60% phụ nữ nhiễm HIV cảm thấy bị kỳ thị ngay chính trong gia đình

MAI CHI
Chia sẻ

(PNTĐ) - Tại Việt Nam ước tính hiện có 270.000 người sống với HIV, những năm gần đây mỗi năm phát hiện mới hơn 10.000 người nhiễm HIV trong đó các trường hợp lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục chiếm đa số và ngày càng trẻ hóa.

Sáng ngày 10/4, tại Quảng Bình, hơn 60 đại biểu và chuyên gia trong lĩnh vực phòng ngừa, ứng phó với bạo lực giới và HIV đã tham gia Hội thảo – Tập huấn do Trung tâm Vì sự Phát triển Phụ nữ Bắc Trung Bộ phối hợp với UN Women Việt Nam và UNAIDS tổ chức.

Tham dự sự kiện có đại diện Bộ Y tế, UN Women, Sở Y tế, Trung tâm kiểm soát bệnh tật, Hội LHPN các tỉnh Bắc Trung Bộ, các mạng lưới cộng đồng cùng đại diện các mô hình hỗ trợ người bị bạo lực và người sống chung với HIV.

60% phụ nữ nhiễm HIV cảm thấy bị kỳ thị ngay chính trong gia đình  - ảnh 1
Quang cảnh buổi tập huấn

Phát biểu khai mạc, đại diện UN Women Việt Nam nhấn mạnh mối liên hệ chặt chẽ giữa HIV và bạo lực giới – hai vấn đề sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng, bị thúc đẩy bởi bất bình đẳng giới và mất cân bằng quyền lực liên quan đến giới. Tình trạng này để lại hệ lụy lớn về thể chất, tinh thần, sức khỏe sinh sản, gây thiệt hại về kinh tế cho người bị ảnh hưởng, gia đình, cộng đồng và xã hội nói chung.

Tại Việt Nam ước tính hiện có 270.000 người sống với HIV, những năm gần đây mỗi năm phát hiện mới hơn 10.000 người nhiễm HIV trong đó các trường hợp lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục chiếm đa số và ngày càng trẻ hóa. Theo nghiên cứu, 34% phụ nữ bị nhiễm HIV bị từ chối dịch vụ y tế, 45% bị mất việc hoặc không thể tìm được việc làm do tình trạng HIV, 60% cảm thấy bị kỳ thị ngay chính trong gia đình của mình.

60% phụ nữ nhiễm HIV cảm thấy bị kỳ thị ngay chính trong gia đình  - ảnh 2

Kỳ thị và phân biệt đối xử vẫn là rào cản lớn khiến phụ nữ sống chung với HIV và phụ nữ bị bạo lực giới khó tiếp cận các dịch vụ y tế và hỗ trợ thiết yếu. Tại hội thảo, nhiều ý kiến, đề xuất được đưa ra.

Sự thiếu hụt thông tin toàn diện về HIV và sức khỏe tình dục, định kiến liên quan đến giới, xu hướng tính dục, bản dạng giới và bạo lực giới đang tiếp tục cản trở việc tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ thiết yếu đối với phụ nữ và các nhóm dân số chịu ảnh hưởng chính bởi HIV và bạo lực trên cơ sở giới.

Tại hội thảo, các đại biểu đã đưa ra đề xuất cụ thể bao gồm: Cải thiện luật pháp, chính sách và dịch vụ trong phòng ngừa HIV và Bạo lực trên cơ sở giới dựa trên bằng chứng và kinh nghiệm từ cộng đồng, đặc biệt cần có sự tham gia của phụ nữ sống chung với HIV, các nhóm thiểu số về tính dục, bản dạng giới chịu ảnh hưởng bởi HIV và đại diện của các tổ chức phụ nữ; 

 Tăng cường năng lực của nhân viên y tế và các nhà cung cấp dịch vụ thiết yếu để cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV và bạo lực trên cơ sở giới có  nhạy cảm về giới, không có kỳ thị và phân biệt đối xử trên cơ sở giới; 

Tăng cường giáo dục giới tính và tình dục toàn diện cho thanh thiếu niên, đặc biệt nhóm có nguy cơ cao như trẻ em gái vị thành niên, nữ thanh niên và người trẻ thuộc cộng đồng LGBTQ+. Sự phối hợp giữa ngành giáo dục, y tế và cộng đồng là giải pháp cần thiết để giải quyết tình trạng gia tăng ca nhiễm HIV trong các nhóm trẻ, qua đường tình dục. 

 Kết nối dịch vụ công và dịch vụ cộng đồng trong bối cảnh nguồn tài trợ quốc tế cho HIV và bạo lực giới đang bị cắt giảm là yêu cầu cấp thiết và có tính bền vững. Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con không thể thiếu vai trò tích cực của tuyên truyền, vận động, hỗ trợ và cung cấp thông tin cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, mở rộng cung cấp dịch vụ để phát hiện sớm, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm, nhất là các trường hợp mang thai ngoài ý muốn có liên quan đến bạo lực tình dục.

Hội thảo cũng là dịp để chia sẻ các thực hành tốt từ địa phương, góp phần thúc đẩy sự phối hợp liên ngành và vận động chính sách nhằm đảm bảo phụ nữ sống với HIV và phụ nữ bị bạo lực giới có thể tiếp cận đầy đủ, kịp thời các dịch vụ thiết yếu – vì một xã hội không kỳ thị, không bạo lực và công bằng hơn cho tất cả mọi người.


Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Công an Hà Nội nghiên cứu, quán triệt một số tác phẩm của Tổng Bí thư Tô Lâm

Công an Hà Nội nghiên cứu, quán triệt một số tác phẩm của Tổng Bí thư Tô Lâm

(PNTĐ) - Ngày 11/4, Công an TP Hà Nội tổ chức Hội nghị “Nghiên cứu, quán triệt một số tác phẩm của Tổng Bí thư Tô Lâm – Liên hệ thực tiễn công tác Công an trên địa bàn Thủ đô”. Hội nghị tổ chức trực tuyến đến 39 điểm cầu với sự tham dự của gần 3.000 đảng viên, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị.
Lễ hội Chử Đồng Tử – Tiên Dung: Di sản tâm linh từ huyền thoại tình yêu bất tử

Lễ hội Chử Đồng Tử – Tiên Dung: Di sản tâm linh từ huyền thoại tình yêu bất tử

(PNTĐ) - Hằng năm, vào ngày 10 tháng 2 âm lịch, lễ hội Chử Đồng Tử – Tiên Dung được tổ chức long trọng tại hai địa điểm: xã Dạ Trạch (nay là xã Phạm Hồng Thái) – nơi có đền Hóa – Dạ Trạch, và xã Bình Minh – nơi có đền Đa Hòa (thuộc huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên). Đây còn được ví như lễ hội của tình yêu, là một trong những lễ hội trọng điểm của tỉnh, mang đậm sắc màu văn hóa dân gian Vùng đồng bằng Bắc Bộ và gắn liền với truyền thuyết về Chử Đồng Tử – một trong “Tứ bất tử” theo tín ngưỡng dân gian Việt Nam.