Bài 2: Nhanh chóng khôi phục sản xuất, đảm bảo an toàn phòng dịch

Chia sẻ

Những tháng cuối năm thường là thời kỳ cao điểm sản xuất của nhiều ngành công nghiệp như da giày, cơ khí, vật liệu xây dựng… Vì vậy, ngay sau khi TP Hà Nội điều chỉnh linh hoạt chiến lược chống dịch, các doanh nghiệp (DN) tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp của Hà Nội đã chủ động bắt nhịp, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Nhanh chóng khôi phục sản xuất

Cùng với Sóc Sơn và Mê Linh, huyện Đông Anh thuộc phân vùng 2 - khu vực đẩy mạnh và duy trì sản xuất an toàn theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là địa phương có rất đông nhà máy sản xuất công nghiệp, dịch vụ, DN có vốn đầu tư nước ngoài, tập trung tại KCN Thăng Long và các cụm công nghiệp trên địa bàn.

 Ông Nguyễn Văn Thiềng - Trưởng phòng Kinh tế huyện cho biết: Huyện đã phê duyệt phương án hoạt động cho 231 DN trong KCN và các cụm công nghiệp. Đến nay, 100% DN đã hoạt động trở lại với phương án “1 cung đường 2 điểm đến”. Để đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong nhà máy, tất cả chủ DN phải ký cam kết với UBND huyện; Công nhân lao động cũng phải ký 2 bản cam kết: Một với chủ doanh nghiệp và một tại địa phương nơi cư trú để đảm bảo chỉ đi đến cơ quan và về nhà trên cung đường, thực hiện nghiêm quy định phòng dịch theo thông điệp 5K của Bộ Y tế tại nơi làm việc và nơi cư trú, hạn chế tiếp xúc với người lạ, không tập trung đông người… 

Trước đó, 90% DN trên địa bàn KCN huyện thực hiện mô hình “3 tại chỗ” với khoảng 60% công nhân lao động đi làm. Khi TP điều chỉnh phân vùng, áp dụng quy định mới, các DN đã điều chỉnh kịp thời sang phương án “1 cung đường 2 điểm đến” cho phép công nhân được ở nhà, thay vì phải sinh hoạt tại nhà máy hoặc địa điểm do DN thuê. Sự thay đổi này đã góp phần tiết kiệm chi phí, năng suất lao động tăng, công nhân vui mừng và phấn khởi được đi làm trở lại sau nhiều ngày giãn cách, nghỉ luân phiên. 

Tổ an toàn Covid-19 đã trở thành “cánh tay nối dài” của DN trong việc đảm bảo công tác phòng chống dịch.Tổ an toàn Covid-19 đã trở thành “cánh tay nối dài” của DN trong việc đảm bảo công tác phòng chống dịch. (Ảnh: Diệp Thảo)

Ông Nguyễn Văn Linh - Phó Giám đốc công ty TNHH Lam Sơn cho biết: Thực hiện phương án mới, đơn vị đã nâng công suất làm việc lên 97%, 100% lao động đi làm trở lại để hoàn thành kế hoạch sản xuất dang dở, nhất là trong những tháng cuối năm, thời kỳ cao điểm của hoạt động sản xuất kinh doanh. 

Chị Nguyễn Thị Hoà - công nhân công ty CP giày Đông Anh chia sẻ: Hàng ngày hết giờ làm, anh chị em công nhân được đi về với gia đình nên tinh thần thoải mái, nghỉ ngơi phục hồi sức khoẻ tốt, làm việc cũng hiệu quả hơn. 

Trong điều kiện dịch bệnh được kiểm soát tốt, các dây chuyền hoạt động trở lại, những công nhân như chị Hoà phấn khởi vì thu nhập đảm bảo, không canh cánh nỗi lo nghỉ việc luân phiên. Đến thời điểm này, 244/280 công nhân của công ty CP Kỹ thuật công nghiệp Á Châu (Cụm công nghiệp Quất Động, huyện Thường Tín) đã đi làm trở lại. Như vậy, nhân công làm việc trên các chuyền của công ty đã tăng hơn 80% so với thời điểm TP thực hiện giãn cách xã hội. 

Ông Nguyễn Quang Huy - Giám đốc nhà máy cho biết: Theo phương án sản xuất của công ty được huyện phê duyệt, những công nhân sinh sống ở "vùng xanh" thực hiện mô hình “1 cung đường 2 điểm đến”, còn một bộ phận công nhân (39 người) ở “vùng đỏ” của TP và “điểm đỏ” của huyện vẫn ở lại công ty theo “3 tại chỗ”. Tuy chưa chuyển đổi hoàn toàn sang mô hình “1 cung đường 2 điểm đến”, nhưng sự điều chỉnh trên đã giúp công ty tiết giảm được khá nhiều chi phí đầu tư, giải toả tư tưởng cho công nhân lao động. Để đảm bảo sản xuất an toàn, trước khi đi làm trở lại, toàn bộ công nhân phải ký cam kết với công ty, được xét nghiệm PCR và đều có kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2.

Giữ vững “vùng xanh”

Hiện nay, hầu hết các chuỗi cung ứng đã được nối lại, DN phá vỡ được tình trạng “đóng băng” phục hồi sản xuất kinh doanh. Không khí làm việc tại các nhà máy, DN đang rất khẩn trương, sôi động nhưng an toàn phòng dịch vẫn được các đơn vị đặt lên hàng đầu để bảo vệ thành quả chống dịch. Tại nhiều xã ở ngoại thành Hà Nội, sau khi nhận được phương án sản xuất, phương án bố trí lao động của DN, cơ sở sản xuất đóng trên địa bàn, lãnh đạo xã và cán bộ chuyên môn trực tiếp xuống cơ sở để kiểm tra thực tế mới cấp phép hoạt động trở lại. Đồng thời, chủ cơ sở ký cam kết với chính quyền địa phương. 

Chị Nguyễn Thị Hằng - chủ cơ sở may mặc tại thị trấn Đại Nghĩa, huyện Mỹ Đức cho biết: Cơ sở sắp xếp, bố trí cho một số công nhân ở một số công đoạn mang hàng về nhà để làm, hạn chế đông người ở xưởng. Với những công nhân bắt buộc làm tại xưởng phải có chứng nhận hoàn thành tiêm mũi 1, đảm bảo khoảng cách và tuân thủ 5K.

Tại công ty TNHH Lixil Việt Nam (cụm công nghiệp nhỏ và vừa Phú Thị, huyện Gia Lâm), dù có 90% công nhân được tiêm phòng mũi 1 nhưng các giải pháp phòng chống dịch được lãnh đạo công ty yêu cầu thực hiện quyết liệt nhằm giữ vững “vùng xanh sản xuất”. 

Ông Đinh Quốc Toản - Chủ tịch Công đoàn công ty cho biết: 70% sản phẩm sản xuất của công ty phục vụ xuất khẩu, các đơn hàng ổn định nên an toàn phòng dịch của nhà máy là ưu tiên số 1 để duy trì sản xuất, đảm bảo công việc và thu nhập cho người LĐ. Nhất là trong điều kiện công ty vẫn còn hơn 60 lao động ở các tỉnh lân cận và “vùng đỏ” của TP đang thực hiện “3 tại chỗ”. Công ty phân luồng để công nhân ra-vào nhà máy theo các đường khác nhau, không tiếp xúc, giữ khoảng cách trong nhà máy và nhà ăn với các khung giờ ăn được chia ca (11h30 và 12h45), bàn ăn có vách ngăn, công nhân ngồi chéo nhau giữa các bàn…

Trong khi đó, tại công ty TNHH may Phù Đổng trên địa bàn huyện, các tổ an toàn Covid-19 tiếp tục được phát huy hiệu quả trong việc bảo vệ NLĐ, bảo vệ nhà máy để đảm bảo sản xuất an toàn. Bà Nguyễn Thị Thu Giang - Phó Giám đốc công ty thông tin: Các nước châu Âu đang khôi phục kinh tế sau thời kỳ dịch bệnh, nhu cầu hàng hóa, trong đó có may mặc nhiều nên đơn hàng ngành dệt may năm nay ổn định hơn năm trước. Trước nhu cầu sản xuất rất lớn, để đảm bảo sản xuất an toàn, công ty đã triển khai mô hình “vùng xanh doanh nghiệp” với các tổ an toàn Covid-19 là nòng cốt, hỗ trợ công ty xây dựng các kịch bản ứng phó với dịch bệnh, không để bị động trước các tình huống bất ngờ xảy ra. Thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở người lao động thực hiện 5K, “1 cung đường, 2 điểm đến”, đo thân nhiệt và hướng dẫn người lao động khai báo y tế trực tuyến… Ngoài ra, công ty thường xuyên vệ sinh nhà xưởng, khử khuẩn toàn bộ các phương tiện vận tải trước khi vào nhà máy. Khách hàng, đối tác khi đến công ty làm việc phải có xét nghiệm âm tính với SARS- CoV-2 trong vòng 72 giờ. Nhờ vậy, trong suốt thời gian qua, các dây chuyền của nhà máy không đứt gãy, người lao động được đảm bảo việc làm, thu nhập. 

Kiểm tra thân nhiệt của người LĐ tại dây chuyền sản xuất Công ty TNHH May Phù Đổng.Kiểm tra thân nhiệt của người LĐ tại dây chuyền sản xuất Công ty TNHH May Phù Đổng. (Ảnh: Diệp Thảo)

Cùng với nhà máy, các địa phương có đông công nhân lao động đang thuê trọ cũng tăng cường quản lý, giám sát thông qua các chốt kiểm soát vùng xanh tại các khu dân cư. Tại xã Tráng Việt, huyện Mê Linh - địa bàn có hơn 1.000 công nhân làm việc tại KCN Quang Minh đang sinh sống, theo Chủ tịch UBND xã Lê Xuân Thành, người lao động khi đi làm và về nhà phải khai báo y tế trực tuyến tại các chốt vùng xanh ở từng thôn trên địa bàn xã để đảm bảo thực hiện “1 cung đường 2 điểm đến”. Ở những vùng xanh này, người lao động và nhân dân đi theo 1 đường ra và 1 đường vào. Việc kiểm soát này đang được thực hiện tại một số xã trên địa bàn huyện Đông Anh có đông công nhân lao động thuê trọ.

Các tổ an toàn Covid-19 đã trở thành “cánh tay nối dài” của DN

Trong thời gian qua, các tổ an toàn Covid-19 đã trở thành “cánh tay nối dài” của DN góp phần rất lớn trong việc đảm bảo an toàn cho nhà máy, quan tâm chăm lo đời sống người lao động, qua đó ổn định quan hệ lao động và phát triển sản xuất kinh doanh, chung tay cùng TP thực hiện nhiệm vụ kép, vừa phòng chống dịch tốt, vừa sản xuất kinh doanh an toàn. Trên địa bàn TP có 11.512 tổ an toàn Covid-19 tại 4.339 DN, thu hút 50.643 người là cán bộ công đoàn cơ sở, cán bộ y tế và người lao động am hiểu về công tác phòng, chống dịch tham gia. Trong đó, tại các KCN, có 2.116 tổ an toàn Covid-19 ở 408 DN. Nhiều tổ an toàn Covid-19 tại DN đã có nhiều cách làm sáng tạo để hỗ trợ công ty trong việc tổ chức xét nghiệm, rà soát tiêm phòng cho công nhân… Tại công ty TNHH Matsuo Industries Việt Nam (KCN Quang Minh, huyện Mê Linh), để kiểm soát tốt công tác phòng dịch đến các phân xưởng và từng vị trí việc làm, các tổ an toàn Covid-19 đã tích hợp sử dụng hệ thống camera giám sát của công ty để giám sát công tác phòng, chống dịch của công nhân lao động và nhà thầu. Nhờ vậy, người lao động trong công ty đã chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, việc giám sát thực hiện phòng dịch của tổ an toàn Covid-19 được nâng cao thường xuyên.

(Ông Lê Đình Hùng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hà Nội)

(Còn nữa)

HẠNH LÊ

 

Tin cùng chuyên mục

Về miền hoa Ban

Về miền hoa Ban

(PNTĐ) - Là tỉnh địa đầu Tây Bắc của Tổ quốc, Điện Biên thường được nhắc đến với vẻ đẹp hoang sơ, trùng điệp của núi non, những đỉnh đèo, biển mây, nếp nhà sàn, ruộng bậc thang, lễ hội truyền thống... Với những tiềm năng, lợi thế to lớn, Điện Biên đã và đang trở thành điểm du lịch hấp dẫn của khu vực Tây Bắc cũng như cả nước; là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.
Bài 2: Những vụ việc còn trong bóng tối

Bài 2: Những vụ việc còn trong bóng tối

(PNTĐ) - Đã có nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em mặc dù cơ quan chức năng xác định có căn cứ để khởi tố vụ án hình sự, nhưng sau đó đành phải tạm đình chỉ điều tra vì chứng cứ yếu, thiếu chứng cứ hoặc không xác định được bị can gây án. Nhiều gia đình phải ngậm đắng nuốt cay, còn bị hại phải gánh chịu hệ quả tâm lý nặng nề.
Đàn chim Lạc trở về

Đàn chim Lạc trở về

(PNTĐ) - Đã thành thông lệ vào những dịp lễ Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3), ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4 và kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5..., rất nhiều kiều bào yêu nước lại về thăm quê hương. Sau những năm tháng chiến tranh, Việt Nam giờ đây đã trở thành mảnh đất lành cho những “đàn chim Lạc” trở về cội nguồn đoàn tụ.
Nữ chiến sĩ Điện Biên năm xưa

Nữ chiến sĩ Điện Biên năm xưa

(PNTĐ) - Trong chiến dịch Ðiện Biên Phủ, phụ nữ đã đóng góp trên 2,3 triệu ngày công, góp phần quan trọng vào chiến thắng lịch sử của dân tộc. Những thiếu nữ đó đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, không một thoáng lưỡng lự, không một phút ngần ngại, đắn đo để thực hiện nghĩa vụ cao cả: Tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.
Triệu trái tim hướng về Điện Biên

Triệu trái tim hướng về Điện Biên

(PNTĐ) - Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là dịp để mỗi người dân Việt Nam, kiều bào ở nước ngoài hướng về Điện Biên với mong muốn tìm về cội nguồn chiến thắng và sức mạnh dân tộc với bao cảm xúc tự hào và trân trọng những chiến công lịch sử hào hùng của dân tộc trong “56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm…” làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Bởi vậy, Điện Biên tuy xa mà gần gũi, có sức sự lan toả trong tâm hồn mỗi người dân Việt Nam.