Chuẩn hóa thông tin để xóa vấn nạn sim rác

Mai Thư - Nguyễn Nga
Chia sẻ

(PNTĐ) -Muôn kiểu cuộc gọi lừa đảo, tiếp thị, quảng cáo, đòi nợ người không liên quan... hòng chiếm đoạt tài sản liên tục xảy ra mà vẫn có nhiều người bị “sập bẫy” bởi những chiêu thức rất tinh vi từ những chiếc sim rác. Lực lượng chức năng đang nỗ lực đưa ra những giải pháp để xóa vấn nạn sim rác đang “tiếp tay” cho các thủ phạm lừa đảo.

Chuẩn hóa thông tin để xóa vấn nạn sim rác - ảnh 1
Một cửa hàng bán sim ở đường Triều Khúc, xã Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội.
Ảnh: V.Nga

Theo thống kê, 3 tháng đầu năm 2023, tình trạng lừa đảo từ cuộc gọi rác, tin nhắn rác bùng phát. Điển hình nhất những ngày gần đây, trên địa bàn Hà Nội cũng như nhiều tỉnh, thành phố trong nước đang rộ lên chiêu trò lừa đảo giả danh giáo viên, nhân viên y tế gọi điện cho phụ huynh thông báo con gặp nạn đang đi cấp cứu, phải chuyển tiền gấp để làm thủ tục nhập viện khiến nhiều người bị mất số tiền lớn. 

Các chuyên gia an toàn thông tin cho rằng, một trong những lý do dẫn đến tình trạng này chính là sim không chính chủ hay còn gọi là “sim rác” đã tạo điều kiện cho kẻ xấu thực hiện hành vi phạm tội khó bị phát hiện. Thực trạng này đặt ra yêu cầu cấp bách về việc quản lý thuê bao di động. 

Thực tế cho thấy, mua bán sim rác diễn ra tràn lan cùng với việc đăng ký mở tài khoản cá nhân tại ngân hàng dễ dàng như hiện nay đã tạo kẽ hở cho các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân. Hơn nữa, trong sự phát triển của thương mại điện tử, người mua hàng chỉ cần nhấp chuột và gõ bàn phím là có thể mua được bao nhiêu sim cũng được, tùy vào mức độ của số đẹp đến đâu thì số tiền cao đến đấy. Theo chị Lê Linh (đường Lê Trọng Tấn, quận Hà Đông), sim "rác", hay sim không đăng ký thông tin chính chủ, mua về sử dụng rất tiện, nên nhiều người thường tìm mua để đáp ứng nhu cầu của mình. Anh Quyền, chủ một cửa hàng bán sim điện thoại trên đường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm tiết lộ: Sim rác được bán ở khắp các nhà mạng như: Viettel, MobiFone, Vietnamobile... với giá rẻ và số lượng lớn.

Chỉ cần bỏ ra 10.000 đồng đến vài trăm nghìn cũng có thể mua được sim đã được kích hoạt sẵn. Trên không gian mạng cũng rất đa dạng các hình thức bán sim không chính chủ, còn công khai bán số lượng sim “khủng” đáp ứng nhu cầu người dùng, giá bán còn rẻ hơn so với bán trực tiếp. Đáng chú ý là việc mua bán không cần phải có giấy tờ tùy thân để đăng ký với nhà mạng như quy định, có lẽ vì vậy mà sim rác thu hút lượt lớn người mua dùng.

Ngày 17/3, trong vai người đang có nhu cầu sử dụng sim, phóng viên Báo Phụ nữ Thủ đô đến một cửa hàng bán sim điện thoại trên đường Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, chị Đào Hương, người bán hàng cho hay, sim phải được đăng ký bằng số căn cước công dân (CCCD), mỗi CCCD được đăng ký 3 sim cùng mạng. Khi được hỏi về việc mua sim không cần CCCD, chị Hương khẳng định, ở đây không bán nếu không cung cấp CCCD, và các cơ quan chức năng sẽ kiểm tra.

Chia sẻ về việc mua sim không cần CCCD, anh N.V.V ở Quang Trung (Hà Đông, Hà Nội) cho hay: Do nhu cầu công việc cần sử dụng nhiều sim, tôi mua trên các nền tảng mạng xã hội, thương mại điện tử như Shopee, Lazada… rất dễ dàng, vừa không cần CCCD, vừa giá rẻ, ví như sim Vietnamobile chỉ có giá 15.000 đồng/sim, còn các mạng Viettel, Mobi, Vina có giá 40.000-60.000 đồng/sim, mua không giới hạn số lượng.

Theo quy định, ngày 31/3 là thời hạn chót để những thuê bao di động có thông tin cá nhân chưa trùng khớp với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phải thực hiện chuẩn hóa. Sau thời gian này, trường hợp không chuẩn hóa thông tin sẽ bị khóa thuê bao. Theo ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) từ ngày 15/3, những thuê bao chưa trùng khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ nhận được tin nhắn thông báo từ nhà mạng.

Việc nhắn tin sẽ thực hiện trong ít nhất năm ngày, mỗi ngày ít nhất một lần, nhằm yêu cầu cá nhân, tổ chức thực hiện lại việc giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung với nhà cung cấp dịch vụ viễn thông nhằm chuẩn hóa thông tin. Hiện số lượng thuê bao chưa chuẩn hóa thông tin, nhà mạng Viettel còn khoảng 1,3 triệu thuê bao, VinaPhone còn 1,1 triệu thuê bao, MobiFone còn hơn 1 triệu thuê bao. Các doanh nghiệp viễn thông di động đang triển khai nhiều biện pháp kết nối dữ liệu thông tin thuê bao với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và phát hiện còn nhiều trường hợp thuê bao có thông tin chưa trùng khớp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Ông Nguyễn Phong Nhã khuyến cáo người dùng hợp tác với cơ quan quản lý và các nhà mạng để đảm bảo quyền lợi. Theo đó, khi nhận được tin nhắn hay cuộc gọi từ nhà mạng về việc cần chuẩn hóa thông tin cá nhân thì người dùng nên thực hiện ngay trước ngày 31/3 để không bị rơi vào tình trạng khóa thuê bao. Để nhanh chóng chuẩn hóa thông tin, và tránh các bẫy lừa đảo để chiếm đoạt thông tin cá nhân, số thuê bao đẹp hay các mục đích khác, người dùng cần lưu ý các nhà mạng sẽ gửi tin nhắn chính thức, đích danh đến thuê bao và chuẩn hóa đúng theo hướng dẫn của từng nhà mạng.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Xả thân để “đất nước nở hoa độc lập”

Xả thân để “đất nước nở hoa độc lập”

(PNTĐ) - Trong những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi đến thăm Thượng tá, cựu chiến binh Đinh Văn Chiến, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội - người đã từng tham gia chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ngày 30/4/1975. Đã 49 năm trôi qua, nhưng những ký ức hào hùng của một giai đoạn lịch sử vẫn còn mãi trong người chiến sĩ thương binh bộ đội Cụ Hồ anh dũng, quả cảm.