Vợ chồng nắm tay nhau đi khắp thế gian

Chi Mai
Chia sẻ

(PNTĐ) - Có cặp vợ chồng nguyện nắm tay nhau khi khắp thế gian để trải nghiệm cuộc sống, thắt chặt hơn tình cảm sau khi trải qua biến cố trong cuộc sống, có cặp vợ chồng lại nguyện nắm tay nhau để vượt qua mọi khó khăn bằng tình yêu kiên định. Mỗi người một cách, nhưng điểm chung là họ cùng đồng lòng, đồng tâm bên nhau thực hiện những dự định và hoài bão, ước mơ để được sống bên nhau trong tình yêu ngọt ngào nhất.

Vợ chồng nắm tay nhau đi khắp thế gian - ảnh 1
Vợ chồng Thùy Giang cùng nhận bằng tiến sĩ.

Nghỉ làm 1 năm để đi trải nghiệm

Anh Ngô Quang Dũng (29 tuổi, kỹ sư công nghệ thông tin kiêm nhiếp ảnh gia, quê Sơn Tây, Hà Nội) cùng vợ là chị Hatori Chiaki (30 tuổi, tư vấn viên) hiện sống tại Nhật Bản. Họ vừa hoàn thành chuyến du lịch tự túc vòng quanh châu Mỹ, sang châu Á và hiện tiếp tục trải nghiệm hành trình mới tại châu Phi - châu lục thứ 3 và cũng là cuối cùng trong kế hoạch dành một năm đi du lịch bụi khắp thế giới. Về lý do quyết định nghỉ việc và dành một năm đưa vợ đi du lịch khắp thế giới, anh Dũng chia sẻ rằng, đó là nỗi sợ hãi cách đây gần 3 năm, khi vợ anh rơi vào cảnh “thập tử nhất sinh”.

Họ quen nhau và nên duyên qua một câu lạc bộ tiếng Anh từ năm nhất tại Đại học Nông nghiệp Tokyo năm 2014. Hai người trải qua quãng thời gian dài yêu nhau với nhiều thử thách, khi phải yêu xa, hay khi mỗi người chọn một tương lai sau tốt nghiệp. Tháng 10/2021, khi dịch Covid-19 được kiểm soát, anh Dũng đưa người yêu về Việt Nam làm đám cưới.

Chỉ hai ngày sau hôn lễ, Chiaki nhiễm Covid-19. Tình trạng trở nặng, chị thở hổn hển như “người hấp hối”, được gia đình tức tốc đưa đi cấp cứu trong đêm. May mắn, chị dần thở bình thường trở lại, nhưng vẫn còn rất mệt, suốt ba ngày tiếp theo việc ngồi dậy vẫn rất khó khăn. Anh Dũng chợt nhớ ra, trước khi về Việt Nam tổ chức đám cưới, Chiaki đã làm việc vất vả, mười mấy tiếng mỗi ngày đều “cắm mặt vào máy tính”. Sau nửa tháng Chiaki khỏi bệnh, cả hai mới quay lại Nhật Bản đi làm. Nhưng cũng từ đó, vợ chồng anh nhận ra, mình còn trẻ dốc hết sức lực kiếm tiền, nhưng rồi lại dùng chính khoản tiền đó để chữa bệnh thì không còn ý nghĩa gì nữa. Vì vậy, vợ chồng trẻ gác lại công việc 1 năm, vừa là để Chiaki phục hồi, vừa là muốn khi còn chưa con cái, được cùng nhau tự do đi lại nhìn ngắm thế giới.

Khi nói ra dự định của mình, đôi vợ chồng trẻ không được bố mẹ hai bên hưởng ứng. Bố mẹ anh Dũng lo sức khỏe và an toàn cho con trai và con dâu, còn bố của Chiaki tiếc nuối khi hai con đang có sự nghiệp phát triển. Trong suy nghĩ của họ, lập gia đình thường đi kèm với có con và ổn định, chứ không phải là bỏ hết tất cả để vi vu nay đây mai đó như ngày còn độc thân. Vợ chồng anh đã phải thuyết phục bố mẹ để thực hiện ý định của mình. 

Dù còn trẻ nhưng vì đã đi làm nhiều năm và có tích lũy nên họ có một khoản tài chính đủ để ăn chơi 1 năm mà “không phải nghĩ”. Họ bắt đầu hành trình vào tháng 7/2023. “4 tháng đầu tiên, chúng mình ở châu Mỹ, đã đi qua Mỹ, Mexico, Colombia, Bolivia, Peru, Chile và Brazil, sau đó trở về Mỹ một lần nữa để thuê xe đi vòng quanh 23 công viên quốc gia”- anh Dũng cho biết.

Lúc này họ quay trở lại Nhật Bản làm visa và ăn Tết với gia đình, trước khi bay đến Philippines gần một tháng để học lặn biển. Ngày 28 Tết, họ đáp chuyến bay trở về nhà để ăn Tết Nguyên đán. Kết thúc 3 tuần ở Việt Nam, họ bay đến Sri Lanka, Ấn Độ, Gruzia, Thổ Nhĩ Kỳ và hiện ở Madagascar. 3 tháng nữa là kết thúc hành trình 1 năm, họ dự kiến sẽ đi tiếp vài nước châu Phi nữa.

Anh Dũng cho rằng, chuyến đi này không hề lãng phí và anh khuyên các bạn trẻ, nó rất “đáng để thử”. “Chỉ cần có kế hoạch tiết kiệm tiền cụ thể, chuẩn bị đầy đủ hồ sơ xin visa thì ai cũng có thể thực hiện được, nên bạn nào muốn đi thì đừng ngại nhé”, anh nói. Hết 1 năm, hai vợ chồng sẽ lại “cày cuốc” chăm chỉ và sẽ tiếp tục dành thời gian trong năm để đi du lịch. “Gần 1 năm qua, những chuyến đi đã cho chúng tôi nhiều trải nghiệm. Có cả những mất mát, nhưng đó lại là lúc vợ chồng gắn bó hơn”.
Từ giảng đường tới lễ đường của cặp vợ chồng tiến sĩ 27 tuổi
Nguyễn Cao Thùy Giang và Trương Hoàng Quân (cùng 27 tuổi) vừa kết hôn vào tháng 3 năm nay. Trước đó, chị Giang đã chính thức trở thành tiến sĩ sau khi bảo vệ thành công luận án về chủ đề sử dụng những vật liệu sinh học để vận chuyển thuốc đến các tế bào ung thư có chủ đích tại Đại học Quốc gia Incheon (Hàn Quốc). Đặc biệt, chồng chị – người đã đồng hành cùng vợ suốt hơn 6 năm qua, giúp đỡ nhau trong việc nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Incheon cũng là một tiến sĩ. 

Họ gặp nhau lần đầu vào năm 2014, khi mới bước vào đại học. Khi ấy, cả hai đơn thuần chỉ là bạn học cùng lớp. Nhưng rồi đến khi cả chị Giang và chồng cùng nhận được học bổng dành cho sinh viên có thành tích học tập xuất sắc của trường, họ mới thực sự để ý và dành tình cảm cho nhau. 

“Chúng mình đã đồng hành và cùng nhau trải qua những cung bậc vui buồn của quãng thời gian học tập và nghiên cứu tại Hàn Quốc. Đôi khi quá trình thí nghiệm không đem lại kết quả như mong muốn khiến cho mình cảm thấy rất áp lực và có ý định bỏ cuộc. Nhưng mình cảm thấy thật hạnh phúc và may mắn khi trong suốt quãng hành trình khó khăn và rực rỡ nhất, bọn mình vẫn luôn có nhau và nắm tay nhau vượt qua mọi thử thách”- chị Giang chia sẻ.

Bên nhau giúp cả hai bù đắp những điều còn thiếu. Chị Giang có tính khéo léo, tỉ mỉ nhưng không giỏi ở khoản tính toán và tổng hợp hóa học. Anh Quân thì ngược lại, anh chơi thể thao giỏi nên đã “lôi kéo” được người yêu cùng tập với mình. Suốt quãng thời gian du học, họ đã chứng minh cho gia đình thấy, tình yêu đã chắp cánh, là động lực để cả hai phấn đấu. Vì thế, gia đình hai bên đã đồng ý để đôi trẻ đến với nhau.

Họ sẽ lại tiếp tục cùng nhau chinh phục những chân trời mới. Chị Giang cho biết, hai vợ chồng đều làm nghiên cứu sau tiến sĩ - trợ lý giáo sư tại Đại học Massachusetts (Mỹ). Cả hai đặt mục tiêu sẽ trở thành giáo sư. “Tình yêu sẽ giúp các bạn vượt qua những điều thử thách một các ngọt ngào nhất”- nữ tiến sĩ trẻ chia sẻ. 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Bài 2: Những biến đổi của gia đình trong thời kỳ hiện đại hóa

Bài 2: Những biến đổi của gia đình trong thời kỳ hiện đại hóa

(PNTĐ) - Những năm gần đây, quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa và hội nhập ở nước ta diễn ra nhanh chóng. Là một thiết chế xã hội đặc biệt, gia đình vừa mang tính ổn định, bền vững, nhưng cũng mang tính linh hoạt, vận động để thích ứng với sự đổi thay của xã hội. Điển hình như tại Thủ đô Hà Nội, thời gian qua đã ghi nhận nhiều sự thay đổi rõ rệt của các hình thái gia đình.
“Cái kết không có hậu” khi... làm người thứ ba

“Cái kết không có hậu” khi... làm người thứ ba

(PNTĐ) - Những ngày này, chuyện kiều nữ làng hài Nam Thư bị công kích, lập nhóm anti* chỉ trích trên mạng xã hội khi vướng tin đồn “giật chồng” gây xôn xao dư luận. Trong showbiz Việt, nhiều người đã bị “tẩy chay” khi công khai hoặc bị phát hiện làm người thứ ba.
Già cậy... người dưng

Già cậy... người dưng

(PNTĐ) - Nhà có đứa con trai thành đạt, cuộc sống phương trưởng, cứ ngỡ cuộc sống tuổi già của bà được an nhàn hưởng phước. Theo quy luật thì “trẻ cậy cha, già cậy con”, nhưng với bà “già lại phải cậy người dưng”…
Hạnh phúc của người mẹ đơn thân

Hạnh phúc của người mẹ đơn thân

(PNTĐ) - Từng đổ vỡ một lần và bước vào cuộc hôn nhân mới, chị Nguyễn Kiều Hoa (33 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) được cả nhà chồng yêu thương. Khi chị vào phòng mổ sinh em bé, nội ngoại ở ngoài háo hức chờ mong và vỡ òa hạnh phúc chào đón “mẹ tròn con vuông”.
Bài 1: Đi đâu cũng không quên nền tảng gia đình

Bài 1: Đi đâu cũng không quên nền tảng gia đình

(PNTĐ) - Với vị thế là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, kinh tế của cả nước, các giá trị văn hóa của Hà Nội, trong đó có giá trị gia đình đã trở thành nguồn nội lực quan trọng để Hà Nội trở thành Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại. Song, trong “cơn lốc” kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, gia đình Thủ đô đang đứng trước vô vàn thách thức. Thực tế này đặt ra yêu cầu cấp thiết phải tăng cường gìn giữ, phát huy các giá trị tốt đẹp của gia đình Thủ đô trong thời kỳ hội nhập. Đây cũng chính là lời giải cho loạt bài “Phát huy giá trị gia đình Thủ đô: Từ truyền thống tới hiện đại”.