Trả lương... cho vợ ở nhà nội trợ

BẢO NAM
Chia sẻ

(PNTĐ) - Nhà chồng chị có “truyền thống” đàn bà ở nhà nội trợ, chăm sóc con cái, đàn ông lo việc kiếm tiền. Vậy nên, cưới xong, chị phải nghỉ việc lui về hậu phương. Nhưng từ khi cô em dâu út xuất hiện, quy tắc “truyền thống” của gia đình chồng bị… phá vỡ.

Cô con dâu út… “rạch giời rơi xuống”

 Em trai út của chồng lấy vợ, bố mẹ chồng thở phào nhẹ nhõm vì trách nhiệm dựng vợ gả chồng cho con cái đã xong. Trước đó, ông bà phải thúc giục mãi, cậu con trai út 36 tuổi mới chịu cưới vợ. Người vui thứ hai trong gia đình là chị - cô con dâu cả lâu nay vẫn nặng gánh việc nhà chồng. Chị nghĩ, có thêm cô em dâu út ở nhà nội trợ sẽ phần nào san sẻ khối lượng việc nhà chồng lâu nay một mình chị còm cõi thực hiện. Dù chẳng sống chung, nhưng mỗi khi nhà bố mẹ chồng có việc gọi về, hai chị em mỗi người một tay thì sẽ nhanh hơn.

Nghĩ là vậy, nhưng niềm vui chưa kịp đến thì chị hụt hẫng khi nghe mẹ chồng than thở: “Thằng út lấy phải con vợ “rạch giời rơi xuống” rồi, nó chẳng chịu ở nhà nội trợ theo “truyền thống” của gia đình mình. Rồi thì, nó bảo nếu mà ở nhà nội trợ, chồng phải trả lương hàng tháng cho nó”.

Chuyện “chồng trả lương thì vợ mới chịu ở nhà nội trợ” của con dâu út không chỉ khiến nội bộ nhà chồng chị náo loạn, mà còn khiến họ hàng “dậy sóng” theo. Họ nói, vợ chú út sinh ra trong gia đình buôn bán có khác, cái gì cũng quy ra tiền bạc, mặc cả trả giá ngay từ đầu. Trong gia đình, mỗi người một việc, chồng kiếm tiền thì vợ ở nhà nội trợ là đương nhiên. Lấy đâu ra cái chuyện, vợ lại đòi chồng trả lương bao giờ. Nếu trả lương như thế thì khác gì thuê giúp việc.

Mặc mọi người bàn ra tán vào, em dâu út vẫn một mực bảo với chị rằng nếu chồng cô không trả lương thì cô sẽ đi làm. Bởi cô sẽ không làm một bà nội trợ ở nhà ăn bám chồng, trong khi cô đang có năng lực kiếm tiền chẳng thua ai. Hiện nay, thu nhập của cô mỗi tháng 15 triệu đồng, cộng với tiền thưởng năng suất kinh doanh tháng nào đạt cao cô có thể được nhận từ 20-25 triệu đồng. Nhưng, ở nhà làm nội trợ, cô chỉ yêu cầu chồng mỗi tháng trả lương cho mình 8 triệu đồng. Số tiền này cô đang lấy mốc thu nhập của người giúp việc bên nhà bố mẹ đẻ cô, và bằng 1/4 số tiền lương của anh. Ngoài ra, hàng tháng anh còn có trách nhiệm đưa tiền sinh hoạt phí để cô chi tiêu trong gia đình.

Trả lương... cho vợ ở nhà nội trợ - ảnh 1
Ảnh minh họa

 Mẹ chồng chị không hài lòng với cách ứng xử của con dâu út. Bà lấy chị ra làm ví dụ để con dâu út “noi theo”; rằng 11 năm nay, chị ở nhà làm nội trợ nhưng không đòi lương chồng một đồng nào, lại còn trở thành tay hòm chìa khóa trong gia đình. Bà còn phân tích, nhờ chị ở nhà làm nội trợ nên chồng mới yên tâm đi kiếm tiền, gia đình trọn vẹn cả hai mặt. Con cái được chăm sóc kỹ lưỡng, việc nhà được quán xuyến đâu ra đấy, chồng rảnh tay nên có động lực kiếm tiền nhiều hơn. Vì thế mà lâu nay, vợ chồng luôn sống cảnh sung túc.

Thế nhưng, mặc mẹ chồng nói đủ lý lẽ, dùng đủ quyền hành để “dạy dỗ”, con dâu út vẫn ra điều kiện với chồng. Nếu không thì họ sẽ đường ai nấy đi. Cuối cùng, nhà chồng cô bị đẩy vào thế “ trời chẳng chịu đất thì đất phải chịu trời”. Em dâu út ở nhà làm nội trợ và được nhận lương hàng tháng từ chồng.

Cuộc cách mạng của con dâu cả

Từ ngày có em dâu út, việc nhà chồng của chị đúng là được san sẻ phần nào, nhưng nó cũng khiến chị nhận thấy rõ ranh giới giá trị của hai người con dâu trong mắt nhà chồng.

Lâu nay, chị ở nhà nội trợ, mang tiếng là giữ tay hòm chìa khóa nhưng đi liền với đó là trách nhiệm phải “quyết toán”, “giải trình” các khoản chi tiêu hàng tháng rõ ràng với chồng. Chồng chị đưa hết lương về cho vợ quản nhưng anh cũng vạch rõ “định mức” chi tiêu trong gia đình là bao nhiêu, khoản nào dành tiết kiệm để mua nhà, mua xe, khoản nào phòng khi ốm đau. Chị phải cân đối theo ý anh, mua bán trong gia đình hàng tháng phải “cân não” để tính toán cho đủ, nếu dư một ít chị có điều kiện sắm sửa cho cá nhân. Nếu không, mỗi lần muốn mua sắm gì chị cũng phải ghi vào sổ phát sinh chi tiêu. Cuối tháng, chồng nhìn vào đó, lúc vui thì anh cho qua, lúc tâm trạng không tốt, anh dằn hắt vợ không làm ra tiền nên không biết nỗi khó nhọc của chồng. Chị vì thế mà nhìn sắc mặt chồng để chi tiêu.

Nhìn ở góc độ tích cực, sự tính toán chi li rạch ròi của anh giúp tài chính gia đình luôn ổn định. Họ đạt được mục đích mua nhà, mua xe như dự định. Nhưng chẳng hiểu sao, sống trong sự sung túc ấy, chị vẫn thấy không thật sự hạnh phúc. Nếu nói ra, nhiều người sẽ bảo chị sướng quá hóa rồ nên chẳng biết tâm sự cùng ai.

Ngày lễ ngày Tết, chị muốn mua quà biếu bố mẹ hai bên đều phải thông qua chồng vì muốn mua theo ý mình cũng không được. Chồng bận thì việc mua quà biếu bố mẹ cũng chậm theo. Từ ngày có em dâu út, mẹ chồng ban đầu không ưa cô bởi hành động “đòi chồng trả lương”. Nhưng dần dần, chị thấy mẹ chồng đã thay đổi thái độ với em dâu út. Thỉnh thoảng, em dâu út đón mẹ chồng đi mua sắm, chủ động mua tặng bà lúc món này, lúc món nọ. Ngày lễ Tết, quà biếu bố mẹ chồng của vợ chồng em trai luôn đến trước quà của anh chị.

Mỗi khi nhà chồng có việc, em dâu út lại phá cách bằng việc xung phong đặt một món ăn bên ngoài về để thay đổi khẩu vị, và giải phóng sức lao động nấu nướng cho hai chị em dâu. Món ăn đó, em dâu không tính vào chi phí của bữa ăn hôm đó, bảo vợ chồng em “khao” cả nhà nhân dịp có sự kiện gì đó mới mẻ. Sau này, chị mới biết đó là cách nói khéo của em dâu để mẹ chồng vui vẻ chấp nhận, không soi xét việc cô không làm trực tiếp mà đặt đồ ăn từ ngoài về. Tuy nhiên, điều đó lại khiến mẹ chồng chị hài lòng, yêu mến và gần gũi em dâu út nhiều hơn. Và ở chiều ngược lại với chị, mẹ chồng cũng đã ngầm có sự so sánh, thấy phong cách sống của chị có phần chẳng “rộng rãi” bằng em dâu.

Trả lương... cho vợ ở nhà nội trợ - ảnh 2
Ảnh minh họa

Em dâu út bảo với chị, sở dĩ cô làm được như thế là do có tài chính riêng nên chủ động chi tiêu theo ý mình. Tài chính riêng mà em dâu út nói đến chính là khoản lương mà cô buộc chồng phải trả hàng tháng cho mình. Vì thế dù ở nhà nhưng cô vẫn thoải mái trong việc quyết định chi tiêu các khoản cá nhân mà không phụ thuộc vào chồng. Cô cũng chẳng mang tiếng ăn bám để rồi sống co mình tự ti dưới cái bóng của chồng.

 Chị ngẫm nghĩ, cũng là phận làm dâu, ở nhà nội trợ, chăm sóc con cái như nhau, nhưng sao em dâu út lại được sống trong một tâm thế khác, được quyết định theo ý mình, được chồng tôn trọng và đáp ứng mọi nhu cầu. Trong khi với chị, lúc nào cũng phải sống theo sự chỉ đạo của chồng, chẳng có quyền quyết định mọi vấn đề trong gia đình, việc gì cũng chờ chồng gật đầu rồi mới dám làm.

Đêm khuya, chị lướt facebook thấy em dâu đăng ảnh món quà tự mua để thưởng cho mình nhân dịp 20/10 mà không cần đợi đến ngày chồng tặng cho mới có, chị bỗng trào dâng cảm giác tủi thân. Rồi, chị thấy mình phải thay đổi, bắt đầu từ việc nâng cao quyền quyết định của mình trong gia đình. 

- Từ tháng sau, trong khoản lương anh đưa về cho em quản lý, em sẽ trích 5 triệu đồng làm “quỹ riêng” để chi tiêu các khoản cá nhân. Em thông báo để anh biết, đỡ thắc mắc sao khoản phát sinh trong sổ chi tiêu của gia đình lại đột ngột tăng thêm. Nếu anh không đồng ý thì hãy học em trai trả lương vợ hàng tháng - chị nói với chồng.

 Chồng chị ngạc nhiên tột độ bởi đây là lần đầu tiên chị đưa ra một ý kiến mang tính quyết định việc đã rồi thay vì để “xin ý kiến” của anh như thường lệ. Anh định dùng quyền hành để phủ đầu lại vợ, nhưng ngữ điệu nhấn mạnh của chị trong câu “hãy học em trai trả lương cho vợ hàng tháng” khiến anh chững lại. Hóa ra, không phải chỉ có chị nhận ra sự thay đổi thái độ có phần yêu thương hơn của mẹ chồng đối với vợ chồng em trai út trong cách ứng xử chủ động quyết định mọi việc của em dâu. Có lẽ, đã đến lúc chuyện “trả lương” cho vợ khi ở nhà nội trợ của gia đình anh nên trở thành việc làm “truyền thống”.

Tin cùng chuyên mục

Những phụ nữ để nỗi buồn ở lại phía sau

Những phụ nữ để nỗi buồn ở lại phía sau

(PNTĐ) - Lấy chồng nhưng chồng lại không may qua đời sớm, để lại mình và đàn con thơ giữa dòng đời. Những tưởng nỗi đau quá lớn ấy sẽ khiến những phụ nữ trẻ gục ngã. Nhưng rồi, họ đã tiếp tục đứng dậy, để nỗi buồn ở lại phía sau và bình tâm dắt tay con bước về phía trước.
Mất cả chì lẫn chài

Mất cả chì lẫn chài

(PNTĐ) - Lo sợ bạn đời ngoại tình, muốn theo dõi để “vạch mặt” kẻ phản bội... là những lý do để một số người tìm mua app theo dõi tin nhắn, zalo, nghe lén điện thoại của bạn đời. Phần mềm này được một số người bán ngụy trang dưới cái tên khá mĩ miều là “phần mềm theo dõi ngoại tình”, “phần mềm giúp bảo vệ hạnh phúc gia đình”... Tuy nhiên, cách làm này vừa vi phạm pháp luật, vừa hại cả hạnh phúc.
Giữ con dâu cũ vì cháu đích tôn

Giữ con dâu cũ vì cháu đích tôn

(PNTĐ) - Chiều nay, mẹ chồng Thúy gọi lên bảo ngày mai con trai về quê có việc. Bà còn dặn thêm con dâu không phải về kẻo đường xa vất vả cả vợ lẫn chồng; nhưng Thúy hiểu rõ chả phải mẹ chồng lo lắng cho cô, mà muốn tránh sự “đụng độ” giữa con dâu cũ và con dâu mới.