Vợ muốn nghỉ việc vì bị quấy rối nơi công sở

Chia sẻ

Vợ em là một phụ nữ xinh đẹp, nhờ biết cách ăn mặc thời trang nên lúc nào cũng toát lên sự quyến rũ. Nhưng chính vì sự quyến rũ đó mà cô ấy gặp rắc rối khi ra ngoài làm việc. Công ty nơi vợ em làm việc có đặc thù nam nhiều nữ ít.

Vợ muốn nghỉ việc vì bị quấy rối nơi công sở - ảnh 1 (Ảnh: Minh họa)

Do đó, cô ấy luôn là tâm điểm chú ý của nam giới tại nơi làm việc. Gần đây, vợ em liên tục đòi nghỉ làm vì lý do không chịu được cảnh bị đồng nghiệp có những hành động khiếm nhã, quấy rối nơi làm việc. Cô ấy bảo dù chưa đến mức độ cưỡng bức nhưng những lời bông đùa, cợt nhả, ánh mắt lẫn sự đụng chạm "vô tình"của nhiều đồng nghiệp nam khiến cô ấy bị stress nặng. Chuyện bị quấy rối tình dục đối với nhân viên nữ rất tế nhị, nên vợ em không dám công khai lên tiếng. Do đó, cô ấy đã quyết định nghỉ việc để tránh rắc rối.

Công việc hiện nay của vợ em rất tốt, có triển vọng phát triển lên vị trí cao trong tương lai. Đồng thời, công việc cũng mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình, trong bối cảnh công việc của em đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Vì thế, em không muốn cô ấy nghỉ việc. Em muốn hỏi Quý báo, trong trường hợp của vợ em thì làm thế nào để có thể thoát khỏi cảnh bị đồng nghiệp quấy rối. Vấn đề quấy rối tình dục tại nơi làm việc có bị pháp luật xử lý không?

Nguyendangquang87@gmail.com

Trả lời:

Hành vi quấy rối tình dục nơi làm việc có thể gây hậu quả nặng nề cho nạn nhân. Thế nhưng, lâu nay vấn đề này vẫn chưa được quan tâm nhiều, bởi đa số các nạn nhân đều cho rằng đây là chuyện "tế nhị". Thậm chí, nếu công khai ra, họ còn bị đổ lỗi. Tuy nhiên, khi các vụ việc quấy rối tại nơi làm việc ngày càng gia tăng với mức độ nghiêm trọng, pháp luật đã có những chế tài, quy định cụ thể hơn để phòng chống, ngăn chặn vấn nạn này.

Cụ thể, Bộ Luật Lao động năm 2019 có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 và Nghị định 145/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/2/2021 hướng dẫn Bộ luật Lao động năm 2019 đã quy định rõ thế nào là quấy rối tình dục tại nơi làm việc, quy định của người sử dụng lao động về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc ra sao. Theo đó, khoản 9, Điều 3 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định: Quấy rối tình dục tại nơi làm việc là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận. Nơi làm việc là bất kỳ nơi nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động.

Quấy rối tình dục có thể xảy ra dưới dạng trao đổi như đề nghị, yêu cầu, gợi ý, đe dọa, ép buộc đổi quan hệ tình dục lấy bất kỳ lợi ích nào liên quan đến công việc; hoặc những hành vi có tính chất tình dục không nhằm mục đích trao đổi, nhưng khiến môi trường làm việc trở nên khó chịu và bất an, gây tổn hại về thể chất, tinh thần, hiệu quả công việc và cuộc sống của người bị quấy rối.

Theo khoản 2, Điều 84 Nghị định 145/2020/NĐ-CP những hành vi được xác định là quấy rối tình dục tại nơi làm việc bao gồm: Hành vi mang tính thể chất gồm hành động, cử chỉ, tiếp xúc, tác động vào cơ thể mang tính tình dục hoặc gợi ý tình dục; Quấy rối tình dục bằng lời nói gồm lời nói trực tiếp, qua điện thoại hoặc qua phương tiện điện tử có nội dung tình dục hoặc có ngụ ý tình dục; Quấy rối tình dục phi lời nói gồm ngôn ngữ cơ thể; trưng bày, miêu tả tài liệu trực quan về tình dục hoặc liên quan đến hoạt động tình dục trực tiếp hoặc qua phương tiện điện tử.

Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 85 Nghị định 145/2020/NĐ-CP cũng quy định doanh nghiệp có trách nhiệm quy định chi tiết, cụ thể các hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc phù hợp với tính chất, đặc điểm của công việc và nơi làm việc tại bên mình và ghi nhận trong Nội quy lao động.

Những phương thức kỷ luật đối với lao động có hành vi quấy rối tình dục nơi làm việc cũng được Bộ luật Lao động năm 2019 quy định. Theo đó, có 4 cấp độ kỷ luật để áp dụng cho những hành vi liên quan đến quấy rối tình dục như: Khiển trách, kéo dài thời hạn nâng lương (không quá 6 tháng), cách chức, sa thải.

Ngoài ra, những hành vi quấy rối gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị xử phạt hành chính theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ, hoặc bị xử lý hình sự theo thực tế cấu thành một tội được quy định tại Bộ luật Hình sự. Người bị hại có thể tố giác tội phạm với công an, Viện Kiểm sát, Tòa án.

Riêng với trường hợp của vợ bạn, thay vì nghỉ việc hãy trực tiếp tố cáo việc mình bị đồng nghiệp quấy rối lên cấp trên để họ có biện pháp xử lý, ngăn chặn. Đó là cách bảo vệ mình cũng như lên tiếng để ngăn chặn hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc về lâu dài.

BÁO PHỤ NỮ THỦ ĐÔ

Tin cùng chuyên mục

Tha thứ nhưng không... buông bỏ

Tha thứ nhưng không... buông bỏ

(PNTĐ) - Trong lá đơn ly hôn đơn phương gửi ra tòa, anh nêu lý do hôn nhân đổ vỡ là do “vợ dù tha thứ nhưng không buông bỏ lỗi lẫm của chồng, khiến cuộc sống hôn nhân không còn ý nghĩa”.
Đứt gánh hôn nhân vì mẹ... hoàn hảo

Đứt gánh hôn nhân vì mẹ... hoàn hảo

(PNTĐ) - Cuộc hôn nhân của con gái chị đang đứng bên bờ vực thẳm dù chị đã cố gắng hết sức để níu kéo, hàn gắn cho con. Lời con rể nói khi đặt bút ký vào đơn ly hôn khiến chị day dứt mãi “giá như vợ con không sống dưới cái vỏ hoàn hảo của mẹ thì có lẽ hôn nhân của chúng con đã không nửa đường đứt gánh”…