An sinh song hành, hỗ tợ người dân vượt qua khó khăn

Chia sẻ

Thành phố Hà Nội đang triển khai thực hiện đồng loạt tại các quận, huyện, thị xã việc chi trả hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết 68 của Chính phủ, Nghị quyết số 15 của HĐND TP.

Hỗ trợ kịp thời, không nề hà thời tiết bất lợi

Với tinh thần khẩn trương, các nhóm đối tượng nào rõ chính sách, rõ quy định, các địa phương đã tổ chức chi trả ngay. Đặc biệt, để đảm bảo yêu cầu phòng dịch trong những ngày giãn cách xã hội, nhiều cán bộ phường/xã và tổ trưởng dân phố ở các quận, huyện không quản ngại mưa gió, nắng nóng đã kịp thời chuyển kinh phí đến từng gia đình.

Bà Đỗ Thị Chum ở tổ dân phố Yên Phúc là một trong 9 hộ gia đình cận nghèo của phường Phúc La, quận Hà Đông. Năm nay 70 tuổi, bà Chum có hoàn cảnh đáng thương: Sống một mình trong căn nhà cấp 4 xuống cấp, bị mù loà khiến việc đi lại khó khăn, chủ yếu cậy nhờ người thân xung quanh. Thực hiện giãn cách xã hội, những hoàn cảnh khó khăn đặc thù như bà Chum được quan tâm để bữa ăn hàng ngày không bị “đứt gãy”. Từ nguồn xã hội hoá, phường Phúc La đã gửi tặng bà phần quà gồm các nhu yếu phẩm thiết yếu; quận Hà Đông hỗ trợ 1,5 triệu đồng tiền mặt và mới đây, bà nhận thêm 1 triệu đồng hỗ trợ theo Nghị quyết 15 của TP cho hộ cận nghèo. Sự trợ giúp kịp thời này đã giải toả những lo lắng cho các hộ cận nghèo như bà Chum, giúp họ có thêm nguồn lực để không bị đứt bữa và yên tâm phòng dịch. 

Chi trả chế độ hỗ trợ theo Nghị quyết 15 của HĐND TP tại nhà cho người khuyết tật tại quận Hà ĐôngChi trả chế độ hỗ trợ theo Nghị quyết 15 của HĐND TP tại nhà cho người khuyết tật tại quận Hà Đông (Ảnh: PV)

Ông Phạm Đình Nam - Phó Chủ tịch UBND phường Phúc La cho biết thêm: Thực hiện Nghị quyết số 15 của HĐND TP, đến ngày 20/8, phường đã hoàn thành chi trả chế độ hỗ trợ cho các hộ cận nghèo, các đối tượng bảo trợ xã hội; hướng dẫn các đối tượng khác như lao động (LĐ) tự do, giáo viên… hoàn thiện hồ sơ. Ngoài ra, phường rà soát, hỗ trợ gần 500 suất quà gồm nhu yếu phẩm cho sinh viên, công nhân xây dựng, LĐ tự do bị kẹt lại trên địa bàn. Tính chung trên địa bàn quận Hà Đông, đến hết ngày 20/8, 17/17 phường đã hoàn thành việc chi trả kinh phí hỗ trợ theo Nghị quyết 15 cho các hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người có công với tổng kinh phí là 6,92 tỷ đồng. Đặc biệt, ngoài chính sách chung, Hà Đông là địa bàn đầu tiên thực hiện hỗ trợ thêm cho hộ cận nghèo với số tiền 1 triệu đồng/hộ.

Tại huyện Hoài Đức, ngay sau khi UBND huyện ban hành quyết định phê duyệt hỗ trợ 1.020 hộ cận nghèo, 6.218 đối tượng bảo trợ xã hội và 2.095 người có công, thương binh hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng, thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng với số tiền 9,33 tỷ đồng. Các xã đã tổ chức chi trả kinh phí trong 2 ngày 18-19/8.

Ông Nguyễn Đình Vui - Chủ tịch UBND xã Tiền Lệ cho biết: Với đặc thù là xã chuyên canh sản xuất nông nghiệp, do ảnh hưởng của dịch bệnh, bà con gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ rau an toàn khiến đời sống nhân dân bị tác động rất lớn. Vì thế, khi nhận được sự hỗ trợ, bà con vui mừng, phấn khởi. Ngày 19/8, dù đã chiều muộn nhưng chưa phát xong chế độ cho bà con, cán bộ chưa về. Đến gần 20h, trời đổ mưa, một số người dân vì điều kiện khó khăn, chưa kịp nhận chế độ, cán bộ xã đã đội mưa về tận nhà trao tiền. 

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho người lao động

Theo Sở Lao động Thương binh Xã hội Hà Nội, đến hết ngày 21/8, các quận huyện đã rà soát và ban hành quyết định hỗ trợ 215.482 người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo với số tiền là 215,482 tỷ đồng. Trong đó, đã thực hiện chi trả cho 129.429 đối tượng với số tiền 129,429 tỷ đồng. Các quận, huyện đã cơ bản hoàn thành hỗ trợ kinh phí trên là Hoài Đức, Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Đan Phượng, Ba Vì, Cầu Giấy, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đông Anh, Mê Linh, Phúc Thọ, Quốc Oai, Sóc Sơn, Thanh Oai, Thường Tín, Thanh Trì... TP Hà Nội phấn đấu hoàn thành chi trả hỗ trợ cho 4 nhóm đối tượng đặc thù trên trước ngày 25/8.

Bên cạnh đó, TP tiếp tục đẩy mạnh việc chi trả chế độ hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ. Đến hết ngày 21/8, các sở, ngành, quận, huyện đã chi trả hơn 204 tỷ đồng cho các nhóm đối tượng. Trong đó, số lượng người lao động (LĐ) không có giao kết hợp đồng LĐ bị mất việc làm (còn gọi là LĐ tự do) được phê duyệt hỗ trợ tăng nhanh với 43.304 người, số tiền chi trả là 64,95 tỷ đồng. Trong đó, đã có 27.268 người nhận hỗ trợ với số tiền 40,9 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Hồng Dân - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết: Nghị quyết 68 triển khai trong thời gian TP Hà Nội giãn cách xã hội để phòng chống dịch nên nhiều LĐ tự do bị cách ly, cư trú trong khu vực bị phong tỏa theo quyết định của cấp có thẩm quyền hay gặp một số khó khăn vướng mắc khác không thể về nơi thường trú, nơi cư trú để xác nhận đề nghị hưởng hỗ trợ. Vì vậy, để tháo gỡ khó khăn, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã kịp thời đề xuất UBND TP điều chỉnh để người LĐ tự do hoàn thiện thủ tục, hồ sơ phù hợp với tình hình thực tế và đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Theo đó, người LĐ không phải về địa phương xin xác nhận, UBND các phường, xã, thị trấn tiếp nhận hồ sơ của LĐ bằng các hình thức thuận lợi nhất như trực tiếp, bưu điện, email, trực tuyến... giảm thời gian giải quyết hồ sơ, công khai danh sách trích ngang các trường hợp được hỗ trợ trên trang thông tin của đơn vị để đảm bảo người lao động được hưởng đúng nguyên tắc và tránh việc trục lợi chính sách.

VIỆT BÁCH

Tin cùng chuyên mục

Khoảng 24.000 người được tập huấn về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng

Khoảng 24.000 người được tập huấn về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng

(PNTĐ) - Ngày 29/3, Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với tổ chức Unicef tại Việt Nam tổ chức tập huấn về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng cho đội ngũ những người làm công tác giáo dục, bảo vệ trẻ em cấp tỉnh, huyện, xã của các ngành: Lao động - thương binh và xã hội, Công an, Giáo dục và đào tạo, Thông tin và truyền thông.
Hoàn thành tranh tường bích hoạ “Tự hào một dải non sông”

Hoàn thành tranh tường bích hoạ “Tự hào một dải non sông”

(PNTĐ) - Tranh tường bích họa với tên gọi “Tự hào một dải non sông”  Hà Nội - Điện Biên Phủ xưa và nay với diện tích 70m2 do Đoàn phường Nhân Chính phối hợp cùng Hội CCB phường, khu dân cư Đình và Đoàn cơ sở Viện thiết kế - Tổng cục hậu cần - Bộ Quốc phòng, Đoàn trường THPT Nhân Chính thực hiện.
Phòng chống nạn tảo hôn: Đẩy mạnh truyền thông từ chính “người trong cuộc”

Phòng chống nạn tảo hôn: Đẩy mạnh truyền thông từ chính “người trong cuộc”

(PNTĐ) - Hoàng Su Phì (tỉnh Hà Giang) là huyện có đông đồng bào dân tộc cùng sinh sống. Trong những năm qua, dù vẫn còn tình trạng tảo hôn nhưng tỷ lệ đã giảm rất nhiều so với trước đây. Có được kết quả, tín hiệu đáng mừng ấy là nhờ sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, người dân; đặc biệt là sự góp sức, tham gia truyền thông, vận động từ chính người trong cuộc – những “nạn nhân” của việc tảo hôn.