Báo động tình trạng tội phạm “tuổi hồng”

Chia sẻ

Thời gian gần đây, trên cả nước xảy ra hàng loạt các vụ trọng án cướp của, giết người, cố ý gây thương tích... gây xôn xao dư luận. Đáng chú ý là thủ phạm trong các vụ án này có tuổi đời còn rất trẻ, thậm chí là tội phạm vị thành niên khiến nhiều người bất an, lo lắng về tình trạng “tuổi hồng” phạm tội.

Liên tiếp vụ việc “tuổi hồng” cướp tài sản, sử dụng ma túy… những ngày giãn cách. Chiều 22/8, công an huyện Mê Linh (Hà Nội) cho biết đã bắt đối tượng Đặng Văn Tình (SN 2003) do điều khiển xe máy không chấp hành hiệu lệnh, đâm bị thương một chiến sỹ công an làm nhiệm vụ. Trước đó, ngày 7/8, công an TP Đà Lạt (Lâm Đồng) lấy lời khai Trần Thanh Tùng (SN 2004) và Trần Anh Kiệt (SN 2003) do các đối tượng nửa đêm lẻn vào bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng, cướp túi xách của một phụ nữ đang ngủ rồi tẩu thoát. Đầu tháng 6, tại huyện Đan Phượng, một thiếu nữ 16 tuổi cùng bạn trai lập kế hoạch cướp xe máy. Và dư âm của vụ việc nhóm thanh niên chặn đường cướp xe máy của một nữ lao công ngay trong đêm ở quận Nam Từ Liêm, bất chấp chị cầu xin khẩn thiết, vẫn là hồi chuông cảnh báo tội phạm vị thành niên tăng đột biến.

Giáo dục, tuyên truyền và phổ biến pháp luật cho thanh, thiếu niên là nhiệm vụ của cả gia đình và xã hội	(ảnh minh họa)Giáo dục, tuyên truyền và phổ biến pháp luật cho thanh, thiếu niên là nhiệm vụ của cả gia đình và xã hội (ảnh minh họa) (Ảnh: TĐHN)

 Chuyên gia tâm lý Hoàng Hải Vân bày tỏ sự lo ngại về việc thủ đoạn phạm tội của nhóm đối tượng này không chỉ đơn giản là do nhất thời bồng bột, thiếu suy nghĩ mà có sự tính toán, chuẩn bị kỹ càng, manh động và liều lĩnh, do đó tính nguy hiểm ngày càng cao, gây hậu quả nghiêm trọng. Bà cũng cho biết, các nghiên cứu tâm lý tội phạm học cho thấy mối quan hệ giữa trẻ vị thành niên và gia đình có tác động rất lớn tới nhận thức, hành vi của trẻ khi hầu hết trẻ vị thành niên phạm tội có mâu thuẫn gia đình.

Đánh giá về nguyên nhân “trẻ hóa” tội phạm, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) kể đến như: Người dưới 18 tuổi phát triển nhanh chóng về thể chất nhưng tâm sinh lý có những bất ổn, thậm chí nổi loạn. Nếu giáo dục không đúng cách thì có thể biến những đứa trẻ ngoan ngoãn, hiếu thảo trở thành ngỗ ngược, bất trị, bỏ học, tự tử, thậm chí trở thành tội phạm. Một nguyên nhân khác là từ những đổ vỡ trong hạnh phúc gia đình khiến đứa trẻ không được quan tâm đúng mức. Trẻ sống trong môi trường bạo lực, chứng kiến bạo lực gia đình hoặc bạo lực trên không gian mạng, các trò chơi game… cũng có thể dễ học theo, làm theo và trở thành những sát thủ máu lạnh nếu như thiếu sự để ý của cha mẹ. 

Một nguyên nhân khác đến từ trách nhiệm của nhà trường và xã hội. Khi cha mẹ giáo dục không khoa học, không đúng cách, thậm chí bỏ rơi mà nhà trường, chính quyền địa phương và các tổ chức xã hội lại không kịp thời phát hiện, can thiệp thì trẻ sẽ rất dễ sa ngã. 

Chuyên gia tâm lý Hoàng Hải Vân cho rằng, trẻ vị thành niên phạm tội là nỗi đau của gia đình và xã hội. Giải pháp quan trọng nhất để phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời các vụ phạm pháp mà thanh, thiếu niên gây ra chính là phối hợp chặt chẽ và thường xuyên giữa gia đình, nhà trường trong quản lý, giáo dục trẻ. Trước hết vẫn là từ gia đình. Bên cạnh sự chăm sóc, bố mẹ cần thường xuyên quan tâm đến tâm sinh lý lứa tuổi của trẻ để nắm bắt những thay đổi, nhằm có cách giáo dục con trẻ phù hợp, giúp trẻ đi qua giai đoạn khủng hoảng tâm lý tuổi dậy thì và trưởng thành lành mạnh. Đối với nhà trường, cần tăng cường các hoạt động rèn luyện, trang bị kỹ năng sống, giáo dục giới tính, xây dựng mô hình tư vấn tâm lý học đường để trẻ có sự hỗ trợ cần thiết và kịp thời.

 MAI CHI

Tin cùng chuyên mục

Lưu ý khi du lịch bằng ô tô tự lái

Lưu ý khi du lịch bằng ô tô tự lái

(PNTĐ) - Dịp nghỉ lễ Giải phóng miền Nam 30/4 và Quốc tế Lao động 1/5 năm nay kéo dài 5 ngày, nhiều gia đình chọn đi du lịch bằng xe ôtô tự lái. Để chuyến đi được an toàn, có mấy lưu ý sau: