Công an Hà Nội khuyến cáo người dân về tuân thủ Luật Tài nguyên nước năm 2023

Chia sẻ

(PNTĐ) - Công an Thành phố Hà Nội đã tích cực đề ra những biện pháp để kiểm soát ô nhiễm nguồn nước; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định của Luật tài nguyên nước 2023. Nhiều trường hợp đã bị lực lượng chức năng xử lý hành chính, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự.

Những năm gần đây, tình trạng ô nhiễm và suy giảm chất lượng nguồn nước trên địa bàn thành phố Hà Nội đang trở thành vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt, sản xuất và sức khỏe của người dân Thủ đô. Hơn bao giờ hết, việc bảo vệ an ninh, an toàn nguồn nước đang là vấn đề hết sức cấp thiết, quan trọng, đòi hỏi sự chung tay của cơ quan chức năng, tổ chức và cá nhân trong cộng đồng.

Công an Hà Nội khuyến cáo người dân về tuân thủ Luật Tài nguyên nước năm 2023 - ảnh 1
Công an Hà Nội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường năm 2021.

Các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên nước diễn ra ngày càng phức tạp với những vi phạm phổ biến như: xả thải rắn (rác thải sinh hoạt, rác thải từ các làng nghề, từ sản xuất nông nghiệp...), xả nước thải chưa qua xử lý hoặc xử lý không đạt quy chuẩn ra môi trường, khai thác nước ngầm không phép hoặc vượt công suất cho phép... Những hành vi này đang đẩy nguồn nước vào tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng, đe dọa trực tiếp đến chất lượng nước sinh hoạt và hệ sinh thái đô thị.

Trước tình hình đó, Công an Thành phố đã tích cực đề ra những biện pháp để kiểm soát ô nhiễm nguồn nước; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định của Luật tài nguyên nước 2023. Nhiều trường hợp đã bị lực lượng chức năng xử lý hành chính, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự.

Công an Thành phố khuyến cáo tổ chức, cá nhân tuân thủ quy định của Luật tài nguyên nước năm 2023, không thực hiện các hành vi bị nghiêm cấm sau đây:

1. Đổ chất thải, rác thải, đổ hoặc làm rò rỉ các chất độc hại, xả khí thải độc hại vào nguồn nước.

2. Xả nước thải vào nguồn nước dưới đất; xả nước thải chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường về nước thải vào nguồn nước mặt, nước biển.

3. Xả nước thải, đưa các chất thải vào vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt.

4. Thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, hành nghề khoan nước dưới đất trái phép.

5. Lấn, lấp sông, suối, kênh, mương, rạch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; đặt vật cản, chướng ngại vật, xây dựng công trình kiến trúc, trồng cây gây cản trở thoát lũ, lưu thông nước ở các sông, suối, hồ chứa, kênh, mương, rạch nhưng không có biện pháp khắc phục.

6. Khai thác trái phép cát, sỏi, bùn, đất và các loại khoáng sản khác trên sông, suối, kênh, mương, rạch, hồ, trong hành lang bảo vệ nguồn nước; khoan, đào, xây dựng nhà cửa, công trình, vật kiến trúc và các hoạt động khác trong hành lang bảo vệ nguồn nước gây sạt lở bờ sông, suối, kênh, mương, rạch, hồ.

7. Phá hoại các công trình bảo vệ, điều tiết, tích trữ nước, khai thác, sử dụng, quan trắc, giám sát tài nguyên nước, công trình phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra.

8. Làm sai lệch thông tin, dữ liệu về tài nguyên nước.

9. Không tuân thủ quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa do cơ quan có thẩm quyền ban hành.

10. Xây dựng đập, hồ chứa, công trình điều tiết, tích trữ nước, phát triển nguồn nước trái quy hoạch về tài nguyên nước, quy hoạch tỉnh và các quy hoạch khác có liên quan.

Theo Nghị định số 36/2020/NĐ-CP của Chính phủ, cá nhân có hành vi vi phạm trong lĩnh vực tài nguyên nước có thể bị phạt tới 250 triệu đồng, tổ chức bị phạt đến 500 triệu đồng, kèm theo các biện pháp bổ sung như tước quyền sử dụng giấy phép, đình chỉ hoạt động… Đối với các hành vi gây ô nhiễm môi trường, vi phạm an toàn công trình thủy lợi, đê điều có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt tiền lên tới 3 tỷ đồng hoặc phạt tù tới 7 năm (Điều 235, 238 Bộ luật hình sự)

Công an Thành phố đề nghị tổ chức, cá nhân nâng cao ý thức trách nhiệm, chủ động phát hiện và báo cáo kịp thời các hành vi gây ô nhiễm nguồn nước tới chính quyền địa phương và lực lượng Công an. Việc bảo vệ nguồn nước không phải là nhiệm vụ của riêng ai mà là trách nhiệm của cả cộng đồng. Hành động hôm nay sẽ quyết định chất lượng môi trường sống ngày mai. 

Theo QUỲNH AN

Tin cùng chuyên mục

Hà Nội: Khởi tố vụ án xả dầu thải tái chế ở huyện Gia Lâm

Hà Nội: Khởi tố vụ án xả dầu thải tái chế ở huyện Gia Lâm

(PNTĐ) - Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an TP Hà Nội vừa cho biết, đã khởi tố vụ án liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật về môi trường tại cơ sở tái chế dầu thải của Bùi Quốc Giang (SN 1989, HKTT: xã Thắng Lợi, huyện Văn Giang, Hưng Yên), có địa chỉ tại khu vực bãi 42, thôn Hạ, xã Thiên Đức, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội.
Trước 10/6/2025, hoàn thành cắt giảm, phân định thẩm quyền giải quyết TTHC của chính quyền cấp huyện

Trước 10/6/2025, hoàn thành cắt giảm, phân định thẩm quyền giải quyết TTHC của chính quyền cấp huyện

(PNTĐ) -  Để bảo đảm triển khai hiệu quả, không làm gián đoạn việc quản lý, theo dõi, tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cho người dân, doanh nghiệp khi kết thúc hoạt động của chính quyền địa phương cấp huyện và tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có văn bản số 500/TTg-KSTT ngày 4/5/2025 về việc phân định thẩm quyền giải quyết TTHC của chính quyền cấp huyện.