“Đường đến trái tim”:

Vì “cuộc đời là những chuyến đi”, mẹ nghỉ việc cùng con lên đường

Chia sẻ

(PNTĐ) -Mỗi người mẹ có một cách riêng để thể hiện tình yêu và sự gắn bó với con mình. Cùng con đi du lịch xuyên Việt khi con còn nhỏ, là cách nhiều bà mẹ trẻ đang làm để con của họ có những trải nghiệm đầu đời thật đẹp và ý nghĩa.

Vì “cuộc đời là những chuyến đi”, mẹ nghỉ việc cùng con lên đường  - ảnh 1
Hai mẹ con chị Thúy Hà và chuyến đi xuyên Việt Ảnh: NVCC
 

Cho con vi vu từ khi ẵm ngửa
Với mong muốn giúp con khám phá thế giới, vợ chồng chị Thu Trang (32 tuổi), chủ một cơ sở kinh doanh váy cưới tại Hà Nội đã cùng con trai (4,5 tuổi) thực hiện một chuyến xuyên Việt ý nghĩa.

Hành trình ấy kéo dài 25 ngày. Cả nhà di chuyển bằng xe 7 chỗ do chồng chị Trang tự lái. Chị Trang cho biết, cả chuyến đi, Khôi Nguyên, con trai chị rất vui vẻ và may mắn không bị ốm. Con ăn, chơi rất ngoan, hào hứng trước nhiều điều mới lạ. Đặc biệt, tình cảm gia đình khăng khít hơn sau mỗi hành trình qua các vùng đất mới. Đó là điều mà vợ chồng chị mong mỏi nhất từ chuyến đi này. Điều thú vị, Khôi Nguyên đã được cùng “bố mẹ đi phượt” từ lúc hãy còn ẵm ngửa. 

Cũng giống như Khôi Nguyên, mùa hè này, bé Bảo Khanh (6 tuổi) được mẹ rủ làm bạn đồng hành chuyến xuyên Việt trong 1 tháng rưỡi. Chị Ninh Thủy Hà (giáo viên tiếng Anh) đã quyết định xin nghỉ việc dài ngày để cùng con gái tận hưởng những ngày tháng trải nghiệm những địa điểm du lịch nổi tiếng.

Lên rừng, xuống biển, đi máy bay, rồi lại ôtô, xe khách, Bảo Khanh đã được trải nghiệm một mùa hè rất ý nghĩa thay vì vùi đầu vào sách vở hay vào mạng internet. Chị Thúy Hà khá bất ngờ về thể lực của con vì suốt hành trình, hai mẹ con di chuyển liên tục, từ Huế, Đà Nẵng, Phú Yên, Nha Trang, Bình Thuận, Ninh Thuận, Đà Lạt, Phú Quốc,… rồi lại vòng qua Tây Bắc. Rất nhiều kỷ niệm hai mẹ con đã có với nhau từ chuyến đi này. Với riêng Bảo Khanh, một cô bé rất yêu động vật, điều em nhớ mãi là được xem cá voi ngụp lặn ở biển Mũi Dinh hay được tận tay chạm vào hải cẩu.
Không chọn đi dọc Việt Nam để tận hưởng vẻ đẹp đất nước, ba mẹ con chị Bùi Thị Thu Hằng lại dành 5 ngày cho nhau để trải nghiệm hết vẻ đẹp hùng vĩ của Hà Giang bằng… xe máy. Các con chị (14 tuổi và 7 tuổi) được mẹ hướng dẫn cách buộc đồ đạc lên xe máy sao cho gọn gàng, cách trèo lên mỏm đá cao 4m, rồi nhảy ùm xuống theo dòng thác rơi, ngắm nhìn những đám mây bay cuồn cuộn sát mắt mình hay trải nghiệm những bữa ăn trưa trên mỏm đá giữa mênh mang đất trời và kỳ vĩ của núi non. Chị Hằng nói đùa: “Chúng tôi thường trở về phòng vào lúc 9 giờ tối. Cả 3 mệt nhoài chìm vào giấc ngủ nhưng chỉ sau một đêm, năng lượng lại được nạp đầy và chúng tôi lại lên đường”.

Làm gì để có một chuyến đi thành công?
Có rất nhiều người mẹ cùng con trải nghiệm thế giới như vậy. Với quan niệm mới mẻ, hiện đại “cuộc đời là những chuyến đi”, họ mang theo con cùng đồng hành từ rất sớm. Không đao to búa lớn, những bà mẹ ấy chỉ cần “được đồng hành cùng con, cho các con va vấp, nếm trải, tự cảm nhận và tự thấm. Giữa những lúc đang băng băng, cua trái rồi cua phải, lòng buồn tênh khi chợt nhớ bọn trẻ rồi sẽ lớn thật nhanh và rời xa vòng tay ba mẹ” như cách mà chị Thu tâm sự.

 Và thực sự, trở về nhà, các bà mẹ đều nhận thấy con mình trở nên tự tin, dạn dĩ, thế giới quan cũng mở rộng hơn. Còn theo chị Thu Trang, có rất nhiều cách dạy con và cho con bước ra ngoài cũng là một cách. Nếu bố mẹ nào làm việc cơ động thì có thể cùng con đi dài ngày. Bận rộn hơn thì đi vào cuối tuần, hay chỉ 1 ngày thôi cũng được. Quan trọng là bố mẹ phải chịu khó đi và muốn đi cùng con thì sẽ biết cách để bỏ lại phía sau những lo toan. Theo chị Trang, chuẩn bị thật tốt trước chuyến đi, nhất là về sức khỏe cho con sẽ giúp chuyến đi thành công.

Một vấn đề khác cần lưu tâm là kinh phí cho chuyến đi. Chị Thúy Hà cho biết, vẫn có nhiều cách để có thể chi tiêu tiết kiệm. Nếu mẹ nào có nhiều tiền thì ở khách sạn đẹp, còn không thì chọn homestay, nhà nghỉ… nhưng không được bỏ qua yếu tố an toàn. “Lựa chọn hình thức phù hợp ngân sách sẽ vẫn có chuyến đi vui”, chị Hà nói. Chị bật mí, sắp tới, hai mẹ con sẽ chuẩn bị cho con gái đi trekking (đi bộ dài ngày ở những nơi hoang dã) và đến với nhiều mảnh đất, hòn đảo xinh đẹp của Việt Nam.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Mâm cơm đãi khách

Mâm cơm đãi khách

(PNTĐ) - Những mâu thuẫn mẹ chồng - nàng dâu đôi khi không đến từ chuyện lớn, mà chỉ là cách lau nhà, nêm nếm món ăn hay một câu nói vô tình. Nhưng rồi, chính một bữa cơm lại có thể giúp mọi người nhìn nhau bằng ánh mắt khác.
Cháu mới là người có lỗi

Cháu mới là người có lỗi

(PNTĐ) - Vào bữa cơm, bà nội vô tình đánh rơi bát, cơm vương vãi khắp bàn. Minh trước khi đứng lên lấy khăn lau bàn đã kịp trách bà: “Trời ơi, bà làm sao vậy, đổ hết rồi”.
Nhà vắng người giúp việc

Nhà vắng người giúp việc

(PNTĐ) - Mấy hôm nay, Mai mong cô giúp việc như mong mẹ về chợ. Vậy mà tối nay cô giúp việc lại nhắn tin báo: “Tôi xin phép lên muộn thêm mấy ngày nữa vì ở quê chưa xong việc nhà, cô thông cảm nhé”.
Khi công nghệ số “thắp lửa” hạnh phúc gia đình

Khi công nghệ số “thắp lửa” hạnh phúc gia đình

(PNTĐ) - Những màn hình cảm ứng, mã QR, ứng dụng điện tử hay những “tin thật - tin giả” trở thành chủ đề hàng ngày trong các gia đình ở Hà Nội. Từ phong trào “Bình dân học vụ số”, điện thoại không đơn thuần chỉ là để chụp ảnh, gọi điện, mà còn mở ra một không gian, nơi các thế hệ trong gia đình xóa dần khoảng cách, cùng nhau bước trên nhịp cầu số hóa.