Chợ cóc, quán ăn "bỏ qua" quy định phòng chống dịch

Chia sẻ

Mặc dù đã được nới lỏng giãn cách xã hội nhưng các cơ sở kinh doanh tại Hà Nội vẫn được yêu cầu thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, vẫn còn một số cơ sở kinh doanh, cửa hàng ăn uống, chợ cóc, người dân chưa thực hiện nghiêm quy định giãn cách xã hội.

Không có khoảng cách an toàn trong giãn cách xã hội tại chợ tạmKhông có khoảng cách an toàn trong giãn cách xã hội tại chợ tạm (Ảnh: P.V)

Vi phạm quy định khoảng cách tối thiểu 1m

Theo quy định, người dân bắt buộc đeo khẩu trang khi ra đường, các cơ sở kinh doanh ăn uống phải thực hiện giữ khoảng cách tối thiểu 1m; cấm hàng quán vỉa hè hoạt động. Thực hiện chủ trương trên, một số cửa hàng ăn uống lớn tại Hà Nội đã sắp xếp lại bàn ghế, đầu tư hệ thống vách ngăn bằng nhựa để hạn chế giọt bắn từ sự đối mặt, giao tiếp trực tiếp giữa các thực khách với nhau, bố trí dung dịch rửa tay sát khuẩn phục vụ khách ăn uống. Tuy nhiên, số cửa hàng thực hiện nghiêm giãn cách xã hội chỉ là số ít, phần nhiều các cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống “bỏ qua” quy định trên.

Ghi nhận trong ngày 27/4 - ngày thứ năm thực hiện giãn cách xã hội trên các tuyến đường, phố lớn tại các quận: Tây Hồ, Ba Đình, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng… hoạt động kinh doanh đã tấp nập trở lại do nhiều cửa hàng đã mở cửa hoạt động trở lại; kéo theo đó là tâm lý chủ quan của cả người bán hàng lẫn người dân. Tại một số tuyến phố như phố Cầu Noi (quận Bắc Từ Liêm), phố Hoàng Hoa Thám (quận Ba Đình), phố Xuân Thủy (quận Cầu Giấy), phố Bảo Linh (quận Hoàn Kiếm)… các cửa hàng ăn, quán cà phê phục vụ tại chỗ đông đúc khách từ sáng sớm nhưng khách hàng ngồi san sát, quây quần nhau quanh những bộ bàn ghế nhỏ, khoảng cách an toàn không tồn tại khiến điều kiện bảo đảm an toàn trong mùa dịch không có.

Đáng lo ngại là hiện tượng bán hàng rong, kinh doanh trà đá vỉa hè tái diễn khá phổ biến tại nhiều tuyến phố. Trong ngày 27/4, theo ghi nhận, hàng rong bán hoa quả, mũ bảo hiểm, rau xanh… trên lòng đường, lề đường, vỉa hè tại đường gom Đại lộ Thăng Long đoạn qua quận Nam Từ Liêm; phố Kẻ Vẽ, Phạm Văn Đồng trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm. Tại ngõ chợ Khâm Thiên, chợ trong ngõ 59 phố Hoàng Cầu, chợ trên phố Đoàn Thị Điểm của quận Đống Đa, chợ Bách Khoa của quận Hai Bà Trưng… không bảo đảm khoảng cách an toàn. Một số người dân đi chợ còn “quên” đeo khẩu trang.

Không chủ quan với dịch bệnh

Hà Nội vẫn là địa phương có nguy cơ với dịch bệnh Covid-19 vì còn những ổ dịch chưa qua 28 ngày cách ly; mặt khác tới đây có các chuyến bay đưa người Việt Nam từ nước ngoài trở về nước nên các quy định về giãn cách xã hội cần được yêu cầu thực hiện nghiêm túc.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP Hà Nội diễn ra vào chiều 27/4, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền cho biết, TP sẽ tăng cường kiểm tra việc chấp hành của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được phép hoạt động trở lại nhằm đảm bảo các yêu cầu về phòng chống dịch; tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm không đeo khẩu trang khi ra đường; xử lý đối với các cơ sở không tuân thủ quy định; hướng dẫn người dân không tụ tập đông người ở nơi công cộng để phòng, chống dịch..

Tại các địa phương, khi được hỏi về các vi phạm diễn ra trên địa bàn, chính quyền cơ sở đều khẳng định sẽ xử lý nghiêm kết hợp với tuyên truyền, hướng dẫn các hộ kinh doanh ký cam kết đảm bảo các yêu cầu, điều kiện phòng chống dịch. Chủ tịch UBND phường Khâm Thiên Nguyễn Quý Tùng cho biết, phường duy trì các chốt trực tại các điểm tồn tại chợ tạm, tập trung đông người để tuyên truyền, kiểm tra, nhắc nhở và quyết liệt xử phạt các trường hợp vi phạm để bảo đảm kỷ cương, phòng chống dịch bệnh đạt hiệu quả cao.

Tại quận Cầu Giấy, lực lượng chức năng tập trung xử lý những hành vi lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh; đồng thời, nhắc nhở, xử lý nghiêm những trường hợp tụ tập đông người, không đeo khẩu trang… Tại phường Quan Hoa đã xử phạt gần 100 trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng từ đầu tháng 4 đến nay. Chính quyền các phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân; phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy phối hợp với tổ dân phố để sớm có biện pháp giải tỏa chợ tạm, chợ cóc tồn tại lâu ngày. Trước mắt, lực lượng chức năng tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở người dân đến mua sắm thực hiện nghiêm biện pháp phòng dịch.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Tin cùng chuyên mục

Về miền hoa Ban

Về miền hoa Ban

(PNTĐ) - Là tỉnh địa đầu Tây Bắc của Tổ quốc, Điện Biên thường được nhắc đến với vẻ đẹp hoang sơ, trùng điệp của núi non, những đỉnh đèo, biển mây, nếp nhà sàn, ruộng bậc thang, lễ hội truyền thống... Với những tiềm năng, lợi thế to lớn, Điện Biên đã và đang trở thành điểm du lịch hấp dẫn của khu vực Tây Bắc cũng như cả nước; là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.
Bài 2: Những vụ việc còn trong bóng tối

Bài 2: Những vụ việc còn trong bóng tối

(PNTĐ) - Đã có nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em mặc dù cơ quan chức năng xác định có căn cứ để khởi tố vụ án hình sự, nhưng sau đó đành phải tạm đình chỉ điều tra vì chứng cứ yếu, thiếu chứng cứ hoặc không xác định được bị can gây án. Nhiều gia đình phải ngậm đắng nuốt cay, còn bị hại phải gánh chịu hệ quả tâm lý nặng nề.
Đàn chim Lạc trở về

Đàn chim Lạc trở về

(PNTĐ) - Đã thành thông lệ vào những dịp lễ Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3), ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4 và kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5..., rất nhiều kiều bào yêu nước lại về thăm quê hương. Sau những năm tháng chiến tranh, Việt Nam giờ đây đã trở thành mảnh đất lành cho những “đàn chim Lạc” (loài chim mỏ dài  bay quanh mặt trời khắc trên trống đồng Đông Sơn) trở về cội nguồn đoàn tụ.
Nữ chiến sĩ Điện Biên năm xưa

Nữ chiến sĩ Điện Biên năm xưa

(PNTĐ) - Trong chiến dịch Ðiện Biên Phủ, phụ nữ đã đóng góp trên 2,3 triệu ngày công, góp phần quan trọng vào chiến thắng lịch sử của dân tộc. Những thiếu nữ đó đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, không một thoáng lưỡng lự, không một phút ngần ngại, đắn đo để thực hiện nghĩa vụ cao cả: Tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.