Chính sách kịp thời, trúng đối tượng
Để hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời nắm bắt cơ hội phục hồi và phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, Chính phủ đã ban hành Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - gói hỗ trợ có quy mô lớn nhất từ trước đến nay với tổng trị giá lên đến 350.000 tỷ đồng với phạm vi triển khai rộng.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (TBXH&XH) đang gấp rút hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật triển khai gói hỗ trợ việc làm và đảm bảo an sinh xã hội nằm trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế của Chính phủ để cố gắng phấn đấu đưa chính sách vào cuộc sống ngay trong tháng 2 này.
Thêm gói hỗ trợ người lao động và “tiếp sức” doanh nghiệp
Theo đánh giá của Bộ LĐTB&XH, 2 năm qua, dịch Covid-19, nhất là đợt dịch thứ 4 đã và đang tác động nghiêm trọng đến các hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, việc làm, thu nhập và đời sống của người lao động (LĐ). Trong đó, các lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh là du lịch, giao thông vận tải, dịch vụ, xây dựng… Dịch bệnh kéo dài khiến nhiều lao động ngoại tỉnh từ các khu vực kinh tế trọng điểm đã ồ ạt di chuyển về quê.
Từ quý IV/2021, các hoạt động kinh tế xã hội dần phục hồi, các doanh nghiệp tập trung đẩy mạnh hoạt động sản xuất nhằm sớm phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh đã góp phần làm “ấm” lại thị trường LĐ, số người có việc làm tăng, thu nhập bình quân tháng được cải thiện.
Để hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời nắm bắt cơ hội phục hồi và phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, Chính phủ đã ban hành Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - gói hỗ trợ có quy mô lớn nhất từ trước đến nay với tổng trị giá lên đến 350.000 tỷ đồng.
Một trong những 5 nhóm giải pháp trọng tâm được Chính phủ đưa ra là đảm bảo an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm cho người LĐ nhằm phục hồi và phát triển thị trường LĐ theo hướng ổn định bền vững với nhiều chính sách hỗ trợ trước mắt (hỗ trợ tiền thuê nhà, cho vay giải quyết việc làm, kết nối cung cầu thị trường LĐ) và lâu dài (vay ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, đào tạo nghề…).
Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Văn Thanh cho biết: Trong những ngày làm việc đầu tiên của năm mới Nhâm Dần, Bộ LĐTB&XH đã nhanh chóng, khẩn trương xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, dự kiến đến ngày 15/2 trình Chính phủ thông qua để triển khai gói hỗ trợ trong tháng 2.
Một số chính sách hỗ trợ được quan tâm là hỗ trợ 3 tháng tiền thuê nhà với 2 đối tượng được thụ hưởng là người LĐ có quan hệ LĐ, đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm (mức hỗ trợ là 500.000 đồng/tháng) và người LĐ quay trở lại thị trường LĐ (mức hỗ trợ 1 triệu đồng, tối đa trong 3 tháng).
Ngoài ra, người LĐ được vay ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; Ngân hàng Chính sách xã hội cũng được sử dụng một khoản tiền lớn nhất từ trước tới nay để hỗ trợ cho doanh nghiệp vay xây dựng ký túc xá, nhà ở cho công nhân mua hoặc thuê với mức lãi suất rất thấp nhằm đảm bảo sàn an sinh tối thiểu về nhà ở cho công nhân.
Theo Thứ trưởng Lê Văn Thanh, Bộ LĐTB&XH sẽ tiếp tục đầu tư tăng cường kết nối cung - cầu LĐ toàn quốc trên nền tảng trực tuyến phục vụ công tác tư vấn, giới thiệu việc làm và cung ứng LĐ; nâng cấp, mở rộng và hiện đại hóa các cơ sở đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm, nhất là trường cao đẳng chất lượng cao, trọng điểm và thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.
Theo Tổng cục Thống kê, tính tới ngày 15/12/2021 có khoảng 2,2 triệu người hồi hương, trong đó, khoảng 447.000 người trở về từ Hà Nội, 524.000 người về từ TP Hồ Chí Minh; 600.000 người trở về từ các tỉnh, thành phố phía Nam…
Về thu nhập, người LĐ ở lĩnh vực dịch vụ, công nghiệp, xây dựng, LĐ làm công ăn lương đều giảm. Trong đó, thu nhập bình quân của người LĐ khu vực công nghiệp có mức giảm cao nhất (khoảng 3%).
Sự hỗ trợ kịp thời và ý nghĩa
Gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng được ban hành vào những ngày cuối cùng của năm Tân Sửu cho thấy tinh thần làm việc rất quyết liệt của Chính phủ để không bỏ lỡ cơ hội phục hồi và phát triển. Vì vậy, những đầu Xuân mới, trở lại nhà máy, nhiều doanh nghiệp và người LĐ đã được đón nhận tin vui. Ông Nguyễn Xuân Huy - Giám đốc điều hành công ty CP kỹ thuật công nghiệp Á Châu (cụm công nghiệp Quất Động, huyện Thường Tín) cho biết: Toàn bộ 100% CNLĐ đã có mặt tại nhà máy và triển khai công việc nghiêm túc trong ngày làm việc đầu tiên của năm mới.
Ngoài nhận lì xì trị giá 500.000 đồng/người, anh chị em phấn khởi bởi mọi người đều an toàn dịch bệnh, công việc và thu nhập ổn định. Đặc biệt, trong thời gian tới, người LĐ tiếp tục nhận được hỗ trợ 3 tháng tiền thuê nhà trọ giúp họ có thêm khoản tiền để trang trải cuộc sống gia đình. Niềm vui nhân đôi với doanh nghiệp khi thụ hưởng chính sách tài khóa, tiền tệ như miễn giảm thuế, lãi suất.
Anh Nguyễn Duy Nam (35 tuổi, quê ở Lạng Sơn) hiện là công nhân của công ty CP Hanel Xốp Nhựa (KCN Sài Đồng B, quận Long Biên) đang ở cùng với đồng nghiệp trong căn phòng trọ chừng 20m2. Với mức lương công nhân khoảng 8 triệu đồng, anh phải chắt bóp chi tiêu từng tháng để có tiền trang trải cuộc sống xa nhà và gửi tiền nuôi các con ăn học.
Ngành lao động tăng cường kết nối cung - cầu, giới thiệu việc làm trên toàn quốc thông qua nền tảng trực tuyến. Ảnh minh hoạ: Ngọc Diệp
“Năm vừa qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh, trong mấy tháng liền chúng tôi bị cắt giảm một nửa thu nhập khiến cuộc sống khá chật vật. Vì vậy, nhận được thông tin về việc Chính phủ sẽ hỗ trợ 3 tháng tiền thuê nhà cho người LĐ, chúng tôi rất vui mừng. Với công nhân ngoại tỉnh, cuộc sống còn nhiều khó khăn thì sự hỗ trợ vào thời điểm này rất quý, giúp chúng tôi vơi đi lo toan và gánh nặng” - anh Nam chia sẻ.
Tuy nhiên, anh Nam và nhiều CNLĐ tại các nhà máy trong KCN-KCX còn may mắn hơn những người LĐ làm việc tại các ngành giao thông vận tải, du lịch. Từ quý 4, khi hoạt động sản xuất kinh tế dần phục hồi nhưng công việc của nhiều lái xe máy công nghệ, hướng dẫn viên du lịch, người làm dịch vụ… vẫn chịu ảnh hưởng do một số ngành nghề hoặc hạn chế hoạt động hoặc chưa hoạt động trở lại.
Nhận định về gói hỗ trợ đảm bảo an sinh xã hội và việc làm dành cho người LĐ, ông Phan Viết Hoàn, Giám đốc điều hành MyWork Việt Nam - đơn vị cung cấp các thông tin việc làm cho nhà tuyển dụng và người lao động đánh giá đây là sự hỗ trợ kịp thời và nhân văn của nhà nước.
“Khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, kinh tế dần dần phục hồi, việc tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 được bao phủ trong toàn xã hội, đất nước bước vào trạng thái bình thường mới thì gói hỗ trợ này sẽ giúp cho những người LĐ, đặc biệt là những người LĐ ngoại tỉnh, ở trọ tại các KCN cảm thấy an tâm hơn, tạo tiền đề để thu hút LĐ từ các tỉnh còn đang băn khoăn sẽ yên tâm hơn để quay lại thành phố làm việc” – ông Hoàn bày tỏ.
Hướng dẫn rõ ràng, thủ tục nhanh gọn, đẩy nhanh tiến độ
Ông Nguyễn Công Hùng - Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội đánh giá cao sự kịp thời trong việc ban hành gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế của Chính phủ. Là một trong những ngành kinh tế chịu tác động nặng nề của dịch bệnh, đến thời điểm này, các doanh nghiệp vận tải taxi của Hiệp hội mới đang dần dần khôi phục hoạt động, tỷ lệ khai thác xe đạt hiệu suất cao nhất chỉ dừng ở con số 60%.
Theo ông Nguyễn Công Hùng, thời gian qua, một số hãng xe phải bán xe để cắt lỗ hoặc để xe nằm bãi với tỷ lệ lớn. Vì thế, một trong những vấn đề lớn nhất hiện nay các doanh nghiệp đang phải đối mặt là đứt gãy chuỗi LĐ, nhiều lái xe về quê kiếm việc khác, chưa trở lại làm việc.
Để thúc đẩy hoạt động kinh doanh, các hãng đẩy mạnh tuyển dụng và sự hỗ trợ tiền thuê nhà cho người LĐ quay lại làm việc có ý nghĩa rất lớn, giảm áp lực kinh tế để họ yên tâm công tác. Đồng thời tiếp tục triển khai cho vay tiền trả lương công nhân, chính sách miễn giảm thuế… đã đáp ứng nguyện vọng của doanh nghiệp, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay bởi doanh nghiệp phục hồi và phát triển sẽ có đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người LĐ.
Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội mong muốn chính sách hỗ trợ nhanh chóng được triển khai với văn bản hướng dẫn cụ thể, thực tế; bãi bỏ thủ tục hành chính không cần thiết (chứng minh không nợ bảo hiểm, thuế) tạo sự thông thoáng để các địa phương áp dụng và triển khai thống nhất; đồng thời giao cho doanh nghiệp chủ động triển khai, chịu trách nhiệm như đã thực hiện với gói hỗ trợ đã thực hiện trước đó.
Gói hỗ trợ lớn của Chính phủ với các chính sách trước mắt và lâu dài sẽ có tác động lan tỏa nhanh và hiệu quả lớn trong việc phục hồi và phát triển kinh tế. Vì vậy, yêu cầu triển khai nhanh, sớm, kịp thời, đúng và trúng trở nên cấp bách, đòi hỏi các bộ, ngành và địa phương phải phối hợp chặt chẽ, hướng dẫn triển khai thực hiện cần chi tiết, công khai, minh bạch, cắt bỏ thủ tục rườm rà… để đưa chính sách thành hành động cụ thể, đạt mục tiêu đề ra.
PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng - nguyên Viện Trưởng Viện nghiên cứu lao động (Bộ LĐTX&XH)
VIỆT BÁCH - CÔNG NGỌC