Chăm sóc dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời: Vì sao cần phải đưa vào luật?

Chia sẻ

PNTĐ-Dự thảo sửa đổi Luật Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em đang được các cơ quan chức năng lấy ý kiến để trình Quốc hội xem xét trong thời gian tới...

 
Một trong những nội dung đáng chú ý trong dự thảo sửa đổi đang được nhiều địa phương, các nhà khoa học… quan tâm và đồng tình là việc cần bổ sung vào dự án Luật sửa đổi quy định nhằm đảm bảo cho tất cả trẻ em trong 1.000 ngày đầu đời được hưởng dịch vụ chăm sóc cho sự phát triển toàn diện.
 
Chăm sóc dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời: Vì sao cần phải đưa vào luật? - ảnh 1
Trẻ em cần được đầu tư và chăm sóc tốt về dinh dưỡng
để có 1000 ngày đầu đời hoàn hảo
 
1.000 ngày “vàng” cho cả cuộc đời
 
TS. BS Lê Bạch Mai – Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, đây là thời điểm được xác định từ lúc người mẹ mang thai đến khi em bé tròn 2 năm tuổi. Tuy là khoảng thời gian ngắn ngủi trong cuộc đời mỗi người nhưng 1.000 ngày dinh dưỡng đầu đời là 1.000 ngày “vàng” góp phần thay đổi tương lai. Các nghiên cứu khoa học đã khẳng định, thời kỳ này trẻ có sự tăng trưởng vượt trội về thể chất và não bộ, chức năng của hệ miễn dịch và các cơ quan trong cơ thể được hoàn thiện...
 
Vì thế, chăm sóc và dinh dưỡng tốt hơn cho bà mẹ và trẻ em trong giai đoạn này không chỉ đảm bảo một cuộc sống lành mạnh, tốt đẹp cho cuộc đời một con người, một gia đình mà còn mang ý nghĩa xã hội to lớn, giúp các quốc gia phá vỡ được chu kỳ nghèo đói bền vững. Các tính toán dựa trên cơ sở khoa học đã chứng minh rằng, dinh dưỡng hợp lý trong 1.000 ngày có thể giúp bảo toàn hơn 1 triệu sinh mạng mỗi năm, giảm đáng kể gánh nặng về con người và kinh tế trước các bệnh hiểm nghèo như sốt rét, lao và HIV/AIDS, giảm nguy cơ phát triển các bệnh không truyền nhiễm như đái tháo đường và các bệnh mãn tính sau này. Đồng thời góp phần cải thiện thành tích giáo dục và tiềm năng tăng thu nhập gia đình, góp phần tăng GDP của một quốc gia ít nhất từ 2-3% mỗi năm.
 
Những cơ sở này cũng đã làm thay đổi quan niệm lâu nay là sự phát triển trí tuệ và sức khỏe trọn đời không phải do yếu tố gen quyết định mà 80% do yếu tố môi trường, lối sống, dinh dưỡng quyết định, gen chỉ chiếm vai trò khá khiêm tốn – khoảng 20%.
 
Tại VN, nhận thức chung của xã hội về giai đoạn này, theo đánh giá của BS Nguyễn Trọng An – chuyên gia cao cấp về chăm sóc và bảo vệ trẻ em, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng thì còn chưa cao. Từ đó dẫn đến một nghịch lý là chúng ta đang đi theo hình “tam giác ngược”. Thay vì tập trung vào 3 năm đầu đời thì trẻ lại chỉ được bắt đầu quan tâm từ khi bước vào tuổi mẫu giáo nên ý thức của dân cũng như các dịch vụ chăm sóc trẻ về sức khỏe, dinh dưỡng, giáo dục và kích thích sự phát triển tư duy và trí não trẻ trong giai đoạn 1.000 ngày đầu đời chưa phù hợp.
 
Vì thế việc trẻ được chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng và tiếp cận các cơ sở y tế ở giai đoạn vàng này còn ở mức thấp; tỷ lệ trẻ ở độ tuổi nhà trẻ được chăm sóc ở các trường mầm non công lập chất lượng tốt còn chưa cao… Ngay cả các TP lớn, số lượng nhà trẻ không nhiều, nhất là tại các KCN, chế xuất, vùng nông thôn, ngoại thành…

Đưa vào luật là để đầu tư cho tương lai
 
Từ thực tế trên, trong quá trình góp ý vào dự thảo sửa đổi Luật Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em, các nhà khoa học, các chuyên gia dinh dưỡng đã cho rằng, cần bổ sung vào dự án Luật sửa đổi quy định nhằm đảm bảo cho tất cả trẻ em trong 1.000 ngày đầu đời được hưởng dịch vụ chăm sóc cho sự phát triển toàn diện.
 
Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em 2004 đã rất thành công khi ban hành chính sách khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi. Luật Lao động sửa đổi đã tăng thời gian nghỉ thai sản với LĐ nữ để có điều kiện nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Ngành y tế đang thực hiện sáng kiến Bệnh viện bạn hữu trẻ em…
 
Do đó, nếu đưa được quy định này vào Luật Trẻ em lần này chúng ta sẽ có mức độ pháp lý cao, khẳng định trách nhiệm của nhà nước, sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, bắt buộc mọi người dân đều tuân thủ và thực hiện. Trong đó sẽ góp phần mang lại những thay đổi căn bản và rất quan trọng nhằm đảm bảo mọi trẻ em sinh ra đều được bình đẳng về cơ hội phát triển, được quan tâm chăm sóc cho sự phát triển toàn diện, cung cấp các dịch vụ có chất lượng từ chăm sóc thai nghén, chất lượng vắc xin, phòng bệnh trẻ nhỏ, tư vấn bú sữa mẹ và thức ăn bổ sung, hệ thống giáo dục nhà trẻ/mẫu giáo có chất lượng…
 
Trong gần 7 triệu trẻ em thì có đến 30% đang bị suy dinh dưỡng thể thấp còi và VN đang đứng thứ 13 trên thế giới về tỷ lệ trẻ em bị suy dinh dưỡng thấp còi. Hệ quả buồn này có nguyên nhân trực tiếp từ tình trạng thiếu dinh dưỡng trường diễn ra trong 1.000 ngày đầu của cuộc đời trẻ. Thể lực và tầm vóc của người Việt vẫn còn khiêm tốn so với các nước trong khu vực. Theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới, nam thanh niên VN thấp hơn chuẩn là 13cm và nữ thành niên VN thấp hơn chuẩn là 10,7cm.
 
Việt Bách

Tin cùng chuyên mục

Hiệp định Geneve: Việt Nam mềm dẻo, sáng suốt và kiên định trong đàm phán

Hiệp định Geneve: Việt Nam mềm dẻo, sáng suốt và kiên định trong đàm phán

(PNTĐ) - Tại Hội nghị Geneve, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Văn Đồng thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã kiên định với lập trường: "Đi tới một giải pháp hoàn chỉnh là đình chỉ chiến sự trên toàn bán đảo Đông Dương đi đôi với giải pháp chính trị cho vấn đề Việt Nam, Lào và Campuchia trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước Đông Dương".