Cần sửa đổi ngay chính sách bảo hiểm thất nghiệp

Chia sẻ

Khi người LĐ mất việc đến các điểm tiếp nhận để giải quyết chế độ thì không phải ai cũng dễ dàng được thụ hưởng chính sách của bảo hiểm thất nghiệp.

 
Trước đây, người LĐ thất nghiệp chỉ nhận được khoản trợ cấp là xong thì nay, họ đã có thêm những hỗ trợ khác, toàn diện và hiệu quả hơn từ chính sách BHTN. Trợ cấp bằng tiền mặt theo 4 mức tương ứng với các năm tham gia BHTN, thấp nhất là trợ cấp 3 tháng (mỗi tháng tương đương với 60% tiền lương của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp) và cao nhất là 9 tháng. Với sự hỗ trợ này, BHTN được ví như “tấm lưới đỡ” của người LĐ.

Ai cần được bảo hiểm thất nghiệp?
 
Chưa có thời điểm nào, các điểm tiếp nhận đăng ký BHTN tại HN lại tấp nập như hiện nay. Thống kê của Trung tâm GTVL HN, quý 1-2012, có 4.667 người đăng ký BHTN, bằng lượng LĐ đăng ký BHTN của cả năm 2010. Sang đến tháng 4, số lượng tăng vọt với 2.657 người đăng ký BHTN đưa tổng số LĐ đăng ký BHTN trong 4 tháng đầu năm lên hơn 7.000 người; tăng 2,8 lần so với năm ngoái. Trong số đó, 70% là lao động phổ thông làm việc chủ yếu tại khối công ty tư nhân và cổ phần.
 
Cần sửa đổi ngay chính sách bảo hiểm thất nghiệp - ảnh 1
Các lao động nữ đang hoàn thiện hồ sơ đăng ký BHTN tại
Trung tâm Giới thiệu việc làm HN
 
Tuy nhiên, đây mới chỉ là số lượng đo đếm được còn trên thực tế, rất nhiều người LĐ khác rơi vào tình cảnh thất nghiệp lại chưa hề có cơ hội tiếp cận “lưới đỡ”. Theo quy định, đối tượng tham gia BHTN là người LĐ làm việc tại các DN có từ 10 LĐ trở lên và có hợp đồng LĐ, hợp đồng làm việc có thời hạn từ đủ 12-36 tháng; hợp đồng không xác định thời hạn. Những DN sử dụng dưới 10 LĐ (siêu nhỏ), người LĐ chỉ có giao kết hợp đồng LĐ, hợp đồng làm việc có thời hạn dưới 12 tháng sẽ không thuộc đối tượng tham gia BHTN. Thất nghiệp – với họ đồng nghĩa là trắng tay bởi sự hỗ trợ của cả DN lẫn quỹ phúc lợi xã hội như BHTN để quay lại thị trường LĐ là không có.

Quỹ bảo hiểm thất nghiệp thất thoát vào những “lỗ hổng” nào?  
 
Trong khi đối tượng cần được giúp đỡ bị bỏ qua thì chính sách BHTN lại đang tạo lỗ hổng để người LĐ và DN có cơ hội trục lợi. Đề cập về điều này, ông Điều Bá Được - Trưởng ban thực hiện chính sách BHXH, BHXH Việt Nam thừa nhận, theo quy định, người LĐ đóng đủ từ 12 đến 36 tháng được hưởng trợ cấp 3 tháng là quãng quá rộng. Chẳng ai dại gì đợi cho tới 36 tháng, nhiều người cứ sau một năm lại nghỉ việc. Tính ra, 36 tháng họ được hưởng gần 9 tháng trợ cấp thất nghiệp.
 
Trực tiếp giải quyết chế độ cho người LĐ, ông Vũ Trung Chính - Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm HN cho biết, đã nhận được phản ánh là chủ DN thỏa thuận với LĐ ra quyết định nghỉ việc, sau đó lại nhận chính người LĐ đó vào làm việc. LĐ được nhận 2 khoản: trợ cấp thất nghiệp và lương; DN tăng thêm yếu tố kích thích LĐ ở lại làm việc lại không phải đóng các loại bảo hiểm. Tuy nhiên, cho đến nay, cơ quan chức năng vẫn “đầu hàng” vì chưa có cách nào để xác minh các hồ sơ có thực sự thất nghiệp hay đã xin được việc làm mới mà vẫn lĩnh chế độ thất nghiệp đều đều.

“Quýt làm, cam gánh”
 
Từ đầu năm nay, công ty ít việc, chị Lại Thị Lan Anh - nhân viên phòng Kỹ thuật công nghệ của một công ty CP chuyên về dệt phải nghỉ việc như nhiều LĐ khác. Cầm quyết định thôi trả lương, trong đó có nội dung xác nhận tham gia đóng BHXH, BHYT, BHTN của công ty để làm thủ tục đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp thì hồ sơ của chị không được tiếp nhận với lý do là xác nhận tham gia đóng các loại BH của cơ quan chị không có giá trị mà phải là giấy xác nhận do cơ quan BHXH cấp.
 
Gõ cửa cơ quan BHXH, chị Lan Anh bị từ chối bởi tại thời điểm đó, công ty của chị vẫn còn nợ tiền BH. Chỉ khi nào công ty thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình hoặc có cam kết sẽ đảm bảo trả được nợ và trả đúng hạn thì lúc đó cơ quan BHXH mới xác nhận. Điều này cũng đồng nghĩa với việc không chỉ có chị Lan Anh mà những LĐ khác của công ty nếu không may mất việc hoặc xin nghỉ việc trong thời gian công ty chưa đóng đủ BH hoặc không có cam kết thì phải chờ. Tuy nhiên, quy định hiện hành yêu cầu trong thời hạn 7 ngày từ khi mất việc làm phải đến đăng ký thất nghiệp và hoàn thành hồ sơ trong vòng 15 ngày, không đủ các loại giấy tờ, người LĐ sẽ không được hưởng chế độ BHTN.
 
Tình trạng người LĐ phải đối mặt với nguy cơ mất trắng quyền lợi như chị Lan Anh không phải là cá biệt. Thống kê chưa đầy đủ, số LĐ thiếu hoặc chưa hoàn thiện giấy tờ, phải làm lại hồ sơ hưởng chế độ BHTN lên đến vài trăm người trong mỗi tháng. Với tình trạng khó khăn, thiếu vốn, sản xuất đình trệ như hiện nay thì DN, nhất là DN nhỏ và vừa cũng chưa biết trông vào đâu để có tiền thanh toán nợ đọng BHXH.
 
Chỉ cần 1-2 tháng chậm thanh toán, số tiền đã lên đến hàng trăm triệu đồng, thậm chí là cả tỷ đồng. Ở tình cảnh này, rõ ràng “quýt làm” – công ty nợ còn “cam chịu” – người LĐ phải gánh thiệt thòi mà phần lỗi không thuộc về mình. “Người LĐ đã trích lương tham gia đóng quỹ nhưng DN chây ì chưa đóng cho cơ quan BHXH, không chỉ chiếm đoạt tài sản mà còn tước quyền của người LĐ” - ông Điều Bá Được, cho biết. Đã có rất nhiều biện pháp được đưa ra chỉ nhằm để bắt buộc DN thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng BHXH nhưng tất cả cũng không giải quyết tận gốc. Vấn đề này vì thế vẫn lại tiếp tục để ngỏ.

Bảo vệ người lao động: Các cơ quan chức năng cần vào cuộc ngay
 
Trước những bất cập và một số điểm chưa hợp lý của chính sách BHTN mà báo PNTĐ đã đề cập, đại diện Cục việc làm, Bộ LĐTB&XH lẫn Ban thực hiện chính sách BHXH, BHXH VN đều thừa nhận đó là thực tế đang tồn tại ở nhiều các địa phương không chỉ riêng HN khiến cho BHTN chưa thực sự hiệu quả. Các đầu việc cần phải xem xét sửa đổi đã được chỉ ra như nâng tiền hỗ trợ học nghề,  điều chỉnh thời gian đóng BHTN để tránh hiện tượng trục lợi hay xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung theo dõi và quản lý BHTN… Tuy nhiên, các công việc này đều đang trong giai đoạn dự thảo hoặc tổng hợp ý kiến nên vấn đề được đông đảo dư luận quan tâm: bao giờ bất cập được khắc phục thì chưa có mốc thời gian cụ thể nào đưa ra.
 
Sau hơn 1 năm khủng hoảng kinh tế, thời điểm này, không ít DN, nhất là DN nhỏ và vừa đã gần hết sức chịu đựng. Người LĐ thất nghiệp ngày càng tăng. Trong hoàn cảnh “nước sôi lửa bỏng” như hiện nay, sự hỗ trợ của BHTN là rất cần thiết. Nhưng điều cấp thiết hơn để mang lại sự công bằng và cơ hội tiếp cận chính sách cho người LĐ thất nghiệp là cần nhanh chóng khắc phục ngay những bất cập, tồn tại vốn đang là những rào cản lớn. Rào cản này không do người LĐ mà lỗ hổng được tạo nên từ sự bất cập của chính sách. Vì thế, hơn lúc nào hết, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc với sự quyết liệt và rốt ráo. Các vấn đề bất cập đã được phát hiện và ghi nhận, thì không nên chờ nghiên cứu, xem xét… quá lâu mà cần sự vào cuộc ngay của các cơ quan chức năng!  
Việt Bách

Tin cùng chuyên mục

Hiệp định Geneve: Việt Nam mềm dẻo, sáng suốt và kiên định trong đàm phán

Hiệp định Geneve: Việt Nam mềm dẻo, sáng suốt và kiên định trong đàm phán

(PNTĐ) - Tại Hội nghị Geneve, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Văn Đồng thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã kiên định với lập trường: "Đi tới một giải pháp hoàn chỉnh là đình chỉ chiến sự trên toàn bán đảo Đông Dương đi đôi với giải pháp chính trị cho vấn đề Việt Nam, Lào và Campuchia trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước Đông Dương".