Báo chí và Doanh nghiệp: Coi nhau là đối tác, đừng coi nhau là đối thủ

HOÀNG LAN
Chia sẻ

(PNTĐ) - “Nếu viết khen doanh nghiệp thì báo chí bị cho là pr. Nếu phản biện thì bị nghi là “đánh” doanh nghiệp. Còn với doanh nghiệp, thay vì cởi mở lại có tâm lý e dè, cảnh giác, né tránh nhà báo”… Đó là một số “hiểu lầm” khiến cho mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp đôi khi chưa được mật thiết.

Báo chí và Doanh nghiệp: Coi nhau là đối tác, đừng coi nhau là đối thủ - ảnh 1
Diễn đàn nơi báo chí và doanh nghiệp chia sẻ ý kiến để xây dựng mối quan hệ tốt đẹp hơn

Tại diễn đàn “Báo chí – doanh nghiệp đồng hành cùng chính phủ vì một Việt Nam phát triển thịnh vượng” do Tạp chí Người Làm Báo, Ban Nghiệp vụ – Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức ngày 29/6 vừa qua, các nhà báo và đại diện doanh nghiệp đã cùng "trải lòng" để qua đó thấu hiểu nhau hơn.

Tham gia diễn đàn, doanh nhân Vũ Văn Luật, Chủ tịch HĐQT tập đoàn SM chia sẻ: Trong quá trình hoạt động, tập đoàn của ông luôn đánh giá cao vai trò quan trọng của báo chí. Tuy nhiên, theo ông Luật, một số tờ báo, tạp chí hiện nay không công khai tôn chỉ mục đích, còn doanh nghiệp muốn tìm kiếm thông tin này cũng khá khó khăn. Bản thân Tập đoàn của ông cũng từng bị một tờ báo online đưa tin không đúng về dự án đang triển khai. Đó là lý do các doanh nghiệp như ông nhiều khi thấy “ngại” báo chí. Ông Luật cho rằng, báo chí không chỉ dừng ở việc phản ánh sai phạm, bất cập mà còn cần đề ra giải pháp tháo gỡ, phản biện chính sách để giúp cho các cơ quan chức năng bổ sung, hoàn thiện hệ thống luật pháp chặt chẽ hơn.

Theo PGS,TS Nguyễn Thành Lợi, Tổng Biên tập Tạp chí Người Làm Báo khẳng định giữa báo chí và doanh nghiệp có mối quan hệ chặt chẽ. Cụ thể, báo chí luôn coi doanh nghiệp, doanh nhân là nguồn đề tài phong phú còn doanh nghiệp cũng rất cần báo chỉ để có thông tin phục vụ sản xuất – kinh doanh; quảng bá thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ …Tuy nhiên, ngày nay, quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp phần nào đã thay đổi. Mạng Internet và điện thoại di động đã phá bỏ “biên giới cứng” về thời gian, không gian của các phương tiện truyền thông truyền thống như báo in, phát thanh và truyền hình. Nhiều doanh nghiệp có thể sử dụng những ưu thế của truyền thông xã hội để xây dựng website, blog hay fanpage trên mạng xã hội, lập kênh YouTube...

Báo chí và Doanh nghiệp: Coi nhau là đối tác, đừng coi nhau là đối thủ - ảnh 2
Các đại biểu phát biểu tại diễn đàn

Theo ông Lợi, muốn thúc đẩy quan hệ tốt đẹp giữa báo chí và doanh nghiệp, rất cần sự phối hợp giữa ba bên: báo chí - doanh nghiệp và  cơ quan quản lý nhà nước hay Hội nghề nghiệp. Thừa nhận có hiện tượng “con sâu làm rầu nồi canh”, phóng viên nhũng nhiễu doanh nghiệp, ông Lợi cho rằng, đối với cơ quan báo chí, cần phải đặt đạo đức nghề nghiệp trước tiên cho người làm báo. Các phóng viên cần phải được trang bị kiến thức cơ bản về lĩnh vực kinh tế; thông tin rõ ràng, khách quan, đa chiều, không mập mờ, gây hoang mang. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nên thể hiện tinh thần sẵn sàng lắng nghe, hợp tác và đối thoại với báo chí. Trong bất kỳ tình huống nào, doanh nghiệp rất cần tạo ra kênh đối thoại thẳng thắn, trực tiếp tránh bị các tin đồn, tin không chính xác xuất hiện trên mạng xã hội và bị “chính thống hóa” trên báo chí.

Nhà báo Lưu Quang Định, Tổng biên tập báo Nông thôn Ngày nay cho rằng, báo chí Việt Nam đang đứng trước rất nhiều khó khăn, thử thách nhất là về mặt tài chính để duy trì hoạt động. Cùng với sự thu hẹp lượng phát hành của báo in, báo điện tử hiện vẫn được cung cấp dưới hình thức miễn phí, có rất ít báo áp dụng được đọc báo thu phí nên sự hợp tác của doanh nghiệp với các cơ quan báo chí thông qua các chương trình truyền thông đóng góp rất lớn vào nguồn tài chính cho các cơ quan báo chí.

Trong chiều ngược lại, các doanh nghiệp để phát triển, xây dựng thương hiệu, uy tín càng rất cần đến sự hợp tác với các cơ quan báo chí. Vì vậy, báo chí và doanh nghiệp cần hợp tác, đồng hành dựa trên mối quan hệ biện chứng, hợp tác, tương hỗ lẫn nhau, chứ không phải đối đầu, hai bên cùng mang lại lợi ích cho nhau theo phương châm cả hai bên cùng thắng.

Cũng như đồng nghiệp của mình, ông Lưu Quang Định mong muốn các doanh nghiệp cần chủ động hơn trong việc cung cấp thông tin báo chí để báo chí có thể thông tin một cách nhanh nhất, chính xác nhất, kịp thời nhất để tránh những thông tin bất lợi ảnh hưởng đến chính doanh nghiệp, thậm chí cả nền kinh tế nói chung. Chẳng hạn như việc ông Trịnh Văn Quyết, nguyên Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC (đã bị khởi tố, bắt giam) bán chui cổ phiếu. Nếu FLC sớm công khai, minh bạch thông tin đến hoạt động của doanh nghiệp mình, thì đã có thể tránh được sự việc đáng tiếc. Hay việc Tập đoàn Tân Hoàng Minh đấu giá tới 2,4 tỉ đồng/m2 tại Thủ Thiêm, TP.HCM cũng gây rất nhiều hệ lụy do doanh nghiệp không công khai, minh bạch thông tin với báo chí về việc đấu giá đất của mình.

Từ góc độ của doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Thúy Hường, Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ Trường học Quang Minh bày tỏ chính sự thấu hiểu sẽ giúp báo chí và doanh nghiệp xích lại gần nhau. Bà mong, người viết báo sẽ lắng lòng khi viết về một cái sai của người nào đó, của doanh nghiệp nào đó để làm bài học cảnh tỉnh cho xã hội chứ không phải tâm trạng hồ hởi, hân hoan khi mình vạch ra được cái sai này với 1 động cơ khác.

“Chúng tôi là người đứng đầu của 1 doanh nghiệp dù to hay nhỏ cũng không còn làm việc để mưu sinh cho cá nhân mình. Thực sự doanh nghiệp phải luôn nghĩ và làm những điều tốt đẹp nhất để cống hiến cho xã hội. Trong chặng đường đi, chắc chắn một lúc nào đó vô tình có sai sót, bằng sự chân tình nhắc nhở chúng tôi sẽ sửa chữa và khơi được sự cống hiến hết mình cho xã hội. Vì vậy tôi mong nhận được những giá trị này từ báo chí để báo chí - doanh nghiệp cùng nắm tay nhau góp phần vào công cuộc phát triển đất nước”, bà Hường chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục

Cảm động hành động xếp quạt, pha nước chanh mời người dân đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Cảm động hành động xếp quạt, pha nước chanh mời người dân đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

(PNTĐ) - Thời tiết hai ngày diễn ra Lễ Quốc tang bắt đầu oi nóng, nhiều người dân từ khắp mọi miền đất nước đã bày tỏ lòng thành kính, biết ơn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dành cả cuộc đời để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân. Để xua tan không khí oi bức, người dân trên địa bàn thôn Lại Đà đã dành những tình cảm trân quý, tận tay pha nước mát, mở quạt dọc tuyến đường vào viếng Tổng Bí thư.
Người dân Đông Anh và cả nước vô cùng tiếc thương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Người dân Đông Anh và cả nước vô cùng tiếc thương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

(PNTĐ) - Sáng nay (25/7), lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã được cử hành trọng thể theo nghi thức Quốc tang tại Nhà Tang lễ Quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội). Cùng thời gian trên, lễ viếng diễn ra tại Hội trường Thống Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh) và quê nhà Tổng Bí thư - xã Đông Hội, huyện Đông Anh (thành phố Hà Nội).
Hà Nội vận dụng sáng tạo quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong xây dựng và phát triển văn hóa Thủ đô

Hà Nội vận dụng sáng tạo quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong xây dựng và phát triển văn hóa Thủ đô

(PNTĐ) - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhà lãnh đạo xuất sắc, người đồng chí mẫu mực và kính yêu mất đi, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho chiến sĩ, đồng bào cả nước. Đồng chí mất đi, nhưng những di sản mà đồng chí để lại cho Đảng, cho đất nước và nhân dân sẽ mãi trường tồn, là điểm tựa cho đất nước, cho Thủ đô tiếp tục tiến lên, dựng xây non sông Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc. Trong những chỉ đạo, định hướng lớn với Đảng bộ Hà Nội về phát triển kinh tế-xã hội, nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người Thủ đô tiêu biểu luôn được Tổng Bí thư đặc biệt quan tâm...