Các cấp Công đoàn Việt Nam: Đồng hành, hỗ trợ công nhân lao động chăm sóc, nuôi dạy con

HOÀNG LAN
Chia sẻ

(PNTĐ) - Ngày 5/11/2024, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tổ chức Hội thảo "Đánh giá kết quả triển khai chính sách hỗ trợ về nhà trẻ mẫu giáo cho con công nhân lao động (CNLĐ) theo quy định tại Nghị định số 105/2020/NĐ-CP và Nghị định số 145/2020/NĐ-CP".

Các cấp Công đoàn Việt Nam: Đồng hành, hỗ trợ công nhân lao động chăm sóc, nuôi dạy con - ảnh 1
Bà Đỗ Hồng Vân, Trưởng Ban Nữ công Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, hiện nay, giáo dục mầm non ở các khu công nghiệp đã được đưa vào diện ưu tiên phát triển như đối với giáo dục mầm non ở các vùng sâu, vùng xa

Phát sinh khó khăn trong quá trình thực hiện chính sách

Phát biểu khai mạc  hội thảo, bà Đỗ Hồng Vân - Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban Nữ công Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, hiện nay, giáo dục mầm non ở các khu công nghiệp, nơi có nhiều lao động đã được đưa vào diện ưu tiên phát triển như đối với giáo dục mầm non ở các vùng sâu, vùng xa... Ðiều này thể hiện sự quan tâm của Ðảng, Chính phủ trước thực trạng khó khăn của giáo dục mầm non ở những địa bàn này trong thời gian qua.

Kể từ khi Bộ Luật Lao động 2019 được ban hành, một số chính sách đặc thù liên quan đến cải thiện điều kiện chăm lo, hỗ trợ, giáo dục con công nhân đã được Chính phủ cụ thể hóa và triển khai trên thực tế. Đây là một động lực, một bước đột phá rất lớn về chính sách chăm lo cho con công nhân lao động của Nhà nước, bởi trước khi Bộ Luật Lao động 2019 được ban hành, chưa có một ưu tiên cụ thể nào hướng đến đối tượng trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo là con công nhân làm việc tại nơi có nhiều lao động và tại các KCN.  

Thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố đã quan tâm đến công tác quy hoạch, dành quỹ đất để xây dựng trường, lớp mầm non. Mạng lưới trường lớp mầm non được củng cố, mở rộng và phân bổ đến hầu hết các địa bàn dân cư. Tại địa bàn tập trung đông dân cư, nơi có KCN phát triển, đã có nhiều Đề án, chính sách của địa phương thúc đẩy đầu tư và huy động nguồn lực phát triển GDMN để đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của nhân dân, trong đó có công nhân, người lao động làm việc tại KCN.

Các cấp Công đoàn Việt Nam: Đồng hành, hỗ trợ công nhân lao động chăm sóc, nuôi dạy con - ảnh 2
Các đại biểu tham gia hội thảo

Song, cũng theo đánh giá của Tổng LĐLĐ Việt Nam cho thấy, do nhu cầu lao động của các doanh nghiệp, lực lượng lao động nhập cư về các KCN, KCX, khu kinh tế ngày càng nhiều đã làm gia tăng áp lực đối với các tỉnh, thành về công tác an sinh xã hội, đặc biệt là việc đảm bảo trường lớp đáp ứng nhu cầu học tập, gửi trẻ của con, em người lao động trong đó có cấp học mầm non. Mặc dù cơ sở vật chất trường/lớp mầm non tiếp tục được các cấp chính quyền và địa phương quan tâm đầu tư hàng năm, công tác xã hội hóa giáo dục mầm non được các tỉnh, thành có đông KCN, KCX, khu kinh tế đặc biệt quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển giáo dục mầm non nhưng trên thực tế, hiện nay số lượng các trường mầm non, mẫu giáo, nơi chăm sóc nuôi dạy trẻ hiện tại trên nhiều địa bàn chưa đáp ứng được nhu cầu của công nhân do có con trong độ tuổi gửi trẻ do số lượng các cháu ngày càng tăng nhanh.

Qua gần 4 năm triển khai cho thấy trong việc thực hiện Nghị định 105 hiện nay đã có 50 tỉnh ban hành Nghị quyết HĐND quy định chi tiết mức trợ cấp đối với trẻ em là con công nhân. Đa số các tỉnh thực hiện theo mức tối thiểu quy định tại Nghị định là 160.000 đồng/trẻ/tháng. Năm học 2022-2023, toàn quốc có gần 150.000 trẻ em đủ điều kiện hưởng trợ cấp. Đến nay, các tỉnh, thành phố đã chi trả số tiền gần 160 tỷ đồng.

Về chính sách hỗ trợ đối với giáo viên mầm non (GVMN), tính đến hết năm học 2022-2023, tại 51 tỉnh, thành phố thực hiện chính sách có 5.577 GVMN đủ điều kiện hưởng hỗ trợ/35.606 GVMN trong các cơ sở GDMN ngoài công lập, ở địa bàn có khu công nghiệp được hưởng chính sách, chiếm tỷ lệ 15,7%. Số tiền đã chi trả ước tính gần 30 tỷ đồng.

Về thực hiện Nghị định 145, Nhà nước đã có nhiều chính sách quan tâm tới con CNLĐ, không phân biệt là con CNLĐ trong hay ngoài khu công nghiệp. Tuy nhiên,  những quy định này vào cuộc sống triển khai vẫn chưa theo kịp nhu cầu của thực tiễn, xuất phát từ một số nguyên nhân như sự gia tăng nhanh chóng của các khu, cụm công nghiệp, khu chế xuất và lực lượng lao động đã tạo nên áp lực về vấn đề nhà ở, y tế và giáo dục; Việc xây dựng trường mầm non cho con công nhân cũng còn nhiều, bật cập như: nhiều KCN, KCX không có quỹ đất, chưa có kinh phí để xây dựng. Một số tỉnh đã xây dựng trường, lớp mầm non cho trẻ nhưng hoạt động chưa hiệu quả do: Khoảng cách giữa nơi ở, nơi làm việc và nơi gửi trẻ xa, thời gian gửi trẻ và các khoản đóng góp của các trường chưa phù hợp với điều kiện của công nhân; Việc tạo quỹ đất sạch để kêu gọi các nhà đầu tư vào xây dựng trường mầm non còn nhiều khó khăn bất cập về cơ chế chính sách. Nhà đầu tư không hào hứng vào việc đầu tư xây dựng trường lớp vì chính sách ưu đãi chưa thỏa đáng, lợi nhuận thấp, rủi do cao.

Hiện nay có các mô hình nhà trẻ mẫu giáo cho con CNLĐ do công đoàn đứng ra xây dựng nhưng chưa có cơ chế quy định về biên chế ở lĩnh vực này cho hệ thống Công đoàn như: Trường Mầm non KCN Điện Ngọc - tỉnh Quảng Nam, KCN Bình Hòa, An Giang, điểm trường tại KCN Cái Lân - Tỉnh Quảng Ninh...

Khẳng định vai trò của tổ chức Công đoàn

Cũng theo đánh giá của Tổng LĐLĐ, thời gian qua, các cấp công đoàn đã tích cực nghiên cứu, tham mưu xây dựng, kiểm tra giám sát chính sách pháp luật về lao động nữ như: thí điểm xây dựng nhà trẻ mẫu giáo cho con CNLĐ; tham gia các chính sách về lao động, về BHXH, về thai sản; vấn đề nhà trẻ, mẫu giáo; tham gia đối thoại, thương lượng đưa vào thỏa ước lao động tập thể nhiều chính sách có lợi hơn cho lao động nữ, trong đó có thương lượng hỗ trợ tiền gửi trẻ cho con người lao động; Triển khai mô hình tập hợp nữ công nhân lao động ở các khu nhà trọ tại các KCN, KCX. Các hoạt động cải thiện điều kiện chăm sóc, nuôi dạy và học tập của con công nhân, viên chức, lao động tiếp tục được triển khai, đặc biệt tuyên truyền chính sách về nhà trẻ mẫu giáo cho con công nhân, lao động các KCN có chuyển biến tích cực. Năm 2024, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam giao cho Ban Nữ công Tổng Liên đoàn nghiên cứu để ban hành Đề án Hỗ trợ công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trong việc chăm sóc và nuôi dạy con giai đoạn 2023 – 2028” với mục tiêu làm được nhiều nhất có thể để hỗ trợ công nhân lao động tại các KCN, KCX chăm sóc, nuôi dạy con, hạn chế tình trạng con phải gửi về quê, không được ở gần cha mẹ.

Các cấp Công đoàn Việt Nam: Đồng hành, hỗ trợ công nhân lao động chăm sóc, nuôi dạy con - ảnh 3
Các đại biểu chia sẻ tại Hội thảo

Để thực hiện tốt vai trò của tổ chức công đoàn trong công tác chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho công nhân viên chức lao động, tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa tổ chức công đoàn với Chính phủ và các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, tạo sức mạnh tổng hợp trong công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em nói chung và trẻ em là con của đoàn viên, người lao động nói riêng, trong những năm gần đây, tại các cuộc làm việc định kì hàng năm với Thủ tướng Chính phủ, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã kiến nghị về chính sách nhà trẻ mẫu giáo dành cho con công nhân lao động, đều nhận được sự quan tâm, quyết liệt chỉ đạo và cụ thể bằng các chính sách ngày càng thiết thực hơn với người lao động.

Đến từ tỉnh Vĩnh Phúc, bà Lê Thị Đường, Trưởng ban Tuyên giáo Nữ công LĐLĐ tỉnh cho biết, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có trên 29.000 con CNLĐ, trong đó đối tượng được hưởng chế độ theo Nghị định 105 là trên 5.700 cháu. Thực tế, qua triển khai chính sách, có 94,5% các cháu đã được thụ hưởng. Nhìn chung, CNLĐ đều nắm rõ chính sách và rất phấn khởi khi được thụ hưởng chính sách.

Còn theo LĐLĐ tỉnh Bắc Ninh, thời gian qua,  LĐLĐ tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai thực hiện các Nghị quyết chế độ, chính sách phát triển giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông ngoài công lập; Nghị quyết về hỗ trợ kinh phí đóng học phí cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông trên địa bàn tỉnh để người lao động hiểu, nắm rõ được quyền lợi của mình và chủ động làm các thủ tục đề nghị hỗ trợ theo đúng quy định; Đề xuất chính sách với Hội đồng nhân dân tỉnh, chỉ đạo các cấp công đoàn tuyên truyền chính sách và phối hợp với địa phương, ngành giáo dục trong triển khai chính sách, kịp thời tháo gỡ vướng mắc để đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Các cấp công đoàn cũng phát huy tốt vai trò trong việc tham gia đề xuất các chính sách hỗ trợ người lao động với chính quyền địa phương và giám sát việc triển khai thực hiện, phát hiện những vướng mắc bất cập để kiến nghị với HĐND giải quyết đảm bảo công bằng và không bỏ sót đối tượng.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã chia sẻ về những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai đồng thời đề xuất, kiến nghị về chính sách góp phần hỗ trợ công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trong việc chăm sóc và nuôi dạy con.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Hơn 30 tác phẩm đạt giải tại cuộc thi “Những cống hiến thầm lặng” năm 2024

Hơn 30 tác phẩm đạt giải tại cuộc thi “Những cống hiến thầm lặng” năm 2024

(PNTĐ) - Báo Kinh tế và Đô thị phối hợp với Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (ActionAid Việt Nam), Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) vừa tổ chức Lễ tổng kết chương trình truyền thông “Những cống hiến thầm lặng” năm 2024 tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền.