Cha mẹ đừng “giao trứng cho ác”

QUỲNH AN
Chia sẻ

(PNTĐ) - Hàng loạt vụ bắt cóc, bạo hành trẻ em xảy ra trong thời gian qua, đặc biệt là vụ việc đau lòng khi bé gái 21 tháng tuổi ở Gia Lâm bị chính người giúp việc bắt cóc, đòi tiền chuộc và sát hại tại Hưng Yên một lần nữa cảnh báo cha mẹ cần cẩn thận khi lựa chọn người giúp việc trong gia đình.

Nhiều vụ bảo mẫu, giúp việc bạo hành, bắt cóc trẻ em

Đã có rất nhiều vụ việc người giúp việc bạo hành trẻ em đau lòng đã xảy ra trên địa bàn Hà Nội và nhiều tỉnh thành khác trong cả nước. Trong các câu chuyện đó, có những đứa trẻ may mắn giữ được tính mạng, dù có tổn hại sức khoẻ, cũng có những đứa trẻ không còn cơ hội để bố mẹ chúng sửa sai, đã tử vong, để lại nỗi đau không bao giờ nguôi ngoai cho người thân.

Như vụ án bé gái 21 tháng tuổi tại Gia Lâm, Hà Nội bị bắt cóc, sát hại do Giáp Thị Huyền Trang, người được bố mẹ nạn nhân thuê làm giúp việc, đưa đón cháu bé thực hiện mới đây gây rúng động dư luận bởi tội ác và sự tàn nhẫn cùng cực của đối tượng từng là người được học qua về sư phạm.

Theo đó, Giáp Thị Huyền Trang, 27 tuổi, trú tại huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang là bảo mẫu, giúp việc được gia đình thuê về để chăm sóc cháu T, 21 tháng tuổi. Sau khi cháu T đi mẫu giáo, bố mẹ cháu T thuê Trang đưa đón cháu bé mỗi ngày. Trong phút túng quẫn, Trang đã đón cháu bé ở trường mầm non về, đưa cháu bé đến cánh đồng thôn Nhạn Tháp, xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên sát hại, rồi nhắn tin cho bố mẹ cháu bé đòi tiền chuộc. Sau khi biết không thể thoát khỏi sự truy bắt, đối tượng đã tự tử.

Tháng 12/2019, Nguyễn Thị Doan (sinh năm 1972), trú huyện Đô Lương được gia đình anh T (Nghệ An) thuê để hỗ trợ, chăm sóc con anh mới 1 tuổi. Trong quá trình chăm sóc, bởi bé không chịu ngủ, bà giúp việc này đã cầm chân cháu bé dốc ngược lên, rồi lại ném xuống giường. Do quá đau nên cháu bé đã òa khóc, tuy nhiên, người phụ nữ này không dừng lại mà có nhiều hành động mạnh tay hơn.

Cha mẹ đừng “giao trứng cho ác” - ảnh 1
Nữ bảo mẫu bạo hành trẻ 1 tháng ở Linh Đàm tại cơ quan công an.

Tháng 6/2023, nữ bảo mẫu V.K.C (sinh năm 2002, quê Giao Thủy, Nam Định) có hành vi nghi bạo hành bé trai 1 tháng tuổi ở chung cư HH2C Linh Đàm, phường Hoàng Liệt gây xôn xao dư luận.

Tại cơ quan công an, chủ nhà cho biết, anh thuê chị C làm giúp việc chăm sóc con mới sinh được 1 tháng. Vào ngày 31/5, anh xem camera tại phòng ngủ của con thì phát hiện khoảng 2h trong khi ở phòng ngủ một mình với bé trai, cùng với việc bế nựng, nữ giúp việc V.K.C đã có hành vi bế và lắc, rung cháu bé, khiến bé khóc to hơn…

Dĩ nhiên, những hành vi táng tận lương tâm của các “ác mẫu”, giúp việc này sẽ bị xử lý thích đáng. Như bảo mẫu Nguyễn Thị Doan, ngay sau khi nhận được trình báo của gia đình, cơ quan chức năng đã điều tra và khởi tố, bắt tạm giam Doan và đưa ra xét xử với tội “Hành hạ người khác”.

Hoặc như Giáp Thị Huyền Trang đã nhảy xuống sông tự vẫn, nhưng vụ án vẫn tiếp tục được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ các vấn đề liên quan. Nhưng dù bị xử lý thích đáng, nhưng đáng buồn là những vụ bạo hành trẻ em từ những người giúp việc vẫn khó có thể chấm dứt triệt để.

Cha mẹ cẩn trọng khi chọn giúp việc gia đình

Trước vụ việc không ít trẻ bị chính giúp việc, bảo mẫu – người mà hằng ngày kề cận chăm sóc gây nguy hại đến sức khoẻ, tâm lý, thậm chí ảnh hưởng đến sức khoẻ, tính mạng của trẻ… các chuyên gia giáo dục cho rằng cha mẹ nên có những kỹ năng khi tìm người chăm sóc con.

Theo PGS.TS Trần Thành Nam, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, để bảo đảm an toàn cho trẻ nhỏ, đầu tiên phải xác định tiêu chuẩn cá nhân của gia đình với bảo mẫu, có thể bao gồm kinh nghiệm, trình độ học vấn, khả năng chăm sóc trẻ, và các yếu tố về sức khỏe và an ninh. Gia đình cần tìm hiểu ứng viên, quan tâm đến lý lịch chung, lý lịch tư pháp xem có những vấn đề nào trong tiểu sử liên quan đến bạo lực với trẻ hay không. Cha mẹ cần có những buổi tiếp cận phỏng vấn trực tiếp để xem quan điểm, phương pháp, tình yêu thương và quan tâm tới trẻ, kiến thức về an toàn và tư duy giải quyết các vấn đề nguy cơ. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần quan tâm đến sức khoẻ tâm thần của các bảo mẫu, giúp việc.

PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng, phụ huynh cần rà soát các điều khoản hợp đồng để đảm bảo có thể chấm dứt hợp đồng với bảo mẫu, giúp việc và tìm người thay thế an toàn cho con khi nghi ngờ bất cứ mối nguy hiểm nào với trẻ. Cha mẹ cũng cần thường xuyên nói chuyện, kiểm tra định kỳ bảo mẫu, xây dựng hệ thống liên lạc và các nguồn kiểm tra chéo thông tin liên quan đến mọi vấn đề lo ngại về việc chăm sóc trẻ.

Cha mẹ đừng “giao trứng cho ác” - ảnh 2
Cha mẹ đừng “giao trứng cho ác”.

Đồng quan điểm, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Uỷ viên Ban Chấp hành Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam cho biết, cha mẹ khi thuê giúp việc cần lưu ý, nếu người giúp việc bất kể là ai, có kinh nghiệm giúp việc hay chăm sóc trẻ em mà tâm lý bất ổn, bị trầm cảm, bị áp lực quẫn bách về tài chính thì không nên thuê, dù họ có năng lực làm việc và kinh nghiệm chăm sóc trẻ tốt. Bởi khi thuê giúp việc, nhiều gia đình bận rộn, giao con và tài sản quý giá cho giúp việc trong nhà để đi làm, nếu người giúp việc có nhân cách không tốt thì có thể có những hành vi không đúng chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

Dưới góc độ pháp luật, TS.LS Đặng Văn Cường cho rằng, pháp luật có quy định về lao động giúp việc gia đình, quy định về chế độ và quyền được đóng bảo hiểm. Hiện nay, việc lựa chọn giúp việc là nhu cầu cần thiết của nhiều gia đình, song khi lựa chọn giúp việc cần có các tiêu chí nhất định, như có thể là người thân quen, cùng địa phương hoặc các công ty cung cấp dịch vụ giúp việc gia đình uy tín, chất lượng.

Trước khi thuê, cần tiếp xúc trò chuyện với họ, hỏi về thân nhân, lai lịch, có giấy tờ kèm theo. Đặc biệt, với những người có tiền sử bệnh trầm cảm hay nợ nần, bị áp lực về kinh tế… thì cần cân nhắc không thuê vì có thể dễ nảy sinh các vấn đề về sau như trộm cắp, bắt cóc chiếm đoạt hoặc không tập trung vào công việc.

“Chúng ta cần nhìn nhận công việc giúp việc gia đình, bảo mẫu chăm sóc trẻ là công việc thực thụ, do đó, cần ký hợp đồng rõ ràng, không nên chỉ qua người quen giới thiệu. Các doanh nghiệp đăng ký kinh doanh lĩnh vực giới thiệu việc làm có trách nhiệm phỏng vấn ban đầu, có sơ yếu lý lịch… để đảm bảo về pháp lý, nhân lực, để các gia đình yên tâm hơn khi thuê giúp việc. Đặc biệt, cha mẹ cần giám sát chặt chẽ, phát hiện nguy cơ từ những điều rất nhỏ hằng ngày để bảo vệ trẻ trước khi sự việc đau lòng có thể xảy ra” – TS.LS Đặng Văn Cường khuyên.

Như vậy, để trẻ em không bị bạo hành ngay trong chính gia đình của mình từ những người giúp việc, trông trẻ, thì việc xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi bạo hành không giải quyết được tận gốc vấn đề. Chúng ta phải thừa nhận rằng, để xảy ra những câu chuyện như trên, ngoài các đối tượng gây ra sự việc đau lòng đó, còn có sự đại khái, thiếu cẩn trọng của nhiều gia đình trong chuyện tuyển dụng giúp việc.

Khi cần có người giúp việc, thói quen của nhiều người hiện nay thường trông cậy vào sự giới thiệu của người quen, hay thông qua các trung tâm môi giới. Chính sự đại khái, thiếu cẩn trọng đó đã khiến nhiều gia đình khi phát hiện người đó có hành vi lệch chuẩn với con em mình thì đã muộn.

Vậy nên, trước khi có những biện pháp hữu hiệu hơn, mỗi gia đình cần tập cho mình thói quen cẩn trọng hơn, loại bỏ ngay sự cảm tính hoặc nhờ vả lòng tin vào người khác khi đưa người lạ vào trong nhà. Khi tuyển người trông trẻ, bố mẹ hãy bớt chút thời gian để về tận quê quán, tìm hiểu về nhân thân, tìm hiểu các mối quan hệ xã hội, tìm hiểu lối sống, lịch sử giao tiếp bạn bè, công việc trong quá khứ cũng như những ưu – khuyết trong cuộc sống của họ để có thể phác họa ra chân dung người sẽ chăm sóc con cái mình.

Những thông tin ấy càng chi tiết, càng rõ ràng bao nhiêu thì càng tăng sự an toàn của trẻ, của gia đình mình bấy nhiêu. Dù không có gì có thể chắc chắn 100%, nhưng để giảm thiểu tình trạng “rước cáo vào nhà” thì bất cứ điều gì cũng là nên làm.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Cảm động hành động xếp quạt, pha nước chanh mời người dân đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Cảm động hành động xếp quạt, pha nước chanh mời người dân đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

(PNTĐ) - Thời tiết hai ngày diễn ra Lễ Quốc tang bắt đầu oi nóng, nhiều người dân từ khắp mọi miền đất nước đã bày tỏ lòng thành kính, biết ơn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dành cả cuộc đời để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân. Để xua tan không khí oi bức, người dân trên địa bàn thôn Lại Đà đã dành những tình cảm trân quý, tận tay pha nước mát, mở quạt dọc tuyến đường vào viếng Tổng Bí thư.
Người dân Đông Anh và cả nước vô cùng tiếc thương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Người dân Đông Anh và cả nước vô cùng tiếc thương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

(PNTĐ) - Sáng nay (25/7), lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã được cử hành trọng thể theo nghi thức Quốc tang tại Nhà Tang lễ Quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội). Cùng thời gian trên, lễ viếng diễn ra tại Hội trường Thống Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh) và quê nhà Tổng Bí thư - xã Đông Hội, huyện Đông Anh (thành phố Hà Nội).
Hà Nội vận dụng sáng tạo quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong xây dựng và phát triển văn hóa Thủ đô

Hà Nội vận dụng sáng tạo quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong xây dựng và phát triển văn hóa Thủ đô

(PNTĐ) - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhà lãnh đạo xuất sắc, người đồng chí mẫu mực và kính yêu mất đi, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho chiến sĩ, đồng bào cả nước. Đồng chí mất đi, nhưng những di sản mà đồng chí để lại cho Đảng, cho đất nước và nhân dân sẽ mãi trường tồn, là điểm tựa cho đất nước, cho Thủ đô tiếp tục tiến lên, dựng xây non sông Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc. Trong những chỉ đạo, định hướng lớn với Đảng bộ Hà Nội về phát triển kinh tế-xã hội, nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người Thủ đô tiêu biểu luôn được Tổng Bí thư đặc biệt quan tâm...