Chuyện về người phụ nữ… “cãi lại số phận”

PHƯƠNG HÀ
Chia sẻ

(PNTĐ) -Giữa cuộc sống hiện đại, hình ảnh người phụ nữ hàng ngày ngồi pha trà, viết thư pháp, vẽ tranh, thêu thùa, đam mê với những thú vui tao nhã quả thật là an nhiên. Nhưng ít ai biết rằng, đằng sau vẻ ngoài tự tại đó là một con người đầy nội lực, vượt lên số phận để khẳng định giá trị bản thân – người phụ nữ thành đạt dám nghĩ dám làm, không ngừng vươn lên. Chị là Nguyễn Thị Loan, chủ nhân của thương hiệu lụa An Bang silk.

Yêu nghệ thuật từ nhỏ

Chị Loan quê gốc ở Thái Bình nhưng sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Gia đình, bố mẹ chị đều chỉ là viên chức làm về cơ khí, không có ai làm về nghệ thuật nhưng những thứ mà chị Loan cho là đẹp trong cuộc sống thường nhật đều được chị chắt lọc và tạo thành đam mê thích làm đẹp, thích những thứ đẹp và có tính thẩm mỹ, tạo hình…

Chuyện về người phụ nữ… “cãi lại số phận” - ảnh 1 Chị Nguyễn Thị Loan, chủ nhân của thương hiệu lụa An Bang silk

Cũng như bao gia đình khác, thời bao cấp, bố mẹ chị cũng phải làm thêm ngoài giờ để có thêm thu nhập. Bố chị nhận sơn xe đạp cho mọi người, thời điểm đó, xe đạp Thống Nhất là phương tiện đi lại chủ yếu nên việc sơn xe rất đông khách. Hàng ngày, mỗi buổi chiều, chị Loan lại phụ giúp bố việc pha màu sơn để tạo ra màu như yêu cầu của khách. Sau đó là đến quy trình viết chữ, trang trí, dán decal Thống Nhất lên xe.

Bố chị Loan viết chữ rất đẹp và vẽ lên xe cũng rất khéo tay. Hàng ngày được nhìn bố làm công việc làm đẹp cho những chiếc xe đạp, chị Loan cũng được tiếp thu những cái đẹp và sự tỉ mỉ từ đó.

Những lần nhìn bố đẽo cho mình đôi guốc mộc từ những khúc gỗ thừa xin được từ xưởng mộc để làm củi đun, xem bác hàng xóm in hoa lên guốc mộc bằng dây may so khiến chị càng được tiếp thêm đam mê yêu cái đẹp từ những việc liên quan đến thủ công, tự chế tác các vật dụng trong nhà. Từ nhỏ đã rất yêu hoa, chị Loan hay chọn các cành cây găng ở hàng rào có dáng đẹp và dùng giấy màu xanh đỏ vàng, dây thép cắt tỉa thành những bông hoa và gắn vào cành găng để có được cành hoa giả sắc màu trang trí  trong nhà; những cái rèm cửa từ giấy màu và họa báo được cắt và gấp lại rồi xâu thành …

Năm 2002, chị Loan làm phiên dịch tiếng Hàn cho công ty của Hàn Quốc làm về máy may, máy thêu… đam mê cứ thế được bồi đắp thêm và sau đó, làm cho công ty về cơ khí của Hàn Quốc rồi nghỉ việc phiên dịch để bắt đầu từ 2012, chị Loan mở công ty riêng về sản xuất mỹ phẩm thiên nhiên, nguyên liệu nhập khẩu từ Hàn Quốc và sản xuất theo quy trình của Bộ Y tế, sản xuất và đào tạo về sản phẩm cho các đối tác, công việc khá thú vị vì cũng liên quan đến cái đẹp và làm đẹp cho cộng đồng một cách an toàn khiến cho chị rất hứng thú với công việc.

Biến cố cuộc đời

Mọi việc tưởng như cứ thế phát triển thuận lợi, thế nhưng đầu năm 2020, chị bất ngờ gặp phải biến cố về sức khỏe. Một thời gian dài thị lực giảm mà không rõ nguyên nhân, những cơn đau đầu tìm đến chị ngày một nhiều, cấp độ tăng dần, sau một cơn đau khủng khiếp trong đêm, chị đi cấp cứu và bác sĩ phát hiện chị bị u não. Khối u to dần đè vào dây thần kinh khiến mắt phải của chị vĩnh viễn mất đi thị lực, ca phẫu thuật kéo dài 5 tiếng chỉ giúp chị bảo toàn được một mắt còn lại.

Chuyện về người phụ nữ… “cãi lại số phận” - ảnh 2
Dù bị mất đi thị lực của một bên mắt, chị Loan vẫn miệt mài ngồi vẽ, thêu trên lụa, công việc nhiều người không tin chị có thể  làm được.

Bình thường với hai con mắt chị có thể làm được bao nhiêu việc, giờ đây sự thất vọng, đau khổ bủa vây khiến tinh thần chị xuống dốc, thậm chí có lúc tưởng như rơi vào trạng thái trầm cảm. Mắt trái còn lại của chị cũng chỉ còn 3/10 do cận, loạn, viễn.

Chị kể nhiều khi đi, ngã ở ngoài đường, bầm dập hết hai đầu gối mà chỉ biết khóc thầm, ko dám kể với ai. Biến cố ấy, chị nhận ra một điều bao lâu nay mình đã để quên đôi mắt, không biết thu vào đôi mắt những cái đẹp của cuộc đời, suýt nữa mất đi hoàn toàn thị lực nên giờ đây bản thân phải dành nhiều thời gian cho đôi mắt, để ngắm, giữ lại những gì đẹp nhất.

Vài tháng sau khi mổ, sức khỏe của chị bắt đầu giảm sút rõ rệt. Chị kể: “Tôi thường xuyên ngất không lý do. Đi đâu cũng phải có người đưa đón. Công việc ở công ty mỹ phẩm phải lo lắng nhiều, áp lực công việc khiến tôi không thể tiếp tục đảm đương, gánh vác doanh nghiệp”.

Thế là chị quyết định chuyển nhượng công ty quay sang kinh doanh trà và trầm hương với mục đích hướng cuộc sống đến không gian yên tĩnh. Vốn là một người yêu trà và trầm hương, chị từng để tâm nghiên cứu học hỏi, lĩnh hội và có kiến thức nhất định từ một vài nghệ nhân trong lĩnh vực này. Để hiểu về trà và trầm, không có một kiến thức quy chuẩn nào, tất cả chỉ là nhờ quá trình cóp nhặt dần dần sau đó tinh lọc thành kiến thức của riêng mình. Tuy nhiên không lâu sau, chị lại phát hiện những người tinh tế, hiểu biết về trầm và trà theo đúng cách rất ít, những thứ liên quan đến sự tinh tế nhiều quá không phải ai cũng cảm nhận hết được.

Cuộc sống xô bồ, nhiều người có xu hướng tìm đến những góc yên tĩnh, bình an, trầm mặc một chút nhưng họ cũng chỉ ở ngưỡng thích thôi chứ chưa đạt được đến như nhu cầu như mình. Chị lại tìm đến thời trang, lĩnh vực mà theo chị ai cũng cần. Lụa là chất liệu mà chị lựa chọn cho những sản phẩm thời trang của mình với khát khao hướng đến cái đẹp tinh tế, khác biệt. “Mọi người đều đi học thiết kế để làm ra những bộ quần áo rất hiện đại, còn mình sẽ làm theo hướng truyền thống nhưng trên nền cái hiện đại”.

Dùng kính lúp để vẽ, thuê trên lụa

Nói về cơ duyên đến với lụa, chị Loan kể, những năm 2000, chị làm việc cho công ty của Singapore về dệt may với vị trí là phiên dịch tiếng Anh và tiếng Trung. Công việc cho chị tiếp xúc với nhiều mẫu thiết kế thời trang và cả thêu tay. Vì tính chất công việc, chị có cơ hội đi cùng người nước ngoài lên khu vực Hoàn Kiếm nhiều để mua các mẫu vải và mẫu thời trang từ lụa tơ tằm bán ở Hoàn Kiếm để phục vụ công việc.

Chuyện về người phụ nữ… “cãi lại số phận” - ảnh 3
Đam mê cái đẹp từ những việc liên quan đến thủ công, tự chế tác các vật dụng từ những ngày còn nhỏ đưa chị Loan đến với lụa sau này

Được tiếp xúc với lụa tơ tằm nên ngay từ thời điểm đó, chị đã mua và sử dụng thời trang từ lụa tơ tằm. Những chiếc áo tơ tằm, đầm, váy… lụa tơ tằm thực sự đẹp trong mắt chị, bản thân cảm thấy mình đẹp lên, sang trọng và quý phái hơn hẳn khi mặc trang phục từ lụa tơ tằm và niềm đam mê lụa tơ tằm bắt đầu từ đó.

Sau khi tìm hiểu thị trường lụa tơ tằm, thấy việc mua vải về để may là không khả thi vì thật giả lẫn lộn nên quyết định đến tận nơi từng làng nghề, từng nhà dệt lụa trực tiếp khảo sát và học hỏi. Để tìm hiểu và nghiên cứu về lụa, chị đã đi khắp dải đất hình chữ S từ Bắc vào Nam, đặt chân đến tất cả những làng nghề làm lụa để chứng kiến sự mai một khi con cháu không gìn giữ được nghề truyền thống. Dù vậy, chị vẫn tìm được những nghệ nhân đang giữa lửa cho nghề, những người mong muốn có được sự hợp tác để cùng nhau phát triển, duy trì nghề truyền thống.

Được học nhiều từ họ, chị Loan mua mẫu, cân nhắc, bàn thảo để làm sao ra được những loại lụa tốt, xây dựng cho mình thương hiệu An Bang Silk uy tín và chất lượng. Điểm khác biệt của lụa An Bang silk là  được đặt làm chặt tay, mật dộ lụa dày và đặc với tỷ lệ mật độ khác nhau cho nhiều ứng dụng và từng loại vải. Có lụa, satin, chéo, vân…v.v… mỗi loại vải có chỉ sổ mật độ đo lường khác nhau, mật độ sợi dọc, sợi ngang, kỹ thuật dệt nong mốt, dệt chéo…để tạo ra những dòng lụa khác nhau.

Để thương hiệu của mình có thể đứng vững trên thị trường, uy tín là số 1, chị Loan chỉ đặt dệt trực tiếp từ nghệ nhân. Khẳng định thương hiệu bằng uy tín và kiến thức vẫn luôn được trau dồi để lấp đầy sự hiểu biết về sản phẩm kinh doanh là tiêu chí mà chị Loan không bao giờ rời bỏ.

Có được những mảnh lụa truyền thống thuần khiết, với đôi tay khéo léo, nhờ kiến thức hội họa, thư pháp sẵn có, chị Loan đã thổi hồn vào lụa bằng những nét vẽ, những bức tranh thêu cỏ cây hoa lá, chim muông… để từ đó ra đời những sản phẩm thời trang bằng chất liệu lụa truyền thống nhưng lại mang hơi thở của cuộc sống hiện đại.

Điều khiến người ta phải thán phục ở chị, đó là khi đã mất đi thị lực của một bên mắt, chị vẫn miệt mài ngồi vẽ, thêu trên lụa, công việc nhiều người không tin chị có thể  làm được. Với chị đó chính là sự khổ luyện, là nghị lực, không chịu chấp nhận số phận, bằng mọi cách vươn lên tìm giá trị của riêng mình. Chị mua cho mình cặp kính đặc biệt- “kính lúp”  để có thể nhìn rõ hơn mỗi khi thêu hay vẽ tranh trên lụa…

“Tôi muốn cãi lại số phận chứ không chấp nhận khi số phận đặt mình vào thế này và mình phải ngồi vào thế đó. Là người mạnh mẽ, tôi luôn muốn bứt phá với suy nghĩ không gì là không thể, mình sẽ học và quyết tâm làm được.  Khẳng định, vượt qua giới hạn bản thân, không phải để mọi người ca tụng mà để các con tôi nhìn vào và không bao giờ chúng được phép nói câu khó, không làm được” - chị tâm sự.

Kế hoạch kinh doanh của An Bang Silk là triển khai ở cả thị trường trong nước và quốc tế. Chính thức đi vào hoạt động từ thời điểm khai trương tháng 11/2022, An Bang Silk còn nhiều việc cần hoàn thiện nên bước đầu, An Bang Silk phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước. Bước tiếp theo sau khi mọi việc được chuẩn bị kỹ càng, An Bang Silk sẽ có mặt trên thị trường quốc tế với nhiều dòng sản phẩm đa dạng hơn được làm từ lụa tơ tằm, thêu tay và vẽ tay trên lụa.

Không quên vai trò làm vợ, làm mẹ

Chị Loan luôn nhận mình là người phụ nữ của gia đình. Chồng chị là người Hàn Quốc, nhưng anh luôn tự hào vì lấy được một người vợ Việt Nam đảm đang, khéo léo. Trong căn nhà của chị, tất cả đều được bài trí theo phong cách Việt Nam truyền thống bởi anh luôn là người tôn trọng cảm nhận, cảm xúc của vợ về cái đẹp, tin rằng những gì mà chị sắp xếp đều bằng con mắt thẩm mĩ của riêng chị. Niềm vui, niềm hạnh phúc của chồng chị là thích mời bạn bè đến nhà ăn cơm vào cuối tuần, thích khoe, tự hào vì vợ mình là người nấu ăn giỏi, bày các món ăn như một gia đình Hàn Quốc thực thụ.

Là người yêu cái đẹp, chị thấy các món ăn Hàn Quốc bày biện thẩm mỹ, khoa học về màu sắc, đầy đủ âm dương ngũ hành, thể hiện nghệ thuật ẩm thực trong đó. Chị đã ấp ủ mong muốn làm một kênh youtube giới thiệu những món ăn Hàn Quốc hàng ngày chị nấu để chia sẻ, hướng dẫn cho mọi người.

Khi được hỏi về bí quyết giữ gìn hạnh phúc, chị tâm sự, ai cũng làm vợ, làm mẹ nhưng với chị một nàng dâu Hàn Quốc, dù là dâu Việt hay nước nào cũng đều là làm dâu. Cái quan trọng là khi học tiếng mình phải học cả văn hóa, biết được cái gì nên tránh, cái gì cần phải có. Gặp gia đình nhà chồng, mẹ chồng mình phải biết giao tiếp cân bằng và dung hòa.

Xã hội ngày càng hiện đại, phát triển, đồng nghĩa sẽ cuốn theo và làm mai một dần những giá trị truyền thống, đức tính đẹp của người con gái ngày xưa… các bạn trẻ ngày nay gần như không được tiếp cận. Trong cuộc sống hàng ngày, khi phát sinh những tình huống từ nấu ăn, giao tiếp, chào hỏi chị đều tranh thủ để dạy các con: hướng dẫn các con bưng trà mời khách như thế nào, nói năng phải có kính ngữ, hướng các con đến Công – Dung – Ngôn - Hạnh ở ngưỡng cơ bản.

Người phụ nữ trong xã hội hiện đại không chỉ đơn thuần với nữ công gia chánh bởi trí tuệ và bản lĩnh là bàn đạp dẫn họ đến thành công. Chị Loan luôn tâm niệm, nét đẹp của người phụ nữ với những tiêu chí cơ bản công - dung - ngôn - hạnh nhưng với sự thay đổi và phát triển của thời cuộc, vẫn phải có sự trau dồi chứ không thể cứ đứng mãi một chỗ, có nghĩa là phải tiếp thu, áp dụng cả nét đẹp của hiện đại chứ không thể nào giữ mãi cái tôi trong cái đẹp thuần khiết của người phụ nữ thời xưa. Sự kết hợp giữa hiện đại và truyền thông sẽ tạo ra nét đẹp riêng, bên cạnh đó, trí tuệ và sự thành công cũng là yếu tố không thể thiếu của người phụ nữ hiện đại.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Kỳ 2: Bối cảnh mới và những thách thức với bình đẳng giới

Kỳ 2: Bối cảnh mới và những thách thức với bình đẳng giới

(PNTĐ) - Với những nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, toàn xã hội và chính bản thân phụ nữ, công tác phụ nữ ở Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn. Tuy nhiên, chúng ta vẫn đối mặt với nhiều rào cản cần giải quyết như định kiến giới, phân biệt đối xử trong gia đình, ngoài xã hội, bất bình đẳng về cơ hội giáo dục và việc làm, bạo lực giới có chiều hướng gia tăng...
Tầm quan trọng của sàng lọc trước sinh và sơ sinh

Tầm quan trọng của sàng lọc trước sinh và sơ sinh

(PNTĐ) - Tại Hà Nội, việc sàng lọc trước sinh và sơ sinh đang ngày càng được nhiều bà mẹ quan tâm. Sàng lọc trước sinh là giải pháp quan trọng trong việc phát hiện sớm và can thiệp kịp thời những bất thường của trẻ từ khi còn trong bụng mẹ, hạn chế những hậu quả nặng nề do dị tật bẩm sinh gây ra, góp phần nâng cao chất lượng dân số.