Công nhân khắc khoải mong chốn an cư

VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) -Vấn đề “muôn năm cũ” của công nhân, người lao động vẫn là bảo đảm việc làm, thu nhập, đặc biệt là có chốn “an cư” để sớm tối đi về sau những ca kíp lao động mệt nhọc ở công xưởng. Thế nhưng đây vẫn là giấc mơ khá xa vời! Nhân Tháng Công nhân năm 2023, vấn đề nhà ở cho người lao động được đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết.

Công nhân khắc khoải mong chốn an cư - ảnh 1
Khu nhà ở cho công nhân tại Khu công nghiệp Thăng Long, Đông Anh, Hà Nội. Ảnh: Trần Hoàng

Lực lượng công nhân lao động hiện chiếm 15% dân số và 27% lực lượng lao đông cả nước, đóng góp 70% vào ngân sách Nhà nước và 65% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Qua hai năm đại dịch Covid-19, lực lượng công nhân cũng gặp phải nhiều vấn đề về an sinh, lao động, việc làm… Trong khi tại Hà Nội, việc phát triển nhà xã hội còn hạn chế, đời sống người lao động tại các khu công nghiệp gặp không ít khó khăn, từ việc thiếu nhà ở, chi phí thuê nhà tăng, con cái thiếu nơi học tập, vui chơi, chăm sóc…

Nhiều công nhân dù đi làm đến 10-20 năm, nhưng vẫn khó khăn nhất là mua nhà, khi phải thuê trọ, cuộc sống bấp bênh với đồng lương hạn hẹp, nếu có được nhà ở xã hội, họ sẽ yên tâm làm việc, ổn định cuộc sống. 

Sau nhiều năm làm việc, chị Trần Thị Huyền (quê ở huyện Phú Xuyên, Hà Nội) mua được căn nhà ở xã hội tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh, trị giá hơn 800 triệu đồng. Vợ chồng chị Huyền đều làm tại một công ty trong Khu công nghiệp Thăng Long. Trước đây, gia đình chị thuê trọ tại khu nhà ở xã Kim Chung và luôn nung nấu có được căn nhà của mình. Sau hơn 10 năm dành dụm và vay mượn người thân, họ hàng, vợ chồng chị Huyền đã mua được nhà. Trường hợp mua được nhà như chị Huyền tại Khu công nghiệp Thăng Long là không nhiều. Phần đa công nhân vẫn phải thuê trọ gần khu công nghiệp, nhiều người còn cho rằng mua được nhà chỉ là trong mơ, bởi với thu nhập hạn chế, tiền lương chỉ đủ trang trải cho cuộc sống hằng ngày, bao gồm cả tiền thuê nhà, nuôi con ăn học, hầu như không có tích lũy...

Tháng 7/2022, HĐND TP Hà Nội đã thông qua “Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030”. Chương trình nêu rõ, nhà ở công nhân là một hạ tầng thiết yếu của KCN, nhằm bảo đảm chỗ ở ổn định cho công nhân; yêu cầu phát triển nhà ở công nhân cần gắn liền với trách nhiệm của người sử dụng lao động, của Ban quản lý KCN, khu chế xuất, chính quyền địa phương và các tổ chức công đoàn.

Theo đó, chương trình cũng đề xuất được phép chủ động bố trí quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội tại dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại; sử dụng nguồn tiền thu từ quỹ đất 20-25% ở dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị để hỗ trợ, cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội; không phát triển nhà ở xã hội là nhà ở liền kề thấp tầng. Cùng đó, Thành phố sẽ triển khai mô hình xây dựng một số khu nhà ở xã hội tập trung, quy mô diện tích đất lớn, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Đa dạng hóa nguồn lực đầu tư nhà ở phục vụ công nhân, ưu tiên bố trí quỹ đất, kinh phí để đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp trên địa bàn.

Năm 2022, Hà Nội đã hoàn thành 1.340.000m2 sàn nhà ở (đạt 109% kế hoạch), trong đó 985.000m2 sàn nhà ở thương mại (tại 16 dự án) và 257.000m2 sàn nhà ở xã hội (tại 3 dự án). Năm 2023, Sở Xây dựng Hà Nội tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030 với mục tiêu hoàn thành 400 căn và 28.000m2 nhà ở xã hội, nâng diện tích nhà ở bình quân đầu người lên 28m2 sàn/người.

Với những mục tiêu trên, TP Hà Nội đang triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng các khu nhà ở xã hội tập trung, nhà ở cho thuê phục vụ công nhân, người lao động tại các khu, cụm công nghiệp. Đồng thời, Thành phố cũng tổ chức kiểm tra các dự án, tập trung vào các dự án chậm triển khai năm 2021, 2022, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và tiến độ thực hiện dự án. Theo đó, các dự án chậm triển khai, chủ đầu tư năng lực kém, cố tình chây ỳ sẽ bị thu hồi để thực hiện đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư khác. Sau đó sẽ công khai thông tin vi phạm, đưa vào tiêu chí đánh giá và không cho tham gia thực hiện các dự án tương tự trên địa bàn. 

Theo ông Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) qua một cuộc khảo sát với khoảng 6.000 đoàn viên công đoàn thuộc 16 tỉnh và ngành (chiếm 19,5% tổng số tỉnh và ngành trên cả nước), cho thấy, các chỉ số được người lao động đánh giá mức độ hài lòng thấp thuộc những vấn đề họ còn nhiều khó khăn như: Nhà ở, trường học, bệnh viện, giao thông, sức khỏe và khoảng thời gian rỗi dành cho nghỉ ngơi và giải trí. Đặc biệt, các vấn đề bức xúc của phần lớn người lao động là mức thu nhập, số tài sản, tiền bạc tích lũy, dịch vụ việc làm ở địa phương, tình trạng vệ sinh, an toàn thực phẩm…

Trong những yếu tố liên quan đến tiền lương, điều kiện lao động, quan hệ lao động và an sinh xã hội, công nhân lao động thể hiện mong muốn cao nhất là về được tham gia đầy đủ các chế độ như: Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (77% người được hỏi); được bảo hộ lao động, làm việc trong điều kiện bảo đảm về an toàn, vệ sinh lao động (65%); có chế độ trợ cấp, phụ cấp, tiền thưởng đầy đủ (64%)...

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

 Thủ đoạn mới: Gắn định vị vào gói hàng ma tuý để thả trôi trên biển

Thủ đoạn mới: Gắn định vị vào gói hàng ma tuý để thả trôi trên biển

(PNTĐ) - Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Quang, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04 - Bộ Công an) cho biết, thời gian qua, lực lượng chức năng phát hiện nhiều gói ma túy được đóng gói và có thiết bị định vị, để rồi sau đó các đối tượng buôn bán trục vớt mang đi tiêu thụ.
Công bố biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024-2029

Công bố biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024-2029

(PNTĐ) - Biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ IX là hình ảnh kết hợp cấu trúc chữ tượng hình từ số lần Đại hội, biểu hiện thông qua chữ số IX, là sự tích hợp các hình tượng tiêu biểu xoay quanh biểu trưng Thanh niên Việt Nam.