Vun đắp giá trị Gia đình Việt Nam thời 4.0

Chia sẻ

Nằm trong chuỗi sự kiện hưởng ứng 20 năm ngày Gia đình Việt Nam, sáng 28/6, Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề "Đưa Nghị quyết Đại hội XIII vào cuộc sống: Vun đắp giá trị gia đình Việt Nam - Nhận diện và giải pháp".

Hội thảo đã khẳng định "gia đình là một trong những nhân tố quan trọng quyết định sự phát triển bền vững đất nước. Đầu tư cho gia đình, vì vậy, cũng là đầu tư cho phát triển bền vững".

Gia đình là nơi gắn kết các thế hệ

Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Hà Thị Nga, Ủy viên TW Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam khẳng định: "Gia đình có vai trò quan trọng không chỉ đối với sự phát triển của mỗi cá nhân, mà cả trong việc thực hiện các chức năng xã hội, "là nơi kết nối, gắn kết các thế hệ, giữ gìn, phát huy những chuẩn mực, giá trị, tinh hoa văn hoá dân tộc" như thông điệp của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhân kỷ niệm 20 năm ngày Gia đình Việt Nam.

Bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam phát biểu tại Hội thảoBà Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam phát biểu tại Hội thảo (Ảnh: T.Thanh)

Mới đây, ngày 24/6/2021, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị 06-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới, đã yêu cầu cần "Xác định gia đình là một trong những nhân tố quan trọng quyết định sự phát triển bền vững đất nước". Đầu tư cho gia đình, vì vậy, cũng là đầu tư cho phát triển bền vững.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, gia đình Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức: Các vấn đề mới xuất hiện, gia đình truyền thống ngày càng thu hẹp, các quan hệ tự do, cởi mở về hôn nhân và gia đình xuất hiện, tình trạng ly hôn, sống đơn thân, ngại sinh con cùng với tình trạng buông lỏng giáo dục gia đình, lối sống thực dụng, chạy theo vật chất chi phối thái độ, ứng xử các thành viên trong gia đình và xã hội... Mặc dù cấu trúc và quan hệ trong gia đình Việt Nam đã có những thay đổi, nhưng chức năng cơ bản của gia đình vẫn tồn tại và gia đình vẫn luôn là nhân tố đặc biệt quan trọng, không thể thiếu trong sự trường tồn của dân tộc và phát triển đất nước. "Xây dựng một hệ giá trị gia đình Việt Nam gồm tổng hòa giá trị kinh tế, văn hóa, xã hội kết hợp giữa truyền thống và hiện đại trở thành nguồn lực mạnh mẽ thực hiện mục tiêu phát triển con người, phát triển đất nước đang là yêu cầu đặt ra" - Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga nhấn mạnh. Những năm qua, Hội LHPN Việt Nam đã phát động các phong trào thi đua, cuộc vận động và tổ chức nhiều hoạt động vận động, hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình văn minh, hạnh phúc, phát triển toàn diện, vun đắp các giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam như thực hiện cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch", góp phần vun đắp giá trị gia đình...

Văn hóa gia đình Việt Nam được hình thành, vun đắp qua nhiều thế hệ, đề cao giá trị đạo đức, nền nếp, kỷ cương, nuôi dưỡng tâm hồn, rèn giũa phẩm chất, hình thành nhân cách con người. Gia đình tốt, sẽ sinh ra những con người tốt, là đảm bảo cho một xã hội tiến bộ, văn minh, đất nước phát triển bền vững.

Gia đình là nơi kết nối, gắn kết các thế hệGia đình là nơi kết nối, gắn kết các thế hệ (Ảnh: minh họa)

Giữ gìn hạnh phúc gia đình thời đại 4.0

Trước đó, ngày 24/6, Hội LHPN Hà Nội cũng tổ chức Hội nghị “Xây dựng và giữ gìn hạnh phúc gia đình thời đại 4.0”. Theo thạc sĩ (ThS) Hoa Hữu Vân, chuyên gia về bình đẳng giới, gia đình và trẻ em của Hội LHPN Việt Nam, nhịp sống gấp gáp, hối hả thời hiện đại đang làm cho những gắn kết gia đình, trong đó có bữa cơm gia đình, giao tiếp giữa các thành viên… ngày càng thiếu vắng dần trong mỗi mái nhà, nhất là các gia đình trẻ thành thị. Rất nhiều gia đình, hai vợ chồng sau một ngày dài đi làm trở về nhà chỉ chào nhau, ăn uống, dọn dẹp rồi người thì chăm chú xem tivi, người cầm điện thoại lướt mạng… Điều đó khiến cho các thành viên còn lại cảm thấy cô đơn, nhàm chán ngay cả khi ở bên cạnh bạn đời, và lẻ loi ngay chính ngôi nhà của mình. Lâu dần, cuộc sống không còn sự kết nối, chia sẻ, ai cũng có thú vui riêng, khoảng trống vô hình giữa các thành viên cũng lớn dần.

Tại Hội thảo khoa học quốc gia do Hội LHPN Việt Nam tổ chức, PGS.TS Trần Thị Minh Thi - Viện trưởng Viện Nguyên cứu Gia đình và Giới, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết: Trong bối cảnh mới hiện nay như kỹ thuật số, cách mạng công nghiệp 4.0, sự bùng nổ của Internet và mạng xã hội... đặt ra yêu cầu cần có cách nhìn mới, "động" hơn về mối quan hệ của thiết chế gia đình với các thiết chế xã hội khác như kinh tế, văn hóa, chính trị… Nhất là việc bùng nổ các thiết bị thông minh khiến cá nhân dễ dàng đắm chìm trong thế giới vô tận ảo và giảm sút các giao tiếp trực tiếp trong gia đình và xã hội. Khả năng kết nối thực và ảo, tạo nên một thế giới phẳng khiến lối sống, cảm xúc, ứng xử, hệ giá trị của con người và đặc biệt là sự duy trì các quan hệ xã hội thực sự bị đảo lộn. Bên cạnh đó, trí tuệ nhân tạo và tự động hóa một mặt mang lại tiềm năng lớn giải phóng sức lao động của con người, nhưng mặt khác, đang tạo nên một thế giới tình yêu, hôn nhân ảo như robot tình dục, hẹn hò trực tuyến... Có nguy cơ tạo nên một thế hệ trẻ không cần tình yêu, thậm chí không cần cả tình dục, không cần gia đình, không cần con cái, đe dọa trực tiếp đến sự tồn tại và bền vững của các quan hệ gia đình trong thế giới thực.

Cần hoá giải mâu thuẫn bằng tình yêu thương

Ông Hoa Hữu Vân cho biết, từ năm 2017-2020, trung bình mỗi năm Việt Nam có 600.000 vụ ly hôn. Hơn 40% nguyên nhân gây ra mâu thuẫn, xung đột vợ chồng là bởi những chuyện “không đâu vào đâu”. Hạnh phúc bị bào mòn bởi những chuyện “không gì to tát” nhưng diễn ra hằng ngày.

Để giải quyết mâu thuẫn, ông Vân cho rằng, các cặp vợ chồng cần biết kỹ năng tổ chức, phân công lao động, có kỹ năng khen ngợi đối phương khi họ làm một việc gì đó tốt. Khi mâu thuẫn xảy ra, hãy đặt vào vị trí của người kia và hãy cùng nhau chia sẻ để thấu hiểu nhau hơn. Sự sẻ chia và quan tâm đến nhau giữa các thành viên trong cuộc sống mới chính là chìa khoá dẫn đến hạnh phúc. Đó có thể là sự chia sẻ gánh nặng tài chính, chăm lo cho tổ ấm, chăm sóc và giáo dục con cái.

Ngoài ra, thay vì tập trung sự quan tâm vào công việc, bạn bè ảo… bố mẹ/ông bà cần chuyển sự quan tâm sang những đứa trẻ như cùng nhau trò chuyện, tham gia các hoạt động chung của gia đình như thăm hỏi người lớn, ăn tối, tham gia trò chơi, du lịch… Các thành viên trong gia đình cần có quan hệ ứng xử trên dưới rõ ràng, con cái tôn trọng và có hiếu với ông bà, bố mẹ, vợ chồng yêu thương chung thuỷ, anh em đùm bọc lẫn nhau.

Chia sẻ tại Hội nghị “Xây dựng và giữ gìn hạnh phúc gia đình thời đại 4.0”, bà Lê Thị Thiên Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội khẳng định, gia đình Việt Nam nói chung và gia đình Thủ đô nói riêng được hình thành và phát triển với những chuẩn mực giá trị tốt đẹp, góp phần xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc. Qua nhiều thời kỳ phát triển, cấu trúc và quan hệ gia đình có những thay đổi, nhưng chức năng cơ bản của gia đình vẫn tồn tại và gia đình vẫn là một nhân tố quan trọng, không thể thiếu trong sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước và Thủ đô. Với vai trò là tổ chức đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho các tầng lớp phụ nữ, Hội LHPN Hà Nội luôn xác định công tác “Vận động, hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt. Bởi vậy, các phong trào thi đua, cuộc vận động, chương trình, đề án của Hội đều hướng tới hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc. Số hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa, gia đình văn minh hạnh phúc và gia đình 5 không 3 sạch ngày càng tăng, nhiều hoạt động chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ, trẻ em, dân số kế hoạch hóa gia đình ngày càng được quan tâm...

Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá về gia đình hạnh phúc

PGS.TS Trần Thị Minh Thi cho rằng: Những giá trị gia đình được định hình thông suốt và thống nhất được thể hiện trong các văn kiện Đại hội Đảng là “ấm no”, “tiến bộ”, “hạnh phúc”, “văn minh”, “bình đẳng”. Đây là những giá trị quan trọng, mang hàm nghĩa rộng mà đời sống xã hội có những biểu hiện cụ thể hơn. Từ đó, bà Thi cũng đưa ra 4 giá trị gia đình quan trọng cần quan tâm trong giai đoạn tới bao gồm: An toàn, thịnh vượng, trách nhiệm và bình đẳng giới.

Để xây dựng tiêu chí gia đình hạnh phúc trong giai đoạn hiện nay, TS. Trần Tuyết Ánh -Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: Năm 2018-2019, Vụ Gia đình tiến hành đề tài khoa học cấp bộ “Nghiên cứu xây dựng tiêu chí đánh giá gia đình hạnh phúc trong giai đoạn hiện nay”. Theo đó, khái niệm gia đình hạnh phúc được hiểu là sự hài lòng của các thành viên gia đình về tổng hòa các yếu tố khách quan, chủ quan về đời sống vật chất, sức khỏe, đời sống tinh thần, mối quan hệ trong gia đình và mối quan hệ của gia đình với dòng họ, cộng đồng. Việc xây dựng gia đình hạnh phúc không chỉ chú trọng đến yếu tố vật chất, các yếu tố văn hóa - tinh thần là rất quan trọng, đặc biệt là chất lượng mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình… Chính vì vậy, bà Trần Tuyết Ánh khuyến nghị cần xây dựng bộ tiêu chí đánh giá về gia đình hạnh phúc tại Việt Nam (Phối hợp với Trung ương Hội LHPN Việt Nam xây dựng tiêu chí gia đình hạnh phúc).

Còn PGS.TS Bùi Nhật Quang, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam khuyến nghị: Trung ương Hội LHPN Việt Nam xem xét, xây dựng phong trào thi đua vun đắp giá trị gia đình Việt Nam, lấy phụ nữ và Hội PN các cấp làm hạt nhân nhằm bảo vệ các truyền thống giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam để gia đình thực sự là nơi an toàn cho mỗi cá nhân, vợ chồng bình đẳng, cùng xây dựng gia đình thịnh vượng, bền vững, góp phần phát triển xã hội bền vững, hạnh phúc.

NHUNG - THANH

Tin cùng chuyên mục

Cây hạnh phúc nở hoa

Cây hạnh phúc nở hoa

(PNTĐ) - “Em nấu cơm xong chưa, tối nay anh có hẹn, nhà ăn sớm để anh đi sớm”. Thắng, chồng cô vừa dứt lời thì Thảo bỗng thấy bao nhiêu ấm ức bùng lên.
Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

(PNTĐ) - “Chồng ngã vợ nâng, đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại…” là phương châm sống của một số người chồng, người vợ bị bạn đời phản bội. Họ hi vọng, với sự vị tha, độ lượng của mình sẽ thức tỉnh người u mê, lầm lỗi, cho họ một lối về tránh gia đình đổ vỡ. Tuy nhiên, không phải người chồng, người vợ nào cũng biết thức tỉnh trước sự vị tha của người bạn đời.
Hạnh phúc ngoài dự tính

Hạnh phúc ngoài dự tính

(PNTĐ) - Có 3 người con trai, nhưng ông Sơn - bà Xuân chưa từng thấy hạnh phúc. Anh cả công tác trong ngành quân đội, anh thứ là thợ cơ khí giỏi, anh út là chủ nhà hàng, cả 3 anh đều đã lập gia đình. Trong nhà luôn êm ấm, chưa hề thấy cãi vã. Nhưng điều mà ông Sơn bà Xuân cho là hạnh phúc, ấy là một thằng cháu trai.
Con gái của mẹ đã lớn

Con gái của mẹ đã lớn

(PNTĐ) - Sinh nhật bạn thân, nó rủ tôi: “Hay là đêm nay mày ngủ lại đây luôn với tao. Một năm tao mới có một lần sinh nhật, tội gì mà về sớm. Tý nữa mấy đứa ra ngoài “quẩy” cho đã”.