Chính sách đang đến gần hơn với nhiều người khuyết tật

Chia sẻ

Hàng năm có hàng triệu người khuyết tật được trợ cấp từ ngân sách nhà nước; hàng trăm ngàn lượt người được hỗ trợ chỉnh hình, phục hồi chức năng, hỗ trợ phương tiện trợ giúp.

Ngày 30/11 tại Hà Nội, Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam, Cục Bảo trợ Xã hội phối hợp với Quỹ an sinh xã hội và Hội người khuyết tật TP. Hà Nội tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế người khuyết tật (3/12) và "Diễn đàn việc làm và cơ hội khởi nghiệp cho người khuyết tật".

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng phát biểu tại buổi lễThứ trưởng Lê Tấn Dũng phát biểu tại buổi lễ.

Tham dự chương trình có Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam; ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục bảo trợ Xã hội, Chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam; ông Nguyễn Trọng Đàm - Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ em mồ côi Việt Nam - nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cùng 370 đại biểu đến từ các bộ, ngành, địa phương.

Các chính sách, hoạt động trợ giúp người khuyết tật cũng có sự thay đổi căn bản, chuyển từ sự trợ giúp mang tính nhân đạo từ thiện sang trợ giúp theo quan điểm phát triển, tạo động lực để cho người khuyết tật vươn lên. Người khuyết tật được hỗ trợ nhà ở, giáo dục, y tế, tiếp cận giao thông và các công trình xây dựng, được hỗ trợ dạy nghề, việc làm, vay vốn ưu đãi để làm kinh tế và hỗ trợ sinh kế,... giúp người khuyết tật tự chăm sóc bản thân mình cũng như có những đóng góp cho cộng đồng, xã hội. Cùng với đó, hệ thống giáo dục ngày càng phát triển, giúp cho trẻ em khuyết tật có cơ hội được đi học, được phát triển, số người khuyết tật được học nghề và có việc làm ngày càng tăng. 

"Nhờ đó, số lượng người khuyết tật được tiếp cận với các chính sách, chương trình chăm sóc người khuyết tật của Nhà nước và cộng đồng ngày càng tăng. Hàng năm có hàng triệu người khuyết tật được trợ cấp từ ngân sách nhà nước; hàng trăm ngàn lượt người được hỗ trợ chỉnh hình, phục hồi chức năng, hỗ trợ phương tiện trợ giúp", Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cho biết.

Tất cả những điều này đã mang lại cho người khuyết tật tự tin, tự lập cuộc sống, đã có rất nhiều tấm gương là người khuyết tật thành đạt trong các lĩnh vực kinh tế, khoa học, chính trị và văn hóa xã hội.

Trưng bày, giới thiệu sản phẩm, giới thiệu việc làm tại Trưng bày, giới thiệu sản phẩm, giới thiệu việc làm tại "Diễn đàn việc làm và cơ hội khởi nghiệp cho người khuyết tật".

Theo số liệu, hiện nay Việt Nam có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật, chiếm hơn 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên, trong đó người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng chiếm khoảng 28,9%, khoảng 10% người khuyết tật thuộc hộ nghèo. Số liệu trên cho thấy, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ người khuyết tật khá cao so với tổng dân số trong khu vực Châu Á - Thái Bình dương.

Đa số NKT trong độ tuổi lao động sống ở nông thôn, công việc chính của họ là phụ giúp gia đình làm nông, lâm, ngư nghiệp, công việc không ổn định, thu nhập thấp. có 40% NKT ở độ tuổi lao động và còn khả năng lao động, trong đó chỉ có 30% có việc làm, tạo thu nhập cho bản thân, gia đình và xã hội.

Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, đến nay có 282.000 NKT được hỗ trợ đào tạo nghề và tạo việc làm, trong đó có 210.000 NKT được hỗ trợ đào tạo nghề, 50.000 NKT được tư vấn, giới thiệu việc làm, 22.000 người được vay vốn từ quỹ quốc gia việc làm. Về hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng CSXH, đến nay có 22.000 lượt người được vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm.

Báo cáo của Ngân hàng Chính sách Xã hội cho biết, tổng dư nợ của chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm đến ngày 31/10/2020 đạt 29.721 tỷ đồng, đối với hơn 769.000 khách hàng còn dư nợ. Tín dụng chính sách đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, đặc biệt là đối với NKT, các doanh nghiệp sử dụng lao động là NKT để tự phát triển sản xuất, kinh doanh đến nay thực sự đi vào cuộc sống, có hiệu quả tích cực, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống của người dân, đặc biệt là NKT trên phạm vi cả nước.

Theo Thứ trưởng Lê Tấn Dũng, mặc dù đã có những kết quả tốt trong công tác trợ giúp người khuyết tật, nhưng Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn về kinh tế, hạ tầng cơ sở xã hội thiếu thốn, chưa thể đáp ứng thỏa đáng nhu cầu nguyện vọng của người khuyết tật. Vẫn còn nhiều người khuyết tật thuộc hộ nghèo, cận nghèo, sức khỏe hạn chế, thiếu việc làm, chưa tiếp cận được các dịch vụ xã hội và sống phụ thuộc vào trợ giúp của gia đình và xã hội.

"Trong những năm tới, Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện đầy đủ những quy định trong Hiến pháp và pháp luật về người khuyết tật, cũng như các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia. với sự đồng lòng của các cấp, các ngành, của cộng đồng nhân dân, các tổ chức trong nước và quốc tế, chúng ta sẽ có tiếng nói chung để đưa ra được những sáng kiến, giải pháp kịp thời, phù hợp để hoạt động trợ giúp người khuyết tật ở Việt Nam được thực hiện một cách hữu hiệu nhất" - Thứ trưởng Lê Tấn Dũng nhấn mạnh.

Tại diễn đàn, các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp và việc làm với người khuyết tật đã được Văn phòng Ủy ban Quốc gia về NKT Việt Nam giải đáp và giới thiệu đến đông đảo người khuyết tật. Nhiều sản phẩm của các cơ sở sản xuất kinh doanh tạo việc làm đối với NKT cũng được giới thiệu, trưng bày. Các hoạt động như vay vốn cho NKT khởi nghiệp do Ngân hàng chính sách (Hà Nội, Ninh Bình) tư vấn tại quầy giao dịch, mô hình khởi nghiệp và tạo việc làm cho NKT, cơ hội việc làm do Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội tư vấn tại quầy, các quy định liên quan đến vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất đối với NKTvà cơ sở tạo việc làm đối với NKT do Ngân hàng chính sách xã hội Trung ương giải đáp.

Những năm qua Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn dành cho người khuyết tật sự quan tâm, chăm lo sâu sắc, được thể hiện trong Hiến pháp, Luật người khuyết và các Luật chuyên ngành… Gần đây nhất ngày 05/8/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1190/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030, các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành nhiều Chương trình, Kế hoạch để hiện thực hóa việc chăm sóc, trợ giúp người khuyết tật.

 CHI ANH

 

 

Tin cùng chuyên mục

Hiệp định Geneve: Việt Nam mềm dẻo, sáng suốt và kiên định trong đàm phán

Hiệp định Geneve: Việt Nam mềm dẻo, sáng suốt và kiên định trong đàm phán

(PNTĐ) - Tại Hội nghị Geneve, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Văn Đồng thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã kiên định với lập trường: "Đi tới một giải pháp hoàn chỉnh là đình chỉ chiến sự trên toàn bán đảo Đông Dương đi đôi với giải pháp chính trị cho vấn đề Việt Nam, Lào và Campuchia trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước Đông Dương".