi hỏi, cuộc chiến giữa bà và cháu, mẹ chồng và con dâu mới thật sự bắt đầu. Con gái cô rất giữ gìn những món đồ kỷ niệm của ông bà ngoại tặng mỗi dịp sinh nhật, ngày lễ và không muốn chia sẻ hay tặng cho em họ. Bởi với con bé, ngoài ý nghĩa vật chất, những món đồ đó còn có ý nghĩa tinh thần rất lớn. Nhiều lần, con gái cô đồng ý cho, tặng em họ những món đồ không thuộc nhóm quà tặng kia, và kiên quyết không chia sẻ món đồ mà nó cho là quan trọng với mình.

Thế nhưng bà nội lại không đồng quan điểm đó. Nhiều lần, bà tự tiện lấy đồ của cháu nội cho cháu ngoại bất chấp sự phản đối của nó. Nếu cháu nội phản ứng thái quá, bà quát mắng lại, bảo “giàu mà keo kiệt giống mẹ mày”. Cũng chính vì nghĩ cháu nội đủ đầy nên bà chưa từng mua quà tặng cháu, thậm chí nếu vợ chồng cô ý tứ nhắc khéo thì bà mắng lại sao phải bày vẽ thêm cho… lãng phí. Trong khi với cháu ngoại, bà vừa mua tặng công khai, vừa giấu giếm cho thêm. Hậu quả là con bé nảy sinh tâm lý ghét bà nội và em họ từ lúc nào không hay.

Làm mẹ, cô bất bình cho con nên đôi lần nói về sự thiên vị yêu ghét của mẹ chồng đối với cháu nội, cháu ngoại. Dù sinh ra trong hoàn cảnh nào, những đứa trẻ vẫn cần sự công bằng trong tình yêu thương của ông bà. Thương cháu ngoại khó khăn, bù đắp thêm cho cháu là điều nên làm. Nhưng nó không có nghĩa, cháu nội có điều kiện sống sướng hơn thì không được nhận tình yêu thương của bà giống như cháu ngoại. Ngỡ bà nghe rồi thông tư tưởng, ai ngờ mắng lại con dâu giàu không biết dạy con thương kẻ nghèo. Cứ thế chuyện trẻ con thành chuyện người lớn.

Hôm qua sinh nhật con bé, nó ngồi đếm số quà kỷ niệm của bà ngoại mua tặng cho, rồi quay sang bảo mẹ “con chỉ mong một ngày nào đó, trong tủ đồ lưu giữ kỷ vật của con có một món quà bà nội tặng mẹ ạ”. Cô nghe xong mà mắt cay xè. Bao giờ mẹ chồng mới hết quan niệm “thương con khó, bỏ quên con có” để đứa cháu nội không mang tâm trạng tủi hờn như bây giờ.

NGUYỄN LINH AN

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.
Cây hạnh phúc nở hoa

Cây hạnh phúc nở hoa

(PNTĐ) - “Em nấu cơm xong chưa, tối nay anh có hẹn, nhà ăn sớm để anh đi sớm”. Thắng, chồng cô vừa dứt lời thì Thảo bỗng thấy bao nhiêu ấm ức bùng lên.
Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

(PNTĐ) - “Chồng ngã vợ nâng, đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại…” là phương châm sống của một số người chồng, người vợ bị bạn đời phản bội. Họ hi vọng, với sự vị tha, độ lượng của mình sẽ thức tỉnh người u mê, lầm lỗi, cho họ một lối về tránh gia đình đổ vỡ. Tuy nhiên, không phải người chồng, người vợ nào cũng biết thức tỉnh trước sự vị tha của người bạn đời.