Đề xuất xử “phạt nguội” ô tô bằng camera: Nguy cơ chỉ làm hình ảnh… tư liệu
PNTĐ-Việc xử lý vi phạm giao thông bằng hình ảnh thời gian gần đây lại “nóng” lên sau khi Giám đốc Công an Hà Nội đề xuất thí điểm xử lý “phạt nguội” ô tô bằng camera.
Đây là giải pháp hiện đại và tất yếu trong xu thế quản lý giao thông bằng hệ thống giao thông thông minh. Tuy nhiên, phạt nguội trong điều kiện cơ sở hạ tầng như hiện nay không dễ!
![]() |
Ngã tư Chùa Bộc – Thái Hà – Tây Sơn được lắp camera giám sát |
Xu hướng tất yếu…
Thượng tá Trần Sơn – Phó trưởng phòng Tuyên truyền và hướng dẫn luật (Cục CSGT đường bộ đường sắt – Bộ Công an) cho biết, việc lắp đặt camera đã được thực hiện có hiệu quả ở một số thành phố và nhiều đoạn tuyến quốc lộ quan trọng. Đây là xu hướng tất yếu trong hệ thống quản lý giao thông thông minh, giúp giảm thiểu lực lượng cảnh sát túc trực trên đường, giám sát tình hình trật tự trị an nói chung như kiểm soát nạn cướp giật, đua xe trái phép…
Camera cũng hỗ trợ lực lượng CSGT nắm tổng quát tình hình giao thông, đưa ra nhiều phương án phân luồng, tránh ùn tắc giao thông... Ô tô là loại hình phương tiện được CATP Hà Nội lựa chọn để triển khai thí điểm đầu tiên. Việc nộp phạt thực hiện bằng cách trực tiếp sau khi nhận được giấy báo hoặc khi đưa xe đi đăng kiểm theo định kỳ.
Trên thực tế, năm 2013, Phòng CSGT (CA TP Hà Nội) phối hợp với Cục CSGT đường bộ, đường sắt đã lắp đặt hệ thống camera trên tuyến quốc lộ 1B và một số nút giao thông quan trọng. Qua hệ thống camera giám sát, CSGT đã xử lý 460 trường hợp vi phạm, tạm giữ 460 bộ giấy tờ, tước 102 bộ giấy phép lái xe, gửi 113 thông báo vi phạm cho cơ quan, tổ chức, cá nhân...
Nhưng phạt được không dễ
Việc xử phạt bằng hình ảnh có tác dụng răn đe cao nhưng để biện pháp “phạt nguội” khả thi, chất lượng camera phải thực sự đảm bảo, cho hình ảnh rõ nét. Ngay yêu cầu cơ bản này cũng còn… lắm gian nan! Toàn TP có hơn 2.150 nút giao thông, nhưng mới chỉ hơn 30 nút được trang bị camera, 52 nút được trang bị camera của kênh VOV.
Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội, hầu hết camera chỉ có nhiệm vụ giám sát, theo dõi giao thông. Để có thể ghi và lưu lại hình ảnh rõ nét phục vụ việc xử phạt vi phạm giao thông thì cần phải được đầu tư, nâng cấp. Chưa kể vào giờ cao điểm, xe nọ sát xe kia, biển số xe nhiều khi không thể ghi lại chính xác. Chỉ cần 1 trong 4 yếu tố quan trọng nhất là biển số xe, hành vi vi phạm, thời gian và địa điểm vi phạm không rõ ràng, CSGT chỉ có thể giữ hình ảnh làm… tư liệu.
TS Nguyễn Xuân Thuỷ- nguyên Giám đốc NXB Giao thông vận tải cho rằng, điểm khác biệt giữa “phạt nguội” và phạt “nóng” tại chỗ là khi lập biên bản tại chỗ, CSGT sẽ “nắm đằng chuôi", tạm giữ một số giấy tờ tùy thân buộc người vi phạm phải đóng phạt theo lịch hẹn. Còn với phạt nguội, việc chuyển “giấy mời” đến khổ chủ tốn khá nhiều thời gian. Ngay cả khi xác minh được biển số, tên chủ xe vi phạm, nhiều trường hợp vẫn không tìm được người vi phạm thực sự vì xe không chính chủ; xe cho mượn; xe đăng ký ngoại tỉnh sau đó lên thành phố tạm trú... thì việc xử lý nan giải gấp bội. Chưa kể, quyết định xử phạt hành chính chỉ là quyết định dân sự, không phải hình sự nên người vi phạm vẫn tìm cách né tránh.
Theo ông Thủy, camera giám sát chỉ là giải pháp thứ yếu, muốn thực hiện được việc xử phạt nguội qua camera giám sát thì trước hết phải hoàn tất lộ trình đổi xe chính chủ. Đồng thời thực hiện đồng bộ các giải pháp, nâng cao chất lượng hạ tầng và hệ thống giao thông công cộng: “Nếu đường tốt, giao thông công cộng đầy đủ thì người dân không sẽ vi phạm giao thông nhiều như hiện nay. Có hệ thống giao thông tốt thì văn hóa giao thông của dân mình không hề thua kém các nước khác”.
Lê Bích