Vì vợ là bạn đồng hành

Mai Chi
Chia sẻ

(PNTĐ) - Yêu thương vợ, sẵn sàng xắn tay cùng làm việc nhà, chia sẻ trách nhiệm trông con với vợ, ủng hộ đam mê, giúp vợ mở mang thêm nhiều điều mới mẻ..., các ông chồng này cho rằng, lấy vợ về là tìm một người bạn đồng hành trên đường đời.

Vì vợ là bạn đồng hành - ảnh 1
Nhiều người chồng quan niệm lấy vợ là tìm một người bạn đồng hành trên đường đời.

Những ông chồng “quên” tiêu chuẩn chọn vợ
Nếu gõ “tiêu chuẩn chọn vợ” lên thanh công cụ tìm kiếm, gần như ngay lập tức, Google sẽ cho hàng triệu câu trả lời. Câu trả lời phổ biến nhất là một người phụ nữ có thể được chọn làm vợ nếu thỏa mãn các tiêu chí như: Ngoại hình khá, khéo léo, biết nấu ăn, có sự nghiệp ổn định, biết thông cảm và tha thứ, hiếu thảo với gia đình chồng, sẵn sàng hy sinh vì chồng con... Tuy nhiên, theo thời gian, khi tiến trình bình đẳng giới ngày càng đạt được nhiều mục tiêu, nhận thức của mọi người về sự bình đẳng trong gia đình ngày càng nâng cao, thì suy nghĩ của các ông chồng về vợ cũng ngày càng cởi mở.

Chị Nguyễn Việt Hà (28 tuổi) là một nhân viên ngân hàng lấy chồng bằng tuổi. Cứ ngỡ yêu bằng tuổi thì con gái lớn nhanh hơn, nghĩ nhiều hơn và vất vả hơn nhưng Hà thấy mình ngược lại. Vì chồng làm mọi thứ thay chị. “Anh không lãng mạn nhưng lo cho mình từng cái tất, đôi giày, khẩu trang, mũ bảo hiểm, áo chống nắng, son dưỡng. Anh nhỏ người nhưng không việc gì làm khó được anh, từ điện, nước, khoan tường, khuân đồ. Nhà bố mẹ hai bên và nhà mình, hỏng gì đều có anh lo”- chị Hà kể về chồng.

 “Đến giờ dù chưa có con nhưng chúng mình chẳng lo về việc chăm con, mình cũng không sợ chồng lười thay tính đổi nết”- chị Hà nói. Và dù là người lao động chính trong nhà, nhưng anh chưa từng để Hà phải làm việc nhà một mình, nấu cơm, giặt đồ, cái gì không thạo anh đều học dần dần. Chồng bảo chị: “Anh không lấy em về để làm osin, anh lấy về để làm vợ anh”.

Cũng cảnh lấy chồng bằng tuổi, hai vợ chồng lại đều là công chức nhà nước, đồng lương eo hẹp, chị Tú Linh (phường Thượng Thanh, quận Long Biên) cứ lo vợ chồng sẽ khắc khẩu, hay mâu thuẫn. Nhưng từ ngày chị bán bánh, chè vào buổi tối kiếm thêm thu nhập, chị lại thấy chồng “đáng yêu” hơn. 

“Anh bóp cùi bưởi để nấu chè, vì tay anh khỏe hơn tay mình. Cũng đôi tay khỏe ấy sên nhân bánh, mùa trung thu này tay anh được rèn luyện tối đa luôn. Làm bánh bao thì anh xung phong bóc trứng, nấu tào phớ một nồi to xong đã có anh giơ tay ra nhấc từ bếp xuống. Mình mải miết bán hàng, nên việc quét dọn, giặt giũ, con cái đến cả năm nay mình anh... cân tất”- chị Linh hào hứng kể về chồng. 
Động viên vợ vượt qua giới hạn bản thân...
“Mấy năm trước, mình cứ bị ám ảnh cảnh sấp ngửa phóng như tên bắn trên đường để kịp chạy về trường đón con. Trời mưa, con co ro ngồi ôm bụng bầu của mẹ, thỏ thẻ dặn mẹ “mai mẹ đón con sớm hơn nhé”. Nhà mình tự lập hoàn toàn, gần như không có hỗ trợ nhiều từ hai bên nội ngoại. Nước mắt mình cứ mặn chát hoà lẫn vào màn mưa như thế, nhưng mình không biết phải làm gì hơn. Nếu không có chồng động viên, chắc cuộc sống của mình bây giờ vẫn là chuỗi ngày chạy đua với thời gian như thế!”.

Và thế là chị Ngọc (35 tuổi, Trưởng phòng Marketing và chăm sóc khách hàng của một chuỗi cửa hàng Thực phẩm sạch ở Hà Nội) đã quyết định nghỉ việc để... đi học. Lúc ấy, chỉ duy nhất chồng chị đồng ý với vợ và động viên nhiệt tình, còn bố mẹ hai bên ra sức can ngăn, rằng dù đi làm xa một tí nhưng lương ổn, hai vợ chồng cố gắng thêm một thời gian nữa. “Vợ chồng đồng lòng, mình học cách thức kinh doanh online, rồi tự mày mò để đưa ra được sản phẩm của chính mình”- chị quyết tâm khởi nghiệp từ gian bếp.

Sau 2 năm với đủ thất bại, đến nay, chị Ngọc cũng có cho mình một lượng khách sỉ, lẻ ổn định. “2 năm tất bật dậy từ sáng sớm, luôn tay, luôn chân chẳng bao giờ thấy hết việc. Đôi bàn tay ngày nào cũng chai cứng, nhem nhuốc vì thái thịt, thái cà liên tục. Quần áo thì thường xuyên bám mùi đồ ăn, bám bụi bẩn do vội vã bê xách món nọ, đồ kia. Bù lại, mình luôn có chồng động viên, khen vợ giỏi. Anh vừa là “shipper” không công cho vợ, là người chỉnh từng cái ảnh để vợ đăng bài bán hàng, là người cha sẵn sàng cơm nước, giục con học bài khi vợ mệt, bận rộn”- Ngọc kể. Chị bảo rằng, suốt mấy năm vợ khởi nghiệp là từng ấy thời gian chiếc xe của chồng chật cứng đồ đi giao, chỉ chừa lại cho anh đúng 1 ghế lái xe mà thôi. “Có lần mình hỏi, cho vợ bỏ công việc đang ngon lành, lại còn làm sếp, anh có thấy tiếc, thấy xấu hổ khi em về bán đồ ăn không? Chồng mình bảo, miễn chúng mình có thời gian dành cho nhau, cho gia đình và các con là được. Không ngại khó ngại khổ thì chắc chắn sẽ thành công, còn nếu chưa, thì anh sẽ làm việc gấp đôi, gấp ba để bù đắp kinh tế”- Ngọc cho biết.

Thực tế cho thấy các chị em được sống cùng chồng có tư duy mở thì chính họ cũng được phát triển hơn nhiều và cuộc sống hôn nhân thoải mái, hòa hợp. Đó có thể là được chồng tạo điều kiện để theo đuổi đam mê, học lên cao hoặc học thêm những bộ môn mới lạ như học vẽ, học đàn, nấu đồ Âu; được chồng làm chỗ dựa để sống hòa thuận cùng gia đình chồng; hài hòa với nhau trong nuôi dạy con cái; hai vợ chồng biết cách tạo ra những kỷ niệm lãng mạn như cùng đi nghe nhạc, đi du lịch, khám phá... Hay trong những lúc gia đình khó khăn, cả vợ và chồng biết thẳng thắn đối mặt để tìm ra giải pháp, cùng ngồi lại để rút ra bài học chứ không trách móc nhau...

Theo chuyên gia tâm lý Chử Thị Thanh Hương (Viện Tâm lý Sunnycare), để cuộc sống hôn nhân bền chặt, rất cần sự đồng lòng, sẻ chia từ hai phía. Nhiều công trình và cuốn sách nghiên cứu về tâm lý hôn nhân cho rằng, trong hôn nhân, những rung động ban đầu xuất phát từ phía nào không quan trọng bằng việc anh ấy là người như thế nào. Vậy nên, những người chồng không bị giới hạn theo định kiến, có thái độ tích cực, luôn tìm giải pháp thay vì xoáy vào vấn đề sẽ giúp người vợ của mình tốt lên, hạnh phúc hơn. Đó cũng là nền tảng quan trọng để có được cuộc hôn nhân hạnh phúc.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Giữ cội rễ từ gia đình trong thế giới hội nhập

Giữ cội rễ từ gia đình trong thế giới hội nhập

(PNTĐ) - Trong một thế giới ngày càng phẳng, khi việc học tập, sinh sống và làm việc ở nước ngoài trở nên phổ biến, nhiều bậc phụ huynh người Việt lựa chọn cho con tiếp cận với nền giáo dục phương Tây từ rất sớm. Nhưng giữa làn sóng đó, có những người lại đi ngược dòng. Vợ chồng anh Nguyễn Hồng Trung (gốc Hà Nội) và chị Lương Quân Nhi (người Sài Gòn) là một trong số gia đình chọn đưa con từ Mỹ trở về Việt Nam để con học tập và trưởng thành trong lòng văn hóa quê hương.
Điểm tựa của con

Điểm tựa của con

(PNTĐ) - Hoàng Lê Hằng Nga vừa tốt nghiệp khoa Tâm lý học của Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn. Do đặc thù của ngành học, cô cần phải thực hiện nhiều khảo sát, mỗi khảo sát lại cần nhiều khách thể tham gia. Mối quan hệ bạn bè ít ỏi khó mà đáp ứng được, nên Hằng Nga cần đến sự cứu trợ của bố mẹ nữa. Vì thế, bố mẹ Nga hàng ngày gửi đường link, bảng khảo sát của con gái cho bạn bè, người thân.
Giữ lại những bữa cơm chung

Giữ lại những bữa cơm chung

(PNTĐ) - Tôi sinh năm 1972, thuộc thế hệ 7x – thế hệ giao thời giữa cũ và mới. Chúng tôi lớn lên trong thời kỳ bao cấp còn nhiều thiếu thốn, nhưng cũng chính vì thế mà càng thấm thía giá trị của gia đình. Trong ký ức tuổi thơ tôi, gia đình là nơi ấm áp và đầy nền nếp.
Có mẹ đồng hành trong hành trình giảm cân

Có mẹ đồng hành trong hành trình giảm cân

(PNTĐ) - Sau 5 lần giảm cân, Nguyễn Tùng Chi (21 tuổi, quê Hải Dương, hiện là sinh viên đại học năm thứ 3 tại Hà Nội) từ 95kg còn 60kg, trở về thân hình cân đối. Giảm được số cân như vậy không hề dễ dàng và phải cần rất nhiều ý chí. Tùng Chi nói cô rất may mắn vì luôn có mẹ ở bên, động viên mình.