Cần xử lý nghiêm vi phạm, lập lại trật tự đô thị trên địa bàn phường Mỹ Đình 2
(PNTĐ) - Tại địa bàn phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội còn tồn tại nhiều tuyến phố có hiện tượng lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh, tiêu biểu trong số đó là các phố Lưu Hữu Phước, Bùi Xuân Phái, Phạm Xuân Nguyên,...
Thực hiện chuyên đề về thẩm mỹ và cảnh quan đô thị, phóng viên báo Phụ nữ Thủ đô có cuộc thị sát hàng loạt các tuyến phố trên địa bàn phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội. Điều khiến chúng tôi ngạc nhiên là tại địa bàn này có quá nhiều tuyến phố còn hiện tượng lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh, tiêu biểu trong số đó là các phố Lưu Hữu Phước, Bùi Xuân Phái, Phạm Xuân Nguyên,...
Có mặt trên tuyến phố Lưu Hữu Phước vào trưa ngày 12/7, chúng tôi nhận thấy, trên con phố dài chừng 300 mét vuông này dường như không tồn tại các vỉa hè theo đúng công năng, bởi vỉa hè đã bị hàng loạt quán cà phê, quán ăn lấn chiếm để phục vụ việc kinh doanh, buôn bán của một số hộ dân. Không chỉ đua nhau bày bàn, ghế tràn lan xuống vỉa hè, mà lòng đường nơi đây cũng bị “trưng dụng” làm nơi dừng đỗ của nhiều phương tiện giao thông.
Dưới lòng đường, tình trạng xe ô tô dừng đỗ tràn lan, đỗ ngược chiều cả hai bên đường gây cản trở giao thông nghiêm trọng. Đặc biệt vào buổi trưa và buổi chiều, khi học sinh và phụ huynh của các trường học ở khu vực này như Đại học Hoà Bình, Tiểu học Đoàn Thị Điểm tan học, luồng phương tiện tăng đột biến trên tuyến phố này phải len lỏi qua các ô tô dừng đỗ tràn lan dưới lòng đường để đi, tạo nên tình trạng giao thông hỗn loạn, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông, dễ xảy ra tai nạn.
Chưa kể đến việc, trên con phố Lưu Hữu Phước còn tồn tại hàng loạt dãy ki ốt được dựng lên phía trước mặt tòa nhà của Tổng Công ty đầu tư phát triển nhà và đô thị - HUD. Thời điểm PV thị sát tuyến phố, các ki ốt này đều đóng cửa, tuy nhiên vẫn còn một ki ốt đang hoạt động. Với tình trạng lộn xộn, nhếch nhác của khu phố này, nếu các ki ốt mở cửa hoạt động đồng loạt thì chắc chắn tình trạng giao thông khu vực sẽ càng khó kiểm soát hơn, bởi lượng phương tiện tăng, lượng người di chuyển tăng, gia tăng áp lực lên hạ tầng giao thông còn yếu của khu vực.
Đối diện bên kia đường nơi các ki ốt mọc lên, là một nhà hàng được quây lại, vỉa hè bị lấn chiếm làm nơi để bàn ghế cho khách ngồi ăn uống, giải khát và thiết lập sự ngăn cách khu vực khách ngồi với vỉa hè bằng một hàng rào sắt khá vững chãi. Dù đã có rào sắt ngăn cách với vỉa hè, tuy nhiên tình trạng bàn ghế bày la liệt, khách ăn uống tràn lan và hàng rào sắt “khủng” đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến mỹ quan đô thị. Tuyến phố này trông “chắp vá”, diện tích đất dành cho giao thông còn quá hạn chế, quy hoạch thì dường như đã bị phá nát.
Tiếp tục thị sát trên các tuyến phố Bùi Xuân Phái, Phạm Xuân Nguyên, Hàm Nghi,... chúng tôi cũng dễ dàng nhận thấy tình trạng những người phụ thuộc vào vỉa hè, thậm chí lòng đường cho việc buôn bán phổ biến đến mức báo động. Việc chiếm dụng vỉa hè, lòng đường là một trong những nguyên nhân gây nên sự xuống cấp đường giao thông như gây ảnh hưởng hệ thống thoát nước do rác thải sinh hoạt; sụp, lún vỉa hè… Việc làm cấp thiết trước mắt là làm thế nào để trả lại vỉa hè, trả lại không gian công cộng, để người dân có vỉa hè đi lại, vận động, thể dục thể thao.
Thiết nghĩ, lòng đường, vỉa hè trong mỗi khu phố phải là nơi để tất cả người dân đều được hưởng lợi, chứ không thể để một vài cá nhân lấn chiếm sử dụng vào mục đích thu lợi. Để ngăn chặn việc thu lợi từ vỉa hè một cách cá nhân hóa như thế này, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, trong đó có vai trò nòng cốt của lực lượng công an phường Mỹ Đình 2.
Cần thấy rằng, “kinh tế vỉa hè” đã quá ăn sâu vào đời sống người dân. Việc lấn chiếm vỉa hè đô thị làm nơi kinh doanh, buôn bán phổ biến và qua đó, thể hiện một “góc khuất” khó lòng giải quyết một sớm một chiều khi việc kinh doanh này thường sinh ra “lợi ích nhóm”.
Dẫu biết rằng, ở nhiều địa bàn có xảy ra tình trạng “cai vỉa hè”, mỗi khu vực đều có thế lực “chống lưng”, “bảo kê”, chứ không đơn thuần là việc người dân mưu sinh nơi phố thị. Các hình thức "bảo kê vỉa hè” diễn ra rất đa dạng dưới nhiều lớp vỏ bọc khác nhau và có hiện tượng "chia đều" lợi ích.
Để phòng, chống hiện tượng tiêu cực này, để trả lại vỉa hè, lòng đường theo đúng công năng vốn có, Ban Chỉ đạo đấu tranh trấn áp các loại tội phạm và trật tự đô thị (Ban Chỉ đạo 197) thành phố Hà Nội đã yêu cầu, các cơ quan chức năng kiểm tra quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, xử lý 100% hành vi vi phạm trên lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông, đô thị, công cộng để tạo tính răn đe.
Trong đó trọng tâm là quan điểm kiên quyết xóa bỏ các điểm hè phố, lòng đường bị chiếm dụng trái phép để làm nơi kinh doanh buôn bán, trông giữ phương tiện, trả lại nguyên trạng hè phố với phương châm “giành lại vỉa hè phong quang, sạch đẹp cho người đi bộ”.
Vì vậy, để hạn chế tình trạng này trên các tuyến phố Lưu Hữu Phước, Bùi Xuân Phái, Phạm Xuân Nguyên, Hàm Nghi,... đề nghị chính quyền cơ sở cần tăng cường kỷ cương, kỷ luật để hạn chế vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, vi phạm trật tự đô thị trên địa bàn. Đặc biệt cần phải thật nghiêm túc nhìn lại công tác lập lại trật tự đô thị; chú trọng tới các giải pháp ngăn chặn lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Bởi nếu không quyết liệt vào cuộc, vỉa hè, lòng đường sẽ không bao giờ được trả lại đúng công năng vốn có.
Mỗi người dân trong khu vực cũng cần tự ý thức về trách nhiệm của mình trong việc tổ chức cuộc sống cộng đồng. Nên nhớ, những khu phố được xử lý nghiêm vi phạm lấn chiếm lòng đường vỉa hè, đảm bảo tính thẩm mỹ đô thị cao, chính là điều kiện tiên quyết để đánh giá phẩm chất văn hóa của cộng đồng dân cư trên địa bàn đó. Điều này đang vô cùng cần thiết trong công cuộc xây dựng một Hà Nội hoàn thiện về kiến trúc, cảnh quan và trật tự đô thị.