Bình đẳng giới trên báo chí, truyền thông trong bối cảnh công nghệ số

THANH THANH
Chia sẻ

(PNTĐ) - Sáng 27/10, Học viện Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) tổ chức Hội thảo khoa học Quốc gia “Bình đẳng giới trên báo chí, truyền thông trong bối cảnh công nghệ số”. Hội thảo nhằm tăng cường trao đổi các kết quả nghiên cứu khoa học, tạo diễn đàn học thuật thảo luận về các vấn đề liên quan đến thúc đẩy bình đẳng giới trên báo chí, truyền thông.

Hội thảo là sự kiện quan trọng chúc mừng 10 năm thành lập Học viện Phụ nữ Việt Nam, hơn 60 năm truyền thống vẻ vang của Học viện Phụ nữ Việt Nam, kỷ niệm Ngày phụ nữ Việt Nam 20/10; hướng tới kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới (từ 15/11 đến 15/12). Đồng thời  chào mừng Ngày truyền hình thế giới 21/11, và Ngày thế giới xoá bỏ bạo lực đối với phụ nữ (25/11).

Bình đẳng giới  trên báo chí, truyền thông trong bối cảnh công nghệ số - ảnh 1
Tiến sỹ Dương Kim Anh, Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam phát biểu tại hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, Tiến sỹ Dương Kim Anh, Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam cho biết: Ngày 3/3/2021, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 ban hành cùng Nghị quyết số 28/NQ-CP nhằm tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thu hut tinh trong trong các lĩnh vực của đời sống xã hội góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước. Chiến lược đưa ra 6 mục tiêu cơ bản, trong đó có mục tiêu về bình đẳng giới trong lĩnh vực thông tin truyền thông; hướng tới đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân về bình đẳng giới.

Chiến lược cũng nêu rõ trách nhiệm của Bộ thông tin và Truyền thông trong việc chỉ đạo các cơ quan bảo chí, truyền thông đầy mạnh và đổi mới các hoạt động truyền thông, giáo dục về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bình đẳng giới. Tăng thời lượng phát sóng, số lượng bài viết và nâng cao chất lượng tuyên truyền về binh đẳng giới trong các chương trình, chuyên trang, chuyên mục. Ngày 23/10/2021, Chính phủ ban hành Quyết định 1790/QĐ-TTg năm 2021 phê duyệt Chương trình truyền thông về bình đẳng giới đến năm 2030/ đổi mới về hình thức và phương tiện truyền thông đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và nền tảng số, đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm trong công tác truyền thông về binh đẳng giới.

 Với nỗ lực không ngừng trong nhiều năm qua Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng khích lệ; góp phần thu hẹp khoảng cách giới trong các lĩnh vực, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. 

Việt Nam là một trong những quốc gia hoàn thành sớm nhất Mục tiêu thiên niên kỷ số 3 (MDG3) về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và hiện đang nỗ lực thực hiện Chương trình nghị sự 2030 và Phát triển bền vững, phát triển bền vững số 5 (SDG5) về thúc đẩy bình đẳng giới và trong đó có Mục tiêu và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em.

Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức về bình đẳng giới. Sự tham gia của phụ nữ trong lãnh đạo, quản lý ở khu vực công cũng như trong doanh nghiệp vẫn còn thấp và chậm cải thiện tỉ lệ phụ nữ bị bạo lực cao định kiến về giới vẫn còn tồn tại trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình.

Báo chí, truyền thông có sứ mệnh đặc biệt trong việc truyền tải thông tin về bình đẳng giới góp phần thay đổi nhận thức và hành vi của công chúng. Việc tuyên truyền, vận động, lan tỏa những hình ảnh, thông điệp đúng đắn, sâu sắc, và toàn diện về bình đẳng giới vừa là vai trò và cũng là thách thức đối với báo chí, truyền thông.

 Các nghiên cứu gần đây của UNDP, UN Women, hay các chương trình “nhặt sạn giới trên truyền thông" của CSAGA cho thấy vẫn còn nhiều sản phẩm truyền thông thiếu nhạy cảm giới. Các sản phẩm này tồn tại trên báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình, và truyền thông mạng xã hội, thể hiện qua cách đặt tít bài, nội dung, thông điệp truyền thông, cách xây dựng nhân vật, và các diễn ngôn. Thực trạng này góp phần củng cố các định kiến giới, trở thành rào cản trong giải quyết các bất binh đẳng giới.

Công nghệ số, trí tuệ nhân tạo và sự phát triển của mạng xã hội đã và đang thúc đẩy các loại hình báo chí, truyền thông được sản xuất và phát hành nhanh chóng qua các ứng dụng đa phương tiện. Đây là các nền tảng truyền thông mới có tốc độ lan tỏa nhanh, hiệu ứng tác động mạnh. Tuy nhiên, hiện còn thiếu các chế tài kiểm soát chặt chẽ, xử lý kịp thời các nội dung, hình ảnh truyền thông thiếu nhạy cảm giới.

Bình đẳng giới  trên báo chí, truyền thông trong bối cảnh công nghệ số - ảnh 2
Hội thảo tập trung vào ba nhóm chủ đề

Hội thảo tập trung vào ba nhóm chủ đề chính là: Truyền thông trong bối cảnh công nghệ số; Thực trạng vấn đề giới trên báo chí, truyền thông và Một số vấn đề khác liên quan đến chủ đề Hội thảo (từ góc độ pháp luật, đạo đức, văn hoá, thực hành... 

Hội thảo đã nhận được hơn 80 đề xuất viết bài đến từ nhà khoa học, học giả trong nước và quốc tế; giảng viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh từ các cơ sở giáo dục, viện nghiên cứu; các nhà quản lý, hoạt động xã hội; các cơ quan báo chí, truyền thông. Qua quá trình phản biện, Ban Tổ chức đã lựa chọn và thông qua 37 tham luận chất lượng, đạt tiêu chuẩn về tính khoa học, tính lý luận và giá trị thực tiễn, được chọn in trên Kỷ yếu khoa học có chỉ số ISBN (International Standard Book Number - Mã số tiêu chuẩn quốc tế cho sách). 

Bình đẳng giới  trên báo chí, truyền thông trong bối cảnh công nghệ số - ảnh 3
Nhà báo Phí Quốc Thiên, Phó Tổng biên tập báo Phụ nữ Việt Nam tham luận tại hội thảo

Phát biểu tham luận tại hội thảo về "Vai trò của báo chí, truyền thông thúc đẩy bình đẳng giới trong môi trường số", Nhà báo Phí Quốc Thiên, Phó Tổng biên tập báo Phụ nữ Việt Nam khẳng định: Chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí, truyền thông đang diễn ra mạnh mẽ và rất nhanh. Sau một thời gian chuyển đổi, báo chí đang dần định hình và khẳng định vai trò là nguồn thông tin phản ánh mọi lĩnh vực đời sống xã hội, trở thành "bộ lọc"  thông tin, giải đáp, hướng dẫn, phân tích, chỉ ra được bản chất của các hiện tượng, câu chuyện, vấn đề trong xã hội. Sự khẳng định vai trò , vị trí của báo chí đối với truyền thông và mạng xã hội có ý nghĩa quan trọng đối với việc thúc đẩy Bình đẳng giới trong cộng đồng. Các hoạt động thông tin, giáo dục truyền thống là những biện pháp hàng đầu nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, đồng thời nếu truyền thông không tốt thì sẽ tạo nên khuân mẫu giới và bất bình đẳng giới trong xã hội. 

Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện luật Bình đẳng giới cũng đã khẳng định, trong thời gian qua, các cơ quan thông tấn báo chí đã quan tâm thúc đẩy bình thực hiện bình đẳng giới. Truyền thông về bình đẳng giới trên các phương tiện truyền thông được đẩy mạnh thời gian qua. Hình ảnh người phụ nữ tự tin vươn lên, khẳng định mình trong công việc xuất hiện ngày càng nhiều,bên cạnh là hình ảnh người nam giới  chia sẻ công việc gia đình. Tỷ lệ phụ nữ tham gia các hoạt động văn hóa và tiếp cận thông tin ngày càng cao hơn.

Bình đẳng giới  trên báo chí, truyền thông trong bối cảnh công nghệ số - ảnh 4
Các đại biểu tham gia phát biểu tại hội thảo

 Tham luận tại hội thảo về "Phụ nữ tùng thư" và sự tiếp nhận của giới trẻ đối với tủ sách thông qua kênh truyền thông mạng xã hội Facebook, Thạc sỹ Khúc Thị Hoa Phượng, Giám đốc Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam cho biết: Tủ sách Phụ nữ tùng thư (giới và phát triển) là tủ sách công bố các công trình về vấn đề phụ nữ hướng tới các nhận thức và thực hành quyền phụ nữ, cũng như đấu tranh cho nữ quyền, vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam và sự phát triển bền vững của đất nước. Phát huy thế mạnh của truyền thông thời đại kỹ thuật số, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam đã đẩy mạnh các hình thức truyền thông giới thiệu Tủ sách Phụ nữ tùng thư trên kênh Fanpage của Nhà xuất bản và đã đạt dược các thành công bước đầu .

Bình đẳng giới  trên báo chí, truyền thông trong bối cảnh công nghệ số - ảnh 5
Thạc sỹ Khúc Thị Hoa Phượng, Giám đốc Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam tham luận tại hội thảo

Mỗi buổi giới thiệu các ấn phẩm mới của Tủ sách đều được khá đông bạn đọc quan tâm trong đó phần lớn là các bạn trẻ. Chẳng hạn sự kiện giới thiệu sách Nữ quyền cho tất cả mọi người - một cái nhìn đa chiều về bình đẳng giới: lượt người tham gia qua zoom là 268 người, livestream facebook (fb) tiếp cận 5,5 nghìn lượt; 2,6 nghìn lượt xem; sự kiện Yêu sách của Antigon và cuộc đối thoại của Nữ quyền: lượt người tham gia qua zoom là 42 người, livestream fb tiếp cận 5,2 nghìn lượt, 2,6 nghìn lượt xem; sự kiện Bí ẩn nữ tính – Bản tuyên ngôn của làn sóng nữ quyền thứ 2 trong thế kỷ XX: lượt người tham gia qua zoom là 58 người, livestream fb tiếp cận 6,3 nghìn lượt, 3,2 nghìn lượt xem; sự kiện Cơ thể, diễn ngôn và hình ảnh: một đối thoại từ “Lịch sử vú”: lượt người tham gia qua zoom là 64 người, livestream fb tiếp cận 3,7 nghìn lượt,1,9 nghìn lượt xem...

Theo các chuyên gia tham gia tại hội thảo lần này đều khẳng định: Hội thảo khoa học Quốc gia “Bình đẳng giới trên báo chí, truyền thông trong bối cảnh công nghệ số” là diễn đàn khoa học có ý nghĩa đặc biệt trong việc nhấn mạnh vai trò quan trọng của báo chí, truyền thông trong nâng cao nhận thức về bình đẳng và công bằng giới. Báo chí và truyền thông cũng cần tạo ra và duy trì các khuôn mẫu, chuẩn mực mới tiến bộ, phù hợp với sự phát triển, đồng thời dần dần loại bỏ những khuôn mẫu và chuẩn mực cũ không còn phù hợp. Đồng thời  các đại biểu cũng đề xuất các giải pháp về chính sách, và thực tiễn nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, góp phần loại bỏ bất bình đẳng giới trên báo chí, truyền thông. 

 

 


Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Phòng chống nạn tảo hôn: Đẩy mạnh truyền thông từ chính “người trong cuộc”

Phòng chống nạn tảo hôn: Đẩy mạnh truyền thông từ chính “người trong cuộc”

(PNTĐ) - Hoàng Su Phì (tỉnh Hà Giang) là huyện có đông đồng bào dân tộc cùng sinh sống. Trong những năm qua, dù vẫn còn tình trạng tảo hôn nhưng tỷ lệ đã giảm rất nhiều so với trước đây. Có được kết quả, tín hiệu đáng mừng ấy là nhờ sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, người dân; đặc biệt là sự góp sức, tham gia truyền thông, vận động từ chính người trong cuộc – những “nạn nhân” của việc tảo hôn.
Những người trẻ truyền lửa khát vọng cống hiến

Những người trẻ truyền lửa khát vọng cống hiến

(PNTĐ) - Không chỉ là những người trẻ tài năng, xuất sắc trong các lĩnh vực, họ còn là những hạt nhân tiên phong hành động, truyền lửa khát vọng cống hiến, phụng sự đất nước, cộng đồng. Họ là những gương mặt tiêu biểu được đề cử giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2023.