Chung tay chia sẻ, hỗ trợ và bảo vệ người di cư

Chia sẻ

(PNTĐ) - Giai đoạn 2014-2022, đã có khoảng 50.000 người di cư thiệt mạng trên hành trình tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn. Đối với Việt Nam, có khoảng 5,3 triệu người di cư và sinh sống tại nước ngoài. Trong quá trình di cư, người di cư cũng đối diện với nhiều khó khăn, thách thức.

Ngày 9/12/2023, Cục Dân số Kế hoạch hoá gia đình, Bộ Y tế, Nhóm kỹ thuật sức khoẻ người di cư Việt Nam phối hợp với Tổ chức Di cư quốc tế tại Việt Nam (IOM) tổ chức Lễ Kỷ niệm Ngày quốc tế người di cư.

Năm 2000, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết lấy ngày 18/12 hàng năm là Ngày Quốc tế Người Di cư nhằm ghi nhận những đóng góp của người di cư cho cộng đồng và kêu gọi các bên liên quan cùng nhau hỗ trợ, bảo vệ các quyền cơ bản của người di cư.

Di cư là xu thế tất yếu

Di cư là một sự tất yếu và là động lực của phát triển kinh tế-xã hội của mỗi quốc gia, khu vực trên thế giới. Người di cư có những đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của quốc gia sở tại và quốc gia đi, tăng cường sự giao thoa văn hóa, trao đổi khoa học kỹ thuật, công nghệ, sự hiểu biết, kết đoàn giữa nơi di và nơi đến.

Chung tay chia sẻ, hỗ trợ và bảo vệ người di cư - ảnh 1
 Các chương trình nghệ thuật đặc sắc chào mừng Ngày Quốc tế Người di cư do các nghệ sĩ Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam biểu diễn.

Tuy nhiên, trong quá trình di cư, người di cư cũng đối diện với nhiều khó khăn, thách thức trong việc tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ xã hội. Người di cư là nhóm dân số dễ bị tổn thương, đặc biệt là trong tình huống y tế công cộng khẩn cấp hay những tác động từ biến đổi khí hậu hiện nay.

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, bà Park Mihyung, Trưởng Phái đoàn Tổ chức Di cư quốc tế tại Việt Nam nhấn mạnh: Hiện nay, có khoảng 5,3 triệu người dân Việt Nam di cư và sinh sống tại nước ngoài. Tuy nhiên, con số thực tế có thể còn cao hơn như thế. Người dân di cư vì nhiều lý do, nhưng họ đều có một mục đích, đó là phấn đấu đến một tương lai tươi sáng hơn.  

Chung tay chia sẻ, hỗ trợ và bảo vệ người di cư - ảnh 2
Bà Park Mihyung, Trưởng Phái đoàn Tổ chức Di cư quốc tế tại Việt Nam phát biểu

“Chúng ta cần có nhiều hơn nữa các hoạt động đối thoại và tham vấn giữa Chính phủ, các tổ chức quốc tế, lĩnh vực công nghệ, các doanh nghiệp, tổ chức xã hội và cơ quan thực thi pháp luật để cùng chung tay đảm bảo người di cư có thể tận dụng hết khả năng của họ. IOM rất vinh dự được hợp tác chặt chẽ với nhiều cơ quan Chính phủ Việt Nam và các tổ chức quốc tế để giải quyết các thách thức mà người lao động di cư yếu thế phải đối mặt” - bà Park Mihyung nói.

Bà Phan Thị Minh Giang - Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao cho biết: Theo Liên hợp quốc, giai đoạn 2014-2022 đã có khoảng 50.000 người di cư thiệt mạng trên hành trình di cư kiếm tìm một cuộc sống tốt đẹp hơn. Thực tế đó đặt ra yêu cầu cấp thiết là phải tăng cường hơn nữa các giải pháp hiệu quả để ngăn ngừa tình trạng di cư qua các kênh không chính thức, hoạt động đưa người di cư trái phép, mua bán người, để di cư thực sự là lựa chọn, chứ không phải là sự cần thiết, để mỗi người di cư trên hành trình di cư an toàn và hợp pháp của mình có thể phát huy vai trò động lực đối với phát triển bền vững.

Tăng cường quản lý, thúc đẩy di cư hợp pháp, an toàn

Bà Phan Thị Minh Giang nhấn mạnh, nhận thức được vai trò của di cư và người di cư đối với sự phát triển của đất nước, Việt Nam đã nỗ lực xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật nhằm tăng cường quản lý di cư, thúc đẩy di cư hợp pháp, an toàn và trật tự, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người di cư. Đặc biệt là, Việt Nam đã và đang triển khai hiệu quả các cam kết quốc tế, trong đó có Thỏa thuận toàn cầu về Di cư hợp pháp, an toàn và trật tự của Liên hợp quốc (gọi tắt là Thỏa thuận GCM).

Chung tay chia sẻ, hỗ trợ và bảo vệ người di cư - ảnh 3
Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao Phan Thị Minh Giang phát biểu tại buổi lễ

Đến nay, nước ta đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, đáng chú ý là trong công tác thu thập thông tin, dữ liệu về di cư của công dân Việt Nam di cư ra nước ngoài và người nước ngoài vào Việt Nam, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật và hợp tác quốc tế trong triển khai Thỏa thuận GCM. Nhiều sáng kiến quan trọng được thực hiện, trong đó có sáng kiến lập Nhóm sức khỏe kỹ thuật người di cư, xây dựng và phát hành Sổ tay sức khỏe người di cư cho người lao động ta tại Nhật Ban và Hàn Quốc do Bộ Y tế, trực tiếp là Cục Dân số thực hiện.

"Hướng tới Ngày Quốc tế Người di cư 18/12, tôi cho rằng đây là một dịp để chúng ta cùng dừng lại, nghĩ về những thách thức và khó khăn mà mỗi một người di cư phải đối mặt trên hành trình di cư, những rủi ro, hiểm nguy của di cư thiếu an toàn" - bà Minh Giang nói.

Bà Hoàng Thị Thơm, Phó Cục trưởng Cục Dân số, Bộ Y tế cho biết: Việt Nam hiện có quy mô dân số hơn 100 triệu người, đứng thứ 15 thế giới, thứ 8 châu Á và thứ 3 cộng đồng ASEAN. Việt Nam đang ở thời kỳ cơ cấu dân số vàng với 67,6 triệu người trong độ tuổi lao động.

Chung tay chia sẻ, hỗ trợ và bảo vệ người di cư - ảnh 4
Bà Hoàng Thị Thơm, Phó Cục trưởng Cục Dân số, Bộ Y tế cho biết: Với quy mô dân số hơn 100 triệu người, Việt Nam là một thị trường lớn hấp dẫn bất cứ nhà đầu tư nước ngoài nào.

Quy mô dân số lớn cùng với vị trí đắc địa, môi trường chính trị ổn định, dân số trong độ tuổi lao động lớn, người Việt Nam cần cù, chịu khó, ham học hỏi... đã tác động đến các dòng di cư tại Việt Nam cũng như dòng di cư đi và đến Việt Nam. Việt Nam cũng là nước xuất cư trên bản đồ di cư quốc tế. Người di cư Việt Nam đã và đang đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng cộng đồng văn hóa của nước sở tại cũng như những đóng góp tích cực vào vào việc tăng trưởng kinh tế, phát triển đất nước ta.

Thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TƯ ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác dân số trong tình hình mới, Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030, Việt Nam đã tham gia Thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành kế hoạch triển khai thỏa thuận đó. Bộ Y tế cũng đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

“Chúng ta có mặt tại đây hôm nay nhằm hưởng ứng lời kêu gọi của Liên hợp quốc, ghi nhận những đóng góp vô cùng quan trọng của người di cư. Từ đó, cùng nhau chung tay chia sẻ, hỗ trợ và bảo vệ người di cư, vì những hành trình khỏe mạnh, an toàn, vì hạnh phúc của mỗi người di cư, của gia đình họ và của cả cộng đồng”, bà Hoàng Thị Thơm nhấn mạnh.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Vụ bác sĩ sát hại người tình rồi phân xác ở Đồng Nai: Đề nghị truy tố 3 tội danh

Vụ bác sĩ sát hại người tình rồi phân xác ở Đồng Nai: Đề nghị truy tố 3 tội danh

(PNTĐ) - Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai vừa ban hành kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp, đề nghị truy tố bác sĩ Danh Sơn (36 tuổi, trú tại huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) về 3 tội danh: Giết người, Cướp tài sản và Tàng trữ, vận chuyển trái phép vũ khí quân dụng.
Đảm bảo quyền lợi BHXH, BHYT cho các nạn nhân vụ cháy quán cà phê trên đường Phạm Văn Đồng

Đảm bảo quyền lợi BHXH, BHYT cho các nạn nhân vụ cháy quán cà phê trên đường Phạm Văn Đồng

(PNTĐ) - BHXH TP.Hà Nội đã khẩn trương, tập trung phối hợp với cơ sở KCB tạo mọi điều kiện, đảm bảo đầy đủ, kịp thời thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật… để hỗ trợ, chăm sóc, điều trị tốt nhất cho bệnh nhân bị thương trong vụ hỏa hoạn tại quán cà phê trên đường Phạm Văn Đồng (quận Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội) vào tối 18/12/2024.
Khuyến cáo người dân cảnh giác không tham gia đầu tư, mua bán trên các sàn giao dịch tiền ảo

Khuyến cáo người dân cảnh giác không tham gia đầu tư, mua bán trên các sàn giao dịch tiền ảo

(PNTĐ) - Việc đầu tư vào các website, ứng dụng, sàn giao dịch tiền ảo tiềm ẩn nhiều nguy cơ do tiền ảo chưa được pháp luật Việt Nam công nhận. Do đó, để phòng tránh lừa đảo, người dân cần cảnh giác không tham gia đầu tư, mua bán trên các sàn giao dịch tiền ảo, tiền kỹ thuật số, website, ứng dụng đầu tư tiền ảo, đặc biệt là các sàn quảng cáo, hứa hẹn lợi nhuận cao hoặc cơ hội đầu tư hấp dẫn.