Chợ dân sinh chưa thực hiện nghiêm quy định phòng chống dịch

Chia sẻ

Hà Nội có hơn 400 chợ dân sinh cung cấp lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân Thủ đô. Tuy nhiên, đây là nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh khi nhiều chợ dân sinh vẫn còn tâm lý chủ quan, không thực hiện nghiêm quy định phòng chống dịch trong thời điểm giãn cách xã hội.

Người dân đi chợ Nghĩa Tân thực hiện nghiêm việc giãn cáchNgười dân đi chợ Nghĩa Tân thực hiện nghiêm việc giãn cách

Nhiều nỗi lo từ tâm lý chủ quan…

Thực hiện các quy định phòng chống dịch, nhất là trong giai đoạn triển khai Chỉ thị 16 của Chính phủ và Chỉ thị 05 của TP Hà Nội về giãn cách xã hội (từ ngày 1-15/4), các chợ dân sinh trên địa bàn đã có thông báo yêu cầu người bán, người mua bắt buộc đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, giữ khoảng cách 2m trong quá trình lựa chọn hàng và thanh toán để phòng chống, ngăn ngừa dịch bệnh. Thế nhưng, quy định này chưa được thực hiện nghiêm túc.

Ở cửa vào chợ đầu mối phía Nam (quận Hoàng Mai), đơn vị quản lý bố trí nhân viên khử trùng phương tiện, người dân đều đeo khẩu trang nhưng đến sáng ngày 13/4, không khí mua bán tấp nập, đông đúc khiến cả người bán lẫn người mua đều quên mất việc phải thực hiện giãn cách xã hội, giữ khoảng cách an toàn 2m để phòng chống lây lan dịch bệnh.

Tại chợ Bách Khoa (quận Hai Bà Trưng), các quầy hàng kinh doanh thịt gia súc, thuỷ hải sản, rau củ quả… bày bán san sát, người mua tập trung đông vào buổi sáng (từ 8-11h) và buổi chiều (từ 16-18h) nên chưa thực hiện các quy định về cách ly xã hội và hướng dẫn của Sở Công Thương. Ngày 13/4, tình trạng người dân đứng sát nhau quanh người bán hàng vẫn diễn ra phổ biến tại chợ. Tình trạng không thực hiện nghiêm quy định an toàn trong phòng chống dịch trên còn đang diễn ra tại nhiều chợ khác tại Hà Nội, nhất là trong 10 ngày đầu thực hiện cách ly xã hội như chợ Đồng Xa, Cầu Diễn, chợ Long Biên… 

Nhức nhối chợ tạm, chợ cóc

Tại một số quận nội thành, chợ tạm, chợ cóc vẫn tồn tại bất chấp quy định và những nỗ lực của cơ quan chức năng cùng cộng đồng trong phòng chống dịch. Sáng ngày 13/4, các chợ tạm tại đầu đường Láng (trên địa bàn phường Ngã Tư Sở, quận Thanh Xuân) chợ tạm trên phố Vương Thừa Vũ, chợ K92, phường Khương Trung (quận Thanh Xuân) vẫn hoạt động tấp nập tại khu vực cầu Mới. Mặc dù người bán, người mua đeo khẩu trang đầy đủ nhưng khách hàng có tâm lý phải tận tay chọn từng mớ rau, miếng thịt mới yên tâm nên khoảng cách an toàn 2m không được thực hiện.

Tại phố Hoàng Công Chất (quận Bắc Từ Liêm), một chợ cóc sầm uất cũng hoạt động trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội do chợ cóc này cung cấp lương thực thực phẩm cho cư dân sinh sống tại hai chung cư lớn trên địa bàn quận. 

Đến ngày 12/4, chợ tạm trên phố Dương Khuê nằm ở địa bàn giáp ranh giữa phường Mỹ Đình 2 và phường Mai Dịch (quận Nam Từ Liêm) vẫn hoạt động như bình thường. Trong những ngày đầu thực hiện cách ly xã hội, lực lượng chức năng có mặt nhưng do thiếu phối hợp giữa hai địa bàn nên chợ vẫn ngang nhiên hoạt động. 

Chính quyền xử phạt nghiêm, dân mới thực hiện nghiêm túc

Trong khi đại diện nhiều chợ dân sinh kêu khó do hạ tầng chợ xuống cấp, diện tích chật hẹp… thì tại một số địa phương ở Hà Nội, chính quyền cơ sở đã nỗ lực vào cuộc quyết liệt để thực hiện nghiêm túc quy định. Tại chợ dân sinh ở phố Tạm Thương, phường Hàng Gai (quận Hoàn Kiếm), ở cả 3 đường vào chợ đều được bố trí lực lượng đo thân nhiệt người mua, người bán; nhắc nhở việc sử dụng nước sát khuẩn tay. Do chợ chật hẹp nên người dân không đi xe máy vào chợ; UBND phường kẻ vạch sơn trong khu vực bán hàng, yêu cầu khách hàng đứng sau vạch sơn để mua hàng nên giữa người bán – người mua có khoảng cách tối thiểu. Tại chợ Ngọc Hà, phường Đội Cấn (quận Ba Đình), ngay từ khi thực hiện cách ly xã hội, giữa người bán - người mua tại chợ đã có khoảng cách tối thiểu theo đúng quy định của Chính phủ nhờ vào những tấm… rào chắn ngay trên khu vực vỉa hè.

Tại chợ Nghĩa Tân, phường Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy), theo Phó Chủ tịch UBND phường Lê Văn Thảo, 85 tiểu thương thuộc 5 ngành hàng tại chợ đã ký cam kết bảo đảm an toàn trong phòng chống dịch; ban quản lý được yêu cầu kẻ vạch quy định khoảng cách an toàn khi mua hàng; bố trí cán bộ đo thân nhiệt, yêu cầu tất cả khách hàng rửa tay sát khuẩn trước khi vào chợ.

Ghi nhận trong những ngày gần đây tại các chợ dân sinh và chợ tạm trên địa bàn TP cho thấy, chỉ khi chính quyền cơ sở vào cuộc thực sự mạnh mẽ, quyết liệt thì việc thực thi các quy định về giãn cách xã hội, tránh tụ tập đông người và giữ khoảng cách tối thiểu giữa người với người mới thực sự đạt hiệu quả.

Nhóm PV

Tin cùng chuyên mục

Điện Biên - địa chỉ đỏ dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5

Điện Biên - địa chỉ đỏ dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5

(PNTĐ) - Trong không khí nhộn nhịp của Năm Du lịch quốc gia - Điện Biên 2024 và các hoạt động chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, mảnh đất Điện Biên anh hùng là địa chỉ đỏ không thể bỏ lỡ trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5. Đến Điện Biên dịp này, du khách hòa mình vào không khí đặc biệt trong những ngày tháng lịch sử.
Nhiều hoạt động thiết thực hướng về Điện Biên Phủ anh hùng

Nhiều hoạt động thiết thực hướng về Điện Biên Phủ anh hùng

(PNTĐ) - Thực hiện Kế hoạch số 84/KH-BCA-X03 ngày 26/02/2024 của Bộ Công an về tổ chức phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc”, thiết thực chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024) Đoàn công tác của Cụm Thi đua số 2 – Bộ Công an gồm 05 đơn vị do đồng chí Thiếu tướng Phạm Đăng Khoa, Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh làm Trưởng đoàn đã tổ chức các hoạt động sinh hoạt chính trị, dân vận, tuyên truyền phổ biến pháp luật tại tỉnh Điện Biên.