Cơ quan chức năng đang vào cuộc xác minh

Chia sẻ

Trước thông tin sản phẩm mì Hảo Hảo và miến Good của công ty Acecook Việt Nam, mỳ khô của công ty Thiên Hương bị các nước Ireland, Na Uy thu hồi do chất ethylene oxide (EO) - chất có nguy cơ gây ung thư, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã vào cuộc xác minh.

Theo thông báo của Cơ quan An toàn thực phẩm Ireland (FSAI) một số lô mỳ Hảo Hảo, miến Good của công ty Acecook Việt Nam có chứa chất cấm ethylene oxide (EO) đã bị thu hồi. Tiếp đó, sản phẩm mỳ khô vị bò gà của công ty CP thực phẩm Thiên Hương cũng bị thu hồi tại Na Uy do có chứa 0,052 mg/kg - ppm ethylene oxide.

Hình ảnh mì Hảo hảo và miến Good của Acecook Việt Nam bị thu hồi tại Ireland.Hình ảnh mì Hảo hảo và miến Good của Acecook Việt Nam bị thu hồi tại Ireland.

Ông Trần Việt Hòa, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương cho biết, Ethylene oxide(EO) hay còn gọi là oxiran và epoxit, là một hợp chất hữu cơ thường được tìm thấy ở dạng khí không màu, rất dễ cháy. EO được sử dụng chủ yếu làm hóa chất trung gian trong sản xuất ethylene glycol (chất chống đông), hàng dệt, chất tẩy rửa, bọt polyurethane, dung môi, thuốc, chất kết dính, nguyên liệu sản xuất nhựa Polyethylene terephthalate (PET) và các sản phẩm khác. Ngoài ra, EO còn được sử dụng làm khử trùng, hun trùng có hiệu quả cao, được phép sử dụng ở nhiều quốc gia cho mục đích kiểm soát côn trùng trong một số sản phẩm nông sản, khử khuẩn các nguyên liệu và sản phẩm thực phẩm.

Ở châu Âu, EO được xếp loại là một sản phẩm thuốc trừ sâu bị cấm. Tại Việt Nam, EO không nằm trong danh mục các chất được có mặt trong thực phẩm.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 64 Luật An toàn thực phẩm, sản phẩm nêu trên thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Công Thương. Vì vậy, ngay khi nhận được thông tin trên, các đơn vị của Bộ Y tế phối hợp với Bộ Công Thương để xác minh làm rõ. Ngày 28/8, Bộ Công Thương đã đề nghị công ty cổ phần Acecook Việt Nam khẩn trương báo cáo về quy trình sản xuất, sự khác biệt giữa lô sản phẩm tiêu thụ trong nước và xuất khẩu với 2 sản phẩm mỳ Hảo Hảo, miến Good do công ty sản xuất. Bộ Công Thương cũng chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp rà soát toàn bộ danh mục sản phẩm do công ty này đang phân phối trong nước, kiểm tra xác minh làm rõ quy trình sản xuất và xác định các vi phạm nếu có để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Bộ Công Thương cũng đề nghị công ty Thiên Hương khẩn trương báo cáo về quy trình sản xuất sản phẩm mỳ khô vị bò gà do công ty sản xuất để đánh giá sự xuất hiện chất ethylene oxide (EO). Đồng thời, đề nghị Ban Quản lý ATTP thành phố Hồ Chí Minh thực hiện ngay thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật về đảm bảo ATTP của công ty Thiên Hương; Khẩn trương lấy mẫu để kiểm nghiệm chỉ tiêu EO đối với một số sản phẩm công ty này đang được lưu thông trên thị trường Việt Nam, đặc biệt lưu ý đối với sản phẩm Mỳ khô vị bò gà. 

Ông Kajiwara Junichi, Tổng Giám đốc Công ty Acecook Việt Nam khẳng định: Hai sản phẩm trên là sản phẩm xuất khẩu, dành riêng cho thị trường châu Âu, không phải sản phẩm nội địa và cam kết tất cả các sản phẩm đang lưu hành tại thị trường Việt Nam đều tuân thủ quy định và pháp luật Việt Nam, đảm bảo an toàn đối với sức khỏe của người tiêu dùng. Acecook Việt Nam tuyệt đối tuân thủ các quy định (của Việt Nam, châu Âu, Nhật, Úc và New Zealand…) về việc không sử dụng EO trong bất kỳ khâu nào của công nghệ bảo quản nguyên liệu, sản xuất, lưu trữ. 

Đại diện Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội cho biết: Doanh nghiệp có dòng sản phẩm bị FSAI thu hồi cần kịp thời công bố thông tin rộng rãi, minh bạch, thể hiện trách nhiệm với người tiêu dùng. Hội cũng kiến nghị các cơ quan có liên quan tăng cường hơn nữa công tác quản lý, kiểm tra toàn bộ quá trình từ sản xuất, chế biến, nhập khẩu, lưu thông, quảng cáo thực phẩm, đặc biệt là công tác hậu kiểm.

 VÂN NGA

Tin cùng chuyên mục

Tác động kép của Hiệp định FTA thế hệ mới đối với ngành thủ công mỹ nghệ

Tác động kép của Hiệp định FTA thế hệ mới đối với ngành thủ công mỹ nghệ

(PNTĐ) - Theo số liệu của Ngành Công thương, xuất khẩu sản phẩm thủ công mỹ nghệ (TCMN) của Việt Nam hiện đạt khoảng 3,5 tỷ USD/năm, trong khi quy mô thị trường TCMN toàn cầu đạt 752,2 tỷ USD và được kỳ vọng tăng 10% mỗi năm. Điều đó cho thấy, Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn để có thị trường mới.