50 năm chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” (18/12/1972-18/12/2022):

Chiến thắng của ý chí và chủ nghĩa anh hùng cách mạng

Hoàng Lan Ảnh: Nguyễn Thực
Chia sẻ

(PNTĐ) -Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, sáng ngày 15/12/2022, Hội LHPN Hà Nội phối hợp với Bảo tàng Chiến thắng B-52 tổ chức chương trình Giao lưu nhân chứng lịch sử với chủ đề “Một thời máu và hoa”. Không chỉ đưa người nghe trở về với 12 ngày đêm hào hùng Hà Nội không ngủ, chương trình còn tiếp thêm động lực cống hiến cho thế hệ trẻ hôm nay.

Chiến thắng của ý chí và chủ nghĩa anh hùng cách mạng - ảnh 1
Bà Trần Lan Phương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam (người ngoài cùng bên phải) và bà Lê Kim Anh, Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội (ngoài cùng bên trái) tặng hoa cho các nhân chứng lịch sử tham gia giao lưu tại chương trình 

Rạng rỡ truyền thống Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội
Bà Lê Kim Anh, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Thành ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội tự hào khẳng định, cách đây 50 năm, vào tháng 12/1972, quân và dân Hà Nội đã gan dạ, anh dũng, kiên cường chiến đấu và đánh bại hoàn toàn cuộc tập kích chiến lược đường không mang mật danh “Chiến dịch Linebacker-II” của đế quốc Mỹ vào Thủ đô Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương miền Bắc. Chiến thắng đã buộc Mỹ phải ký kết Hiệp định Paris, tạo điều kiện thuận lợi cho quân và dân ta tiến lên giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vào Mùa xuân năm 1975.
Tự hào trong chiến thắng vẻ vang ấy có sự cống hiến, hy sinh của các tầng lớp phụ nữ Hà Nội, Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội Lê Kim Anh cho biết: Trong những ngày tháng ác liệt của tháng 12/1972, sự bạo tàn của kẻ thù và những tổn thất, đau thương không làm nhụt ý chí mà càng tăng thêm quyết tâm đánh Mỹ của quân và dân Hà Nội - những người trong cuộc sống đời thường vốn coi trọng sự thanh tao, lịch lãm và yêu chuộng hòa bình. Hàng ngàn tấm gương sáng ngời, những “bông hồng thép” của phụ nữ Thủ đô đã ghi dấu chiến công thầm lặng trong sản xuất, bảo vệ sản xuất, trong chiến đấu, cứu thương, cứu hỏa, cứu sập hầm; cưu mang, hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định cuộc sống. 

Ở lĩnh vực nào, phụ nữ Thủ đô cũng nêu gương dũng cảm. Chị em ngành giao thông bám mặt đường, san lấp hố bom, sửa chữa cầu phà, thông xe đảm bảo huyết mạch giao thông. Các nữ bác sỹ, y tá, hộ lý bất chấp hiểm nguy cứu sống hàng ngàn bệnh nhân. Trong bom đạn ác liệt, chị em bưu điện Đông Anh, Gia Lâm giữ vững đường dây, đảm bảo tốt các cuộc đàm thoại giúp việc chỉ huy quân sự được thông suốt. Chị em thương nghiệp bám trụ nơi trọng điểm, kịp thời phục vụ bộ đội và lực lượng khắc phục hậu quả sau trận đánh. Ở những nơi địch gây tội ác, các mẹ, các chị với tình thương và trách nhiệm đã đứng ra chôn cất, mai táng cho người đã khuất, chăm lo người già, trẻ em mất nơi nương tựa. 
Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội Lê Kim Anh khẳng định, chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” sẽ vẫn mãi là tài sản vô giá, nguồn động lực quan trọng, tiếp lửa cho các thế hệ quân và dân Hà Nội vươn lên đóng góp công sức cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô.

Những câu chuyện truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ
50 năm trước, bà Chu Thị Tịnh là Đảng ủy viên Bí thư xã Đoàn, chính trị viên phó xã đội xã Cổ Loa, huyện Đông Anh. Trong chiến dịch 12 ngày đêm, bà đã cùng nhiều chị em dũng cảm lao đi giữa lúc bom rơi đạn nổ để cứu sập, cứu thương, cứu hỏa. Bà đã từng phải bật khóc khi chứng kiến cảnh hoang tàn trên quê hương do giặc Mỹ gây ra với hơn 100 người bị chết, 40 người bị thương, biết bao ngôi nhà bị đổ sập… Biến đau thương thành hành động, bà đã cùng trung đội cơ động nữ ở xóm Nhồi tích cực làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu thương, cứu hỏa, sau đó lại nhận lệnh đi giải tỏa hàng hóa ở ga Đông Anh. Với tinh thần trách nhiệm chị em lại hăng hái hoàn thành nhiệm vụ, đảm bảo tài sản của Nhà nước. 

Chiến thắng của ý chí và chủ nghĩa anh hùng cách mạng - ảnh 2
Bà Phạm Thị Viễn đang xem lại bức ảnh chụp bà hồi trẻ, đầu quấn khăn tang ngồi trực trên mâm pháo trong chiến dịch 12 ngày đêm “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” 

Sau 12 ngày đêm, bà được tặng Huy hiệu Bác Hồ, được Thành ủy biểu dương, Trung ương Đoàn, Thành Đoàn, Quân khu Thủ đô tặng Bằng khen; được nhận Huy hiệu Thanh niên kiên cường thắng Mỹ; Huy hiệu chiến thắng B-52 và được đi báo cáo về công tác khắc phục hậu quả ở hội nghị thi đua Thành phố.

Tại cuộc giao lưu nhân chứng lịch sử còn có bà Phạm Thị Viễn, nguyên nữ dân quân tự vệ Nhà máy Cơ khí Mai Động. Bà cũng chính là nữ dân quân đã được báo Phụ nữ Thủ đô viết trong loạt bài “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không: Chiến thắng của ý chí và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam”. Nhắc tới ngày 26/12/1972, bố bà đã mất vì bom B-52 đánh trúng hầm, bà Viễn lại rơi nước mắt. 3 ngày sau, chị em bà mới tìm được một phần nhỏ thi thể của bố ở cách nhà gần 200m qua vạt áo bông rách và tấm thẻ chứng minh thư. 

Trong chiến dịch 12 ngày đêm, bà và các đồng đội làm nhiệm vụ tiếp đạn cho đơn vị pháo 100 ly ở gần trận địa 14,5 ly. Một chi tiết khiến nhiều người rất cảm phục, ngày đó, bà Viễn chỉ nặng hơn 45kg, sức khỏe không tốt nhưng vẫn có thể vác quả đạn 100 ly nặng hơn 40kg trên vai đi băng băng. Sức mạnh vô hình ấy, theo bà, chỉ có thể lý giải nhờ lòng căm thù giặc sâu sắc và ý chí “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”. 

Đó còn là bà Trần Thị Bảy, nguyên Chi hội trưởng phụ nữ, nguyên dân quân trực chiến tại phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân. Nhớ lời Bác Hồ dạy “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, bà Bảy và các đồng đội luôn sẵn sàng chiến đấu, tiếp sức cho lực lượng pháo phòng không, góp phần vào thắng lợi của chiến dịch “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”. Bà tâm sự, hình ảnh đẹp nhất vẫn còn đọng lại trong ký ức của bà là được tận mắt chứng kiến chiếc B-52 của giặc Mỹ bị bắn hạ, cháy sáng trên bầu trời Hà Nội.

 “Các nữ dân quân chúng tôi không sợ gian khổ, không sợ hy sinh, chỉ sợ không hoàn thành nhiệm vụ”- bà nói.
Hồi ức của các nữ nhân chứng đã lý giải vì sao, trong chiến dịch 12 ngày đêm tháng 12/1972, lực lượng của ta là có hạn và không thể so sánh được với lực lượng của Mỹ nhưng ta vẫn đánh thắng Mỹ.

Sáng mãi phẩm chất người cán bộ Hội 
Tham gia chương trình giao lưu nhân chứng lịch sử, nhiều bà, nhiều chị không chỉ với tư cách là những chiến sĩ dũng cảm trong thời chiến, mà còn trong vai những cựu cán bộ và cán bộ Hội Phụ nữ trách nhiệm, tích cực trong thời bình. 

Bà Chu Thị Tịnh cho biết, tham gia phong trào phụ nữ từ những ngày còn chiến tranh. Năm 1979, bà là Thường trực Hội phụ nữ huyện Đông Anh; giai đoạn năm 1984-1985 là Phó Chủ tịch Hội. Năm 1998 bà là Huyện ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN huyện Đông Anh. Tháng 8/2003, bà được chuyển sang làm Chủ tịch UBMTTQ huyện Đông Anh.

Với phẩm chất của người cán bộ Hội “Trung hậu, Sáng tạo, Đảm đang, Thanh lịch”, dù ở cương vị nào bà cũng cố gắng cùng tập thể đưa phong trào ngày càng tiến lên và nhiều năm đạt danh hiệu Đơn vị thi đua xuất sắc của Thành phố. Từ năm 2003, bà được nghỉ hưu nhưng vẫn luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực tham gia công tác xã hội và các phong trào của địa phương. Chia tay chương trình, bà nhắn gửi tới các cán bộ Hội Phụ nữ hôm nay hãy luôn nhiệt tình, trách nhiệm với công việc, không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức để đưa phong trào Hội tiếp tục phát triển rực rỡ. 

Còn với bà Phạm Thị Viễn, sau khi nghỉ chế độ, trở về địa phương, nhiều năm qua, bà vẫn luôn tích cực tham gia công tác ở phường Tương Mai, quận Hoàng Mai. Bà đã kinh qua nhiều vị trí như Tổ trưởng tổ Đảng, Tổ phó dân phố, Tổ trưởng phụ nữ... Nửa thế kỷ đã qua, mỗi lần nhớ lại những ngày tháng hào hùng của quân và dân Thủ đô, bà tâm sự lại nghĩ tới truyền thống “dựng nước đi đôi với giữ nước” của dân tộc ta. Ngày nay, Đảng ta chủ trương “xây dựng chủ nghĩa xã hội” đi đôi với “bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa” cũng là phát huy truyền thống quý báu đó. Vì vậy, bà mong mỗi cán bộ, hội viên phụ nữ, nữ thanh niên hãy tiếp tục nỗ lực cố gắng vượt qua mọi khó khăn, thử thách để xứng đáng với những người đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Đến với chương trình, còn có bà Đỗ Thị Hồi, tổ dân phố 2, phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, tham gia lực lượng dân quân từ năm 1964 (17 tuổi). Năm 1968, bà tham gia lực lượng Đại đội nữ Dân quân thuộc BCH quân sự xã Kiến Hưng (nay là phường Kiến Hưng). Bà đã cùng lực lượng Nữ dân quân địa phương tham gia chiến dịch 12 ngày đêm "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" năm 1972. Năm 1998, bà vinh dự được tặng Huy chương Kháng chiến hạng Nhất. Sau này, bà đảm đương cương vị Chủ tịch Hội LHPN xã Kiến Hưng. 

Hay như bà Nguyễn Thị Nhi, sinh năm 1950, là dân quân tự vệ tại đại đội dân quân tự vệ Viện chống lao. Hiện tại, bà là Chi hội Phó Phụ nữ tích cực của địa bàn 12 phường Cống Vị, quận Ba Đình.

Trong khuôn khổ Chương trình, với tất cả sự tri ân, Hội LHPN Hà Nội đã tặng quà 10 nữ nhân chứng lịch sử đã trực tiếp chiến đấu và tham gia phục vụ chiến đấu trong trận chiến Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

 Thủ đoạn mới: Gắn định vị vào gói hàng ma tuý để thả trôi trên biển

Thủ đoạn mới: Gắn định vị vào gói hàng ma tuý để thả trôi trên biển

(PNTĐ) - Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Quang, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04 - Bộ Công an) cho biết, thời gian qua, lực lượng chức năng phát hiện nhiều gói ma túy được đóng gói và có thiết bị định vị, để rồi sau đó các đối tượng buôn bán trục vớt mang đi tiêu thụ.
Công bố biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024-2029

Công bố biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024-2029

(PNTĐ) - Biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ IX là hình ảnh kết hợp cấu trúc chữ tượng hình từ số lần Đại hội, biểu hiện thông qua chữ số IX, là sự tích hợp các hình tượng tiêu biểu xoay quanh biểu trưng Thanh niên Việt Nam.