Cung cấp kiến thức về tảo hôn và mua bán người cho học sinh dân tộc thiểu số
(PNTĐ) - Ngày 22/5, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) phối hợp với đối tác Plan International tại Việt Nam tổ chức chương trình “Giới thiệu các sản phẩm của Dự án Em Vui”.
Chương trình diễn ra với sự tham gia của hơn 80 đại biểu thuộc các cơ quan báo chí – truyền thông cấp quốc gia và tại 4 tỉnh dự án là Hà Giang, Lai Châu, Quảng Bình và Quảng Trị, các tổ chức xã hội thuộc Mạng lưới Ngăn ngừa và Ứng phó Bạo lực Giới tại Việt Nam (GBVNet) và nhóm các Tổ chức làm về Quyền trẻ em (CRWG) cùng các cơ quan, đơn vị, cá nhân đang làm trong lĩnh vực liên quan, bên cạnh đó, chương trình còn có sự tham gia của đại diện chính quyền địa phương và đại diện thầy cô giáo, các em thanh thiếu niên tại vùng Dự án.
Dự án “Tăng cường nhận thức của thanh thiếu niên dân tộc thiểu số về việc mua bán người và tảo hôn thông qua công nghệ số” (EMPoWR/ Em Vui) được triển khai từ tháng 6/2020 đến hết tháng 6 năm 2023 tại 4 tỉnh 11 huyện 52 xã của tỉnh Hà Giang, Lai Châu, Quảng Bình và Quảng Trị. Dự án do Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) và tổ chức Plan International Việt Nam cùng triển khai thực hiện, với sự đồng tài trợ của Liên minh châu Âu (EU) và tổ chức Plan International Bỉ. Mục tiêu tổng quát của dự án là các trẻ em gái, em trai, nam nữ thanh niên các dân tộc thiểu số (từ 10 đến 24 tuổi) sử dụng không gian kỹ thuật số để tìm hiểu và tiếp cận quyền lợi của họ, tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ và đóng góp ý kiến của mình cho các nhà hoạch định chính sách.
Các đối tác của dự án là Các cơ quan chính phủ (Cục Trẻ em thuộc Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Cục An toàn Thông tin thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, Vụ Dân tộc Thiểu số thuộc Ủy ban Dân tộc), chính quyền địa phương, các cơ quan đoàn thể (Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên), các cơ quan báo chí - truyền thông, các tổ chức xã hội là thành viên của Mạng lưới Ngăn ngừa và Ứng phó Bạo lực Giới tại Việt Nam (GBVNet) và nhóm các Tổ chức làm về Quyền trẻ em (CRWG) cùng các cơ quan, đơn vị, cá nhân đang làm trong lĩnh vực liên quan. Đối tượng đích của dự án là 17.200 em thanh thiếu niên dân tộc thiểu số trong độ tuổi từ 10 đến 24 tuổi được hưởng lợi trực tiếp từ những hoạt động của dự án, cho đến khi kết thúc giai đoạn thực hiện, Dự án kỳ vọng sẽ lan tỏa thông tin tới hơn 57.400 em vùng dân tộc nữa trên khắp 4 tỉnh dự án.
Dự án Em Vui trình bày tóm tắt những kết quả hoạt động phối hợp với các tổ chức xã hội và các cơ quan báo chí – truyền thông trong việc chung tay hành động phòng chống tảo hôn và phòng chống mua bán người thuộc khuôn khổ dự án Em Vui; giới thiệu các sản phẩm giáo dục – truyền thông của nền tảng Em Vui như: Bộ phim hoạt hình “Hành trình của Mỉ” – 12 tập phim, Bộ truyện tranh “Hành trình của Mỉ”, truyện tranh “Đừng mắc bẫy” & “Đừng vội lấy chồng sớm”, các video minh họa, tài liệu học, tiểu phẩm, phóng sự…; cùng với các tổ chức xã hội và các cơ quan báo chí – truyền thông cùng trao đổi kinh nghiệm và đánh giá mô hình “Nền tảng Em Vui” trong việc phòng chống tảo hôn và phòng chống mua bán người cho thanh thiếu niên dân tộc thiểu số và đề xuất những giải pháp, sáng kiến duy trì tính bền vững của nền tảng Em Vui sau khi Dự án Em Vui kết thúc vào tháng 6 năm 2023.
Phát biểu tại chương trình, Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS), Giám đốc dự án Em Vui, chia sẻ, “Dự án Em Vui trân trọng cảm ơn sự quan tâm và đồng hành của các cơ quan hữu quan, các tổ chức xã hội, các cơ quan báo chí – truyền thông trong suốt thời gian vừa qua. Sau một thời gian xây dựng, nền tảng trực tuyến Em Vui đã chính thức ra mắt và vận hành từ tháng 9/2021. Em Vui đã thực sự trở thành một người bạn tin cậy của hàng nghìn thanh thiếu niên dân tộc thiểu số và là một kênh thông tin hữu ích cho các thầy cô giáo và các cán bộ địa phương. Sản phẩm giáo dục truyền thông của Em Vui được chúng tôi xây dựng rất thân thiện, gần gũi với các em, giúp các em dễ dàng tìm hiểu các thông tin và trang bị các kỹ năng cần thiết để phòng tránh tảo hôn và mua bán người”.
Nền tảng Em Vui còn là một không gian mở thu hút sự tham gia và kết nối các cá nhân, cơ quan, tổ chức hữu quan cùng chung tay truyền bá kiến thức, kỹ năng và lan tỏa các thông điệp, hữu ích cho các bạn thanh thiếu niên ở khắp mọi miền đất nước. Đây cũng là một diễn đàn đối thoại giữa các em thanh thiếu niên dân tộc thiểu số với các nhà hoạch định và quản lý thực hiện chính sách từ các cơ quan hữu quan các cấp.
Nền tảng Em Vui bao gồm 01 website tại: https://emvui.vn, 01 ứng dụng điện thoại có thể tải về từ kho ứng dụng CH Play và App Store tên Em Vui, 06 kênh mạng xã hội Facebook, Tiktok, Zalo, Youtube, Instagram và Twitter đều có tên là #DuAnEmVui. Trong 6 tháng qua, trung bình mỗi ngày có gần 400 lượt truy cập, trong đó đa phần là các em thanh thiếu niên dân tộc thiểu số tại các địa bàn dự án là Hà Giang, Lai Châu, Quảng Bình và Quảng Trị.
Em Thèn T H người dân tộc Nùng ở huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang chia sẻ cảm nhận về nền tảng Em Vui trong chương trình: “Em rất thích các nội dung trên nền tảng Em Vui. Thông qua các video, các tài liệu em đã nắm được về nội dung phòng chống tảo hôn và phòng chống mua bán người. Trong các sản phẩm của nền tảng Em Vui, em thích nhất là xem và học qua bộ phim hoạt hình “Hành trình của Mỉ”.
Cô giáo Nguyễn Thị Hồng, giáo viên tại Hà Giang chia sẻ trong chương trình: “Bản thân tôi cũng như các thầy cô giáo khác thường sử dụng các tài liệu trên nền tảng Em Vui trong các giờ học ngoại khóa, các video, câu hỏi dùng trong các cuộc thi tìm hiểu kiến thức về phòng chống tảo hôn và mua bán người. Ngoài ra các giờ học kĩ năng sống hay ngoại khóa chúng tôi cũng sử dụng các nguồn tài liệu đa dạng trên“Thư viện” của Em Vui. Đó là một kho tài liệu rất bổ ích, lý thú cho cả thầy và trò trong việc tìm hiểu kiến thức về nhiều chủ đề khác nhau. Chúng tôi nhận thấy bộ phim “Hành trình của Mỉ” là các em thích nhất, ngoài ra các em cũng rất hào hứng với các truyện tranh khác”.