"Chữa bệnh" vào viên chức rồi... dậm chân tại chỗ

Chia sẻ

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức có hiệu lực từ 1/7/2020 quy định không còn chế độ hợp đồng không xác định thời hạn đối với viên chức. Quy định mới này được đánh giá là bước tiến trong sử dụng và quản lý lao động, góp phần xóa bỏ tư tưởng vào viên chức là… “dậm chân tại chỗ” của một bộ phận viên chức.

Từ 1/7/2020, nhiều thay đổi sẽ tác động trực tiếp đến công chức, viên chứcTừ 1/7/2020, nhiều thay đổi sẽ tác động trực tiếp đến công chức, viên chức (Ảnh: Int)

Trước đây, theo quy định của Luật Viên chức 2010, sau khi viên chức thực hiện xong hợp đồng xác định thời hạn sẽ được ký hợp đồng không xác định thời hạn (nhiều người gọi là “biên chế suốt đời”). Nay, theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, những người được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập từ ngày 1/7/2020 đều ký hợp đồng làm việc xác định thời hạn. Thời gian ký hợp đồng từ đủ 12 tháng đến tối đa 60 tháng, nhiều hơn so với thời gian tối đa trong quy định cũ là 24 tháng. Đây là khoảng thời gian tương đối dài để viên chức chứng tỏ năng lực và cũng bảo đảm sự ổn định tương đối cho viên chức.

Với quy định này, từ nay, hợp đồng làm việc không xác định thời hạn chỉ còn được áp dụng với 3 trường hợp là viên chức được tuyển dụng trước ngày 1/7/2020; Cán bộ, công chức chuyển thành viên chức và người được tuyển dụng làm viên chức làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Bước tiến mới trong quản lý và sử dụng lao động

Cách đây hơn 1 năm, khi Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức chuẩn bị được trình Quốc hội khóa XIV, Kỳ họp thứ 8, thầy giáo Vật lý Phạm Trường Nghiêm, sinh năm 1978, giáo viên trường THPT Nguyễn Tất Thành đã chia sẻ với báo Phụ nữ Thủ đô về sự đồng tình với quy định “xóa chế độ biên chế suốt đời”. Sự đồng tình này đến từ chính trải nghiệm của “người trong cuộc”. Nhiều năm trước, thầy Nghiêm từng là viên chức tại một trường đại học ở Hà Nội. Thế rồi, khi cảm thấy mình bắt đầu có dấu hiệu “chững lại”, thầy Nghiêm đã quyết định xin ra khỏi biên chế để ra ngoài dạy học trước sự ngạc nhiên của nhiều người. “Ra khỏi biên chế, tôi tự tạo cả áp lực và động lực cho mình. Bởi, nếu tôi không phấn đấu, luôn có ý thức nâng cao trình độ thì sẽ bị trường chấm dứt hợp đồng lao động”.

Bộ Luật Lao động 2019 sửa đổi, được áp dụng ngày 1/1/2021 có 11 điểm mới cơ bản gồm: Mở rộng đối tượng điều chỉnh cả với người lao động không có hợp đồng lao động, độ bao phủ rộng lớn; tăng cường sự linh hoạt trong chấm dứt, giao kết hợp đồng lao động; tăng cường tự chủ của các bên trong quan hệ lao động; có sự linh hoạt hơn về thời giờ làm việc nghỉ ngơi, bổ sung thêm một ngày nghỉ trong năm; bảo vệ lao động nữ trên cơ sở bình đẳng giới; tăng cường sự bảo vệ các nhóm lao động đặc thù (chưa thành niên, cao tuổi, phụ nữ, khuyết tật); điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình; quy định tổ chức của người lao động không thuộc hệ thống công đoàn Việt Nam; hoàn thiện quy định về cơ chế đối thoại tại doanh nghiệp; quy định về thương lượng tập thể; và thay đổi về quy định giải quyết tranh chấp lao động.

Hiện nay, thu nhập của thầy Nghiêm cao gấp 2-3 lần so với thời điểm còn ở trong biên chế. Thầy cũng hài lòng với môi trường làm việc chuyên nghiệp, minh bạch về quyền lợi và nghĩa vụ. Theo thầy Nghiêm, chỉ cần người lao động tự tin, có năng lực, cầu thị, ham học hỏi thì sẽ không lo thiếu việc làm. “Mọi việc với tôi bây giờ không chỉ ổn mà còn rất ổn. Việc ở trong hay ngoài biên chế không ảnh hưởng tới sự phát triển sự nghiệp của tôi”, thầy Nghiêm chia sẻ.

Ths Nguyễn Văn Hà - Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết: Thực ra Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức trước đây và Luật sửa đổi hiện hành không có bất kì điều nào quy định chế độ “biên chế suốt đời”. Lý do là viên chức khi đến tuổi nghỉ hưu thì công việc, biên chế cũng kết thúc. Theo quy định của Luật, viên chức thực hiện nhiệm vụ được Nhà nước phân công trên cơ sở hợp đồng lao động. Hợp đồng có 2 loại là xác định thời hạn và không xác định thời hạn. Trong đó, trước khi được ký hợp đồng không xác định thời hạn, các viên chức đều phải trải qua giai đoạn thử việc và hợp đồng xác định thời hạn. Trong quá trình làm việc mà công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ được phân công, không chấp hành quy định sẽ bị xử lý theo quy định của Luật Lao động và dựa trên cơ sở của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức. Như vậy, có thể thấy, dù là Luật “cũ” hay “mới” đều yêu cầu viên chức trong quá trình làm việc tại các cơ quan Nhà nước phải có sự vận động, cố gắng trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao nếu không sẽ bị thải loại.

Tuy nhiên, trên thực tế, rất ít trường hợp người lao động đã vào viên chức mà bị loại ra, trừ khi phạm lỗi nghiêm trọng. Cũng vì thế nên nhiều người sau khi đã vào được viên chức thì tâm lý “an bài” vì nghĩ mình đã “chắc chân” suốt đời. Khái niệm “biên chế suốt đời” được hiểu nôm na theo nghĩa đó.

Sau Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, người lao động sẽ chịu tác động bởi Bộ luật Lao động 2019 sửa đổi áp dụng ngày 1/1/2021.Sau Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, người lao động sẽ chịu tác động bởi Bộ luật Lao động 2019 sửa đổi áp dụng ngày 1/1/2021.

Ông Nguyễn Quốc Bình, nguyên Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức cũng cho rằng, về tâm lý, người lao động nào cũng muốn duy trì chế độ “biên chế suốt đời”. Nhưng, nếu cứ duy trì chế độ này thì lại “dung túng” cho một bộ phận viên chức ỷ lại, không nỗ lực phấn đấu trong công việc. Viên chức chỉ cần “hoàn thành nhiệm vụ”, không cần “làm tốt nhiệm vụ” mà cuối tháng vẫn được nhận lương, 3 năm lên lương một lần.

Đó cũng là lý do theo nhiều chuyên gia, bỏ chế độ hợp đồng không xác định thời hạn sẽ có tác động tích cực đến người lao động và cả với người sử dụng lao động. Khi mỗi người lao động nỗ lực cải tiến chất lượng công việc thì cơ quan, doanh nghiệp… sẽ phát triển.

Cần sự minh bạch, khách quan trong thực thi

Theo thầy Đào Tuấn Đạt, giảng viên Vật lý đại cương, Đại học Bách Khoa Hà Nội, khái niệm “biên chế” chỉ tồn tại ở các đơn vị sự nghiệp công lập. Tại nhiều đơn vị ngoài công lập… không có khái niệm “biên chế” hay người lao động “chỉ vào không ra” nhưng vẫn hoạt động rất tốt. Người lao động được trả lương theo năng lực, ai không làm được việc là bị chấm dứt hợp đồng. Tương tự, ở trong cơ quan Nhà nước, viên chức trong diện biên chế cứ định kỳ lên lương, hưởng lương theo hệ số theo quy định, nhưng ở môi trường ngoài công lập, người lao động có thể đàm phán với chủ sử dụng lao động về các chế độ, quyền lợi của mình thay vì phải đợi “đến hẹn mới lên”. Vì thế, thầy Đạt cho rằng, cơ chế làm việc “không biên chế” có những ưu điểm riêng, quan trọng là vận dụng ra sao để người lao động an tâm cống hiến, phát huy năng lực.

“Bỏ biên chế suốt đời” thực hiện từ ngày 1/7/2020“Bỏ biên chế suốt đời” thực hiện từ ngày 1/7/2020. 

Đứng từ góc độ của một người lao động, bà Phạm Thị Hồng Phượng, Giảng viên trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội bày tỏ: Khi áp dụng quy định mới, viên chức cần được ký lại hợp đồng khi hợp đồng có xác định thời hạn hết hạn. Vậy, trong trường hợp viên chức không “được lòng” lãnh đạo thì có bị gây khó khăn khi ký lại hợp đồng không? Liệu lãnh đạo có trở thành người có “quyền sinh quyền sát” quyết định “số phận” của viên chức không?

Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Minh, sinh viên Học viện Hành chính Quốc gia thì băn khoăn: Tôi sẽ là đối tượng điều chỉnh của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Tới đây, nếu tôi được tuyển dụng vào một đơn vị sự nghiệp công lập. Trong cơ quan tôi có thể tồn tại hai loại hình lao động là biên chế và hợp đồng xác định thời hạn. Vậy, hai loại viên chức này nếu đảm đương cùng một vị trí việc làm thì có được đánh giá iống nhau không? Viên chức hợp đồng có thời hạn nếu làm tốt thì có được ký tiếp hợp đồng nữa không? Liệu có tình trạng nào “lách luật” để trở thành viên chức trong diện được ký hợp đồng không xác định thời hạn không?

Trả lời những băn khoăn trên của người lao động, ông Ngô Văn Tuyến, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hà Nội cho biết, việc bỏ chế độ viên chức suốt đời là một chủ trương đúng đắn, cần áp dụng để nâng cao năng lực, phát huy sức sáng tạo của người lao động. Tuy nhiên, để tránh tình trạng “yêu ghét” hay trao quyền “sinh sát” cho chủ sử dụng lao động trong việc quyết định có ký hợp đồng với người lao động hay không rất cần có bộ tiêu chí đánh giá năng lực người lao động. “Bộ tiêu chí cần phải khách quan để đánh giá năng lực của tất cả người lao động dù đang ký hợp đồng lao động nào, người nào làm được việc, người nào không đạt tiêu chuẩn chứ không thể dựa vào ý kiến cá nhân chủ quan của mỗi lãnh đạo. Khi người lao động hết thời hạn hợp đồng, căn cứ vào vị trí việc làm, yêu cầu của cơ quan sử dụng người lao động, căn cứ vào bộ tiêu chí đánh giá năng lực để người đứng đầu cơ quan có ký tiếp lao động đối với người lao động nữa hay không”.

Bên cạnh đó, để tránh tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức đã quy định khi hợp đồng làm việc xác định của viên chức hết thời hạn: “Nếu đơn vị sự nghiệp công lập còn nhu cầu, viên chức đáp ứng đầy đủ điều kiện thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập phải ký tiếp hợp đồng làm việc; Nếu không ký tiếp thì phải nêu rõ lý do bằng văn bản” – ông Tuyến nói.

Để không để xảy ra tình trạng lách luật, đi đường vòng để “vào viên chức”, ông Tuyến đề xuất: “Hiện nay, theo quy định, cán bộ, viên chức tại vùng đặc biệt khó khăn thì vẫn được ký hợp đồng không xác định thời hạn. Đây là quy định đúng vì với những khu vực đặc biệt khó khăn cần động viên, khuyến khích người lao động đến làm việc, cống hiến. Tuy nhiên, chỉ nên giữ biên chế suốt đời đối với viên chức gắn bó ở vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, nếu họ về miền xuôi công tác thì sẽ mất chế độ này. Có như vậy để tránh nguy cơ lợi dụng chính sách, xung phong lên vùng đặc biệt khó khăn để vào được biên chế sau đó lại xin chuyển công tác xuống vùng thuận lợi”.

Hết “biên chế suốt đời”: Cơ quan Nhà nước sẽ khó hút người tài?

Có ý kiến cho rằng, lâu nay, người lao động mong muốn “đầu quân” làm việc tại cơ quan Nhà nước vì tư duy vào Nhà nước sẽ ổn định, cơ hội bị thất nghiệp ít hơn so với khu vực ngoài công lập. Vì thế, nếu không còn chế độ “biên chế suốt đời” thì các đơn vị sự nghiệp công lập sẽ mất đi lợi thế và khó thu hút người giỏi vào làm việc.

Tuy nhiên, theo ông Ngô Văn Tuyến, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hà Nội, hiện nay theo chương trình cải cách tiền lương của Chính phủ, năm 2021 các hệ thống thang bậc lương sẽ có sự thay đổi theo vị trí việc làm, làm việc nào, hưởng theo công việc, nhiệm vụ đó. Đề án cải cách tiền lương đang được thực hiện hướng tới sự công bằng, trả lương đúng theo vị trí, chức trách, đóng góp của người lao động. Nhà nước sẽ xây dựng các khung tiền lương với cam kết là không thấp hơn mức lương cũ nên thu nhập của công chức, viên chức sẽ không ảnh hưởng, thậm chí được tăng lên. Đây chính là “ưu điểm” có thể tạo ra sức hút với người lao động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Còn theo ông Nguyễn Tư Long, Phó vụ trưởng Công chức, Viên chức, Bộ Nội vụ, hiện nay, các đơn vị sự nghiệp công lập được khuyến khích tự chủ về tài chính nên sẽ có nhiều chính sách, điều kiện để thu hút người giỏi, người tài.

Một số ý kiến cũng cho rằng, mỗi môi trường làm việc đều có đặc điểm riêng. Nếu môi trường làm việc minh bạch, chuyên nghiệp, chắc chắn, vẫn sẽ có nhiều người chọn làm việc các cơ quan Nhà nước, dù không còn chế độ “biên chế suốt đời”.

HOÀNG LAN - PHẠM HẰNG

Tin cùng chuyên mục

Tổ chức 18 lớp truyền thông về Chăm sóc sức khỏe sinh sản - Kế hoạch hóa gia đình

Tổ chức 18 lớp truyền thông về Chăm sóc sức khỏe sinh sản - Kế hoạch hóa gia đình

(PNTĐ) - Trong Quý I/2024, Trung tâm y tế huyện Mê Linh phối hợp với Ban chỉ đạo dân số và phát triển tại 18 xã, thị trấn huyện Mê Linh, thực hiện 18 lớp truyền thông về Chăm sóc sức khỏe sinh sản - Kế hoạch hóa gia đình, lồng ghép truyền thông về các hoạt động xã hội hóa công tác dân số.
Liên tiếp tình trạng mạo danh người của bảo hiểm xã hội nhằm lừa đảo người dân

Liên tiếp tình trạng mạo danh người của bảo hiểm xã hội nhằm lừa đảo người dân

(PNTĐ) - Một người tự xưng là cán bộ của Kho bạc Nhà nước quận Cầu giấy. Người này thông báo với bà T. rằng, bà là một trong số ít những người may mắn nhận được phần quà trị giá 20 triệu đồng tiền mặt do đã tham gia BHYT lâu năm. Tuy nhiên, muốn nhận được phần quà trên, bà T. phải trả một khoản chi phí trị giá 1,1 triệu đồng và sẽ được tặng thêm 2 hộp sữa trị giá 900.000 đồng.
Tại sao ngày 29/4 là cao điểm nắng nóng ở miền Bắc, thời tiết Hà Nội ra sao?

Tại sao ngày 29/4 là cao điểm nắng nóng ở miền Bắc, thời tiết Hà Nội ra sao?

(PNTĐ) - Ngày 29/4 được dự báo là ngày nóng cao điểm ở miền Bắc nước ta trong đợt nắng nóng đúng dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 này. Dự báo thời tiết ngày 28/4, các vùng trên cả nước bước vào ngày nắng nóng cao điểm nhất đợt; trong đó miền Trung nhiều nơi vượt 42 độ. Thủ đô Hà Nội cũng có mức nhiệt cao nhất quanh ngưỡng 39 độ.
Nghỉ lễ 30/4-1/5, địa điểm vui chơi tại Hà Nội có gì?

Nghỉ lễ 30/4-1/5, địa điểm vui chơi tại Hà Nội có gì?

(PNTĐ) - Dịp lễ 30/4, 1/5 năm nay, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được nghỉ 5 ngày. Dưới đây là một số gợi ý về địa điểm vui chơi 30/4-1/5 tại Hà Nội mà bạn có thể tham khảo để có một kỳ nghỉ lễ vui vẻ, ý nghĩa bên gia đình và bạn bè.