Vị Đại tá chuyên đi lo chuyện nhà người khác

Mai Chi
Chia sẻ

(PNTĐ) -Gần 15 năm kể từ ngày nghỉ hưu, về địa phương tham gia công tác tổ dân phố, ông Phạm Văn Ổn, Đại tá, nguyên Phó chủ nhiệm Bộ Tham mưu, Bộ đội biên phòng kể, đã được rất nhiều gia đình mời “chen” vào chuyện nhà họ, để nhờ ông giải quyết mâu thuẫn và tìm lại hạnh phúc.

Vị Đại tá chuyên đi lo chuyện nhà người khác - ảnh 1
Vợ chồng ông Ổn - bà Hoa trong ngày cưới con trai Ảnh: NVCC

Mang khí chất người lính đi hóa giải mâu thuẫn
Ông Phạm Văn Ổn hiện là Bí thư chi bộ, Tổ trưởng tổ dân phố 28 phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy. Đồng thời, nhờ tín nhiệm của người dân, ông còn kiêm thêm công tác Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh và Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường. Công việc nhiều khiến ông “lúc nào cũng như con thoi” và vợ ông, bà Nguyễn Thị Tô Hoa thì nói đùa: “Ông lúc nào cũng đi lo chuyện nhà người khác!”. Nhưng lời nói đùa ấy là thật.

Mười mấy năm làm bí thư chi bộ, trưởng ban công tác mặt trận, ông Ổn nắm rõ từng nhà trong phường. “Không nắm không được, mà phải nắm rõ, thì mới có cách vận động, thuyết phục đúng đắn”. Người ta nhớ đến một tổ trưởng dân phố, bí thư chi bộ vừa cứng rắn, chỉn chu đúng tác phong người lính, lại vừa mềm mỏng, đâu ra đấy, nhất là trong các vụ việc hòa giải mâu thuẫn gia đình. Giống như cái tên của ông, người dân tin tưởng, “đã làm là ổn hết”.

Ông Ổn kể, có lẽ người dân tin tưởng một sỹ quan quân đội về hưu nên dễ bày tỏ với mình. Và cũng bởi đã có thâm niên gỡ rối cho cán bộ, nhân viên từ ngày còn công tác tại Bộ tham mưu bộ đội biên phòng, nên ông rất giỏi tìm ra nút thắt để tháo gỡ. Chuyện đi hòa giải thì nhiều, nhưng ông Ổn vẫn nhớ nhất lần được một người phụ nữ đến xin tâm sự chuyện gia đình. Hai vợ chồng là cán bộ về hưu, thậm chí từng giữ chức vụ cao từ ngày còn công tác. Nhưng họ không giải quyết nổi mâu thuẫn của nhau. Nhiều năm qua, ngôi nhà lặng lẽ, vì cả hai chọn cách im lặng. “Im lặng trong sục sôi, nên đến lúc nóng lên thì sẽ hơn cả lửa”, ông Ổn nhớ lại.

 Không thể chịu nổi nữa, người vợ đến nhờ ông Ổn giải quyết, đồng thời viết một lá đơn dài đến hai mươi mấy trang kể rõ tâm tình. Ông Ổn bèn đến gặp người chồng, “nan giải lắm, thôi thì nhờ Bí thư can thiệp”, người chồng nói với ông. Cả vợ cả chồng đều nhờ cậy, ông Ổn tiếp tục gặp con gái và con rể. Thì ra, trong lúc bố mẹ mâu thuẫn, con gái vô tình chỉ bênh bố mà không đứng về phía mẹ, khiến mâu thuẫn càng thêm lớn. Ông Ổn, với sự uy tín của mình, đã giao cho vợ chồng con gái phải có trách nhiệm đứng giữa và hàn gắn lại tình cảm bố mẹ. 

Có những vụ hòa giải còn khó khăn và dai dẳng hơn như thế, mâu thuẫn này chưa hết thì gia đình lại xuất hiện mâu thuẫn khác. “Tôi cũng vừa mới dứt được một vụ mâu thuẫn gia đình sau đằng đẵng gần chục năm”, ông Ổn cho biết. Lần này, chuyện xảy ra trong một gia đình không có điều kiện kinh tế là mấy. Đứa con gái út là người khuyết tật, sau một lần bị một gã trai lừa gạt chiếm hết tiền, bố mẹ cô e ngại và không dám cho cô quen hay lấy ai nữa. Ông Ổn lại phải khuyên nhủ gia đình, để cô con gái có thể tìm được hạnh phúc và xây dựng gia đình nhỏ cho mình. Xong xuôi tưởng đâu vào đấy, ai ngờ gia đình họ lại xảy ra mâu thuẫn về đất đai, thừa kế. Ông Ổn lại đứng ra giúp đỡ tạo việc làm cho người con, góp ý gia đình phân chia tài sản cho các con hợp lý. “Hồi bố mẹ với con cái tranh nhau đất cát, đến các cháu cũng bị liên quan. Giờ nhà cửa có cả, việc làm cũng ổn định, tình mẹ con, bà cháu lại như thuở ban đầu”- ông Ổn cười, cho biết. 

Vợ là điểm tựa tinh thần
Không chỉ giúp các gia đình hóa giải mâu thuẫn, ông Ổn còn có một hậu phương vững chắc với người vợ luôn hậu thuẫn, ủng hộ ông. Suốt những năm tháng còn trẻ, mới xây dựng gia đình, một mình lo toan cho nhà cửa, con cái, để chồng chuyên tâm với những chuyến hành quân biền biệt hàng tháng. Cho đến khi về già, bà Nguyễn Thị Tô Huệ, vợ ông vẫn luôn ở phía sau, làm điểm tựa vững chắc cho chồng tham gia công tác xã hội. 

Trên một chuyến tàu của những năm chiến tranh, đông đúc, chật chội, chàng Trung úy Phạm Văn Ổn đã tình nguyện nhường chỗ ngồi của mình cho một người phụ nữ đang đi bỏ mối rau từ Hải Dương lên Hà Nội. Người phụ nữ vì cảm mến cái tình đó, mà năn nỉ bằng được chiến sĩ trẻ đến chơi nhà mình, ở phố Ngọc Hà, Ba Đình. Đã hứa là làm, người lính trẻ đã thu xếp đến chơi, và đó là lần đầu tiên ông Phạm Văn Ổn gặp vợ mình. Họ không phải là thanh mai trúc mã, nhưng tình cảm cứ thế nảy nở dần, và càng gắn bó hơn theo những dặm trường ông đi không mỏi.

“Vợ là điểm tựa tinh thần cho tôi. Biết tính tôi ham việc, mà đã nhận việc là làm, nên bà ấy chẳng bao giờ cản. Nhiều khi bên nội, bên ngoại có việc mà tôi lại bận, khó tham gia được, bà ấy cũng không trách, lại một mình thay tôi quán xuyến”- ông Ổn trân trọng nhắc về vợ mình.

Vợ chồng ông Ổn dạy con sự độc lập, bản lĩnh, theo tác phong người lính. Hơn 40 năm bên nhau, họ có 3 người con đã trưởng thành. “Giờ vào năm học mới, tôi lại kiêm thêm nhiệm vụ đón cháu, bởi bà xã vẫn đi làm, chưa nghỉ hưu”. Nhiều năm “chuyên nghiệp” làm hòa giải viên, ông Ổn rút ra rằng: “Vợ chồng cần nhất là sự tôn trọng. Đôi khi có mâu thuẫn, nên đặt cái tôi của mình đừng cao quá, hãy bình tĩnh, đóng cửa bảo nhau. Có như vậy, tình cảm mới không nhạt nhòa, nhận được sự tôn trọng từ nhau, và từ con cái”.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Hạnh phúc ngoài dự tính

Hạnh phúc ngoài dự tính

(PNTĐ) - Có 3 người con trai, nhưng ông Sơn - bà Xuân chưa từng thấy hạnh phúc. Anh cả công tác trong ngành quân đội, anh thứ là thợ cơ khí giỏi, anh út là chủ nhà hàng, cả 3 anh đều đã lập gia đình. Trong nhà luôn êm ấm, chưa hề thấy cãi vã. Nhưng điều mà ông Sơn bà Xuân cho là hạnh phúc, ấy là một thằng cháu trai.
Con gái của mẹ đã lớn

Con gái của mẹ đã lớn

(PNTĐ) - Sinh nhật bạn thân, nó rủ tôi: “Hay là đêm nay mày ngủ lại đây luôn với tao. Một năm tao mới có một lần sinh nhật, tội gì mà về sớm. Tý nữa mấy đứa ra ngoài “quẩy” cho đã”.
Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

(PNTĐ) - Lâu nay, một số người thường ngại đề cập tới vấn đề chăn gối vợ chồng, cho rằng đó là chuyện tế nhị, cần được giấu kín. Tuy nhiên, tình dục lại có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống hôn nhân, thậm chí nhiều cặp vợ chồng chia tay chỉ vì không hòa hợp trong tình dục.