Vẫn hạnh phúc dù ngày lễ không quà, không hoa

Trâm Anh
Chia sẻ

(PNTĐ) -Vào những ngày lễ nếu không có hoa, không có quà, thì có mất vui không? Với nhiều cặp vợ chồng, câu trả lời là “không”, bởi hơn cả hoa và quà, họ luôn tặng cho nhau tình yêu trong suốt 365 ngày của năm.

Vẫn hạnh phúc dù ngày lễ không quà, không hoa - ảnh 1
Chị Huyền Trang và chồng Ảnh:  NVCC

 “Người chồng luôn đặt vợ ở trong tim”
“Tôi có một anh chồng là công an. Làm vợ của công an thì phải tập quen với nhiều điều, quen nhất là những ngày lễ, Tết sum họp gia đình thì chồng bất thình lình phải đi trực. Nên đôi khi nỗi cô đơn cũng trở thành người bạn và tập quen với cảm giác một mình, không buồn, không chạnh lòng vào những dịp người ta bên nhau như lễ tình nhân”- chị Nguyễn Huyền Trang trải lòng, như thế suốt quãng thời gian mười mấy năm trở thành hậu phương cho người chồng làm công an của mình.

Chị kể, chị đã quen với việc ngày lễ tình nhân không có những bữa ăn tại nhà hàng, không ánh nến lãng mạn, không hoa hồng hay sô-cô-la ngọt ngào. Hỏi chị có buồn, có chạnh lòng và thấy mình yếu đuối không, chị thật thà, “có chứ!”. Nhưng đã làm vợ lính, thì phải tập cho tính cách kiên cường, mạnh mẽ hơn. “Tôi tự nhủ bản thân cũng phải biết nhường nhịn, chia sẻ và giản đơn đi mà sống, có thế tình nghĩa vợ chồng mới bền lâu, hạnh phúc”.

Bù lại, chị chia sẻ, mình có một người chồng tốt tính. Anh có thể quên hoa, quên quà vì nhiệm vụ, nhưng vợ con nhất định phải được những điều tốt nhất. “Anh công an chồng tôi có thể trực ba ngày không ngủ nhưng về nhà vẫn hí húi phụ vợ đi chợ, vào bếp hay không quản mệt nhọc đưa vợ đi làm đẹp, đưa con cái đi chơi bù những lúc được nghỉ phép. Anh công an ấy từ lúc mới yêu cho đến bây giờ đã mười mấy năm là vợ chồng, Tết năm nào cũng lo nhà vợ trước nhất. Chồng tôi hơn ai hết đã yêu thương và xem gia đình vợ như ruột thịt. Ngày hai vợ chồng em gái tôi đi Nhật học, hai đứa con gửi ở nhà ngoại, anh thường xuyên thăm nom, cuối tuần đưa hai cháu đi chơi, mua bất cứ món gì các cháu thích vì sợ hai cháu xa bố mẹ bị thiệt thòi. Nửa đêm cháu sốt cũng một tay bác rể đưa đi khám. Đến giờ cứ nhắc anh rể là em gái tôi lại bênh chằm chặp, về phe anh rể hơn phe chị ruột, lúc nào nó cũng bảo chị nó kiếp trước gánh cả thế giới mới lấy được người chồng như anh rể. Có một người chồng luôn đặt vợ ở trong tâm, luôn trở về nhà để ăn cơm vợ nấu thì như thế với tôi 365 ngày, ngày nào cũng là lễ tình nhân, ngày nào cũng sẽ là Tết khi có thể nấu một mâm cơm ấm áp đợi chồng trở về”- chị Trang xúc động.

Tình cảm vợ chồng dành cho nhau mới là trân quý
Với những gia đình điều kiện kinh tế còn khó khăn, chi tiêu phải tiết kiệm để lo cho con cái, chưa dám nghĩ nhiều đến một bó hoa, một gói quà cho ngày lễ kỷ niệm, thì họ vẫn có cách để động viên “nửa kia” bằng những điều ý nghĩa.

Chị Cao Thị Hạnh (28 tuổi, công nhân khu công nghiệp Bắc Thăng Long, Hà Nội) cùng chồng từ quê nhà Hà Tĩnh ra Hà Nội thuê trọ và làm việc. Mang theo hai con nhỏ, tổng thu nhập 15 triệu đồng mỗi tháng (chồng 9 triệu, chị Hạnh 6 triệu) chỉ đủ để hai vợ chồng trả tiền thuê nhà, mua bỉm, sữa cho con, chi tiêu lặt vặt mỗi ngày nữa là tháng nào cũng… đuối. “Là phụ nữ, tôi chưa bao giờ được tặng hoa hay quà ngày lễ tình yêu song tôi chỉ buồn chút rồi lại thôi. Vì quà không quan trọng bằng tình cảm của chúng tôi dành cho nhau. Đổi lại một cuộc sống vợ chồng êm ấm thì ngày nào cũng hạnh phúc” - chị Hạnh nói. 

Và quả thực, xóm trọ ấy luôn ngưỡng mộ gia đình chị Hạnh. Chị là người vợ thứ hai của chồng mình. Anh đã có một con gái riêng. Nhưng nếu vừa gặp, chưa hiểu rõ, người ta lại tưởng anh là bố dượng, còn chị là mẹ ruột của cô bé đó. Hàng xóm thêm yêu quý người phụ nữ này, như “bánh đúc có xương” giữa đời thường, và cũng trân trọng người đàn ông luôn biết vun vén, mang lại tiếng cười cho gia đình nhỏ dẫu còn nhiều gian khó.

Vậy, có khó không việc chuẩn bị một món quà cho người yêu, người bạn đời của mình trong ngày lễ tình nhân, ngày kỷ niệm của vợ chồng khi hoàn cảnh gia đình còn nhiều thiếu thốn? Chị Đoàn Thị Huệ (38 tuổi, nữ công nhân vệ sinh môi trường) vui vẻ nói rằng, đâu cần quà cáp xa xỉ gì, chỉ cần khi mình đi làm về, nhà cửa đã sạch sẽ và mấy bố con đang chờ mẹ bên mâm cơm đã chuẩn bị sẵn sàng. “Nhiều năm chung sống, mỗi khi có dịp gì đặc biệt là chồng tôi đều âm thầm tổ chức. Cũng chỉ là mua chút đồ ăn ngon cả nhà cùng ăn chứ không đi đâu chơi hết, nhưng đều trở thành khoảnh khắc đặc biệt, đáng nhớ”.

Valentine năm nay, chị Huệ nhẩm tính chắc khoảng hơn 22 giờ mình mới đi làm về tới nhà nên không biết chồng có chuẩn bị gì không. Hỏi về mong ước hiện tại, chị chỉ mong cuộc sống gia đình êm ấm, vợ chồng bảo ban nhau làm ăn, đồng vợ đồng chồng tát biển Đông cũng cạn.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Cây hạnh phúc nở hoa

Cây hạnh phúc nở hoa

(PNTĐ) - “Em nấu cơm xong chưa, tối nay anh có hẹn, nhà ăn sớm để anh đi sớm”. Thắng, chồng cô vừa dứt lời thì Thảo bỗng thấy bao nhiêu ấm ức bùng lên.
Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

(PNTĐ) - “Chồng ngã vợ nâng, đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại…” là phương châm sống của một số người chồng, người vợ bị bạn đời phản bội. Họ hi vọng, với sự vị tha, độ lượng của mình sẽ thức tỉnh người u mê, lầm lỗi, cho họ một lối về tránh gia đình đổ vỡ. Tuy nhiên, không phải người chồng, người vợ nào cũng biết thức tỉnh trước sự vị tha của người bạn đời.
Hạnh phúc ngoài dự tính

Hạnh phúc ngoài dự tính

(PNTĐ) - Có 3 người con trai, nhưng ông Sơn - bà Xuân chưa từng thấy hạnh phúc. Anh cả công tác trong ngành quân đội, anh thứ là thợ cơ khí giỏi, anh út là chủ nhà hàng, cả 3 anh đều đã lập gia đình. Trong nhà luôn êm ấm, chưa hề thấy cãi vã. Nhưng điều mà ông Sơn bà Xuân cho là hạnh phúc, ấy là một thằng cháu trai.
Con gái của mẹ đã lớn

Con gái của mẹ đã lớn

(PNTĐ) - Sinh nhật bạn thân, nó rủ tôi: “Hay là đêm nay mày ngủ lại đây luôn với tao. Một năm tao mới có một lần sinh nhật, tội gì mà về sớm. Tý nữa mấy đứa ra ngoài “quẩy” cho đã”.