Tổng Giám đốc NIJI Group Lê Nguyễn Nhật Linh:

Tình yêu thương và lòng tử tế sẽ thúc đẩy sự thành công

TRÂM ANH
Chia sẻ

(PNTĐ) -9x Lê Nguyễn Nhật Linh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH NIJI Group là một doanh nhân, một nhà thiết kế, đồng thời cũng là nhà đầu tư khởi nghiệp trong lĩnh vực giáo dục khai phóng. Từ đúc kết trong quá trình học hỏi lẫn nuôi dạy con, Linh tin rằng, giáo dục khai phóng sẽ giúp những đứa trẻ phát triển toàn diện. Và cũng từ tình yêu với những đứa trẻ, qua sự kết nối của báo Phụ nữ Thủ đô, vừa qua, tại Ngày hội Chắp cánh ước mơ do Hội LHPN Hà Nội tổ chức, Linh đã nhận đỡ đầu 5 em nhỏ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn.

Trò chuyện của Linh với Phụ nữ Thủ đô về quan điểm giáo dục trẻ và lẽ sống tử tế trong đời.

Đầu tiên, xin được chúc mừng và cảm ơn Nhật Linh đã trở thành mẹ đỡ đầu của 5 em nhỏ mồ côi, qua sự kết nối của báo Phụ nữ Thủ đô. Cảm xúc của Linh khi trở thành mẹ đỡ đầu của 5 em nhỏ? 

Cảm xúc đầu tiên đó chính là sự biết ơn. Tôi rất biết ơn lời mời hợp tác, kết nối của báo Phụ nữ Thủ đô, cơ quan ngôn luận của Hội LHPN Hà Nội - một tổ chức chính trị xã hội uy tín và có tầm ảnh hưởng sâu rộng. Với tôi, làm mẹ đỡ đầu cho 5 em nhỏ lần này không đơn giản là một việc làm từ thiện, một sự bảo trợ, giúp đỡ người kém may mắn hơn mình về mặt vật chất, mà nó còn khiến tôi thấy nhẹ nhõm vì đã lan tỏa, tạo cảm hứng tích cực đến nhiều người hơn. Đây cũng không phải lần đầu tiên tôi làm mẹ đỡ đầu. Tôi đã có 7 năm nuôi ăn học, trao học bổng cho trẻ em vùng cao và trẻ em khó khăn trên địa bàn Hà Nội.

Cảm xúc tiếp theo đọng lại sâu sắc là sự xúc động. Tôi vẫn nhớ kể từ lúc chương trình bắt đầu với những tiết mục văn nghệ ngợi ca tình mẫu tử, nói về sự hồn nhiên, trong sáng của trẻ thơ, tôi đã thấy rất nghẹn ngào. Rồi khi tôi bước lên sân khấu, thấy các con của mình bước ra, nhỏ xíu, cổ tay gầy guộc, da rám nắng đen, tôi càng thương xót. Các con còn nhỏ mà đã sớm chịu cảnh mồ côi đơn độc. Nhưng thật may, nhờ Báo Phụ nữ Thủ đô vì giờ đây các con đã có thêm điểm tựa, tình yêu thương không chỉ là vật chất mà còn là tinh thần đến từ nhiều nhà hảo tâm thiện nguyện. Tôi tin rằng, tình yêu thương sẽ giúp các có thêm động lực để sống tốt và trưởng thành. Ngoài tôi ra, rồi sẽ có nhiều những người phụ nữ giàu lòng nhân ái mong muốn được trở thành mẹ đỡ đầu, được gánh thêm trách nhiệm chăm sóc, bảo ban một đứa trẻ kém may mắn khôn lớn.

Tình yêu thương và lòng tử tế sẽ thúc đẩy sự thành công  - ảnh 1
Nữ Tổng Giám đốc Lê Nguyễn Nhật Linh

Chị quan niệm thế nào về làm từ thiện?

Là một doanh nhân, tôi nghĩ thế này. Nếu kinh doanh mà coi tiền bạc là thứ duy nhất cần có được, từ đó chấp nhận mua bán sản phẩm kém chất lượng, giá rẻ mạt, để bất chấp bán được hàng, đạt được mục tiêu doanh số và nhờ quảng cáo “đánh bóng” sản phẩm lên quá mức, thì cũng đến một ngày khách hàng từ bỏ sản phẩm của mình, quay lưng với doanh nghiệp của mình… Kinh doanh ưu tiên kiếm tiền trên cả việc đưa đến lợi ích cho khách hàng không phải kinh doanh bền vững.

Cũng như vậy, là một người mẹ, là một công dân có trách nhiệm với xã hội, tôi tin rằng, làm từ thiện không phải là đưa tiền cho những hoàn cảnh kém may mắn hơn mình, để được khen ngợi, mà đó là sự chia sẻ xuất phát từ tấm lòng, để tạo nên một vòng tròn tử tế. Khi bạn giúp đỡ một người, một em nhỏ, hay như các con hôm nay nhận được sự đỡ đầu, sự giúp đỡ của cả cộng đồng, rồi lớn lên các con tiếp tục trở thành những người tốt và đóng góp lại cho xã hội đã từng nâng đỡ các con, đó chính là vòng tròn tử tế. Khi vòng tròn tử tế ấy ngày càng rộng lớn và vững chãi, thì chắc chắn xã hội sẽ phát triển bền vững.

Vậy nên, đích đến của kinh doanh, cũng giống như làm từ thiện, đó là hạnh phúc. Sự cho đi phải được chính mình cảm thấy thật nhẹ nhõm, thanh thản.

Đó là lý do khi thành lập NIJI Group, tôi đồng thời cũng thành lập Quỹ NIJI. Quỹ NIJI là quỹ đầu tư phát triển kinh doanh đa ngành, hoạt động thiện nguyện và thúc đẩy các giá trị văn hoá, nghệ thuật từ lợi nhuận kinh doanh của doanh nghiệp NIJI.

Quỹ sẽ có rất nhiều các hoạt động thiện nguyện, một trong số đó hướng đến bảo trợ trẻ em khó khăn bởi các học bổng đến trường, hạnh phúc khoẻ mạnh và nuôi dưỡng ước mơ.  

NIJI mong muốn tác động tích cực đến xã hội thông qua các hoạt động cộng đồng, thiện nguyện, phát triển văn hoá nghệ thuật.  Và trong tương lai gần, NIJI rất mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác, đồng hành của tổ chức Hội LHPN Hà Nội và Báo Phụ nữ Thủ đô.

Chị đã nhiều lần nhắc đến giáo dục khai phóng? Vậy theo chị giáo dục khai phóng là gì và sẽ giúp gì cho sự phát triển của những đứa trẻ?

NIJI Group  là doanh nghiệp đầu tư đa ngành, trong đó có một dự án phát triển tư duy từ mô hình giáo dục khai phóng với mong muốn lan tỏa mạnh mẽ những khao khát: học hỏi tri thức, nâng cao tư duy, phát triển bản thân đến nhiều người hơn. Sự học hỏi không chỉ là trí tuệ cần hiểu biết sâu rộng hơn mà mọi người cần phải phát triển cân bằng cả thân - tâm - trí: sức khoẻ, tâm hồn, trí tuệ. Sự phát triển tư duy này không chỉ dừng ở trẻ em mà quan trọng là thay đổi những quan điểm, nhận thức của cha mẹ trong quá trình nuôi dạy con.

Tình yêu thương và lòng tử tế sẽ thúc đẩy sự thành công  - ảnh 2
Lê Nguyễn Nhật Linh trao quà và kinh phí đỡ đầu cho 5 con mồ côi qua sự kết nối của báo Phụ nữ Thủ đô

Giáo dục khai phóng với tôi là không giới hạn của sự học, không có định kiến của sự học. Sự học là một hành trình mà mỗi con người nên duy trì cả cuộc đời, sự học cũng giống như một đại dương rộng lớn và khi chúng ta tự khai phóng tâm thức chúng ta sẽ không bó hẹp, gò ép hay kết thúc sự học của chính mình. Bởi vì không chỉ kiến thức trường lớn sách vở, cuộc đời là một hành trình bất tận có thể khám phá và học hỏi vô số giá trị ý nghĩa. 

Được biết, chị đã có một thời gian theo học tại Nhật Bản, và chị cũng là nhà văn bestseller từ những trải nghiệm của mình viết 2 cuốn sách: “Nín đi con” và “Đến Nhật Bản học về cuộc đời” được nhiều độc giả yêu thích. Chị có thể chia sẻ thêm suy nghĩ về những năm tháng trải nghiệm nơi xứ người để trưởng thành?

Tôi có nhiều duyên nợ với đất nước Nhật Bản, và cũng học hỏi, trưởng thành từ nền văn hóa, giáo dục và con người nơi đây. Nhưng không chỉ Nhật Bản, ở bất cứ nơi đâu chúng ta cũng có thể và cần thiết để học về cuộc đời, đi sâu để hiểu thấu lòng người, phải trái đúng sai của sự việc, đi nhiều hơn để nhìn nhận tốt xấu của vấn đề… Và nếu có thể hãy giữ cho đôi mắt mình trung lập, nhìn mọi thứ đúng như nó là.

Theo tôi, trong xã hội càng hiện đại càng có những thử thách, cạm bẫy. Nhưng thay vì chùn bước, sợ hãi trước những “phép thử” của cuộc đời, chúng ta có thể trải nghiệm những điều đó để thấy, để nghe, để biết và nhận ra nhiều bài học giá trị của cuộc sống, rằng sự tử tế luôn hiển hiện quanh ta, rất nhiều!

Trân trọng cảm ơn chị!

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Những kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em mà cha mẹ cần dạy cho con

Những kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em mà cha mẹ cần dạy cho con

(PNTĐ) - Dạy trẻ kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em là việc mà bất cứ bậc phụ huynh nào cũng nên thực hiện càng sớm càng tốt để đảm bảo an toàn cho trẻ. Rất nhiều vụ việc cáo buộc xâm hại trẻ em đã xảy ra có lẽ là hồi chuông cảnh tỉnh cho rất nhiều bố mẹ và toàn thể xã hội về vấn nạn này.
Chị chồng ở nhà bên

Chị chồng ở nhà bên

(PNTĐ) - Căn hộ nhà chị Huyền ngay sát vách, mẹ chồng bảo: "Vợ chồng trẻ ở gần chị gái, tiện nhờ cậy nhau". Lúc đó, Linh thấy hợp lý, nhưng sống gần nhau rồi cô mới thấy nhiều điều phức tạp.
Nhà có hai con gái

Nhà có hai con gái

(PNTĐ) - Ngày đó, khi sinh ra chị Bơ là con gái, mẹ đã thầm nghĩ: “Không sao, vẫn còn... 1 suất sinh nữa”. Nhưng đến khi có thêm em Bắp cũng là... con gái, thì mẹ từng cảm thấy hụt hẫng trong lòng.
Giải mã “cơn sóng ngầm” tội phạm trẻ

Giải mã “cơn sóng ngầm” tội phạm trẻ

(PNTĐ) - Gần đây, không ít gia đình phải đối diện với “cơn sóng ngầm” đầy thách thức: Tình trạng trẻ em phạm tội ngày càng trẻ hóa và diễn biến phức tạp, gióng lên hồi chuông cảnh báo về những vết rạn trong mối quan hệ gia đình, đặt ra bài toán cấp thiết về trách nhiệm định hướng, chở che con trẻ trước những vấp ngã nhỏ có nguy cơ trở thành những hệ lụy khôn lường.
Con cái là khoản đầu tư “lỗ” của cha mẹ

Con cái là khoản đầu tư “lỗ” của cha mẹ

(PNTĐ) - Diễn đàn “Trẻ cậy cha, già cậy ai?” nhận được nhiều ý kiến trái chiều cho rằng, trong xã hội hiện đại, cả cha mẹ và con cái nên thay đổi quan niệm cha mẹ về già phải cậy con, mà hãy nên chủ động tương lai, chuẩn bị cuộc sống tự do, tự tại, dành một khoản tiền để dưỡng già, bởi con cái cũng phải lo tương lai của chúng.