Vợ chồng đồng lòng “cân, đo, đong, đếm“

Bài và ảnh: Mai Chi
Chia sẻ

(PNTĐ) - Chuyện ngỡ chỉ là nhỏ nhặt, nhưng cách thức chi tiêu các khoản trong cuộc sống gia đình mỗi ngày góp phần rất lớn đến sự bền vững của hạnh phúc gia đình.

Vợ chồng đồng lòng “cân, đo, đong, đếm“ - ảnh 1

Từ chuyện đi chợ sao cho tiết kiệm

Từng có thời điểm, chị Đoàn Bích Hồng (39 tuổi, phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm) thường xuyên lâm vào tình trạng mua sắm quá tay, thỉnh thoảng còn lãng phí khi đi siêu thị. “Một phần bởi mình chưa có kế hoạch tài chính chi tiêu thông minh, phần vì không cưỡng lại được sức hấp dẫn của những hàng hoá, thực phẩm trong siêu thị. Nếu đến những khu đại siêu thị được đầu tư tỉ mỉ, bắt mắt có nhiều hình thức khuyến mại hấp dẫn thì việc vung tay quá trán, chi tiêu theo cảm hứng, bản năng lại càng dễ xảy ra”. 

Chị Hồng kể, mỗi lần như vậy, thường sẽ xảy ra 2 trường hợp: 1 là mua đồ chỉ vì thấy nó đẹp mắt; 2 là mua quá nhiều trong khi tủ lạnh ở nhà vẫn còn không ít đồ ăn, khiến cho việc sắp xếp, sử dụng không khoa học. “Thế là thi thoảng phải ăn cố, ăn đồ mình không thích vì tiếc tiền”. Sau nhiều lần như vậy, chị Hồng quyết tâm mỗi lần đi chợ là một lần mua sắm thông minh và khi trở về nhà không phải thốt lên “biết thế thì đã không…” hay “tài khoản tháng này bị tiêu lẹm mất rồi” và quan trọng nhất là hai vợ chồng không cãi nhau vì chuyện… tiếc của.

Các nguyên tắc chị Hồng đặt ra là trước khi đi chợ nên lên thực đơn sẵn món ăn hôm đó nếu như là người đi chợ mỗi ngày hoặc thực đơn cho cả tuần nếu đi chợ theo tuần. Từ thực đơn này mình ước lượng được số lượng thực phẩm cần mua hợp lý nhất sao cho không lưu cữu quá lâu khiến nguyên liệu chế biến bị mất chất. Nguyên tắc thứ hai là kiểm tra tủ lạnh trước khi đi chợ để xem đồ gì còn đồ gì hết hoặc nguyên liệu nào cần chế biến trước khi mua đồ mới. Tiếp theo, nên sắp xếp tủ lạnh cũng như tủ trữ đồ khô khoa học. Đồ nào gần hết hạn thì để ngăn dễ nhìn hơn phía ngoài nhớ ăn trước rồi mới mua tiếp đồ mới sau. Điều cuối cùng, khó khăn nhất chính là phải có cách cưỡng lại việc vung tay quá trán khi lạc lối vào mê cung hàng hoá bắt mắt trong siêu thị.

 “Lên thực đơn đầy đủ và các nguyên liệu cần mua sau đó ước chừng số tiền vừa đủ mua nếu có dư chỉ ít thôi đề phòng phát sinh cần thiết. Nhất định không mang quá nhiều tiền”- chị Hồng chia sẻ. 

Kiên trì áp dụng các mẹo đó sau một thời gian, chị Hồng thấy mình đã phần nào tránh lãng phí mỗi khi đi chợ. “Vì số tiền đó tưởng không nhỏ mà tích lại hoá ra một khoản khá lớn dùng được vào rất nhiều việc hữu ích hơn, nhất là trong thời buổi kinh tế khó khăn. Đặc biệt, mình nghĩ hạnh phúc gia đình được vun đắp từ những điều tưởng chừng nhỏ nhặt thế này”- chị Hồng cho hay.
Đến thu vén gia đình khéo léo bằng các mục tiêu
Hai vợ chồng chị Huệ - anh Tú (ở phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm) có 3 con nhỏ. Bản thân chị Huệ là một kế toán nên cũng rất có ý thức về quản lý chi tiêu, chị thường tự mình thử ghi chi tiêu, nào là dùng excel hoặc sử dụng các ứng dụng quản lý chi tiêu trên điện thoại, nhưng bữa nhớ bữa quên vì bận rộn hoặc… lười.  Nhưng từ khi có các con, chị càng nhận ra quản lý tài chính cực kỳ quan trọng, nhưng để kiên trì làm được thì phải có cả sự hỗ trợ của chồng. Vậy là thay vì một mình, chị Huệ vận động cả chồng cùng mình quản lý chi tiêu.

 “Mình thấy lợi ích đầu tiên mà mình rút ra được là nhận thức rõ các khoản mình đang bỏ ra vào từng mục như thế nào, điều chỉnh lại nếu ko hợp lý. Tiếp đó, khi vạch ra các khoản, mình sẽ dự tính được tháng sau nguồn thu nhập vào/ra như thế nào và lên dự trù trước. Do thu nhập mình ko ổn định hàng tháng, nên việc này rất quan trọng. Dự trù xong rồi, lương về mình tự tin chuyển tiền đi các khoản khác nhau, vẫn có chi phí ngẫu hứng nhưng hoàn toàn kiểm soát được”. Điều này khác hẳn với cách làm trước kia của chị, là tiền về bao nhiêu, chi tiêu còn lại bao nhiêu mới đem tiết kiệm, dẫn đến không chủ động được. 

Có kế hoạch chi tiêu giúp cả hai vợ chồng chị Huệ “làm chủ” được túi tiền của mình, “mình thấy vô cùng có động lực để quản lý tài chính và kiểm soát chi tiêu hiệu quả hơn từng tháng”- chị nói. Khi duy trì được thói quen chi tiêu hợp lý, an tâm với đồng tiền, hai vợ chồng bắt đầu “để mắt” tới thị trường để nắm bắt các cơ hội đầu tư khác nhau. “Các cặp vợ chồng trẻ rất nên cùng nhau sử dụng excel hoặc các ứng dụng chi tiêu để tự cân đối tài chính cho gia đình nhé. Mình thấy thời đại này vợ chồng nên đồng lòng, chia sẻ với nhau, từ việc nhỏ tới việc lớn. Phụ nữ không chỉ biết vào bếp, đi chợ loanh quanh mấy con cá, lạng thịt mà cũng có thể cùng chồng mua xe, làm nhà, đầu tư và ngược lại”- chị Huệ cho hay.

Thực tế, bất hòa trong chi tiêu là lý do phổ biến gây ra thất vọng trong hôn nhân. Có thể kể đến như, giữ thói quen chi tiêu như khi còn độc thân, có những khoản chi tùy hứng, vô tội vạ, hay không thẳng thắn tiết lộ với nhau về tình hình tài chính cũng như những khoản nợ mắc phải trước khi cưới, hoặc trao quyền quản lý tài chính cho một người (vợ hoặc chồng) dẫn đến người quản lý phải chịu nhiều áp lực trong việc cân bằng thu chi, trong khi người còn lại mang tâm lý khó chịu do không được tự chủ về tài chính. Vì thế, sự thống nhất trong hôn nhân, ở đây cụ thể là vợ chồng đồng lòng trong việc quản lý tài chính gia đình rất quan trọng, không chỉ giữ gìn hạnh phúc mà còn là “lá chắn” giúp vợ chồng đối mặt rủi ro có thể xảy đến trong hôn nhân.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

(PNTĐ) - “Chồng ngã vợ nâng, đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại…” là phương châm sống của một số người chồng, người vợ bị bạn đời phản bội. Họ hi vọng, với sự vị tha, độ lượng của mình sẽ thức tỉnh người u mê, lầm lỗi, cho họ một lối về tránh gia đình đổ vỡ. Tuy nhiên, không phải người chồng, người vợ nào cũng biết thức tỉnh trước sự vị tha của người bạn đời.
Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

(PNTĐ) - Lâu nay, một số người thường ngại đề cập tới vấn đề chăn gối vợ chồng, cho rằng đó là chuyện tế nhị, cần được giấu kín. Tuy nhiên, tình dục lại có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống hôn nhân, thậm chí nhiều cặp vợ chồng chia tay chỉ vì không hòa hợp trong tình dục.
Tha thứ nhưng không... buông bỏ

Tha thứ nhưng không... buông bỏ

(PNTĐ) - Trong lá đơn ly hôn đơn phương gửi ra tòa, anh nêu lý do hôn nhân đổ vỡ là do “vợ dù tha thứ nhưng không buông bỏ lỗi lẫm của chồng, khiến cuộc sống hôn nhân không còn ý nghĩa”.