Công an Hà Nội chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát
(PNTĐ) - Thời gian qua, Công an thành phố Hà Nội đã tổ chức vận động, kêu gọi cán bộ, chiến sĩ và các đơn vị, tổ chức, cá nhân chung tay, góp sức, quyết tâm hoàn thành mục tiêu xóa sạch nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025.
Hưởng ứng phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước năm 2025” do Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công an phát động; nhằm thực hiện hoàn thành mục tiêu “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên phạm vi cả nước trong năm 2025, thời gian qua, Công an thành phố Hà Nội đã tổ chức vận động, kêu gọi cán bộ, chiến sĩ và các đơn vị, tổ chức, cá nhân chung tay, góp sức, quyết tâm hoàn thành mục tiêu xóa sạch nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025.

Kết quả, các cán bộ, chiến sĩ Công an Thủ đô đã ủng hộ gần 27 tỷ đồng, số tiền này được nộp về Bộ Công an để thực hiện các công tác thiện nguyện, ưu tiên hỗ trợ những địa phương còn nhiều hộ nghèo, gia đình chính sách, hộ khó khăn trên khắp cả nước.
Bên cạnh nguồn lực quyên góp nội bộ, Công an thành phố Hà Nội cũng kêu gọi các nhà hảo tâm chung tay xã hội hóa. Đến nay, hơn 6 tỉ đồng đã được huy động, dành tặng đồng bào các tỉnh miền núi phía Bắc - nơi vẫn còn nhiều người dân đang phải chịu cảnh nhà tạm, thiếu thốn điều kiện an cư lạc nghiệp.
Ngày 12/5, đoàn công tác Công an thành phố Hà Nội do Đại tá Nguyễn Ngọc Quyền, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội làm trưởng đoàn đã đến Tuyên Quang để trao tặng số tiền hỗ trợ xoá nhà tạm, nhà dột nát cho Công an tỉnh Tuyên Quang. Với số tiền 3 tỷ đồng, lãnh đạo Công an thành phố Hà Nội mong muốn được hỗ trợ xây mới và sửa chữa 50 căn nhà cho hộ nghèo, gia đình chính sách, hộ khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu tại buổi lễ, Đại tá Nguyễn Ngọc Quyền cho biết: “Hoạt động trao tặng kinh phí này không chỉ mang ý nghĩa về vật chất mà còn là những tình cảm sẻ chia của cán bộ, chiến sỹ Công an thành phố Hà Nội, thể hiện trách nhiệm với xã hội, phát huy truyền thống “Vì nước quên thân, vì nhân dân phục vụ” của lực lượng Công an Thủ đô, đồng thời góp phần lan toả tinh thần tương thân tương ái với mong muốn giúp đỡ đồng bào tại tỉnh Tuyên Quang có thể sớm ổn định cuộc sống, yên tâm lao động sản xuất".

Đại diện lãnh đạo Công an tỉnh, Đại tá Phạm Kim Đĩnh - Giám đốc Công an tỉnh Tuyên Quang cho biết: Tuyên Quang là tỉnh miền núi với 22 dân tộc cùng sinh sống, trong đó có 56% là đồng bào dân tộc thiểu số gồm Tày, Nùng, Dao, Mông... Theo kết quả rà sát năm 2022, Tuyên Quang có khoảng 40.522 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 18,9% các hộ nghèo, tập trung chủ yếu ở các huyện miền núi, vùng sâu vùng xa, nơi có đông đồng bảo dân tộc thiểu số sinh sống. Cuối năm 2024, tỉnh Tuyên Quang đã nỗ lực giảm tỷ lệ này xuống còn 10,19%. Trong năm 2025, tỉnh phấn đấu giảm tỷ lệ nghèo đa chiều từ 2,81% trở lên.
Hưởng ứng phong trào thi đua "Chung tay xoá nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vị cả nước năm 2025" do Thủ tướng Chính phủ phát động, Công an tỉnh Tuyên Quang đã huy động cán bộ, chiến sĩ các đơn vị đóng góp trên 3.000 ngày công, giúp đỡ nhân dân một số phần việc như dỡ nhà, đào nền, móng, vận chuyển vật liệu xây dựng... góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà... Vận động cán bộ, chiến sĩ đóng góp ngày công lao động, hỗ trợ sửa chữa, xây dựng mới nhà ở cho người dân khó khăn, phát động phong trào ủng hộ "ngôi nhà 2 triệu đồng", thu được 1,3 tỷ đồng năm 2024... Từ năm 2021-2024, Công an tỉnh Tuyên Quang đã hỗ trợ 1.850 nhà xây mới.
Bày tỏ lời cảm ơn chân thành tới Ban giám đốc và và toàn thể lực lượng Công an Hà Nội, Đại tá Phạm Kim Đĩnh cho biết, sự hỗ trợ kịp thời và thiết thực từ Công an thành phố Hà Nội là nguồn động viên tinh thần to lớn, tiếp thêm niềm tin, sức mạnh cho bà con vươn lên trong cuộc sống, ổn định chỗ ở, từng bước thoát nghèo bền vững, đồng thời, góp phần to lớn trong việc hiện thực hoá mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh còn dưới 10%, hoàn thành xoá nhà ở tạm, dột nát cho 100% hộ nghèo giai đoạn 2021-2025.
Với nguồn kinh phí này, Công an tỉnh Tuyên Quang sẽ phối hợp với chính quyền và các đoàn thể địa phương để lên phương án cụ thể với từng hộ dân. Lực lượng công an sẽ đóng góp cả công sức, phương tiện để mỗi công trình nhà được xây mới có chất lượng cao nhất, đảm bảo triển khai đúng tiến độ, đúng đối tượng.
Có thể nói, lực lượng công an nhân dân chung tay xoá nhà tạm và xây dựng nhà ở kiên cố cho người dân đã thể hiện tinh thần tương thân tương ái, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, đồng thời tạo niềm tin và gắn kết giữa lực lượng công an với nhân dân.
Việc xoá nhà tạm cũng giúp thu hẹp khoảng cách giữa các tầng lớp trong xã hội, tạo điều kiện để mọi người dân được sống trong môi trường an toàn, sạch sẽ, và lành mạnh hơn. Qua đó, tạo động lực và cơ hội phát triển lâu dài vì chỉ khi có một mái ấm bền vững, mỗi người dân mới có thể an tâm lao động, học tập và vươn lên thoát nghèo bền vững. Khi đời sống người dân ổn định, các vấn đề xã hội như tệ nạn, trộm cắp, hay mâu thuẫn gia đình cũng có xu hướng giảm, từ đó góp phần duy trì an ninh và trật tự xã hội. Chính vì vậy, công cuộc xoá nhà tạm, xây mái ấm không chỉ mang giá trị vật chất mà còn chứa đựng ý nghĩa tinh thần to lớn, góp phần xây dựng một xã hội công bằng, nhân ái, và phát triển thịnh vượng.
Đại tá Nguyễn Ngọc Quyền – Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết, thời gian tới, Công an thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục tổ chức hưởng ứng phong trào thi đua chung tay “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” tại tỉnh Hà Giang với tổng kinh phí 3 tỷ đồng; đồng thời tiếp tục kêu gọi, vận động cán bộ, chiến sỹ Công an Thủ đô và các tập thể, cá nhân ngoài lực lượng quyên góp, ủng hộ kinh phí để tiếp tục hỗ trợ tại tỉnh Lai Châu trong thời gian gần nhất.