Bưởi VietGAP thơm ngọt - hiệu quả từ những mô hình khuyến nông

VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) - Từ những mô hình trồng bưởi theo hướng VietGAP do Trung tâm Khuyến nông Hà Nội triển khai tại các địa phương, qua mỗi mùa thu hoạch đã khẳng định hiệu quả vượt trội bởi năng suất cao hơn, chất lượng trái thơm, vị ngọt đáp ứng yêu cầu cao của người tiêu dùng về sản phẩm an toàn và giúp nông dân vơi nỗi lo “được mùa, mất giá”.

Bưởi Yên Bài tạo phong trào khởi nghiệp

Bưởi VietGAP thơm ngọt - hiệu quả từ những mô hình khuyến nông - ảnh 1
Vườn bưởi được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP

Từ năm 2000 Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện, Hợp tác xã nông nghiệp Yên Bài triển khai mô hình trồng thâm canh bưởi theo hướng VietGAP cho các hộ dân tại xã Yên Bài. Mô hình nhằm quản lý tốt quy trình kỹ thuật, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho bà con nông dân. Ban đầu chỉ với 20 hộ dân trong và ngoài Hợp tác xã Nông nghiệp Yên Bài triển khai thực hiện mô hình trồng bưởi chín sớm.

Đến nay, bưởi VietGAP của các hộ dân đã cho năng suất bình quân 100 quả/cây, nhiều hộ cho năng suất cao lên tới 200-250 quả/cây. Mô hình còn được cấp chứng nhận VietGAP nên được đánh giá có hiệu quả kinh tế cao hơn khoảng 20% so với trồng bưởi thông thường. Điển hình phải kể đến là gia đình anh Bùi Văn Lập, Đỗ Phi Long ở thôn Phú Yên, doanh thu từ trồng bưởi xen canh chè lên tới hàng trăm triệu đồng/năm.

Bưởi VietGAP thơm ngọt - hiệu quả từ những mô hình khuyến nông - ảnh 2
Gia đình anh Bùi Văn Lập ở thôn Phú Yên, xã Yên Bài, huyện Ba Vì trồng 300 cây bưởi

Gia đình anh Bùi Văn Lập ở thôn Phú Yên trồng 300 cây bưởi, hằng năm đã cho trái thơm, quả ngọt. Anh Lập cho hay: Chúng tôi đã chăm bón cây rất kỹ lưỡng, thường xuyên bảo đảm nguồn nước cho cây, bón phân bò hoai mục với đỗ tương nghiền, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch 3 vạn quả mỗi năm, bình quân được 300 triệu đồng/năm.

Từ những mô hình trồng điểm nhanh chóng đạt hiệu quả kinh tế đã khiến nhiều hộ trong xã làm theo. Những năm gần đây, xã Yên Bài có nhiều mô hình khởi nghiệp trồng bưởi VietGAP vừa mang lại giá trị kinh tế cho gia đình, nâng cao đời sống người dân vừa tạo nên phong trào khởi nghiệp, làm giàu.

Đánh giá về hiệu quả của việc nhân rộng mô hình trồng bưởi VietGAP, ông Nguyễn Văn Bẩy, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Yên Bài cho biết: Chất lượng bưởi VietGAP vượt trội, mỗi vụ hợp tác xã có 35.000 quả bưởi Vân Nam chín sớm thu hoạch từ tháng 8 đến tháng 9 và 100.000 quả bưởi Diễn thu hoạch vào dịp tết Nguyên đán. Nhờ cơ cấu giống rõ nét 2 loại bưởi nên thu hoạch tới đâu, nông dân và hợp tác xã tiêu thụ hết tới đó. Bên cạnh đó, các vườn bưởi đẹp, chất lượng cao còn được gia tăng giá trị bởi các mô hình nghỉ dưỡng homestay ở Yên Bài, khách du lịch đến vườn bưởi tham quan, mua bưởi về làm quà.

Bưởi VietGAP không lo đầu ra

Gắn bó với vườn bưởi hơn 17 năm nay, nhưng từ khi thực hiện mô hình VietGAP ông Nguyễn Hữu Viện ở xã Tân Lập, huyện Đan Phượng đã thay đổi từ việc đầu tư máy móc đến mọi việc chăm tưới đều ghi lại sổ sách. Để đảm bảo quy trình theo tiêu chuẩn VietGAP, ông Viện đã chi phí hơn 150 triệu đồng mua máy sấy giữ phấn cho hoa đậu quả với công nghệ Nhật Bản, tham gia các buổi tập huấn về kỹ thuật trồng bưởi mà cán bộ khuyến nông tổ chức... 

Ông Đỗ Văn Luyến, Phó Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Lập cho biết: Thực hiện mô hình bưởi VietGAP khắt khe hơn về quy trình sản xuất, chăm sóc so với trước đây. Chúng tôi liên kết với các doanh nghiệp để đảm bảo đầu ra sản phẩm được thu mua cho bà con với giá cao".

Bưởi VietGAP thơm ngọt - hiệu quả từ những mô hình khuyến nông - ảnh 3
Gia đình ông Phan Nhân Lợi ở thôn Đa Phúc, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai trồng hơn 400 cây bưởi 

Tại xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Mô hình cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao do Trung tâm Khuyến nông Hà Nội triển khai, cuối năm 2021, Trung tâm đã cấp giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn VietGAP cho 5ha thí điểm trồng bưởi Diễn.

Là một trong 5 hộ tham gia vào Mô hình Cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao do Trung tâm Khuyến nông Hà Nội triển khai, gia đình ông Phan Nhân Lợi ở thôn Đa Phúc, xã Sài Sơn trồng 400 cây bưởi Diễn, sau khi chuyển sang hướng VietGAP, chất lượng bưởi được nâng cao, năng suất tăng và việc tiêu thụ cũng dễ dàng hơn, vườn bưởi được khách đặt mua tại vườn.

Đánh giá về cây bưởi tham gia mô hình phát triển tốt, ít sâu bệnh, cho quả đều, vỏ bóng đẹp, năng suất quả cao hơn và chất lượng ngon hơn so với diện tích bưởi Diễn trồng theo phương pháp truyền thống; nhất là giá bưởi VietGAP cũng cao hơn khoảng 3.000 đồng/quả so với bưởi trồng theo phương pháp cũ.

Theo ông Nguyễn Văn Hà, Trưởng phòng Khuyến nông trồng trọt, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, để hỗ trợ các hộ dân trồng bưởi VietGAP hiệu quả, cán bộ khuyến nông đã hướng dẫn về kỹ thuật từ làm cỏ, xới xáo, vệ sinh vườn cây đến tưới, tiêu nước, bón phân vào từng thời điểm phù hợp với phát triển của cây. Bên cạnh đó, các hộ còn được hỗ trợ về phân bón, đậu tương, túi bao quản... Mô hình được cấp chứng nhận VietGAP nên bưởi được bán giá bán cao hơn thông thường. Trồng bưởi VietGAP này, giá trị kinh tế tăng 20% so với bưởi thông thường. Đặc biệt, trồng bưởi thâm canh theo hướng VietGAP còn tạo được niềm tin cho người tiêu dùng đối với nông sản, giúp bảo vệ sức khỏe cộng đồng, làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường và thúc đẩy du lịch sinh thái phát triển.

 

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Cô gái bại não truyền cảm hứng sống tích cực

Cô gái bại não truyền cảm hứng sống tích cực

(PNTĐ) - Vượt qua mặc cảm và nghịch cảnh, Thân Thị Biên – cô gái trẻ mắc bại não bẩm sinh đã khiến hàng ngàn người xúc động và ngưỡng mộ bởi tinh thần lạc quan, nghị lực phi thường cùng hành trình truyền cảm hứng tích cực trên mạng xã hội.
Dấu ấn từ sự chuyển động tích cực

Dấu ấn từ sự chuyển động tích cực

(PNTĐ) - Trong bối cảnh đất nước đang bước vào kỷ nguyên chuyển đổi số và hiện đại hóa toàn diện, việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy chính quyền địa phương theo mô hình hai cấp không chỉ là yêu cầu khách quan của thực tiễn, mà còn là bước đi quan trọng nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị Nhà nước.