Xúc động đám cưới bất ngờ của ông bà U80

Bài và ảnh: Hoàng Lan
Chia sẻ

(PNTĐ) - Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày cưới của bố mẹ, 3 cặp gia đình của các con đã quyết định tổ chức đám cưới vàng cho bố mẹ. Kế hoạch được giữ kín hoàn toàn, chỉ khi cặp vợ chồng U80 được đưa tới hội trường mới vỡ òa trong hạnh phúc. Viết về câu chuyện xúc động này, chúng tôi mong muốn năm mới 2024 sẽ mở ra với thật nhiều ấm áp, yêu thương.

Xúc động đám cưới bất ngờ của ông bà U80 - ảnh 1
Đại gia đình hạnh phúc của ông bà Phan Quốc Việt và Nguyễn Thị Minh Tâm.

U80 lần đầu mặc váy cưới
Chị Trần Thị Mỹ Hạnh, con dâu út chính là người có sáng kiến tổ chức đám cưới cho bố mẹ chồng, kể lại: Ban đầu, trước sự kiện kỷ niệm 50 năm ngày cưới, cả nhà tôi dự tính cùng nhau đi chơi và ăn một bữa quây quần. Nhưng tôi cứ trăn trở nếu chỉ như vậy thì không có gì đặc biệt. 50 năm trước, vì hoàn cảnh chiến tranh, bố mẹ mình đã không có được một đám cưới như ý. Mẹ cũng chưa từng được mặc váy cưới. Vì thế, dù bây giờ được nhìn con cái đã đề huề, gia đình hòa thuận, bố mẹ chẳng còn ao ước gì hơn nhưng tôi vẫn luôn thấy áy náy, mong muốn được cùng chồng và các anh chị chồng bù đắp phần nào cho bố mẹ.

Thế là chị thổ lộ tâm nguyện với chồng, anh Phan Việt Đức về ý tưởng của mình và được hưởng ứng ngay. Những người con đã lập ra một nhóm zalo riêng để bàn bạc kế hoạch tổ chức đám cưới vàng cho bố mẹ.

Anh Việt Đức kể lại: “Chúng tôi chọn địa điểm tổ chức đám cưới ở Nghệ An, quê của bố mẹ và cũng là nơi đại gia đình mình sinh sống yên bình nhiều năm qua. Đám cưới được tổ chức mô phỏng theo phong cách 50 năm trước. Tuy nhiên, khi tìm thuê dịch vụ thì không thợ thiết kế nào nhận thực hiện vì quá khó nên cuối cùng, chúng tôi quyết định sẽ tự mình trang trí đám cưới cho bố mẹ”.

Và thế là, những người con bắt đầu lật giở lại album ảnh của gia đình, rồi tìm đọc các tài liệu để hiểu về đám cưới ngày xưa như thế nào. Sau đó, họ phân công nhau người tìm hội trường, người đặt mua chăn hình con công màu đỏ, người mua bánh kẹo Hải Châu, thuốc lá cuốn, người mua phích nước Rạng Đông, cặp lồng... để trang trí tại đám cưới. Hoa cưới được đặt từ Hà Nội, gồm toàn hoa dơn màu đỏ, bó đúng kiểu hoa các cô dâu ngày xưa hay cầm. Mẹ của chị Hạnh-thông gia của gia đình cũng tham gia hỗ trợ bằng việc tìm người cắt chữ đám cưới theo phong cách xưa... Những người bạn thân thiết của gia đình cũng được các con chia nhau tới tận nhà mời tới dự đám cưới và đều thống nhất giữ bí mật để tạo sự bất ngờ trọn vẹn cho hai nhân vật chính.

Đêm trước ngày cưới của bố mẹ, vợ chồng chị Hạnh lái xe ôtô từ Hà Nội, nơi anh chị đang sinh sống chạy xuyên đêm về thẳng nhà anh chị ở Nghệ An, sau đó họ kín đáo ra nhà hàng bắt tay trang trí tiệc cưới. Cầu kỳ và lâu công nhất là dán từng tờ giấy nhỏ để trang trí tường, sau đó là dựng phông, bày biện trang trí. Vợ chồng chị Hạnh đã phải làm liên tục từ sáng sớm tới chiều, không nghỉ trưa để đảm bảo kịp 5h chiều đám cưới sẽ sẵn sàng.

Trong khi đó, ở nhà, cặp cô dâu - chú rể U80 vẫn không hay biết gì vì chỉ được nghe các con, cháu ở xa thông báo không về được trong ngày cưới bố mẹ. Thậm chí, khi cô con gái ở gần đó của ông bà mang tới chiếc áo dài trắng và “dụ” cho mẹ mặc cho đẹp thì “cô dâu” vẫn không mảy may nghi ngờ. 

Đúng 5h chiều ngày 17/4/2023, hai cô dâu chú rể U80 cùng 2 cặp gia đình của 2 con sống ở Vinh lên xe ôtô để đi dạo phố nhưng hóa ra lại được đưa tới nơi tổ chức tiệc cưới. Vừa bước xuống xe, ông bà vô cùng ngạc nhiên khi thấy toàn bộ con cháu ở xa đều có mặt. Rồi khi bước vào hội trường, ông bà trào nước mắt xúc động vì không nghĩ, mình lại đi dự tiệc cưới của... chính mình trước sự chứng kiến và chúc phúc nồng nhiệt của khoảng 50 người thân, bạn bè. Trong sắc màu lung linh của những bông hoa pháo giấy, ký ức của 50 năm trước, đúng ngày này, họ đã đến bên nhau lại ùa về... 

Vợ chồng đồng lòng cùng xây hạnh phúc
Ông Phan Quốc Việt, sinh năm 1949 và bà Nguyễn Thị Minh Tâm, sinh năm 1950 vốn là bạn thanh mai trúc mã. Lớn lên, ông ra Hà Nội học ở Đại học Y, còn bà học trung cấp tại Hải Hưng. Năm 1973, trước khi ông Việt vào chiến trường tham gia chiến đấu bảo vệ đất nước, hai ông bà quyết định tổ chức đám cưới. Bà Tâm một mình bắt xe ra Hà Nội với ông. Đám cưới được tổ chức vào ngày 17/4/1973 rất đơn sơ, gấp gáp chỉ có cô dâu, chú rể và cơ quan của ông Việt mà không có họ hàng hai bên chứng kiến. 

Xúc động đám cưới bất ngờ của ông bà U80 - ảnh 2

Cặp vợ chồng U80 Phan Quốc Việt và Nguyễn Thị Minh Tâm ngỡ ngàng khi được đến dự đám cưới của chính mình.

Sau đó là những tháng ngày ông Việt đằng đẵng xa nhà, vài ba năm mới được về thăm nhà một lần. Hòa bình lập lại, ông về TP Vinh công tác, còn bà vẫn ở Nghi Lộc, một mình nuôi nấng, dạy dỗ đàn con thơ. Đến tận năm 1993, khi bà nghỉ hưu thì cả nhà mới chuyển lên TP Vinh đoàn tụ. Từ đó, hai vợ chồng ông bà mới được gần nhau.

Ông Việt chia sẻ, ông luôn biết ơn và trân trọng người vợ tào khang của mình. Bà chịu thương, chịu khó lo cho chồng con, vất vả khó khăn thế nào cũng không hề than vãn. Nhờ có sự dạy bảo của bà mà các con đều khôn lớn. Con gái của ông bà tốt nghiệp Đại học Vinh, hiện là giáo viên. Con trai thứ 2 theo nghề bố, tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội, con trai thứ 3, tốt nghiệp Đại học Tài chính. Các con rể, con dâu cũng đều được đào tạo bài bản, hiện có công việc ổn định. Đặc biệt, một cháu nội của ông cũng tiếp bước theo học Đại học Y Hà Nội nên ông rất tự hào vì có 3 thế hệ nối nhau học cùng một trường đại học và cùng là bác sĩ. 

Bà Tâm thì tâm sự: “Nửa thế kỷ đồng hành, ông bà không thể tránh khỏi lúc khúc mắc. Tuy nhiên, ông bà có nguyên tắc là chỉ giận dỗi nhau một chút thôi, sau đó vợ chồng sẽ chủ động làm lành để giữ gia đình yên ấm. Ông bà luôn nỗ lực rèn mình, là tấm gương cho con cháu noi theo”.

Anh Việt Đức thay mặt các anh chị em của mình cũng thừa nhận: Anh và các anh chị luôn nhìn vào cách mà bố mẹ đối xử với nhau và đối xử với người thân, bạn bè để học tập. Cả hai bố mẹ không chỉ chăm lo cho các con mà còn chăm lo cho hai bên gia đình nội ngoại, các chú, dì rất chu đáo. Vì thế mà các dì bên ngoại luôn coi bố anh như anh trai, các chú bên nội luôn coi mẹ anh như chị gái. 

Nhiều tháng đã qua, nhưng dư âm đám cưới do các con tổ chức ngày nào vẫn còn rất sâu đậm. Riêng với ông Việt và bà Tâm, sau đám cưới ấy, tình yêu vợ chồng, yêu thương các con cháu lại càng thêm nồng đượm.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Kỳ 2: Đạo hiếu trước biến động của xã hội hiện đại

Kỳ 2: Đạo hiếu trước biến động của xã hội hiện đại

(PNTĐ) - Ở không ít gia đình hiện nay, nhiều người con từ chối, lẩn trốn trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng ông bà, cha mẹ. Thậm chí, có người vì tranh giành tài sản, sẵn sàng mang cha mẹ của mình làm “công cụ” để lợi dụng. Cuốn theo vòng xoáy tiền bạc, tài sản, họ quên mất rằng, những tranh chấp như thế chỉ làm “nồi da xáo thịt”, thiên hạ chê cười, khiến cha mẹ đau lòng ở tuổi xế chiều…
Khủng hoảng tâm lý tuổi “nghỉ hưu”: Hiểu để phòng tránh

Khủng hoảng tâm lý tuổi “nghỉ hưu”: Hiểu để phòng tránh

(PNTĐ) - Buồn bã, cô đơn, tự thu mình, lo ngại mình không còn có ích cho cộng đồng xã hội... Đó là tâm trạng của không ít người, trong đó có phụ nữ cao tuổi khi về hưu. Gia đình đóng vai trò như thế nào để giúp người thân của mình có đời sống tinh thần khỏe mạnh ở tuổi xế chiều... Trao đổi của Báo Phụ nữ Thủ đô với Thạc sĩ Tâm lý học lâm sàng Nguyễn Hải Vân (ảnh bên) tại Trung tâm Tâm lý Mindcare.
Kỳ 1: Những tấm gương hiếu hạnh giữa đời thường

Kỳ 1: Những tấm gương hiếu hạnh giữa đời thường

(PNTĐ) - Từ xa xưa, người Việt luôn coi trọng đức tính hiếu thảo trong gia đình. Lòng hiếu thảo là bài học đầu tiên để làm người, là nền tảng đạo đức của xã hội. Song, ngày nay, đạo hiếu đang đứng trước những nguy cơ, thách thức chưa từng có đến từ những thay đổi cơ bản của xã hội và lối sống của con người trong xã hội hiện đại, đòi hỏi phải có sự quan tâm, gìn giữ.
Lợi ích của việc học ngôn ngữ thứ hai

Lợi ích của việc học ngôn ngữ thứ hai

(PNTĐ) - Việc học ngôn ngữ thứ 2 không chỉ giúp trẻ giao tiếp tốt hơn mà còn kích thích sự phát triển toàn diện của não bộ và các kỹ năng quan trọng khác. Dưới đây là cách mà não bộ và cơ thể phản ứng khi trẻ học thêm một ngoại ngữ, cùng với những lợi ích phát triển.
Ở cữ... cùng vợ!

Ở cữ... cùng vợ!

(PNTĐ) - Quỳnh Trang (26 tuổi, kinh doanh online tại Hà Nội) hào hứng cho biết: “Dân gian cứ bảo kiêng này kiêng kia nhưng với chồng mình, anh xin nghỉ làm hẳn 1 tháng để ở nhà chăm vợ đẻ. Sinh xong cuộc sống của mình trở nên stress, dễ cáu gắt, dễ nóng giận. Nhưng may mắn, mình luôn có anh bên cạnh động viên, an ủi”.