Vợ “nhỉnh” hơn chồng, có sao không?

BÁO PHỤ NỮ THỦ ĐÔ
Chia sẻ

(PNTĐ) -Xã hội phát triển, ngày một nhiều chị em phụ nữ có cơ hội chứng tỏ năng lực, thăng tiến trong nghề nghiệp và kiếm được nhiều tiền hơn chồng. Song, điều này lại khiến nhiều phụ nữ cảm thấy hạnh phúc gia đình trở nên chông chênh. Các ông chồng hoặc là hục hoặc, cáu giận, hoặc là mất tự tin, tỏ ra xa cách vợ...

Vợ “nhỉnh” hơn chồng, có sao không? - ảnh 1

Chuyện của vợ
Chị Bình ở Hà Nội kể, 15 năm trước, khi kết hôn, chị là nhân viên còn chồng chị là trưởng phòng. Ai cũng chúc mừng chị lấy được tấm chồng tươm tất. Lương hàng tháng anh kiếm nhiều gần gấp ba lần lương của chị, đủ để nuôi hai vợ chồng ở mức trung bình. Thu nhập của chị chỉ để “thêm thắt” vào các khoản phát sinh như hiếu hỷ, đau ốm… 

Cuộc sống gia đình khi đó, theo chị Bình đánh giá là rất thuận. Hàng ngày, chị là người lo nội trợ, vun vén gia đình. Chồng chị lo việc  đối ngoại của gia đình và những công việc được cho là to lớn khác. Họ hàng, nhà chồng có việc gì cần cũng thường báo cho cháu trai/con trai của họ trước, rồi anh báo lại cho chị. Khách đến nhà, anh luôn là người tiếp chuyện. Về quê, anh thay mặt gia đình hầu chuyện các bậc bề trên, còn chị thì đứng sau anh, giống như hậu phương của ông chồng. 
Nhưng rồi mọi việc thay đổi kể từ khi chị được cơ quan cất nhắc. Do có vốn ngoại ngữ tốt, lại có năng lực chuyên môn, chỉ trong vòng 5 năm mà chị đi từ nhân viên lên trưởng phòng, rồi hiện là phó giám đốc công ty. Thu nhập của chị không chỉ tính theo bậc lương mà còn đến từ các khoản thù lao mỗi khi chị ký được các hợp đồng làm ăn lớn. Có hợp đồng, tiền hoa hồng chị kiếm được bằng cả năm tiền lương của chồng.  

Độc giả nghĩ sao về tình  huống này? Liệu cuộc “đảo chiều” về vai trò của người phụ nữ có ảnh hưởng tới hạnh phúc gia đình? Người đàn ông kiếm tiền ít vợ có bị coi là kém cỏi? Làm gì để chúng ta có thể xóa đi định kiến giới mà người chồng đặt ra? Từ số này, báo Phụ nữ Thủ đô mở diễn đàn: “Vợ “nhỉnh” hơn chồng, có sao không?”. Kính mời bạn đọc gửi ý kiến thảo luận về Email diendanbaopntd@gmail.com. Các ý kiến được chọn đăng sẽ được hưởng nhuận bút theo quy định của tòa soạn.
 

Đến nay, chồng chị vẫn là một trưởng phòng, còn chị đứng dưới một người, trên hàng chục người. Anh vẫn đi xe máy, còn chị có tiêu chuẩn xe ôtô đưa đón tận nhà. Khách đến nhà chủ yếu là nhân viên, đối tác của chị. Lúc đầu, anh còn ra tiếp về sau thì tránh mặt. Anh khó chịu đóng cửa ở tịt trong phòng, bảo chị từ nay ai hỏi cứ bảo là anh đi vắng. 

Chị cũng không còn về nhà vào 5 giờ chiều để lo bữa tối, rồi lau dọn nhà cửa, giặt giũ quần áo. Chị tính hoặc là anh thay chị làm việc nhà, hoặc là hai vợ chồng thuê người giúp việc theo giờ để đỡ việc cho chị.

Nhưng chồng chị không hợp tác. Anh cấm cửa người giúp việc và cũng chẳng làm việc nhà. Anh đòi chị phải làm một người vợ như xưa. Rồi anh dằn hắt, cáu bẳn vô duyên vô cớ như chị đang gây ra tội lỗi gì to lớn. Đêm xuống, anh nằm bên cạnh nhưng quay lưng lại với vợ. Thấy vợ mỏi mệt, anh không hỏi một câu, còn tỏ ra “đáng đời” chị. Anh đổ lỗi cho chị ham hố chức tước, thích thể hiện với chồng. Nhà chồng chị cũng bực bội thay con trai, cảnh báo chị không biết làm vợ, làm mẹ thì có ngày mất chồng, mất con.

Chị Bình tâm sự: Chị yêu công việc và muốn được cống hiến, điều đó đâu có lỗi. Vậy tại sao, trước đây, chị làm hậu phương của chồng thì được, còn giờ, chồng chị lại không thể ở bên cổ vũ, động viên vợ. Chị muốn có cả sự nghiệp lẫn gia đình yên ấm, lẽ nào khó vậy sao? Việc chị có một người chồng hơn mình, thì được cho là “có số hưởng” nhưng ngược lại, làm chồng một phụ nữ thành đạt thì người đàn ông lại thấy mình bất hạnh, thiệt thòi. 

Chuyện của chồng
Hồi còn yêu nhau, anh Thành từng hứa với vợ: “Anh sẽ chăm lo cho em cả đời”. Đó là bởi anh tự thấy mình hơn vợ cả về tuổi đời lẫn… tuổi nghề (lúc đó, vợ anh mới chân ướt chân ráo ra trường, còn anh đã đi làm được hơn 5 năm). Khi vợ ngỏ ý muốn học tiếp lên Cao học, anh đồng ý luôn, trong bụng nghĩ “chồng nuôi vợ học cao” là lẽ thường tình. 

Thế rồi chính anh lại tự trách bản thân vì… đã để cho vợ nuôi chí học. Để rồi bây giờ, chị đang “vượt mặt” chồng. Anh Thành kể, ban đầu, khi thấy công việc của vợ thuận lợi, anh cũng vui. Nhưng rồi dần dần, niềm vui đó nhỏ dần rồi tắt lịm. Nhất là khi thấy vợ cái gì cũng hơn, quyền lực hơn, tiền nong rủng rỉnh hơn. Anh có cảm giác tự ti, hụt hẫng và hoang mang thế nào. Cũng đã lâu rồi, gia đình anh chẳng còn “ngóng” lương anh đưa về. Vợ anh tự có đủ tiền nuôi cả nhà. Các con cần tiền học, tiền mua quần áo, tiêu vặt cũng chỉ… nhăm nhăm hỏi xin mẹ.

“Tôi bỗng thấy mình thừa thãi, chẳng còn vai trò gì ngoài làm cái bóng người đàn ông đi lại trong nhà”- anh Thành tâm sự.
Từ chán nản, anh bắt đầu khép mình, sợ đi giao lưu với bạn bè, thậm chí sợ gặp mặt cả… hàng xóm. Anh lo ngay ngáy khi bị hỏi: “Dạo này công việc thế nào?”. Không lẽ, anh lại nói, việc vẫn tốt nhưng… tôi rất tiếc vì tiền kiếm không được bằng vợ. Rồi mỗi lần phải đụng mặt nhà ngoại, anh chỉ muốn đi về thật nhanh. Anh thấy thất thế với bố mẹ vợ kiểu như mình đang ăn bám vợ vậy.  

Từ đó, anh quay sang giận lây cả vợ con. Vợ chồng vẫn ở với nhau thật đấy nhưng giờ mỗi người mỗi suy nghĩ, mỗi chí hướng. 

Anh chia sẻ: Vẫn biết quyền lực nằm ở trong tay người có quyền. Nhưng, quyền đó ở trong tay vợ thì… là một áp lực lớn với người chồng. 

Thảo luận
Chuyện nhà chị Bình, anh Thành đã không còn hiếm gặp. Nếu như trước đây, người vợ chỉ được xem như hậu phương của chồng, thu nhập chỉ là “thêm thắt “thì nay người phụ nữ ngày càng khẳng định vai trò, vị trí, năng lực ngoài xã hội.
Theo một nghiên cứu do các nhà khoa học từ Đại học Bath (Anh) thực hiện trên 6.000 cặp vợ chồng trong hơn 15 năm cho thấy, vợ càng kiếm được nhiều tiền thì các ông chồng càng gia tăng mức độ căng thẳng. Trong đó, nếu vợ kiếm được ít hơn 40% tổng thu nhập của gia đình thì chồng ít bị căng thẳng nhất. Số tiền vợ kiếm được càng cao hơn 40% bao nhiêu thì căng thẳng của chồng càng tăng lên theo. Lý do là vì nhiều nam giới chưa quen chấp nhận vợ vượt hơn mình. Bên cạnh đó còn là cảm giác lo ngại vợ thành công sẽ độc lập hơn khiến người đàn ông thấy mình trở nên mất đi vai trò của phái mạnh. 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Chị chồng ở nhà bên

Chị chồng ở nhà bên

(PNTĐ) - Căn hộ nhà chị Huyền ngay sát vách, mẹ chồng bảo: "Vợ chồng trẻ ở gần chị gái, tiện nhờ cậy nhau". Lúc đó, Linh thấy hợp lý, nhưng sống gần nhau rồi cô mới thấy nhiều điều phức tạp.
Nhà có hai con gái

Nhà có hai con gái

(PNTĐ) - Ngày đó, khi sinh ra chị Bơ là con gái, mẹ đã thầm nghĩ: “Không sao, vẫn còn... 1 suất sinh nữa”. Nhưng đến khi có thêm em Bắp cũng là... con gái, thì mẹ từng cảm thấy hụt hẫng trong lòng.
Giải mã “cơn sóng ngầm” tội phạm trẻ

Giải mã “cơn sóng ngầm” tội phạm trẻ

(PNTĐ) - Gần đây, không ít gia đình phải đối diện với “cơn sóng ngầm” đầy thách thức: Tình trạng trẻ em phạm tội ngày càng trẻ hóa và diễn biến phức tạp, gióng lên hồi chuông cảnh báo về những vết rạn trong mối quan hệ gia đình, đặt ra bài toán cấp thiết về trách nhiệm định hướng, chở che con trẻ trước những vấp ngã nhỏ có nguy cơ trở thành những hệ lụy khôn lường.
Con cái là khoản đầu tư “lỗ” của cha mẹ

Con cái là khoản đầu tư “lỗ” của cha mẹ

(PNTĐ) - Diễn đàn “Trẻ cậy cha, già cậy ai?” nhận được nhiều ý kiến trái chiều cho rằng, trong xã hội hiện đại, cả cha mẹ và con cái nên thay đổi quan niệm cha mẹ về già phải cậy con, mà hãy nên chủ động tương lai, chuẩn bị cuộc sống tự do, tự tại, dành một khoản tiền để dưỡng già, bởi con cái cũng phải lo tương lai của chúng.
Mẹ hãy ly hôn đi

Mẹ hãy ly hôn đi

(PNTĐ) - “Bà dạy con cái kiểu gì vậy. Con cái nhà người ta thì mong cho bố mẹ sống đầu bạc răng long với nhau, còn con của bà thì lại suốt ngày xúi bẩy bố mẹ ly hôn. Nhà này vô phúc quá rồi…”.