Về nhà “trực Tết” với bố mẹ

TÂM GIAO
Chia sẻ

(PNTĐ) -Những ngày cuối năm, trong không khí hối hả mua sắm Tết của người người, nhà nhà thì ở Văn phòng Tâm Giao (Báo Phụ nữ Thủ đô) vẫn đón tiếp những vị khách đặc biệt. Đặc biệt là bởi những mong muốn tưởng như quá đỗi bình thường, quen thuộc trong cuộc sống vào những ngày Tết thì lại trở thành xa vời đối với họ. Để rồi, họ buộc phải có những mong muốn “khác người” khiến ai nghe được cũng thầm xót xa.

Về nhà “trực Tết” với bố mẹ - ảnh 1
 Ảnh minh họa: Shutter stock

Tìm nhà dưỡng lão đón năm mới
Đó là trường hợp của bà Hiền (Thanh Xuân, Hà Nội), chiều 24 tháng Chạp, bà gọi điện đến Văn phòng Tâm Giao hỏi địa chỉ các nhà dưỡng lão ở Hà Nội. Vẫn biết ngày nay, chuyện bố mẹ chọn nhà dưỡng lão sống già không còn “xa lạ” mà đã dần trở thành xu thế mới của một số người muốn sống già chủ động không làm phiền con cháu. Nhưng việc tìm đến đây vào những ngày cận Tết là hơi lạ. Bởi có những ông bà quanh năm ở nhà dưỡng lão nhưng đến Tết là quay về nhà sum họp cùng con cháu.

Bà Hiền kể, hai vợ chồng bà có ba người con (hai trai, một gái). Dù vất vả, ông bà cũng cố gắng nuôi các con ăn học trưởng thành, có công ăn việc làm ổn định. Ngày các con cái thành gia lập thất, ông bà vẫn mong muốn sẽ được sống già cùng con cháu trong một nhà. Nhưng bọn trẻ sống hiện đại, chẳng đứa nào muốn sống chung cùng bố mẹ, mà thích dọn ra ngoài sống riêng ngay sau khi cưới.

Chẳng muốn vì chuyện sống chung mà tình cảm bố mẹ và con cái bất hòa, ông bà đành chiều theo ý con. Từ khi dọn ra ngoài sống riêng, con cháu ông bà thỉnh thoảng mới về thăm, đứa nào cũng lấy lý do bận rộn. Những ngày lễ, đứa thì mua quà gửi ship đến tặng bố mẹ, đứa ào ào kéo về “làm thủ tục” chúc mừng, liên hoan một bữa cho bố mẹ vui rồi lại biền biệt sau đó. 

Đặc biệt ngày Tết, ông bà mong mỏi con cháu về đoàn tụ sum vầy nhưng gia đình nhỏ nào cũng lên kế hoạch đi du lịch xuyên Tết. Chúng quan niệm, Tết là để nghỉ ngơi, thư giãn nên sẽ lên đường vui chơi thỏa thích. Năm nào, con cháu ông bà cũng lên kế hoạch ăn Tết sớm cùng bố mẹ.

Chúng chọn ngày 23 cúng ông Công ông Táo, kéo nhau về sắm sửa đào, quất trang trí cho bố mẹ đón Xuân. Xong việc, chúng xem như hết Tết ở nhà bố mẹ, và lên kế hoạch đón năm mới ở một nơi xa theo sở thích cá nhân.

Vì thế, chẳng năm nào ông bà được đón Tết quây quần cùng con cháu, có chăng chỉ là sum họp trên những cuộc gọi kết nối từ những chiếc máy điện thoại thông minh. 

Năm nay, các con của bà Hiền cũng đã về làm xong hết nhiệm vụ Tết đối với bố mẹ như thường lệ. Sau ngày 23 tháng Chạp hóa vàng cúng ông Công ông Táo xong, ông bà nhìn số quà bánh, mứt Tết, bánh chưng, giò chả chất đống trên tủ… mà lòng buồn trống rỗng.

Gần 10 năm nay, ông bà đón Tết vò võ một mình và nỗi buồn năm nào cũng lặp lại. “Bà thử tìm hiểu xem, có nhà dưỡng lão nào họ cho mình vào đó ăn Tết, tôi với bà mang hết những thứ này vào đón năm mới với những người già cô đơn có khi lại vui và ý nghĩa hơn”- chồng bà Hiền nói với vợ.

Nghe ông nói xong, bà Hiền thấy có lý nên đã gọi đến văn phòng Tâm Giao nhờ tư vấn tìm nhà dưỡng lão. Việc này theo ông bà sẽ giống như con cháu vẫn đi du lịch xuyên Tết, đón năm mới trải nghiệm theo ý thích của mình.

Sum vầy Tết nhà nội, trống vắng Tết nhà ngoại
Minh Hằng là con gái một sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Vì là con một nên từ nhỏ đến lớn, cô được bố mẹ “quán triệt tinh thần” sau này tìm chồng ở rể để sống cùng bố mẹ. Họ chỉ có mình cô, mọi yêu thương, kỳ vọng cậy nhờ tuổi già đều đặt vào con gái.

Thế nhưng đến khi cô yêu và cưới thì mọi mong muốn của ông bà không thực hiện được. Chồng Minh Hằng là người Hưng Yên, anh nhất định không chịu lấy vợ ở rể. Lý do, anh là con trưởng trong gia đình, mang nhiều trọng trách lo cho gia đình nên không thể về sống cùng nhà vợ.

6 năm lấy chồng xa, em chưa một lần được về đón Tết cùng bố mẹ, chỉ vì nghĩa vụ làm dâu trưởng.  
Chị Hằng (Hà Nội)

Ban đầu, bố mẹ cô bàn con gái nên dừng lại mối duyên này, tìm mối duyên khác phù hợp với hoàn cảnh con một, có thể ở rể. Nhưng duyên trời định, cô chẳng thể cắt đứt tình cảm sâu nặng ấy nên bố mẹ cũng không thể làm căng, đồng ý gả con gái làm dâu, sống riêng bên ngoài. Quê chồng ở Hưng Yên, cách nhà bố mẹ đẻ hơn 100 cây số, nhưng chuyện về quê đón Tết cùng bố mẹ lại trở nên xa vời với Hiền. 

“6 năm lấy chồng xa, em chưa một lần được về đón Tết cùng bố mẹ, chỉ vì nghĩa vụ làm dâu trưởng. Mấy ngày Tết, em quanh quẩn trong bếp làm nhiệm vụ nấu nướng mâm cỗ cúng gia tiên, phục vụ ăn uống cho anh em, con cháu về quê ăn Tết cùng. Bố mẹ chồng em cũng là phận “anh cả, chị đầu” nên việc lo Tết, trực Tết tiếp khách là nhiệm vụ bất khả kháng. Và bây giờ đến lượt vợ chồng em phải kế tục trách nhiệm của bố mẹ trao truyền lại”- Hằng kể. 

Sự mặc định nghĩa vụ dâu trưởng phải quán xuyến Tết nhà chồng nên chẳng năm nào Hằng được về nhà ngoại đón Tết. Bố mẹ Hằng thì ngậm ngùi tủi phận chẳng dám trách cứ gì con cháu.

Năm nào, ông bà cũng phải tổ chức ăn Tết muộn để có được bữa cơm đầu năm mới sum vầy cùng con cháu. Hằng tâm sự, mỗi năm, cứ đến khoảnh khắc đón Giao thừa, cô lại tủi thân khi mở camera nhà bố mẹ cài trên áp điện thoại của mình, lặng lẽ quan sát họ cô đơn đón Tết một mình trong căn nhà vắng bóng con cháu lúc Tết đến Xuân về. 

Và rồi, nỗi tủi thân của cô dâu trưởng cứ đầy ắp theo mỗi độ Tết đến khi gánh nặng lo Tết nhà nội chỉ đổ đầu vào vợ chồng cô. Nhìn mấy cô em dâu, em họ, cũng lấy chồng như mình nhưng cứ Tết là được về nhà bố mẹ đẻ sum vầy, Hằng cảm thấy bất công và “bùng nổ” đòi quyền lợi. Mâu thuẫn gia đình nảy sinh, tình cảm vợ chồng bỗng chốc bị đẩy đến bên bờ vực. Đó là lý do Hằng tìm đến văn phòng Tâm Giao tâm sự về cuộc hôn nhân có khả năng tan vỡ vì chuyện Tết nhà nội sum vầy còn Tết nhà ngoại trống vắng.

Nhiệm vụ “trực Tết”: Níu giữ nếp nhà sum vầy ngày Xuân
Một năm trước, người đàn ông 70 tuổi ấy là vị khách hàng đặc biệt của văn phòng Tâm Giao khi gọi đến tâm sự về “căn bệnh định kỳ” của vợ vào mỗi dịp Tết. Nhà có hai đứa con trai, một đứa lấy vợ Nam, một đứa lấy vợ Bắc. Nhìn vào, ông bà có con cháu đủ đầy nhưng ít khi được đón Tết sum vầy, quây quầy ấm áp.

Trong khi ông bà coi trọng sự đoàn tụ ngày Tết thì chúng lại xem nhẹ điều đó. Đứa lấy vợ Nam thì chẳng bao giờ ra Bắc đón Tết vì… con dâu sợ mùa đông Hà Nội, sợ phong tục ăn Tết nặng cỗ bàn của nhà chồng. Đứa lấy vợ Bắc cũng “học đòi” theo anh chị, Tết đến là đi du lịch, hoặc nghỉ ngơi theo ý muốn.

Vì thế, Tết năm nào cũng chỉ hai ông bà quanh quẩn với nhau. Vợ ông là người cả nghĩ, sống tình cảm nên Tết nhìn cảnh gia đình hàng xóm quây quần lại tủi thân với cảnh trống vắng con cháu của nhà mình rồi sinh bệnh. 

Về nhà “trực Tết” với bố mẹ - ảnh 2
 Vắng người trẻ, những người lớn tuổi vẫn chuẩn bị chu đáo cho mâm cơm cúng ngày Tất niên. Ảnh minh họa

Năm ngoái, sau một thời gian dịnh bệnh căng thẳng, ông bà muốn con cháu về đón Tết sum vầy, nhưng một lần nữa chúng lại đưa ra hàng ngàn lý do bận rộn. Vợ ông giận con cháu mà phát “tâm bệnh”, ông đành liều gọi điện tâm sự với văn phòng Tâm Giao để nhờ tháo gỡ tư tưởng cho bà. Sau lần nói chuyện với ông bà, chúng tôi hiểu tâm nguyện sâu thẳm của ông bà là mong níu giữ nếp nhà sum vầy ngày Tết. Đó không chỉ giữ giá trị tốt đẹp của văn hóa gia đình mà còn là sợi dây để gắn kết tình cảm bố mẹ và con cái, ông bà và các cháu.

Ông lo mấy đứa cháu lớn lên sẽ chẳng biết gì về ý nghĩa thờ cúng gia tiên trong mấy ngày Tết, bà sợ mấy cô con dâu chẳng biết dạy con nếp nhà qua việc chuẩn bị bữa cơm Tất niên, sự quây quần đoàn tụ ấm áp bên người thân mỗi khi Tết đến Xuân về…

Hiểu được tâm nguyện của ông bà, chúng tôi đã tư vấn cho họ đặt ra nhiệm vụ về nhà “trực Tết” cùng bố mẹ giao cho các con lần lượt thay phiên nhau thực hiện. Ông bà đồng ý để các con tự do chơi Tết, ăn Tết theo cách của mình, nhưng bên cạnh đó vẫn phải có nghĩa vụ với bố mẹ, với công việc thờ cúng gia tiên ngày Tết. Dù sống xa hay sống gần, chung hay riêng, mỗi năm, một gia đình nhỏ sẽ về nhà đón Tết cùng ông bà. Đây được xem là “nhiệm vụ bất khả kháng” của họ đối với bố mẹ.

Sự quyết liệt cứng rắn khi phân công nhiệm vụ “trực Tết” của ông bà đã khiến con cháu không thể không tuân theo. Năm đầu tiên, nhiệm vụ đó được giao cho vợ chồng con trai trưởng thực hiện.

Ngày đầu năm mới, chúng tôi nhận được điện thoại của ông bà, mừng rỡ khoe đây là cái Tết đầm ấm vui nhất của gia đình họ kể từ khi các con trưởng thành lấy vợ sống riêng bên ngoài. Tâm bệnh của bà không còn khi con cháu về quây quần ăn Tết. Ông đặc biệt vui khi con trai và cháu nội bỏ hết các thiết bị công nghệ, điện tử để hào hứng bắt tay cùng ông lau dọn đồ thờ cúng trên ban thờ gia tiên.

Mấy ngày Tết, bố con, ông cháu ríu rít hỏi đáp nguồn gốc của từng bài vị trên bàn thờ gia tiên. Bà cảm động khi cô con dâu chịu khó vào bếp cùng mẹ chồng học cách nấu món ăn truyền thống ngày Tết để cúng ông bà tổ tiên.

Bữa cơm ngày Tết, bà vui vẻ đón nhận những món ăn kiểu Tây do tự tay con dâu chuẩn bị để thết đãi bố mẹ chồng. Cả hai thế hệ già, trẻ đang cố gắng thích nghi, tìm một điểm chung để duy trì nề nếp truyền thống gia đình. 

Năm nay, ông bảo đến lượt vợ chồng con trai thứ nhận nhiệm vụ về nhà “trực Tết” với bố mẹ, và chúng đã sẵn sàng chuẩn bị tâm thế để thực hiện nhiệm vụ vui vẻ, thành công nhất. 

Chúng tôi đã kể về nhiệm vụ “trực Tết” thành công của gia đình ông cho bà Hiền và vợ chồng Minh Hằng, bảo họ hãy vận dụng thực hiện trong gia đình mình. Nhiệm vụ này sẽ bình đẳng đối với cả con trai lẫn con gái, với con trưởng và con thứ. Nếu cả cha mẹ và con cái đều thông tư tưởng, và đồng thuận thực hiện thì sẽ giải quyết được mọi vấn đề đang tồn tại khiến tâm tư, tình cảm và hạnh phúc hôn nhân bất ổn, bế tắc. 

Ban đầu chồng Minh Hằng phân vân về nhiệm vụ “trực Tết” ở nhà ngoại trong khi anh là con trưởng. Chúng tôi phân tích cho anh hiểu rằng, nghĩa vụ đối với con cái trong gia đình là bình đẳng, không phân biệt trưởng hay thứ. Anh hãy ngồi lại bàn bạc cùng bố mẹ và các em để san sẻ phần trách nhiệm ấy cùng vợ chồng mình. Vợ anh cũng có quyền được về nhà đón Tết cùng bố mẹ như những cô em dâu thứ trong nhà. Đó là chưa nói tới, trách nhiệm chăm lo của anh đối với bố mẹ vợ mỗi khi Tết đến Xuân về trên bình diện “tứ thân phụ mẫu”.

Nếu gia đình chưa thật sự thông tư tưởng, năm đầu tiên, anh hãy để vợ về nhà ngoại làm nhiệm vụ “trực Tết” trước, còn anh ở lại “trực Tết” nhà nội.

May mắn là tới phút cuối, gia đình chồng chị Hằng đã thông tỏ và năm nay cho vợ chồng cô về nhà ngoại đón Tết, thay vào đó, vợ chồng con trai thứ sẽ ở nhà  thực hiện nhiệm vụ “trực Tết” cùng bố mẹ. 

Trong xu thế vận động, biến đổi của gia đình hiện đại, thế hệ trẻ đang có xu hướng vươn tới sự tự do, sống theo quyền cá nhân nhiều hơn. Điều này vô tình khiến sự trở về quây quần đón Tết với người thân trong các gia đình cũng thưa vắng theo.

Vì thế, đôi khi họ quên đi một phần trách nhiệm của mình đối với người thân, gia đình, đặc biệt là bố mẹ già. Những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình theo đó vô tình bị mai một dần đi. Trong khi thế hệ ông bà, bố mẹ lại mong muốn giữ lại những giá trị truyền thống, níu giữ nếp nhà để làm điểm tựa cho con cháu. Vì thế, rất cần một giải pháp trung hòa để hai thế hệ có một điểm chung, để vẫn giữ được văn hóa truyền thống, nhưng vẫn tôn trọng sự phát triển của văn hóa giới trẻ. 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Cây hạnh phúc nở hoa

Cây hạnh phúc nở hoa

(PNTĐ) - “Em nấu cơm xong chưa, tối nay anh có hẹn, nhà ăn sớm để anh đi sớm”. Thắng, chồng cô vừa dứt lời thì Thảo bỗng thấy bao nhiêu ấm ức bùng lên.
Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

(PNTĐ) - “Chồng ngã vợ nâng, đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại…” là phương châm sống của một số người chồng, người vợ bị bạn đời phản bội. Họ hi vọng, với sự vị tha, độ lượng của mình sẽ thức tỉnh người u mê, lầm lỗi, cho họ một lối về tránh gia đình đổ vỡ. Tuy nhiên, không phải người chồng, người vợ nào cũng biết thức tỉnh trước sự vị tha của người bạn đời.
Hạnh phúc ngoài dự tính

Hạnh phúc ngoài dự tính

(PNTĐ) - Có 3 người con trai, nhưng ông Sơn - bà Xuân chưa từng thấy hạnh phúc. Anh cả công tác trong ngành quân đội, anh thứ là thợ cơ khí giỏi, anh út là chủ nhà hàng, cả 3 anh đều đã lập gia đình. Trong nhà luôn êm ấm, chưa hề thấy cãi vã. Nhưng điều mà ông Sơn bà Xuân cho là hạnh phúc, ấy là một thằng cháu trai.