Để ngăn chặn những thảm án nhân danh tình yêu?

Hạ Thi (thực hiện)
Chia sẻ

(PNTĐ) -Hành động yêu không được thì giết chết bạn tình, hoặc dùng cái chết để níu kéo tình yêu của một bộ phận giới trẻ đã khiến cho các vụ thảm án tình yêu gia tăng trong thời gian gần đây. Điều này đã để lại hậu quả đau lòng cho gia đình nạn nhân và thủ phạm. Làm thế nào để ngăn chặn những thảm án đau lòng này? Báo Phụ nữ Thủ đô đã có cuộc trao đổi với chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn (Giám đốc Công ty Tư vấn tâm lý-Đào tạo và phát triển cộng đồng) về vấn đề này.

Để ngăn chặn những thảm án nhân danh tình yêu? - ảnh 1
Lực lượng chức năng đang lấy lời khai của Phan Thanh Hoàng - thủ phạm ra tay sát hại người yêu cũ và bạn trai rúng động tại Bắc Ninh đêm 24/10 Ảnh: H.T 

Vụ thảm án vì tình khiến một người tử vong, một người bị thương nặng vừa xảy ra ở Bắc Ninh đêm ngày 24/10 vừa qua một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về gia tăng những vụ án hận tình trong thời gian gần đây. Trên quan điểm của mình, ông có cho rằng tình yêu của giới trẻ thời hiện đại đang có “vấn đề”?

Có thể nói ngày nay đang có hiện tượng cách hành xử của những người trẻ và cả những người không còn trẻ “có vấn đề”, chứ không chỉ trong tình yêu. Anh em cãi cọ nhau, bạn bè tranh luận trong bàn nhậu, con xin tiền bố không cho, mẹ nặng lời với con, tình nhân bỏ rơi quá nhanh, quá sốc, níu kéo không được, bị bố mẹ bạn gái ngăn cản mối quan hệ… đều có thể xảy ra thảm án tàn độc. Những gì chúng ta nhìn thấy chỉ là hậu quả tích tụ của nhiều uẩn ức, cảm xúc tiêu cực không được tháo gỡ, hoá giải. Phải dùng bạo lực để giải quyết mọi vấn đề mâu thuẫn trong cuộc sống là thể hiện sự bất lực, không tìm ra giải pháp nào hữu hiệu hơn. 

Thủ phạm gây ra các vụ thảm sát bị lên án, đây là đúng, là cần thiết, nhưng cũng cần nhìn nhận vấn đề ở tầm xa hơn. Để từ đó, chúng ta có kế sách trong giáo dục trẻ em, thanh thiếu niên trong gia đình, nhà trường. Bởi nếu chỉ lên án mạnh mẽ, xử phạt nghiêm khắc thì chưa chắc đã giải quyết tận gốc vấn đề.

Ông có thể lý giải vì sao ngày nay, bạo lực tình yêu đang có xu hướng gia tăng, là do giới trẻ thiếu kỹ năng sống khi yêu hay vì nguyên nhân nào khác?

Nguyên nhân đầu tiên phải thuộc về cá nhân, nhân cách của mỗi thủ phạm. Chính họ phải chịu trách nhiệm về những gì mình gây ra, không vơ đũa cả nắm hay đổ lỗi chung chung là tại gia đình buông lỏng, tại nhà trường chỉ chú trọng “dạy chữ” mà chưa “dạy người” hay tại xã hội bất an, bất ổn như nhiều người phân tích. Nếu phân tích theo hướng như vậy sẽ là “hoà cả làng”, ai cũng có lỗi. Chúng ta cứ thử hỏi, tại sao cùng sống trong môi trường xã hội như nhau, được giáo dục như nhau, sao có những thanh thiếu niên trở thành ưu tú, gương mẫu, ngược lại có em trở thành tội phạm, nghịch tử.
Nguyên nhân thứ hai, không phải các em thanh thiếu niên thiếu kỹ năng sống, mà thiếu những giá trị sống, lý tưởng sống đúng đắn. Các em chẳng còn có niềm vui, niềm khát khao nào lớn hơn là “được yêu”, sống quanh quẩn với cái “tình yêu nhỏ bé”, để rồi nghĩ rằng không có tình yêu, mình sẽ không thể sống được hay có sống cũng không có ý nghĩa. Giá các em được dạy rằng “đời còn dài, bạn gái còn nhiều”, “thua keo này ta bày keo khác”, “cánh cửa này khép lại sẽ có cảnh cửa khác (to hơn) mở ra”; rằng “biết đâu chia tay lại là may mắn, mình có cơ hội đến với người khác phù hợp hơn”… thì đâu đến nỗi xảy ra thảm án. Giá các em được học hành tử tế, đang có công ăn việc làm ổn định, sống trong môi trường lành mạnh, có kỷ luật, có cơ hội thể hiện bản thân, say mê với những sáng kiến này, dự án nọ, chắc nỗi buồn thất tình của các em không đến nỗi quá lớn, để rồi phải huỷ diệt người khác để… hả giận.

Điều tiếp theo, trong một vài vụ án, cách ứng xử của nạn nhân cũng “non tay”, đẩy thủ phạm đến chỗ không làm chủ được cảm xúc nóng giận. Chia tay quá nhanh, đến với tình mới cũng nhanh, cãi nhau và tung thông tin xấu lên mạng nhằm bôi nhọ nhau… là những điều cần “rút kinh nghiệm”.

Cuối cùng, đừng quên rằng xã hội chúng ta ít quan tâm đến chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ tinh thần. Có tới 10 - 15% dân số “có vấn đề tâm lý”, nhưng chỉ thật sự những người có bệnh như trầm cảm nặng, tâm thần phân liệt… mới được đưa đến bệnh viện, còn lại là sống lẩn quẩn trong cộng đồng. 

Trong vụ thảm án ở Bắc Ninh, thủ phạm mới 19 tuổi nhưng đã có sự chuẩn bị về tâm lý khi hành động như: Viết “tâm thư” đăng trên FB rồi mới thực hiện, mức độ ra tay của thủ phạm rất tàn độc… khiến nhiều người hoang mang lo lắng và cho rằng đây cũng là một “sản phẩm” ảnh hưởng bởi mặt tối của thời công nghệ, khi mà trẻ tiếp xúc được những luồng thông tin xấu độc tràn lan. Theo ông điều này có đúng không?

Một số vụ án, thủ phạm hành động bột phát. Tuy nhiên, trong vụ ở Bắc Ninh, thủ phạm đã nung nấu hành vi phạm tội, ý thức được rằng ra tay là bị bắt, nên sau khi xảy ra vụ việc, “ung dung ngồi chờ” cơ quan chức năng đến. Thủ phạm đã đau khổ, nhưng rất cô đơn, không chia sẻ với ai, không ai được biết để có lời khuyên, có hành vi ngăn ngừa. Cô đơn, ít giao tiếp, ngại chia sẻ, sống ảo hơn là sống thật… đã đẩy con người tới chỗ làm sai một mình. Công nghệ, internet, mạng xã hội không phải là nguyên nhân chính, mà sự lạm dụng, lệ thuộc vào nó, khiến một bộ phận thanh niên bị “ô nhiễm đầu óc” là có thật.

Thực tế cho thấy, đã có rất nhiều vụ thảm án tình yêu diễn ra với mức độ nghiêm trọng, để lại hệ lụy đau lòng cho gia đình nạn nhân lẫn thủ phạm. Điều đáng nói là thủ phạm sẵn sàng nhận bản án kết tội của tòa án, hoặc tự sát ngay sau khi gây tội ác. Theo ông làm thế nào để ngăn chặn được những thảm án tình yêu đau lòng này?

Thật sự khó có một vài giải pháp hữu hiệu, mà cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, chuẩn bị từ xa, từ sớm, chứ không phải đợi xảy ra thảm án rồi mới lên án và xử phạt. 

Trẻ em phải được học, được vui chơi, không bị gây áp lực. Cha mẹ có nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, cho các con ăn học tử tế, không để các em bỏ học sớm, ra đời kiếm sống quá sớm, khi kinh nghiệm sống còn non nớt. Nhà trường cũng phải là nơi các em được tôn trọng, được lắng nghe, giãi bày, giải toả tâm lý, chứ không phải chỉ học và học, thi và thi. Các em phải được dạy kỹ năng sống, đặc biệt là giá trị sống đúng đắn. Các em phải được dạy đối mặt với những áp lực từ cuộc sống, nếu khó khăn quá, phải biết chia sẻ với ai, cầu cứu sự hỗ trợ từ đâu, tránh một mình nghĩ, một mình hành động sai trái. 

Bên cạnh đó, các vụ bạo lực xã hội phải được xử lý nghiêm và đầy đủ, không chỉ là những vụ án liên quan đến yêu đương. Công tác tuyên truyền pháp luật, nâng cao nhận thức cộng đồng cho mọi người dân phải được thực hiện liên tục, thường xuyên, không phải đợi “tháng hành động”, “tuần pháp luật” mới làm…

Trân trọng cảm ơn ông!

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Xả thân để “đất nước nở hoa độc lập”

Xả thân để “đất nước nở hoa độc lập”

(PNTĐ) - Trong những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi đến thăm Thượng tá, cựu chiến binh Đinh Văn Chiến, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội - người đã từng tham gia chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ngày 30/4/1975. Đã 49 năm trôi qua, nhưng những ký ức hào hùng của một giai đoạn lịch sử vẫn còn mãi trong người chiến sĩ thương binh bộ đội Cụ Hồ anh dũng, quả cảm.
Những người trẻ yêu Tổ quốc trong thời bình

Những người trẻ yêu Tổ quốc trong thời bình

(PNTĐ) - Không còn chiến tranh, không còn chia cắt, đất nước Việt Nam giờ đây vươn mình mạnh mẽ hội nhập với thế giới. Thế hệ thanh niên ngày nay cũng hướng đến trở thành những công dân toàn cầu, ham học hỏi, đầy tài năng. Và hơn hết, trong trái tim mỗi người đều một lòng yêu nước nồng nàn, tha thiết.