Có "lỗi hẹn" với công nhân ?

Chia sẻ

Trong bối cảnh bình thường mới, các doanh nghiệp đã phục hồi sản xuất, kinh doanh trở lại thì nguyện vọng chính đáng của người lao động là Nhà nước xem xét việc tăng lương tối thiểu (LTT) vùng theo lộ trình. Đặc biệt, công nhân lao động đang gặp rất nhiều khó khăn do giá cả leo thang, tác động lớn đến cuộc sống của bản thân và gia đình họ.

Người lao động gặp nhiều khó khăn

Từ năm 2020 đến nay, do tác động của dịch bệnh Covid-19, việc đàm phán điều chỉnh LTT cho người lao động (LĐ) đã không được thực hiện theo từng năm như các giai đoạn trước đó. Vì thế, từ lần điều chỉnh gần nhất vào đầu năm 2020 đến nay, mức LTT vùng I - vùng cao nhất trong 4 vùng vẫn duy trì ở mức 4,42 triệu đồng/tháng. Theo tính toán, mức lương này chỉ đáp ứng chưa đến 95% mức sống tối thiểu và chỉ bằng 59% lương đủ sống.

Tại Hà Nội, ông Nguyễn Đình Thắng - Phó Chủ tịch Công đoàn KCN và chế xuất Hà Nội thông tin: Tuy LTT vùng chưa được điều chỉnh từ 2 năm nay nhưng về cơ bản, các doanh nghiệp trong các KCN tại Hà Nội đã trả lương cho người LĐ cao hơn so với mức LTT vùng; tuỳ vào tình hình sản xuất kinh doanh, mỗi công ty lại chi trả một mức khác nhau, cho thấy sự chia sẻ lẫn nhau trong lúc khó khăn của người LĐ với doanh nghiệp và ngược lại. Thế nhưng, mức tăng này không bằng với mức trượt giá và chưa đảm bảo mức sống tối thiểu cho người LĐ.

Từ đầu năm đến nay, chị Nguyễn Thị Thắng (quê ở tỉnh Vĩnh Phúc) - công nhân tại một nhà máy điện tử ở khu công nghiệp Quang Minh (huyện Mê Linh, Hà Nội) đã thắt chặt chi tiêu khi giá xăng, giá gas tăng mạnh, kéo theo nhiều mặt hàng thực phẩm tăng theo. Trong khi đó, “tổng thu nhập của công nhân cả tháng chỉ có 7-8 triệu đồng. Đợt dịch vừa rồi, hai vợ chồng cùng là F0 phải nghỉ làm 10 ngày. Thu nhập bị giảm, trong khi tiền thuốc men điều trị rất tốn kém” - chị Thắng chia sẻ. Câu chuyện “cơm áo gạo tiền” này cũng là vấn đề đang được nhiều công nhân LĐ quan tâm.

Tại một số nhà máy ở Hà Nội, nhiều người LĐ sau một thời gian làm việc ở TP đã chọn phương án làm việc ở quê, nhất là tại các tỉnh, thành lân cận đã có KCN, tuy thu nhập ít hơn, thậm chí chỉ kiếm được 4-5 triệu đồng/tháng nhưng người LĐ không phải chi nhiều khoản như khi thuê trọ ở TP. Đây là cơ sở để đại diện Liên đoàn Lao động một số tỉnh, thành kiến nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh LTT vùng, khuyến khích doanh nghiệp tăng lương và các khoản phúc lợi, quan tâm cải thiện thu nhập để giữ người LĐ làm việc lâu dài.

Tiền lương đảm bảo cuộc sống sẽ giúp người LĐ yên tâm cống hiến, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp 	Ảnh minh hoạ - PVTiền lương đảm bảo cuộc sống sẽ giúp người LĐ yên tâm cống hiến, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp  Ảnh minh hoạ - PV

Cùng chia sẻ để hài hoà lợi ích hai bên.

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho rằng, tuy doanh nghiệp vẫn đối mặt với khó khăn nhưng hiện nay hầu hết các doanh nghiệp đã hoạt động bình thường. Đã qua 2 năm, người LĐ chưa được tăng LTT nên yêu cầu tăng LTT càng trở nên cấp thiết và không thể lỗi hẹn với sự mong chờ của người LĐ. Đồng tình với việc cần phải tăng lương cho người LĐ, ông Nguyễn Đình Thắng - Phó Chủ tịch Công đoàn KCN và chế xuất Hà Nội cho biết: Thời gian gần đây, doanh nghiệp đã bắt đầu phục hồi sản xuất, nhận được nhiều đơn hàng.

Còn người LĐ đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do tiền lương cơ bản thấp, giá tiêu dùng tăng tác động trực tiếp đến cuộc sống. Thực tế này buộc người LĐ phải cố gắng tăng ca hoặc làm thêm các công việc khác để có thêm thu nhập. Vì vậy, đây là thời điểm thích hợp để Hội đồng tiền lương quốc gia ngồi lại, tính toán, xem xét và kiến nghị với Chính phủ điều chỉnh LTTV.

Các chuyên gia cũng cho rằng, nếu năm 2022 tiếp tục không thực hiện tăng LTT vùng tức là 3 năm liên tiếp không điều chỉnh tăng lương sẽ tạo áp lực không nhỏ lên việc điều chỉnh LTT vào năm 2023. Theo ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Chính sách pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) từ năm 2016-2020, mức điều chỉnh LTT bình quân hằng năm là 7,4%. Không tăng lương trong năm nay, chờ đến năm 2023 mới tăng sẽ phải tính toán mức tăng để bù đắp cho người LĐ sau mấy năm không tăng.

Nếu tăng cao, ở mức 10% so với mức hiện nay, có thể sẽ tạo một cú “sốc” cho DN trong việc chi trả, còn tăng thấp thì không bù đắp được khó khăn của người LĐ. Vì thế, công đoàn sẽ phải thương lượng với giới chủ sử dụng lao động để giải bài toán này.

Để làm căn cứ cho điều chỉnh LTT vùng năm 2023, ông Lê Đình Quảng cho biết: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tiến hành khảo sát tiền lương và đời sống của công nhân LĐ tại các TP lớn như: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng; các tỉnh: Bắc Giang, Hải Dương, Đồng Nai.

Trên cơ sở phân tích và đánh giá tình hình tiền lương, mức sống tối thiểu của người LĐ, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, quan hệ cung - cầu LĐ, tổ chức Công đoàn tổng hợp và đưa ra phương án đề xuất tăng LTT để Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xem xét. Vào ngày 28/3, Hội đồng tiền lương quốc gia họp phiên đầu tiên để bàn phương án điều chỉnh mức LTT năm 2023.

VIỆT BÁCH

Tin cùng chuyên mục

 Thủ đoạn mới: Gắn định vị vào gói hàng ma tuý để thả trôi trên biển

Thủ đoạn mới: Gắn định vị vào gói hàng ma tuý để thả trôi trên biển

(PNTĐ) - Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Quang, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04 - Bộ Công an) cho biết, thời gian qua, lực lượng chức năng phát hiện nhiều gói ma túy được đóng gói và có thiết bị định vị, để rồi sau đó các đối tượng buôn bán trục vớt mang đi tiêu thụ.
Công bố biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024-2029

Công bố biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024-2029

(PNTĐ) - Biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ IX là hình ảnh kết hợp cấu trúc chữ tượng hình từ số lần Đại hội, biểu hiện thông qua chữ số IX, là sự tích hợp các hình tượng tiêu biểu xoay quanh biểu trưng Thanh niên Việt Nam.