Bài 1: Luật Thủ đô năm 2012: Tác động tích cực, nhưng bộc lộ nhiều bất cập

Chia sẻ

TP Hà Nội đang nghiên cứu đề xuất việc sửa đổi toàn diện Luật Thủ đô nhằm giải quyết những hạn chế, bất cập, tháo gỡ vướng mắc, điểm nghẽn về thể chế, tạo khuôn khổ pháp lý phù hợp giúp Thủ đô phát huy tiềm năng, thế mạnh riêng có, đưa Thủ đô phát triển xứng tầm khu vực và trên thế giới.

Chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực

Qua hơn 8 năm triển khai thực hiện Luật Thủ đô, thành phố được trao thêm quyền để phát huy tính sáng tạo, tăng tính tự chủ của chính quyền góp phần xử lý những việc khó khăn mà trước đây thành phố chưa có công cụ thực hiện. Bên cạnh đó, Luật Thủ đô không chỉ phát triển kinh tế mà còn hướng tới các chính sách riêng có về văn hóa, lịch sử và bảo tồn nhằm duy trì những bản sắc riêng biệt của Hà Nội.

Sau khi Luật Thủ đô có hiệu lực thi hành, TP Hà Nội đã triển khai đồng bộ, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của chính quyền và nhân dân Thủ đô. Cùng với các cơ chế chính sách đặc thù được ban hành đã từng bước đi vào cuộc sống, giúp cho TP Hà Nội chủ động hơn trong ưu tiên đầu tư thu hút các nguồn lực để phát huy tiềm năng, thế mạnh Thủ đô.

Tổng kết 8 năm thi hành Luật Thủ đô, theo UBND TP Hà Nội, những năm qua, đặc biệt là giai đoạn 2016-2020, kinh tế Thủ đô tăng trưởng khá (tăng 6,73%), đóng góp tích cực trong tăng trưởng của cả nước. Từ năm 2020, do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, tăng trưởng kinh tế Thủ đô không đạt như kế hoạch nhưng vẫn cao hơn bình quân chung cả nước. Thủ đô ngày càng xứng đáng hơn với vai trò là trung tâm lớn về kinh tế và giao dịch quốc tế, động lực phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước.

Thành phố đã huy động được nguồn vốn đầu tư tương đối lớn cho phát triển kinh tế - xã hội. Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện. Đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân ngày càng phong phú; phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đạt kết quả quan trọng; phát triển khoa học và công nghệ được đẩy mạnh; an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và chất lượng cuộc sống của nhân dân được bảo đảm và nâng cao…

Nhiều chính sách trong quản lý đất đai, bảo vệ môi trường và phát triển nhà ở đã triển khai; nhiều chương trình, dự án, đề án nhằm từng bước cải thiện môi trường Thủ đô như Đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy; đầu tư xây dựng các khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt, phế thải xây dựng, chất thải công nghiệp và công nghiệp nguy hại; hoàn thành và đưa vào vận hành các Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở, Hồ Tây, hồ Bảy Mẫu… TP Hà Nội đã huy động gần 400 tỷ đồng cho việc bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử, văn hóa; thực hiện công bố Danh mục các dự án dự kiến thu hút đầu tư trên địa bàn giai đoạn 2016-2020 (đợt 1), trong đó có 11 dự án công viên với tổng mức đầu tư 36.800 tỷ đồng...

Đánh giá về hiệu quả thực thi luật, PGS.TS Nguyễn Thành Công - nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Kinh tế - xã hội Hà Nội cho rằng: Luật Thủ đô là một văn bản pháp lý rất quan trọng tạo động lực mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Đây cũng là một bước cụ thể hóa Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị tạo cơ chế đặc thù phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Nhờ vậy, trong thời gian qua, kinh tế Thủ đô tăng trưởng khá cao và bền vững; xây dựng nông thôn mới Hà Nội dẫn đầu cả nước, nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao đã hình thành, đời sống nhân dân được nâng cao, hạ tầng đô thị phát triển đồng bộ...

TP Hà Nội đã tổ chức nhiều cuộc tọa đàm đóng góp ý kiến về Luật Thủ đô sửa đổi	Ảnh: IntTP Hà Nội đã tổ chức nhiều cuộc tọa đàm đóng góp ý kiến về Luật Thủ đô sửa đổi  Ảnh: Int

Bộc lộ những hạn chế cần khắc phục sớm

Bên cạnh các kết quả đạt được, việc tổ chức thi hành Luật Thủ đô và các văn bản quy định chi tiết thi hành còn chưa đạt kết quả như mong muốn. Mặc dù TP Hà Nội có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức bình quân chung của cả nước, nhất là trong giai đoạn chịu tác động từ bên ngoài và đại dịch Covid-19, nhưng nhìn chung kinh tế Thủ đô phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của thành phố.

Một số mục tiêu, chỉ tiêu nhiệm vụ trong công tác quy hoạch chưa đạt yêu cầu về tiến độ đề ra. Chất lượng một số đề án quy hoạch, quản lý quy hoạch còn hạn chế. Tỷ lệ đô thị hóa thấp, phát triển chưa đồng đều. Công tác bảo tồn, khai thác, phát huy vai trò của văn hóa trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập, phát triển chưa tương xứng với các tiềm năng, thế mạnh, vai trò, vị thế của Thủ đô.

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo thi hành Luật Thủ đô có nơi, có lúc còn thiếu quyết liệt, ý thức chấp hành pháp luật chưa nghiêm. Trong tổ chức thi hành luật còn có biểu hiện buông lỏng quản lý ở một số khâu, sự phối hợp giữa các bộ, ngành trung ương và thành phố trong thi hành Luật Thủ đô có lúc còn chưa chặt chẽ…

Bên cạnh đó, một số nội dung của Luật Thủ đô chậm hoặc chưa được quy định chi tiết để thực hiện thống nhất, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu lực, hiệu quả thi hành Luật. Việc tham mưu, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, bất cập trong thi hành Luật chưa kịp thời. Nhiều vấn đề lớn do lịch sử để lại từ trước khi ban hành Luật đến nay vẫn chưa có đủ điều kiện để giải quyết dứt điểm như vấn đề trường học, bệnh viện, trục đường giao thông, thoát nước, nhà tập thể, chung cư cũ, biệt thự cũ, nhà siêu mỏng, siêu méo, các dự án xây dựng cao tầng trong nội đô...

Từ thực tế trên, TP Hà Nội đề xuất sửa đổi toàn diện Luật Thủ đô, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, giám sát, kiểm tra, thanh tra việc tổ chức thi hành Luật Thủ đô nói riêng và pháp luật về Thủ đô nói chung, kịp thời đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật.

Đồng thời, tiếp tục sắp xếp, tổ chức lại bộ máy, đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan Nhà nước, nâng cao chất lượng, trình độ, năng lực thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, Nghị quyết số 115/2020/QH14 về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính ngân sách đặc thù đối với Hà Nội…

Đóng góp ý kiến trong xây dựng dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), các chuyên gia cho rằng cần sửa đổi hướng tới những chính sách đặc thù và vượt trội cho Hà Nội, xây dựng trên tinh thần “Thủ đô vì cả nước” tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của các địa phương.

Ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội đồng tình với đề xuất Hà Nội cần tinh gọn bộ máy, phân quyền phân cấp và trao quyền rất rõ cho người đứng đầu. Tuy nhiên, cần có một cơ chế riêng về trao quyền người đứng đầu; có chính sách tăng phân quyền cho cấp quận, huyện. Đồng thời có chính sách thu hút nhân tài, cơ chế để người tài phát huy được năng lực, đúng vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh và trả lương xứng đáng để trọng dụng nhân tài.

Tập trung vào cơ chế, chính sách về y tế của TP Hà Nội, GS.TS Nguyễn Anh Trí, Chủ tịch Hội đồng cố vấn tập đoàn Medlatec Group, đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cho rằng: Quá trình sửa đổi Luật cần tập trung vào 4 vấn đề là xây dựng hệ thống y tế Thủ đô cần gần dân hơn; tập trung hơn; chuyên sâu hơn và phát triển mạnh mẽ khám, chữa bệnh từ xa.

Thông tin về một số cơ chế, chính sách xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, quan điểm xây dựng luật nhằm sửa đổi toàn diện trên cơ sở kế thừa Luật Thủ đô hiện hành, đồng thời mở rộng, nâng cấp một số cơ chế, chính sách đặc thù, đột phá để phát triển Thủ đô nhanh và bền vững.

Dự thảo sửa đổi Luật Thủ đô gồm 16 chính sách, tập trung vào 4 định hướng lớn: Tạo cơ chế để hoàn thiện tổ chức, bộ máy chính quyền thành phố theo hướng tinh gọn, hiện đại, chuyên nghiệp, giảm tầng nấc trung gian, năng động, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với đặc điểm mô hình chính quyền đô thị và nông thôn của Thủ đô.

(Còn nữa)

HÀ LINH

Tin cùng chuyên mục

Hội LHPN Hà Nội tập huấn công tác đối ngoại năm 2024

Hội LHPN Hà Nội tập huấn công tác đối ngoại năm 2024

(PNTĐ) - Chiều 19/4, Hội LHPN Hà Nội tổ chức tập huấn công tác đối ngoại năm 2024 với chuyên đề: "Hiệp định Giơnevơ - Ý nghĩa lịch sử với tình hình Việt Nam và thế giới hiện nay”. Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội Lê Thị Thiên Hương đến dự.
 Thủ đoạn mới: Gắn định vị vào gói hàng ma tuý để thả trôi trên biển

Thủ đoạn mới: Gắn định vị vào gói hàng ma tuý để thả trôi trên biển

(PNTĐ) - Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Quang, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04 - Bộ Công an) cho biết, thời gian qua, lực lượng chức năng phát hiện nhiều gói ma túy được đóng gói và có thiết bị định vị, để rồi sau đó các đối tượng buôn bán trục vớt mang đi tiêu thụ.
Công bố biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024-2029

Công bố biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024-2029

(PNTĐ) - Biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ IX là hình ảnh kết hợp cấu trúc chữ tượng hình từ số lần Đại hội, biểu hiện thông qua chữ số IX, là sự tích hợp các hình tượng tiêu biểu xoay quanh biểu trưng Thanh niên Việt Nam.