“Vượt cạn” cùng vợ

Chia sẻ

Ngày nay, tại nhiều bệnh viện có dịch vụ cho người chồng vào phòng sinh “vượt cạn” cùng vợ. Theo đó, người chồng có thể chứng kiến cuộc sinh nở của vợ mình từ đầu đến cuối. Để rồi, có những người chồng sau khi “đẻ” cùng vợ đã trưởng thành hơn trong vai trò làm chồng, làm cha…

Sau khi “vượt cạn” cùng vợ, đàn ông “ trưởng thành” và yêu vợ con hơnSau khi “vượt cạn” cùng vợ, đàn ông “ trưởng thành” và yêu vợ con hơn

“Nhiệm vụ của vợ là sinh con, còn nuôi con… để chồng”

Từ ngày sinh con, ai cũng tấm tắc khen chị Nguyễn Thu Hiền (phường Minh Khai, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) là bà mẹ bỉm sữa sướng nhất. Bởi anh Trần Minh Tuấn, chồng chị là người chồng quốc dân tuyệt vời. Kể từ lúc ở cữ cho đến bây giờ con đã được 3 tuổi, đêm nào chị Hiền cũng được ngủ tròn giấc, việc chăm sóc con ban đêm đều một tay anh Tuấn đảm nhiệm. Mỗi tối, chị vắt sữa để sẵn rồi yên tâm ngủ. Công việc dậy cho con ăn mỗi đêm, anh Tuấn sẽ làm. Kể cả những thời điểm con đau ốm, quấy khóc nhiều, anh Tuấn cũng cố gắng chăm sóc con đỡ vợ một cách tối đa. “Vợ đẻ con là được rồi, còn nuôi con… để chồng” trở thành câu cửa miệng của anh mỗi lần ai đó nói đến chuyện chăm sóc con nhỏ.

Chị Hiền kể, trước thời điểm con ra đời, anh Tuấn vẫn là người “ham chơi”. Vợ mang thai nhưng chồng vẫn vô tư tụ tập cùng bạn bè, chuyện đỡ đần vợ ít khi anh để ý tới. Mọi chuyện chỉ thay đổi khi chị để chồng vào phòng sinh “vượt cạn”. Hai vợ chồng sống riêng, bố mẹ hai bên ở quê, nên khi sinh con, chị Hiền chỉ có chồng bên cạnh. Sinh con đầu lòng, lại nghe người ta nói “người chửa cửa mả” nên chị Hiền rất sợ và bàn với chồng sử dụng dịch vụ có người nhà vào “vượt cạn” cùng cho yên tâm.

Không ngờ, những giây phút chứng kiến vợ vào viện vật vã đau đẻ hơn 1 ngày trời mới sinh được con, với anh Tuấn, đó là những giây phút vợ đau đến độ “thừa sống thiếu chết”. Tay anh đến giờ vẫn còn những vết sẹo do chị cắn, cấu khi những cơn đau đẻ ập đến. Chị Hiền khó sinh, vật vã mãi mới sinh con thành công. Chứng kiến cảnh đó, anh Tuấn tâm niệm việc sinh con khó khăn nhất vợ đã làm rồi, trách nhiệm còn lại là của mình. Từ đó, anh thay đổi hoàn toàn, bỏ những thú vui cá nhân bên ngoài để làm ông bố bỉm sữa thật tốt.

Với anh Nguyễn Văn Kiên (khu đô thị Xa la, Hà Đông, Hà Nội), việc vào “vượt cạn” cùng vợ nằm ngoài dự tính. Bởi theo sự sắp đặt của gia đình thì mẹ vợ sẽ vào phòng sinh cùng con gái do vợ anh không muốn chồng chứng kiến những hình ảnh xấu xí của mình khi sinh con. Nhưng, khi vợ vào phòng sinh thì mẹ vợ bất ngờ bị đau ruột thừa phải vào bệnh viện mổ cấp cứu, trách nhiệm vào phòng sinh “đẻ” cùng vợ được chuyển giao lại cho anh. Nhận “nhiệm vụ”, gần nửa ngày cùng vợ trong phòng sinh, anh Kiên thấm thía sự vất vả, đau đớn của một người mẹ sinh con như thế nào. Với anh, vợ không còn là người phụ nữ bình thường mà trở nên “vĩ đại” hơn bao giờ hết. Anh bỗng chốc thấy mình còn nhiều thiếu sót cần phải hoàn thiện lại bản thân rất nhiều để xứng đáng làm chồng.

Người thân, bạn bè ngạc nhiên chứng kiến sự thay đổi “chóng mặt” của anh sau đó. Từ một người vô lo vô nghĩ, có quan niệm việc sinh đẻ, nuôi con là của phụ nữ, anh Kiên đã thay đổi hoàn toàn, chịu khó tìm hiểu việc nuôi con để đỡ đần vợ. Anh tìm xem những clip dạy cách tắm cho em bé, pha sữa, nấu bột, xay hoa quả cho con… Giờ việc chăm con, vợ anh còn phải nhờ chồng hướng dẫn.

Hãy thương người phụ nữ sinh con cho mình

Với chị Hiền và vợ anh Kiên, bí quyết để chồng yêu vợ nhiều hơn của họ chính là để chồng vào “vượt cạn” cùng mình. Việc cùng vợ trải qua những cơn đau, thậm chí đối điện với những giây phút sinh tử khi sinh con khiến người chồng có những trải nghiệm thực tế nhất. Để rồi từ đó thay đổi quan điểm, suy nghĩ về trách nhiệm sinh con, nuôi con của vợ chồng.

Theo TS Đinh Đoàn, chuyên gia tư vấn tâm lý hôn nhân gia đình, lâu nay, hầu hết đàn ông chỉ nghe kể lại phụ nữ sinh con rất đau đớn, vất vả, nhưng họ không chứng kiến trực tiếp nên không cảm nhận được điều đó cụ thể thế nào. Đó là chưa kể, đa số gia đình, việc “gác cửa” khi phụ nữ sinh đẻ hầu hết giao cho bà nội, bà ngoại hoặc chị em gái, chị em dâu trong nhà. Đàn ông đưa vợ đi đẻ chỉ đứng vòng ngoài đợi. Vợ sinh con xong xuôi mới vào phòng ngắm con. Sau đó, việc chăm sóc vợ ở cữ, con trong tháng lại “khoán” cho mẹ đẻ, hoặc mẹ chồng. Đàn ông chăm vợ đẻ còn bị xem là không “sạch sẽ”, nên có người còn tìm cách tránh xa “bà đẻ” cho đỡ “xui xẻo”.

Phụ nữ vẫn thường chuyện phiếm với nhau trong nỗi chua chát rằng, muốn biết đàn ông thương vợ thật lòng hay không thì hãy đến các phòng đẻ, thời điểm phụ nữ sinh con. Ở đó, người đàn ông nào thương vợ thật lòng thì sẽ thể hiện rõ, người nào vô tâm cũng hiện “nguyên hình”.

Vậy nên, việc các bệnh viện ra đời dịch vụ “vượt cạn” cùng vợ là rất cần thiết. Nó giúp nhiều người chồng thấu hiểu hơn việc để được làm mẹ của người phụ nữ khó khăn, vất vả thế nào? Họ không chỉ mang nặng 9 tháng 10 ngày, mà còn phải chịu đau đớn khi sinh con, thậm chí đối diện với những nguy hiểm đến tính mạng. Do đó, mỗi người chồng hãy biết yêu thương, trân trọng người phụ nữ của mình hơn, và hãy “trưởng thành” hơn trong vai trò làm cha.

Thu Giang

Tin cùng chuyên mục

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

(PNTĐ) - Có một căn nhà - đó là ước mơ, kế hoạch mà rất nhiều cặp vợ chồng đã cùng nhau dốc sức để biến thành hiện thực. Hành trình ấy có rất nhiều áp lực, nhiều lo toan và đôi lúc phải từ bỏ cả những niềm đam mê khác; nhưng bên cạnh đó cũng là sự háo hức, niềm vui khi, gia đình nhỏ có một nơi bình yên để trở về.
Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

(PNTĐ) - Thời gian qua, công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt đối với tội phạm về bạo lực, xâm hại trẻ em là một trong những vấn đề được ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, tội phạm xâm hại trẻ em vẫn còn là một vấn nạn gây nhức nhối. Thực trạng này đòi hỏi các nhà chức trách phải phối hợp chặt chẽ với gia đình, nhà trường để có những biện pháp bảo vệ trẻ em hiệu quả hơn.
Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.
Cây hạnh phúc nở hoa

Cây hạnh phúc nở hoa

(PNTĐ) - “Em nấu cơm xong chưa, tối nay anh có hẹn, nhà ăn sớm để anh đi sớm”. Thắng, chồng cô vừa dứt lời thì Thảo bỗng thấy bao nhiêu ấm ức bùng lên.