Báo động nạn bạo hành trẻ em

TÚ AN
Chia sẻ

(PNTĐ) - Thực trạng bạo hành trẻ em hiện nay vẫn đang rất nhức nhối và không ngừng gia tăng. Do đó, cần đẩy mạnh các biện pháp bảo vệ trẻ em, nâng cao hình phạt với những kẻ bạo hành để sớm ngăn chặn vấn đề này.

Nhà không còn là “nơi an toàn” với trẻ

Bạo lực trẻ em trong gia đình có thể hiểu là tình trạng trẻ em bị người trong gia đình hành hạ, đánh đập, tác động tới cả tinh thần và thể xác gây tổn thương nghiêm trọng đến cuộc sống và sức khỏe của trẻ. Một trong những nguyên nhân dẫn đến điều này là do nhận thức của bố mẹ như phong tục, thói quen, quan niệm “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” tồn tại từ bao đời nay.

Nhiều bậc phụ huynh xem việc đánh con là “bình thường” và làm vậy mới dạy con nên người, đặc biệt là những đứa trẻ hư. Tuy nhiên, chính những quan niệm sai lầm này có thể gây ra những hậu quả đau lòng và đáng tiếc do chính sự thiếu hiểu biết về pháp luật cũng như quyền được bảo vệ của trẻ em.

Trên thực tế, các hành vi vi phạm quyền trẻ em vẫn diễn ra hàng ngày, hàng giờ. Ở Việt Nam, mỗi năm có khoảng 2.000 trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại được thông tin, báo cáo. Đáng chú ý, vẫn còn các trường hợp cha mẹ, người chăm sóc trẻ và thầy cô giáo sử dụng các biện pháp trừng phạt thân thể như: Đánh bằng tay hoặc bằng roi/ gậy; tát, bạt tai, véo, giật tóc, bắt/phạt em trẻ duy trì các tư thế không thoải mái trong thời gian dài…

Điều đáng nói là các hành vi đánh mắng trẻ đó mà phụ huynh, người chăm sóc trẻ, giáo viên chưa ý thức được đó là các hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền của trẻ em. Đồng thời cũng chưa nhận thức được rằng trừng phạt thể chất và tinh thần không mang lại kết quả tích cực về giáo dục như họ mong đợi.

Dù sự việc đã diễn ra gần 2 năm, nhưng dư luận vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhắc lại vụ việc ông bố ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội trong lúc dạy con học đã dùng roi, đũa đánh con gái 6 tuổi, gián tiếp khiến cháu bé tử vong. Kết quả giám định cho thấy, nguyên nhân cháu bé tử vong là “ngạt do trào ngược thức ăn, hậu quả của sốc chấn thương, thương tích trên cơ thể do tác động vật tày gây nên”. Người cha đã bị truy tố về tội “Cố ý gây thương tích” theo Điều 134 Bộ luật Hình sự. Những giọt nước mắt ân hận muộn màng của người cha không thể lấy lại được sự sống cho con gái…

Hay câu chuyện của một bé gái bị chính mẹ đẻ hành hạ và bị người tình của mẹ nhiều lần xâm hại tình dục. Mặc dù mẹ cháu bé - bị cáo Hoàng Thị Thu Huyền (SN 1987, trú tại phường Hà Cầu, quận Hà Đông) đã nhận mức án 3 năm tù về tội “Hành hạ con” nhưng có lẽ những vết thương cả về thể chất, tinh thần sẽ khó nguôi ngoai trong lòng cháu bé.

Không chỉ cha mẹ nhân danh dạy con để có hành vi bạo lực, một số ông bố dượng, mẹ kế cũng đã có hành vi bạo lực dã man con riêng của vợ/chồng, gây hậu quả đáng tiếc. Mới đây không lâu, dư luận xôn xao về clip ghi lại cảnh một cháu bé 9 tuổi bị cha dượng là Lê Đức Thắng (SN 1982, trú tại TP Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước) bạo hành dã man.

Theo đó, Thắng đã đánh đập cháu L.Đ.A, 9 tuổi, là con riêng của vợ, bất chấp lời van xin thảm thiết của cháu bé. Clip nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội, gây rúng động dư luận về hành vi bạo hành trẻ em. Tại cơ quan công an, Thắng khai nhận, từ năm 2018, Thắng và chị Đ.T.H, mẹ cháu Đ.A, chung sống như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn và có 2 con chung, cháu Đ.A là con riêng của chị H. Tối 8/3, chị H không có nhà, Thắng cho rằng cháu Đ.A nghịch ngợm, nói không nghe nên đã dùng tay, chân đánh liên tục vào người, vào đầu cháu bé, gây thương tích.

Trước đó, vụ án cháu bé V.A, 8 tuổi, ở TP Hồ Chí Minh bị người tình của bố tra tấn như thời trung cổ, cháu bé N.A, 3 tuổi ở Thạch Thất bị bố dượng đóng 10 chiếc đinh vào đầu đến tử vong… đã trở thành hồi chuông cảnh báo cho những gia đình tái hôn trong việc bảo vệ con trẻ là con riêng của vợ/chồng. Mặc dù các đối tượng gây án đã bị trừng trị thích đáng, nhưng không thể cứu lấy mạng sống của những đứa trẻ vô tội.

Thực tế, hiện nay, không khó để bắt gặp những gia đình duy trì việc giáo dục, uốn nắn con cái theo hình thức quát mắng và áp dụng các hình phạt thể chất với suy nghĩ “yêu cho roi cho vọt”. Theo thống kê, trung bình mỗi tháng, các chuyên gia tư vấn của Tổng đài 111 đã tham gia tư vấn, can thiệp khoảng 200-300 cuộc gọi liên quan đến bạo hành, xâm hại trẻ em. Trong đó, số vụ bạo lực trẻ em do người thân trong gia đình gây ra chiếm tới 54,88%. Đa số đối tượng bạo lực đều viện lý do là đánh để… dạy con.

Lợi dụng nuôi trẻ mồ côi để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật

Thực tế, không phải đứa trẻ nào sinh ra cũng được sống cùng cha mẹ, được cha mẹ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục đến khi trưởng thành. Xã hội nào cũng có những đứa trẻ thiếu may mắn, thiếu cha, thiếu mẹ, thậm chí bị cha mẹ bỏ rơi phải trông chờ vào sự cưu mang, giúp đỡ của người khác, phải sống trong các trại mồ côi, trung tâm bảo trợ xã hội. Những đứa trẻ thiếu may mắn đó rất cần sự chia sẻ, hỗ trợ giúp đỡ của các nhà hảo tâm, của cơ quan, tổ chức.

Tuy nhiên, thời gian qua, đã xuất hiện không ít những vụ việc lợi dụng danh nghĩa nuôi trẻ mồ côi để trục lợi, thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật như ở Tịnh Thất Bồng Lai và một số nơi đã bị cơ quan chức năng phát hiện xử lý. Những người kiếm tiền từ hoàn cảnh khó khăn, éo le, bất hạnh của trẻ em là hành vi rất thất đức. Khi không có đạo đức, không có tình yêu thương với trẻ nhỏ, chỉ coi những đứa trẻ như công cụ kiếm tiền thì những người đó sẵn sàng đánh đập, hành hạ, không từ thủ đoạn nào để có được lợi ích.

Dư luận mới đây cũng vô cùng phẫn nộ khi tội ác của những người trông trẻ ở mái ấm Hoa Hồng bị phơi bày. Càng xót xa hơn khi trẻ đang phải ăn cơm với nước tương thì các thực phẩm sữa, bánh… mà các nhà hảo tâm hỗ trợ cho các bé được nuôi dưỡng ở đây đã được mái ấm này tuồn ra ngoài đem bán.

Hay ở một số cơ sở chăm sóc trẻ tư nhân, cũng đã xảy ra nhiều trường hợp bảo mẫu bạo hành trẻ trong quá trình chăm sóc. Như chiều 1/9, Công an phường Ia Kring (TP Pleiku, Gia Lai) nhận tin báo bé Hồ Dương Tuấn Kiệt (5 tuổi, thiểu năng, không nói được) bị bạo hành khi đang được nuôi dưỡng tại một cơ sở nuôi dưỡng trẻ khuyết tật trên đường Trần Nhật Duật, TP Pleiku và qua đời sau đó với nhiều vết thương trên cơ thể. Ngày 5/9, Công an tỉnh Gia Lai xác định nguyên nhân ban đầu khiến bé tử vong là do bị bạo hành.

Tháng 4/2024, mạng xã hội lan truyền hai video ghi cảnh người phụ nữ có hành động dùng tay, đồ vật đánh một bé trai khiến cháu bé khóc nghẹn, la hét thất thanh. Vụ việc sau đó được xác định xảy ra tại nhóm lớp mầm non Tí Bo, phường Linh Đông, quận Thủ Đức (TPHCM). Cùng thời điểm này, một bé trai 8 tháng tuổi được phát hiện chết bất thường ở nơi giữ trẻ tự phát tại phường Thới Hòa, thị xã Bến Cát, Bình Dương.

 Tháng 7, UBND TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) xử phạt hành chính, buộc bà T.T.N (39 tuổi, trú phường Tân Lợi, chủ nhóm trẻ) xin lỗi công khai. Trước đó người dân có clip tố cáo nhóm giữ trẻ trái phép này tát trẻ 3 tuổi khi cho ăn.

TS.LS Đặng Văn Cường, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp bày tỏ: Trẻ em là người yếu thế trong xã hội, đặc biệt, là với trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh thì hoàn toàn không có khả năng tự vệ. Chỉ cần những hành vi tác động vật lý mạnh tay do cố ý hoặc vô ý khi chăm sóc trẻ là có thể gây ra thương tích, thậm chí khiến các cháu thiệt mạng.

Những người bảo mẫu làm công tác chăm sóc trẻ hoàn toàn có thể nhận thức được hành vi đánh đập là nguy hiểm cho trẻ, có thể xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng, tâm lý của trẻ nhưng vẫn cố tình thực hiện hành vi là có dấu hiệu phạm tội và rất đáng lên án và cần phải bị xem xét xử lý bằng chế tài nghiêm minh của pháp luật.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Thêm một Ngôi nhà Ánh Dương hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị bạo lực

Thêm một Ngôi nhà Ánh Dương hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị bạo lực

(PNTĐ) - Ngày 9/1, tại Hòa Bình, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA) và Đại sứ quán Australia tại Việt Nam tổ chức lễ ra mắt trung tâm một cửa hỗ trợ người bị bạo lực trên cơ sở giới (Ngôi nhà Ánh Dương) tại Hòa Bình. Đây là mô hình Ngôi nhà Ánh Dương đầu tiên ở khu vực Tây Bắc và là trung tâm thứ 5 được triển khai ở Việt Nam.
Nông dân Thủ đô hướng tới “Nông dân số - nông nghiệp sạch - môi trường xanh”

Nông dân Thủ đô hướng tới “Nông dân số - nông nghiệp sạch - môi trường xanh”

(PNTĐ) - Thời gian tới, Hội Nông dân thành phố cần tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” gắn với thực hiện chủ đề “Nông dân số - nông nghiệp sạch - môi trường xanh” cụ thể, thiết thực, hiệu quả, sát với yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của thành phố.
Hội LHPN Hà Nội thực hiện chương trình Đồng hành cùng phụ nữ biên cương tại tỉnh Nghệ An

Hội LHPN Hà Nội thực hiện chương trình Đồng hành cùng phụ nữ biên cương tại tỉnh Nghệ An

(PNTĐ) - Ngày 8/1, đoàn công tác của Hội LHPN Hà Nội do đồng chí Lê Kim Anh, Ủy viên đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Thành ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội làm trưởng đoàn đã đến huyện Kỳ Sơn, Nghệ An thực hiện chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”.