Chung tay gỡ khó để công nhân được ở nhà giá rẻ
(PNTĐ) -Nhà ở - luôn là vấn đề đặc biệt quan trọng để công nhân an cư. Hiện có 80-90% người lao động vẫn phải thuê trọ trong điều kiện sống thiếu thốn, không đảm bảo tái tạo sức khỏe và sinh hoạt lâu dài. Vì vậy, giải pháp hỗ trợ công nhân có nhà ở được cho là cấp bách, cần sự chung tay của toàn xã hội.

Hiện nay, cả nước có 3,78 triệu công nhân lao động trực tiếp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, trong đó 1,8 triệu lao động có nhu cầu về nhà ở. Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, kết quả phát triển nhà ở xã hội cho công nhân chưa đáp ứng được nhu cầu, hiện đã hoàn thành đầu tư xây dựng 126 dự án, quy mô xây dựng khoảng 62.700 căn hộ, tổng diện tích 3.135.000m2, mới đáp ứng được gần 30% nhu cầu của công nhân lao động. Hiện có 127 dự án đang tiếp tục triển khai với quy mô xây dựng khoảng 160.900 căn hộ, tổng diện tích 8.045.000m2.
Trong khi mục tiêu về quỹ đất cho nhà ở xã hội và số lượng căn hộ nhà ở xã hội được xây dựng đều chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của người lao động. Kết quả phát triển nhà ở xã hội thời gian qua chưa đạt yêu cầu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Quỹ đất dành cho phát triển nhà ở xã hội trong giai đoạn vừa qua còn thiếu rất nhiều.
Chỉ tính riêng Hà Nội, có tổng số gần 170.000 công nhân nhưng trên thực tế mới đáp ứng được gần 22.000 chỗ ở (chiếm gần 13%), như vậy, vẫn còn khối lượng lớn về nhà ở cho công nhân chưa được đáp ứng.
TS.Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, với thu nhập khoảng 6-9 triệu đồng/tháng của công nhân di cư, mua nhà ở là việc rất khó khăn, thậm chí phải mất đến vài chục năm tích lũy. Vì vậy, có 80-90% công nhân phải thuê trọ tại khu dân cư.
Để công nhân tiếp cận được với nhà ở giá rẻ, theo TS.Vũ Minh Tiến, bên cạnh việc hoàn thiện chính sách, cần phải thay đổi cả nhận thức, hành vi của các cơ quan chức năng ở các cấp, cán bộ giải quyết thủ tục liên quan đến phát triển nhà ở, cấp phép, vay vốn... Nhất là cần có sự tham gia của Nhà nước, các tổ chức, người sử dụng lao động trong việc hỗ trợ, phát triển nhà ở cho công nhân. Hơn nữa, cần đầu tư cải tạo môi trường hạ tầng sinh sống, hạ tầng điện, đường của người lao động đang thuê tại các khu trọ. Cần tính toán phương án hỗ trợ cho công nhân; hỗ trợ các chủ đầu tư có nhà cho thuê, nhà ở xã hội phải gần khu công nghiệp; cơ cấu xây dựng nhà phải phù hợp với lối sống, thu nhập, gắn với đặc điểm của công nhân.
Theo ông Trần Tuấn Anh, Phó Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) và chế xuất Hà Nội, Thành phố đang có 4 dự án nhà ở cho công nhân lao động tại các KCN đã và đang được triển khai xây dựng (một phần đã đưa vào khai thác sử dụng) với tổng công suất thiết kế khoảng 22.420 chỗ ở; bao gồm: Dự án nhà ở công nhân thí điểm tại Kim Chung, huyện Đông Anh đáp ứng được khoảng 11.520 chỗ ở cho công nhân lao động tại KCN Thăng Long (đến nay, công nhân đã thuê 10.552 chỗ ở, chiếm khoảng 92%).
Để giải quyết nhu cầu về nhà ở cho công nhân, ông Trần Tuấn Anh cho biết, tại Hà Nội đã triển khai một số chính sách phát triển nhà ở cho công nhân như: Huy động nguồn vốn đầu tư triển khai các Dự án nhà ở cho công nhân lao động từ các nguồn khác nhau; tìm kiếm, hỗ trợ nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án phát triển nhà ở cho công nhân lao động trong các KCN, cụm công nghiệp - đặc biệt là các KCN, cụm công nghiệp chưa bố trí được quỹ đất để xây dựng nhà ở cho người lao động.
UBND Thành phố, UBND các huyện tiếp tục rà soát, bố trí, quy hoạch, sử dụng quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại và bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở và các thiết chế văn hóa cho công nhân lao động gần các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Với các KCN đang xây dựng hoặc còn đất trống thì cho phép điều chỉnh quy hoạch chi tiết chuyển một phần đất công nghiệp sang làm nhà ở công nhân.
Theo ông Tạ Việt Anh, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (Chủ tịch Quỹ AFV), các nước trong khu vực Đông Nam Á cũng rất quan tâm thực hiện các chương trình hỗ trợ nhà ở cho người dân. Điển hình là Singapore - quốc gia thành công về chính sách nhà ở cho người dân, nổi bật với 80% dân số sinh sống trong các tòa nhà được xây dựng nhờ sự trợ giúp của Chính phủ. Cung cấp nhà ở giá rẻ cho người dân là một trong những lý do giúp Singapore có thể đảm bảo phúc lợi cho người dân mà không cần xây dựng hệ thống hưu trí được tài trợ bởi tiền thuế như các nước khác.
Mỗi năm, Chính phủ Singapore có 1 đợt mở bán những căn hộ đang xây dở, phần lớn là cho những người mua nhà lần đầu. Tất cả là hợp đồng thuê 99 năm và được bán với giá thấp hơn giá thị trường khoảng 25%. Mỗi người dân được hỗ trợ tối đa 2 lần trong đời, dù đó là mua căn hộ cũ hoặc mới.