Buôn lậu và gian lận thương mại nhiều biến tướng

Chia sẻ

Sau giai đoạn giãn cách kéo dài, tại nhiều địa phương, các hoạt động sản xuất kinh doanh được khôi phục, nền kinh tế đang từng bước mở cửa trở lại. Dự báo từ nay đến cuối năm, nhất là thời điểm Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, tình trạng buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả và gian lận thương mại diễn biến ngày càng phức tạp.

Buôn lậu diễn biến phức tạp

Theo đánh giá của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 quốc gia), trong bối cảnh xã hội dần bước sang trạng thái “bình thường mới”, hoạt động sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng lậu sẽ có diễn biến phức tạp. 9 tháng năm 2021, các lực lượng đã phát hiện 100 nghìn vụ việc, giảm gần 300% so với cùng kỳ năm 2020; Thu nộp ngân sách nhà nước hơn 7,5 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, những vụ việc phức tạp có dấu hiệu hình sự, với 1.615 vụ án khởi tố hình sự 2.148 đối tượng, tăng 90% so với cùng kỳ năm 2020.

Bà Đỗ Thị Minh Thủy, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia cho biết, tỷ lệ vụ việc giảm do diễn biến phức tạp của dịch bệnh và giãn cách xã hội ở một số địa phương và sự vào cuộc quyết liệt, tăng cường kiểm soát biên giới của các lực lượng chức năng. Tuy nhiên, trên lĩnh vực thương mại điện tử lại có diễn biến phức tạp, nhất ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Đặc biệt là các mặt hàng về thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19, khẩu trang, các thiết bị phục vụ phòng chống dịch, găng tay y tế đã qua sử dụng…

Trong khi nền kinh tế đang từng bước mở cửa trở lại, sản xuất kinh doanh được khôi phục sau giai đoạn giãn cách kéo dài tại nhiều địa phương, dự báo từ nay đến cuối năm 2021, nhất là Tết Nguyên đán tới gần, tình trạng buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả sẽ diễn ra phức tạp hơn. Bà Đỗ Thị Minh Thủy cho rằng: “Nhiều khả năng hàng tồn, hàng kém chất lượng sẽ được đưa vào thị trường, có nguy cơ tẩy xóa date, đồng thời vệ sinh an toàn thực phẩm cũng là vấn đề cần lưu tâm”.

Về phía các doanh nghiệp, theo đại diện Công ty CP Nhựa Tiền Phong, các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng giả cũng nắm bắt công nghệ rất nhanh. Khi doanh nghiệp thay đổi công nghệ họ dễ dàng sao chép chỉ trong một thời gian ngắn. Đại diện doanh nghiệp cũng cho rằng, hiện nay quy định của luật và chế tài xử lý hàng giả còn nhẹ, chưa đủ tính răn đe để các đối tượng kinh doanh hàng giả cảm thấy rủi ro. Do vậy, đại diện doanh nghiệp đề nghị các cơ quan chức năng xây dựng văn bản hoặc quy định để xác định được việc xâm phạm quyền như thế nào.

Lực lượng chức năng kiểm tra phát hiện 942 chai rượu có dấu hiệu nhập lậu tại quận Tây Hồ, Hà Nội.Lực lượng chức năng kiểm tra phát hiện 942 chai rượu có dấu hiệu nhập lậu tại quận Tây Hồ, Hà Nội. (Ảnh: QLTT HN)

Tổng lực ngăn chặn vi phạm

Bên cạnh buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả thì tình trạng gian lận xuất xứ có nhiều diễn biến phức tạp. Theo ông Nguyễn Xuân Khương, Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan, trong bối cảnh chiến tranh thương mại, nhiều doanh nghiệp tìm cách hưởng ưu đãi thuế quan với xuất xứ hàng hóa Việt Nam. Sau đó dán nhãn hàng hóa xuất xứ Việt Nam rồi xuất đi nước ngoài; Hoặc hàng hóa được đặt làm sẵn ở nước ngoài và ghi xuất xứ Việt Nam để xuất đi nước khác. Nhiều doanh nghiệp còn lợi dụng loại hình hàng quá cảnh nhập hàng lậu theo đường mòn, lối mở ở biên giới.


Đại diện Cục Quản lý thị trường Lào Cai nhận định, nhiều đối tượng đã trà trộn hàng hóa buôn lậu vào hàng hóa khác và kê khai sai nhãn hàng, cũng như số lượng, lợi dụng luồng hàng xanh, đỏ để trà trộn vào Việt Nam. Các đối tượng cũng lợi dụng thương mại điện tử buôn lậu hàng giả, gian lận nguồn gốc xuất xứ.


Theo Thông báo số 278/TB-VPCP, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Trưởng Ban chỉ đạo 389 quốc gia yêu cầu Ban chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương xây dựng Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả những tháng cuối năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022; Hoàn thiện chính sách, quy định của pháp luật còn bất cập, sơ hở, không để các đối tượng lợi dụng buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Bộ Công Thương khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Trưởng BCĐ 389 quốc gia về việc xây dựng văn bản quy định cách xác định sản phẩm, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam ở cấp thông tư. Xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh để đầu cơ, tăng giá bất hợp lý các mặt hàng thiết yếu và việc quảng cáo, ghi nhãn thiếu minh bạch, gây hiểu nhầm, không đúng với bản chất hàng hóa để trục lợi, lừa dối người tiêu dùng.

VÂN NGA

Tin cùng chuyên mục

Xả thân để “đất nước nở hoa độc lập”

Xả thân để “đất nước nở hoa độc lập”

(PNTĐ) - Trong những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi đến thăm Thượng tá, cựu chiến binh Đinh Văn Chiến, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội - người đã từng tham gia chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ngày 30/4/1975. Đã 49 năm trôi qua, nhưng những ký ức hào hùng của một giai đoạn lịch sử vẫn còn mãi trong người chiến sĩ thương binh bộ đội Cụ Hồ anh dũng, quả cảm.