Yêu thương, hiếu thuận giúp gia đình Việt Nam trường tồn

HOÀNG LAN
Chia sẻ

(PNTĐ) -Nhằm cụ thể hóa chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, tại hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” với sự tham gia của 500 chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý do Ban Tuyên giáo Trung ương, phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam tổ chức, vai trò hạt nhân gia đình được coi là yếu tố quan trọng nhất quyết định sự phát triển bền vững của xã hội được đề cao hơn bao giờ hết.

Yêu thương, hiếu thuận giúp gia đình Việt Nam trường tồn - ảnh 1
 ảnh minh họa

Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa và đất nước ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng, gia đình Việt cũng đang có nhiều biến đổi. Nhận diện được những biến đổi này sẽ giúp chúng ta tìm ra các giải pháp, xác lập hệ giá trị của gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới.

Nhiều vấn đề gia đình mới nảy sinh
GS.TS Nguyễn Hữu Minh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, cho biết, với nhiều nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể và toàn xã hội đã góp phần hiệu quả vào việc xây dựng và phát triển gia đình Việt Nam theo định hướng tiến bộ. Thấy rõ nhất là mức sống các gia đình tăng lên, phúc lợi gia đình được bảo đảm hơn. Người phụ nữ ngày càng có vị thế độc lập trong gia đình. Kính trên, nhường dưới, tiếp tục là chuẩn mực ứng xử trong gia đình, tuy nhiên mối quan hệ cha mẹ - con cái ngày càng dân chủ hơn. Trẻ em được quan tâm phát triển toàn diện hơn. 

Theo TS Minh, hiện nay chúng ta đang gặp phải một số thách thức đối với việc xây dựng gia đình Việt Nam tiến bộ. Chẳng hạn, trong mối quan hệ chia sẻ, bình đẳng và thương yêu giữa vợ và chồng, ở nhiều gia đình, người vợ cùng lúc gánh vác cả hai trọng trách kiếm tiền và làm việc nhà khiến cho sức khỏe giảm sút, không có thời gian nghỉ ngơi, giải trí. Bên cạnh đó, vai trò ra quyết định của người đàn ông, người chủ gia đình vẫn là một thứ chuẩn mực ít thay đổi. Bạo lực của người chồng đối với vợ vẫn còn rất nghiêm trọng. Số liệu điều tra quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ Việt Nam năm 2019 cho thấy, 27,8% phụ nữ tham gia khảo sát đã trải qua ít nhất một hành vi bạo lực về thể chất, tình dục, tinh thần và kiểm soát hành vi. Đáng lưu ý là mức độ phổ biến của các hình thức bạo lực không hề giảm đi khi so sánh với kết quả của cuộc điều tra quốc gia cùng chủ đề năm 2010. Gắn với tình trạng bạo lực gia đình là vấn đề ly hôn. Thống kê cho thấy số lượng các cuộc ly hôn tăng dần qua các năm và tỷ lệ nữ đứng đơn ly hôn ngày càng nhiều hơn nam giới…

Điều tra gia đình Việt Nam 2017 cũng nhận diện được một bộ phận các bậc cha mẹ dành rất ít thời gian cho con hoặc biết ít về các hoạt động của con. Đáng lưu ý là, so sánh giữa hai cuộc điều tra lớn về gia đình năm 2006 và năm 2018 cho thấy rằng tỷ lệ cha mẹ biết rõ bạn bè của con cái giảm một cách đáng kể theo thời gian (71,8% năm 2006 và 46,8% năm 2018). Cũng do cha mẹ có ít thời gian dành cho con, trong nhiều gia đình, việc chăm sóc và giáo dục trẻ em đã khoán trắng cho ông bà hoặc người giúp việc. Điều này có thể ảnh hưởng tới sự phát triển toàn diện của trẻ em khi kiến thức và kỹ năng chăm sóc, giáo dục trẻ của người cao tuổi hoặc người giúp việc không phù hợp. 

TS. Trần Tuyết Ánh, Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng cho rằng, gia đình Việt Nam đang khủng hoảng về chức năng giáo dục, tâm lý tình cảm. Ở đô thị, do con cháu phải lo cuộc sống nên một số gia đình đưa người cao tuổi vào các trung tâm dưỡng lão và phó mặc họ cho trung tâm. Điều này dẫn đến sự khủng hoảng về tâm lý, tình cảm của người già. Có 11,6% người cao tuổi cho biết đã từng bị con cháu lạm dụng và 7,9% báo cáo đã bị lạm dụng trong 12 tháng vừa qua (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, 2013). 

Theo TS Trần Tuyết Ánh, trong vài thập niên qua, bối cảnh kinh tế, văn hóa, xã hội của Việt Nam và thế giới có tốc độ chuyển đổi nhanh khiến gia đình Việt Nam đứng trước những thay đổi chưa từng có. Chung sống không kết hôn, hôn nhân xuyên biên giới, môi giới hôn nhân, mang thai hộ, làm mẹ đơn thân, quan hệ đồng giới xuất hiện nhiều hơn và được một bộ phận xã hội chấp nhận. Tuy nhiên, nhiều vấn đề mới nảy sinh lại chưa có chính sách phù hợp từ Nhà nước.

Nhiều thay đổi về chức năng gia đình
Theo bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, việc cụ thể hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, công tác xây dựng gia đình đã đạt được một số kết quả nhất định. Dẫu vậy, hiện nay, các chức năng của gia đình Việt Nam đang có nhiều biến đổi, tác động đến các giá trị của gia đình. Thay đổi về việc làm, sinh kế cũng kéo theo thay đổi trong tổ chức chi tiêu, hoạt động tiêu dùng và mối quan hệ xoay quanh vấn đề tiền bạc của gia đình. Không ít mâu thuẫn về tài sản, đất đai, lợi ích kinh tế đã làm tan vỡ các mối quan hệ gia đình, dòng tộc, thậm chí có cả thảm án.

Chức năng giáo dục và xã hội hóa của gia đình cũng đang có thay đổi rõ rệt. Trước đây, cha mẹ, ông bà là nguồn thông tin, tri thức quan trọng thu được từ kinh nghiệm sống thì ngày nay, sự phát triển của xã hội thông tin khiến giới trẻ có phần giảm sút niềm tin vào các bài học cuộc đời, các kỹ năng sống mà ông bà, cha mẹ truyền dạy. Một số gia đình không chú trọng đến giáo dục, hoặc có quan tâm nhưng lúng túng cả về nội dung và phương pháp giáo dục, hoặc biểu hiện “lạc hướng” do tác động bởi sự “lệch chuẩn” trong giá trị gia đình, giá trị xã hội hoặc do sự nhiễu loạn thông tin, gây ra nhiều hệ lụy, đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường và tội phạm vi thành niên ngày càng gia tăng.

Bên cạnh đó, mối quan hệ vợ chồng có những lúc những nơi bị biến đổi theo chiều hướng xấu; quan hệ hôn nhân của một số gia đình trẻ trở nên dễ tan vỡ, do bị chi phối bởi lối sống cởi mở, thực dụng, chạy theo lợi ích vật chất, làm cho tỷ lệ ly hôn có xu hướng gia tăng nhanh chóng trong những năm gần đây. Theo kết quả Tổng Điều tra dân số và nhà ở năm 2019 cho thấy, tỷ lệ ly hôn năm 2009 là 1,0% và năm 2019 là 1,8%.

(Bài cuối: Xây dựng gia đình Việt Nam tiến bộ trong giai đoạn mới)

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

(PNTĐ) - “Chồng ngã vợ nâng, đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại…” là phương châm sống của một số người chồng, người vợ bị bạn đời phản bội. Họ hi vọng, với sự vị tha, độ lượng của mình sẽ thức tỉnh người u mê, lầm lỗi, cho họ một lối về tránh gia đình đổ vỡ. Tuy nhiên, không phải người chồng, người vợ nào cũng biết thức tỉnh trước sự vị tha của người bạn đời.
Hạnh phúc ngoài dự tính

Hạnh phúc ngoài dự tính

(PNTĐ) - Có 3 người con trai, nhưng ông Sơn - bà Xuân chưa từng thấy hạnh phúc. Anh cả công tác trong ngành quân đội, anh thứ là thợ cơ khí giỏi, anh út là chủ nhà hàng, cả 3 anh đều đã lập gia đình. Trong nhà luôn êm ấm, chưa hề thấy cãi vã. Nhưng điều mà ông Sơn bà Xuân cho là hạnh phúc, ấy là một thằng cháu trai.
Con gái của mẹ đã lớn

Con gái của mẹ đã lớn

(PNTĐ) - Sinh nhật bạn thân, nó rủ tôi: “Hay là đêm nay mày ngủ lại đây luôn với tao. Một năm tao mới có một lần sinh nhật, tội gì mà về sớm. Tý nữa mấy đứa ra ngoài “quẩy” cho đã”.
Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

(PNTĐ) - Lâu nay, một số người thường ngại đề cập tới vấn đề chăn gối vợ chồng, cho rằng đó là chuyện tế nhị, cần được giấu kín. Tuy nhiên, tình dục lại có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống hôn nhân, thậm chí nhiều cặp vợ chồng chia tay chỉ vì không hòa hợp trong tình dục.