Bất bình đẳng giới từ gánh nặng chăm sóc không lương

HUYỀN TRANG
Chia sẻ

(PNTĐ) - Bất bình đẳng giới trong công việc chăm sóc không được trả lương (việc nhà, chăm sóc con nhỏ, người già…) là một trong những yếu tố gây ra khoảng cách giới trong kết quả lao động, chẳng hạn như tham gia lực lượng lao động, tiền lương và chất lượng công việc. Giải quyết các định kiến và chuẩn mực giới là bước đầu tiên trong việc phân bổ lại trách nhiệm chăm sóc, nội trợ giữa phụ nữ và nam giới.

Việc nhà, chăm con là… của chồng hay của vợ?

Trong hôn nhân, nhiều người vẫn quan niệm, đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm. Điều đó có nghĩa là đàn ông sẽ gánh vác trách nhiệm kiếm tiền nuôi cả gia đình, còn phụ nữ phải có nhiệm vụ lo toan việc nhà và chăm sóc, nuôi dạy con cái. Sự phân công nhiệm vụ rõ ràng ấy vô tình khiến cho phụ nữ có nhiều áp lực trong cuộc sống, bởi ngày nay, đa số phụ nữ không còn chỉ có gắn mình quanh gian bếp mà đã bước ra ngoài xã hội, làm công việc xã hội.

Hơn nữa, ngoài trách nhiệm với gia đình, phụ nữ còn có nhu cầu thăng tiến trong sự nghiệp nên thời gian họ dành để học tập, trau dồi và bổ sung kiến thức... chiếm một lượng không nhỏ. Vì thế, người chồng biết thông cảm, chia sẻ việc nhà với vợ sẽ giúp người phụ nữ an tâm hơn trong công việc cũng như cuộc sống. Nhiều chị tâm sự, chỉ cần được chồng chia sẻ, quan tâm, dù chỉ là những hành động đơn giản như trông con để họ nấu ăn, nấu cho vợ tô cháo khi đau bệnh… đã là niềm hạnh phúc lớn lao rồi. Còn đối với người chồng, khi cùng vợ chăm sóc gia đình sẽ cảm nhận được mình là một phần quan trọng trong gia đình. Con cái của những gia đình mà cha mẹ biết chia sẻ việc nhà với nhau cũng có xu hướng sống có trách nhiệm hơn, yêu thương và tôn trọng cha mẹ hơn.

Bất bình đẳng giới từ gánh nặng chăm sóc không lương - ảnh 1
Ảnh minh họa

Thực tế tại Việt Nam, phụ nữ thực hiện phần lớn những công việc chăm sóc không trả lương trong gia đình, bất kể trình độ học vấn của họ. Theo Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UNW), công việc chăm sóc không lương được thực hiện chủ yếu bởi phụ nữ và trẻ em gái. Phụ nữ làm gấp 2,5 lần công việc này so với nam giới, chiếm 75% khối lượng công việc chăm sóc không lương, ước tính khoảng 13% GDP toàn cầu. Tại Việt Nam, số liệu về vị thế việc làm cũng cho thấy những bất lợi đáng kể của phụ nữ. Nếu như lao động gia đình không được trả công ở nam giới chỉ là 9,2%, con số này lại gấp đôi ở nữ giới, lên đến 19,4% (năm 2019).

Tiến sĩ Lương Thu Hiền, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giới và lãnh đạo nữ (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho biết, tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động thấp hơn nam giới cũng một phần vì gánh nặng lao động chăm sóc - việc gia đình không được trả lương. Các hoạt động kinh tế mà phụ nữ tham gia phải linh hoạt về thời gian để họ có thể vừa đi làm vừa thực hiện công việc gia đình. Thực tế đó dẫn đến sự phân biệt nghề nghiệp trong thị trường lao động.

Từ đó, có thể làm phát sinh bất bình đẳng giới trong thu nhập. Phụ nữ phải nhận ít tiền lương hơn so với nam giới trong cùng một công việc. Hoặc có quan niệm cho rằng, phụ nữ tham gia thị trường lao động ít hiệu quả hơn, cho nên, họ nên quay về lo cho việc nhà. Hiện thực và trách nhiệm của phụ nữ trong việc nhà không được trả lương đã dẫn đến tỷ lệ nữ tham gia thị trường lao động ít hơn nam, kinh nghiệm ít hơn, phân biệt nghề nghiệp, khoảng cách giới trong thu nhập và cuối cùng là trình độ học vấn, kiến thức và kỹ năng của phụ nữ thấp hơn do ít được đầu tư hơn.

Bình đẳng giới để phụ nữ có cơ hội phát triển

Hiện nay, hầu hết các quốc gia tiến bộ trên thế giới đều đã nhận thức và thừa nhận việc thúc đẩy bình đẳng giới (BĐG) sẽ đem lại cuộc sống có chất lượng tốt hơn. Việt Nam là một trong những quốc gia cam kết mạnh mẽ trong việc đảm bảo bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới về mọi mặt, thể hiện qua việc soạn thảo ban hành bộ Luật Bình đẳng giới; phê chuẩn hàng loạt công ước quốc tế có liên quan và phản ánh ở hệ thống luật pháp, chính sách của quốc gia. Đó là cơ sở pháp lý vững chắc cho việc thực hiện quyền bình đẳng cho cả nam và nữ giới trong thực tiễn.

Nam giới là một trong những nhân tố thúc đẩy bình đẳng giới, khi chia sẻ trách nhiệm của các thành viên trong gia đình. Xây dựng gia đình lành mạnh có sự quan tâm chia sẻ, cử chỉ tốt đẹp, hành động chia sẻ sẽ giúp cho trẻ phát triển lành mạnh. Một gia đình có sự yêu thương, chia sẻ, bố mẹ thấu hiểu lẫn nhau sẽ giúp cho các con phát triển nhân cách tốt hơn. Ngược lại, gia đình bất ổn như có bạo lực, mâu thuẫn, xung đột... thì trẻ sẽ bị tác động rất lớn đến tính cách, tâm sinh lý. Vì vậy, đấu tranh vì bình đẳng giới chính là từ sự thay đổi quan niệm, tư duy trong phân công công việc trong gia đình. Giáo dục bình đẳng giới trong gia đình cần bắt đầu từ trẻ thơ, sẽ là nền tảng vững chắc để thực hiện tốt bình đẳng giới hiện nay.

Bất bình đẳng giới từ gánh nặng chăm sóc không lương - ảnh 2
Ảnh minh họa

Để làm được việc này, điều quan trọng là người mẹ phải tập cho con cái trong gia đình ý thức tôn trọng phụ nữ và bình đẳng giới từ nhỏ, chủ động phân công công việc trong gia đình, dành thời gian còn lại để cả nhà cùng vui chơi, chứ không phải sau giờ làm việc, trong khi người mẹ cặm cụi với việc dọn dẹp nhà cửa, bếp núc, còn cha và con thì lại thảnh thơi ngồi xem tivi hoặc đi chơi với bạn bè. Sự chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau của vợ, chồng, con cái trong gia đình sẽ tạo điều kiện cho nhau trong học tập, nâng cao trình độ, công tác, trong quan hệ gia đình, họ hàng, làng xóm, bạn bè…

Chị Lê Thu Hà, Giám đốc truyền thông Trung tâm Trẻ em và phát triển CCD cho rằng, tốc độ thay đổi ở xã hội hiện đại là rất nhanh, các rủi ro hay thuận lợi đến rồi đi và không có sự phân biệt giới. Do đó, việc kiếm tiền hay chăm sóc nhà cửa, con cái giữa nam và nữ là tương đương nhau, đều là những việc phải làm để duy trì và nuôi dưỡng mối quan hệ trong gia đình. Sự phân công lao động trong gia đình sẽ linh hoạt hơn rất nhiều để ứng phó với sự thay đổi này.

Ngoài ra tuỳ từng giai đoạn khác nhau của hôn nhân, vai trò và sự phân công lao động sẽ có sự ưu tiên: Ví dụ trong giai đoạn đầu hôn nhân, có thể người chồng sẽ tập trung làm việc bên ngoài rất nhiều để gây dựng tài chính cho gia đình, giai đoạn có con nhỏ nên ưu tiên để người phụ nữ được ở nhà chăm sóc con… Không những thế, yếu tố cá nhân bên trong cũng ảnh hưởng bởi văn hoá quy định, tư duy “tôi sẵn sàng làm việc nhà hay tôi chưa sẵn sàng làm việc nhà” cũng sẽ ảnh hưởng đến sự san sẻ việc nhà giữa chồng và vợ. Hai người phải ở với nhau đủ lâu để thấu hiểu nhau, để hiểu rằng vai trò lao động ở ngoài xã hội hay trong gia đình đều quan trọng như nhau và không có sự phân biệt.

“Việc phân công lao động rõ ràng không phải là yếu tố quyết định việc giảm bớt gánh nặng cho người phụ nữ hiện đại. Hai vợ chồng phải thực sự thực hành giá trị tôn trọng, thấu hiểu, yêu thương nhau để có sự kết nối trong gia đình. Việc chia sẻ, thấu hiểu và tạo điều kiện để cả hai cùng phát triển là một yếu tố quan trọng thúc đẩy bình đẳng giới. Tuy nhiên, để làm được điều này thì hai vợ chồng cần thực sự dành thời gian cho nhau, nếu có định kiến giới hoặc bất bình đẳng giới thì cả nam và nữ đều sẽ gặp áp lực” - chị Thu Hà cho biết.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Hà Nội cảnh báo ngập lụt do mưa lớn

Hà Nội cảnh báo ngập lụt do mưa lớn

(PNTĐ) - Trong 3-6 giờ tới, khu vực nội thành Hà Nội và các vùng lân cận tiếp tục có mưa to đến rất to. Cảnh báo, đợt mưa này có khả năng gây ngập úng cho nhiều tuyến phố nội thành với độ sâu có nơi 50cm.